Từ một thông báo của công an huyện, nghĩ về việc bưng bít thông bít thông tin của đảng cầm quyền - Dân Làm Báo

Từ một thông báo của công an huyện, nghĩ về việc bưng bít thông bít thông tin của đảng cầm quyền

Photo: Ngoc Nam
Thế Hiển (Danlambao) - Vừa qua Công an huyện Si Ma Cai ra một thông báo trong 6 tháng có 16 trường hợp bị bắt cóc và mỗ lấy nội tạng, kêu gọi người dân cảnh giác. Ngay sau đó Công an tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Bộ Công an đã “cải chính” cho rằng không có việc đó xảy ra ở vùng biên giới Việt Trung. Việc “cải chính” thông tin thông báo này, cũng như một số biểu hiện lập lờ, ém nhẹm, bưng bít thông tin của Chính quyền trong thời gian gần đây đã lộ rõ hơn bản chất bưng bít, dối trá thông tin. Nó cũng vốn là “thủ thuật” tuyên truyền của Đảng cầm quyền trong suốt mấy chục năm qua.

Nguyên văn nội dung thông báo của Công an huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai do Thượng tá Trịnh Minh Phú - Phó trưởng Công an huyện, ký như sau: “Ngày 27/7/2016, Công an huyện Si Ma Cai nhận được công văn số 1177/CAT-PV11 Công an tỉnh Lào Cai thông báo: Tại địa bàn giáp ranh Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 16 vụ/ 16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt…)”

“Qua xác minh nắm được các đối tượng là người Trung Quốc, tổ chức thành từng nhóm từ 3 đến 5 đối tượng, sử dụng xe ô tô (không biển kiểm soát), đối tượng tập trung vào gia đình có người già, trẻ em ở, học sinh các trường tổ chức đi học ngoại khóa, trẻ em đi chăn thả gia súc, làm nương rẫy …”

Đây là một văn bản hành chính đầy đủ, rõ ràng rành mạch, đúng nguyên tắc cả nội dung lẫn hình thức. Một thông tin “động trời” như thế, liệu Công an huyện Si Ma Cai có dám tự động vẽ ra?!

Ông Bình Trưởng Công an huyện Si Ma Cai xác nhận: "Tôi đang không ở cơ sở tuy nhiên đây là công văn thật. Mục đích thông báo là để tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác”.

Tuy nhiên sáng 11/8, trao đổi với PV, Đại tá, Tiến sĩ Đinh Tiến Quân, giám đốc Công an tỉnh Lào Cai cho biết: "Thông tin này chưa chuẩn". Đại tá Tạ Quang Huy, phó giám đốc Công an tỉnh Hà Giang thì cho biết ông “sững sờ”, “sốc” khi nghe thông tin “tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng”. 

Tại sao lại có chuyện ngược đời như vậy? Dù có thoáng một chút nghi ngờ, nhưng sau đó người dân hiểu chuyện không lấy làm lạ lắm với kiểu “cải chính” của cấp trên như thế này. Người dân biết rõ họ muốn làm gì. Họ đã ém nhẹm, bưng bít thông tin, họ muốn để cho mọi người thấy tình hình biên giới yên ổn, không náo động lòng dân, họ muốn để cho người Việt thấy rằng người Trung Quốc không có sang Việt Nam bắt người mỗ lấy nội tạng. Sự thật là không muốn động chạm mất lòng “ông anh”. Cũng như TBT Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói “Tình hình biển đông không có gì”

Việc cá chết hàng loạt những ngày đầu tháng tư, ở 4 tỉnh miền trung, dân chúng nghi ngờ xôn xao, nghi ngờ, và có một số bằng chứng cho rằng nhà máy Formosa Hà Tĩnh thải chất độc, nhưng các cơ quan chức năng Nhà nước ém nhẹm thông tin. Giới truyền thông nhà nước, hơn ngàn cơ quan với loại hình báo chí đều “câm như hến”. Dân chúng kêu than, biểu tình, đòi manh động, rồi sau nhiều lần úm a úm ớ, nói lòng vòng, tránh né, không đâu ra đâu, bịa ra lý do là “do thủy triều đỏ” tảo nở hoa,” “Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra cá chết”… một Thứ Trưởng còn dở giọng “cá chết không liên quan gì với nhà máy Formosa".

Trong vòng chưa đầy ba năm nay, có gần 4.500 tàu cá của ngư dân Việt Nam bị bắn phá, đâm chìm và bắt bớ trên biển Đông, có hơn 2000 ngư dân bị bắt bớ, đánh đập và bắn giết. Vậy mà báo chí Nhà nước vẫn im re. Khi sự việc đổ bể, thì báo quốc doanh mới lên tiếng. Nhưng đưa tin rất ít, rất dè dặt và khi nói đến tàu Trung Quốc thì dùng từ “tàu lạ”, tàu “nước ngoài”. Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Ngư dân Việt Nam sờ sờ ra đó, thì nói là tàu va chạm nhau. Độc hại hơn nữa họ xem việc tàu Trung Quốc đâm chìm, bắt bớ đánh đập, bắn giết ngư dân Việt Nam là việc va chạm nhỏ, “anh em trong nhà còn xích mích…”. Tháng 3 năm 1988 hải quân Trung Quốc xua quân bắn giết 64 chiến sỹ, mà Quân đội Việt Nam được lệnh không một tiếng súng bắn trả, để cho chúng chiếm ngọt sớt đảo Gạc Ma. Báo chí Nhà nước tuyệt nhiên im phăng phắc không một câu một từ nói tới. Mãi cho đến sau này, khi chuyện đó ai cũng biết, thì mới ậm ừ nói qua loa vài chi tiết.

Mật ước Thành Đô năm 1990 giữa TBT Đảng CSVN với Đảng CSTQ nói gì, hoặc Công hàm mà Thủ Tướng Phạm văn Đồng ký năm 1958 với Trung Quốc nội dung gì. Đó là những tử huyệt mà Đảng cầm quyền ém nhẹm “chết mang theo”. Báo chí Nhà nước dĩ nhiên “không biết không hay”. Tất nhiên những thông tin đã rò rỉ và người ta biết nó qua những kênh thông tin khác.

Trở lại cái thông báo của Công an huyện Si Ma Ca. Nếu không phải dựa vào thông báo của Công an tỉnh Lào Cai, để cho dân chúng biết, cảnh giác phòng ngừa, thì Công an huyện Si Ma Ca tự vẽ ra một thông tin động trời. Một cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ sự bình an của nhân dân, một đơn vị hành chính cấp huyện mà tự dưng bịa ra một thông báo làm hoang mang, xáo trộn đời sống người dân, phải xử lý ra sao? Không thể đỗ lỗi cho “thằng đánh máy” nào sơ suất đến nỗi toàn bộ văn bản một thông báo hoàn chỉnh. Thậm chí từng dấu phẩy cũng được cân nhắc. Vậy thì không chỉ ém nhẹm, bưng bít thông tin, mà chính quyền hiện nay còn có việc bịa ra thông tin làm người dân hoang mang nữa sao?!

Đưa một vài ví dụ trong hàng ngàn trường hợp, để thấy rằng, báo chí Nhà nước, tuân theo lãnh đạo của Đảng cầm quyền là bưng bít, ém nhẹm, dối trá trong thông tin khác.

Những việc làm là này ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng nó cứ diễn đi diễn lại suốt mấy mươi năm qua, từ khi chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời dưới sự “lãnh đạo tài tình của Đảng”.

Bưng bít và dối trá thông tin vốn là cái bản chất của CSVN.

20.08.2016




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo