S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - "Trung quốc có biên giới với hàng chục chục nước, có nước rất nhỏ bé, dân số chỉ có chưa đầy một triệu dân như Bhutan. Vậy mà Trung quốc không làm gì được, trong khi đó thì Trung quốc chỉ bắt nạt ta, chèn ép dân tộc ta. Sao thế?" Dân Quê, độc giả của trang Dân Luận.
"HL là một sinh viên ở một tỉnh miền Tây. Trong khi bạn bè rủ nhau trở thành cô dâu Đài Loan thì HL làm đơn xin đi lao động hợp tác. Cán bộ phường là một gã côn đồ, hống hách, xem dân như cỏ rác. HL cũng không thoát khỏi hoàn cảnh đó, vừa sợ hãi, vừa căm giận, vừa phải nhịn nhục khi đến xin chữ ký. "Cuối cùng em nghiệm ra rằng em là nô lệ cho sự sợ hãi của chính em và từ đó danh dự, nhân phẩm của em đã trở thành nô lệ cho chúng nó."
3 năm sau, HL về nước. Những cảm nhận ở nước ngoài làm HL có một nhận thức mới về chính mình. Ngày lên phường để khai báo, cũng tên cán bộ phường đó, cũng thái độ hống hách, coi thường người dân. "Em đã đứng thẳng dậy, nhìn thẳng vào mắt nó và rất nghiêm trang nhưng rất dữ, "quạt" nó cả 10 phút không ngừng nghĩ. Anh biết gì không? Mặt mày nó tái mét, khi em dừng nói nó bối rối dữ lắm, không biết phản ứng ra sao. Cuối cùng nó lí nhí xin lỗi và bỏ tuốt vào bên trong. Từ đó đến nay, thái độ của nó đối với em khác hẳn. Em ngộ ra một điều là qua nhiều năm, tụi em vì thời thế đã tự tạo cho mình khả năng tự vệ khi bị làm khó làm dễ; ngược lại có kẻ quen tấn công người khác thì không có khả năng phản ứng khi bị tấn công vì chưa có kinh nghiệm bao giờ. Tụi nó chỉ biết núp bóng bộ đồng phục ở trên người và cái bóng của hệ thống..."
Chuyện ni cũng na ná như nội dung của hàng trăm hoạt cảnh mà tôi đã được thấy qua youtube:
Mềm nắn rắn buông. Cái thói côn đồ xưa nay vẫn thế, bất cứ nơi đâu, và bất kể cả là loại côn đồ đứng đường huýt còi hay côn đồ bang giao quốc tế.
Cứ mỗi lần nhìn thấy phản ứng quyết liệt của một phụ nữ VN trước sự đe doạ của cường quyền, và thái độ bối rối/lo ngại (rồi) lẳng lặng rút lui của đám nhân viên công lực là tôi lại nhớ ngay đến bức ảnh ông Vương Nghị, chụp chung với bà Aung San Suu Kyi, vào ngày 5 tháng 4 năm 2016.
Hôm ấy, theo tường thuật của tờ The Global New Light of Myanmar thì ngài Ngoại Trưởng của nước lớn (bỗng) xụi lơ. Nói năng mềm mỏng và hoà nhã chưa từng thấy:
Mr Wang Yi said Myanmar has seen change in internal affairs but China’s friendly relations with Myanmar have remained unchanged, pledging that China would not interfere in the internal affairs of Myanmar. China supports the choice of the Myanmar people and I hope Myanmar will find itself on the right path in conformity with the country’s reality.”
(Ông Vương Nghị phát biểu rằng, Miến Điện đã có những đổi thay trong nội bộ của mình, nhưng quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Miến Điện vẫn không thay đổi. Ông cam kết Trung Quốc sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Miến Điện. “Trung Quốc ủng hộ sự chọn lựa của nhân dân Miến Điện và tôi hy vọng, Miến Điện sẽ thấy mình đang đi trên con đường đúng đắn, phù hợp với hiện thực của đất nước.” Bản dịch Bùi Xuân Bách).
Ngoại Trưởng Trung Cộng & Ngoại Trưởng Miến Điện. Ảnh: MNA
Chớ chuyện gì đã khiến cho ông Vương Nghị phải lật đật bay từ Bắc Kinh qua Nay Pyi Taw để chúc mừng tân chính phủ Miến Điện, với những lời lẽ hoà nhã và tình cảm (chứa chan) như thế?
Lý do, giản dị, chỉ vì Miến Điện đã tỏ thái độ cứng rắn và cương quyết với Tầu:
Thử tưởng tượng nếu Việt Cộng cũng dám bầy tỏ một thái độ quyết liệt tương tự (đình chỉ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, đóng cửa nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh, khởi kiện Trung Cộng ra toà án quốc tế vì những hoạt động bất hợp pháp ở biển Đông, bắt giữ và truy tố những chủ tầu lạ thường xuyên xâm nhập lãnh hải và gây rối cho ngư dân Việt Nam...) thì chuyện gì sẽ xẩy ra?
Những kẻ nắm quyền lãnh đạo hiện nay (chắc chắn) sẽ được sự ủng hộ của người dân, cùng sự hổ trợ và nể trọng của quốc tế - kể cả Trung Cộng. Nhưng đám Việt Cộng đời nào dám thế, vì thế nên Trung Cộng mới có thế "được chân lân đầu," và vừa doạ "sẽ dạy lại cho Việt Nam một bài học" nữa - theo như bản tin của VOA, nghe được vào hôm 1 tháng 8 năm 2016.
Trước lời đe doạ trắng trợn và xấc xược này, phát ngôn viên của bộ ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, đã "đáp trả" bằng một... lời đề nghị: "Đề nghị Trung Quốc không đe doạ bằng bạo lực!"
Lê Hải Bình - Ảnh Tuổi Trẻ
Đúng là mặt trơ trán bóng. Thiệt chán mớ đời! Sao mà yếu xìu vậy, cha nội?
Thái độ cầu an của Việt Cộng giải thích được, phần nào, câu hỏi (đã nêu) của độc giả Dân Quê:
"Trung quốc có biên giới với hàng chục chục nước, có nước rất nhỏ bé, dân số chỉ có chưa đầy một triệu dân như Bhutan. Vậy mà Trung quốc không làm gì được, trong khi đó thì Trung quốc chỉ bắt nạt ta, chèn ép dân tộc ta. Sao thế?"
Trăng với sao gì? Hèn hạ đến thế mà không bị bị bắt thì mới là chuyện lạ. Đời vẫn vốn không nương người thất thế mà Việt Cộng lại lựa thế qùi nên bị bợp tai và đá đít là lẽ tất nhiên.
Chỉ có điều cần minh định là không thể đồng nhất sự hung hãn của Đảng Cộng Sản Trung Hoa và sự bạc nhược của Đảng Cộng Sản Việt Nam với dân Tầu và dân Việt. Hai cái đảng ôn dịch này không có đủ tính chính danh và chính đáng để đại diện cho bất cứ ai ngoài chính chúng nó.
Có dân tộc nào mà ưa chuộng chiến tranh? Dân Tàu chả có lý do gì để hiếu chiến. Dân Việt Nam cũng thế. Tuy thế, dân tộc này chưa bao giờ ngại ngần trong việc chống lại ngoại xâm.
08.08.2016