Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh: Tôi chấp nhận tất cả, kể cả cái chết cũng không làm tôi phải ân hận - Dân Làm Báo

Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh: Tôi chấp nhận tất cả, kể cả cái chết cũng không làm tôi phải ân hận

Mai Tú Ân (Danlambao) - Trước tòa án xét xử của chính quyền CSVN, anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã dõng dạc tuyên bố: "Tôi vô tôi. Tôi tự hào vì những gì mình đã làm từ 9 năm qua- 7 năm làm báo và 2 năm đi tù."

Câu nói của anh giống như câu di ngôn nổi tiếng của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khi ông uống thuốc độc tự sát vào năm 1963: "Đời tôi để lịch sử xử". Có thể có sự khiên cưỡng trong hai lời nói, có sự sống chết giữa hai người nhưng tinh thần thì chỉ có một với sự bất khuất của những con người dám sống chết vì lý tưởng.

Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã ung dung tuyên bố trước tòa án của bạo quyền rằng, anh tự hào về 7 năm làm báo và 2 đi tù. Những năm làm báo lề dân như của anh thì cũng có thể có nhiều người có thể tự hào, nhưng những năm tháng tù đầy gian nan, trong gông xiềng bạo ngược, trong địa ngục trần gian... mà tuyên bố tự hào thì không có mấy ai đã làm được. Anh mạnh mẽ tuyên bố rằng, anh tự hào về 2 năm ở trong tù đó. Và tuyên bố điều tự hào đó trước tòa án, trong khi thân vẫn đang phải trong cảnh tội tù, khi đường về nhà với gia đình, với vợ, con còn xa lắm...

Và cũng trước phiên tòa bất công đó, anh đã dõng dạc tuyên bố, như một kết luận hiển nhiên rằng: "Tất cả những gì đang diễn ra ngày hôm nay trên đất nước chúng ta đã chứng minh rằng, những việc tôi đã làm và những người đi trước đã làm là đúng đắn."

Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã kết luận một điều chắc nịch đó như một điểm tựa cuộc đời không bao giờ sai rằng, con đường anh và những người đi trước đã đi là con đường đúng đắn cho dân tộc. Con đường vừa gập ghềnh, diệu vợi vừa gian nan, mịt mù đó là con đường duy nhất mở ra cho những người dấn thân, người đấu tranh cho dân chủ, tự do, cho công bằng xã hội, cho hạnh phúc của người dân. Đó là con đường mà những kẻ sĩ thế kỷ 21 như các tiền nhân, như anh phải mò mẫn đi tiên phong, lại chính là con đường duy nhất đưa dân tộc ta đến với ánh sáng mặt trời. Đó là điều mà có lẽ anh đã ngộ ra từ lâu, từ cái ngày bắt đầu bước vào làng báo lề dân 7 năm về trước đó rồi, và hôm nay trước tòa án của lũ đê hèn, anh đã xác quyết lại cho mình con đường đi ấy. Con đường mà dòng máu sôi sục của tổ tiên, của dân tộc và các bậc tiền nhân sáng chói khác đang cuộn chảy trong huyết quản anh và nó réo gọi anh lên đường, réo gọi anh dấn thân để đáp lời sông núi...

Và khúc ca bi tráng mang tên Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã tạm đóng lại với tiếng hùng ca dữ dội nhất nhưng cũng chân thành giản dị nhất: "Tôi chấp nhận tất cả, kể cả cái chết cũng không làm tôi phải ân hận."

Một lời tuyên ngôn hùng mạnh, hay một lời giã biệt gửi đến người vợ hiền, đứa con dại, cùng với sự lì lợm bản năng của một kẻ sĩ Bắc Hà luôn được vùng đất ngàn năm văn vật hun đúc... Có tất cả trong câu nói đó, câu nói mà tôi tin từ hôm nay sẽ là một câu nói nổi tiếng ghi danh đời đời của một con người ở trên cả sự can trường, mạnh mẽ nhất. Một câu nói không khoa trương hay lên gân nhưng lại là một câu về sự sống chết được nói ra, giản dị nhẹ nhàng như một câu nói vu vơ về những tía nắng sớm đầu đông, hay về cách chim nhạn lạc cuối trời thu. Của một người con trai chưa báo hiếu được cho cha mẹ, chưa trả nợ tình nghĩa vợ chồng mà đã vội đem thân trai vào nơi gió bụi, và sẵn sàng những điều đang làm đó mà đánh đổi tất cả, kể cả cái chết. Mà cái chết thì nhẹ như lông hồng trước gió...

Chỉ có anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và những con người quả cảm mà giờ đây không còn vô cảm trước cơ đồ dân tộc, trước vận hội của quốc gia, đã chấp nhận dấn thân, chấp nhận trả giá tất cả, kể cả phải nằm xuống bình thản như:

Anh nông dân buông cày nằm giữa ruộng,
Và thiếp đi trong giấc ngủ trưa hè...

Phải, đó là một tuyên ngôn giản dị, đó là một lẽ sống chân thành của anh. Một người cầm bút chân chính nhưng cũng là một chiến sĩ chấp nhận phơi thây nơi chiến hào. Chỉ để chứng tỏ một điều rằng, đời người cũng chỉ có một lần chết. Hãy sống sao cho xứng đáng với tổ tiên, với dân tộc và với bao tiền nhân sáng chói khác. Hãy sống làm sao để cho dân tộc Việt Nam yêu quí của chúng ta thấy rằng, nước Nam không thiếu những người Nam sẵn sàng đền nợ cho non sông, xứ sở...

Nếu là Người, tôi xin chết cho quê hương!

23.09.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo