Chuyện hai người trồng cây - Dân Làm Báo

Chuyện hai người trồng cây

Hà Nội trồng cây gưới gầm đường sắt Cát Linh. Có nhiều cây đã chạm vào gầm đường sắt
Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) - Hồ chủ tịch kêu gọi “Vì mục đích mười năm trồng cây. Vì mục đích trăm năm trồng người”. Đến nay, cây thì như thế, người thì sao? Không có điều kiện khảo sát chung cho mọi tầng lớp người trong xã hội, chỉ xét riêng cán bộ Đảng là những học trò cưng của ông thì thấy cán bộ lãnh đạo Đảng hầu như không người nào không tham nhũng, nhỏ tham nhũng nhỏ to tham nhũng khủng. Tổng Bí thư Đảng thì càng ngày càng xuống cấp. Hèn nhất, kém nhất là Tổng Bí thư đương nhiệm (Tổng Bí thư cuối cùng?), ông Nguyễn Phú Trọng. 

*

Ngày nay Singapore không chỉ được mệnh danh là con rồng về kinh tế của châu Á, mà còn được ngưỡng mộ như một con rồng xanh cỡ hành tinh tọa lạc ở Đông Nam Á. 

Singapore hiện đang được che phủ với mật độ cây xanh thuộc hạng cao nhất thế giới. Điều thần kỳ này chứa đựng một nghịch lý. Mặc dù người Singapore gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trồng cây so với các nước khác bởi quốc đảo này khan hiếm nước ngọt; đất canh tác hẹp, nông nghiệp không phát triển, thế nhưng bất chấp điều đó, trong hơn 25 năm qua, độ phủ cây xanh của Singapore từ chỗ chiếm 1/3 đã tăng lên đạt gần nửa tổng diện tích đất nước. Ngày nay Singapore không chỉ có vườn trong thành phố mà cả thành phố này ẩn hiện trong vườn.

Có 10 loại cây xanh phổ biến được trồng trên các tuyến phố của Singapore, đa số là họ nhà Fabaceae, nguồn gốc nhiệt đới Nam Mỹ, với độ cao trung bình khoảng 30m, đường kính 5-7m, có tán rộng để tạo bóng mát nhưng lại có lá nhỏ để không che chắn ánh sáng tự nhiên.

Đặc điểm nổi bật của những loại cây này là nó có khả năng đứng vững, chịu được mưa bão lớn ở một nước nhiệt đới như Singapore. Hiện tại có khoảng 2 triệu cây xanh được trồng dọc các tuyến đường, trong công viên và các khu dân cư tại Singapore.

Thủ đô Singapore khá chật, phần lớn là nhà cao tầng, nhưng hễ có chỗ đất trống nào thì đều được lấp bằng cây xanh. 

Các công trình kiến trúc thương mại ở Singapore đều được ứng dụng công nghệ xanh nhất thế giới như gắn pin năng lượng mặt trời trên mái hoặc cửa sổ, lắp đặt hệ thống thang máy và thang cuốn tiết kiệm năng lượng, hệ thống điều hòa không khí hiệu quả và có gắn phần mềm theo dõi lượng khí thải. Không những thế, các tòa nhà còn phủ xanh mái nhà những vườn cây để giảm nhiệt độ cho các căn phòng.

Bên cạnh đó, để làm giảm sự "thô cứng" của khung cảnh đô thị đầy rẫy cao ốc, thiên nhiên được hòa quyện khéo léo vào đô thị bởi một loạt các chiến lược "vườn trong phố, vườn tường, vườn mái, vườn ở bất cứ đâu",... khiến đâu đâu cũng trải một màu xanh ngút mắt.

Kế hoạch tổng thể xây dựng xanh lần thứ nhất ban hành năm 2006 yêu cầu tất cả các tòa nhà mới xây ở Singapore đều phải đạt chứng chỉ xanh. Chứng chỉ này được cụ thể hóa bằng các yêu cầu như: tòa nhà phải sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm triệt để nước và đảm bảo chất lượng tốt của không khí trong tòa nhà. Ba năm sau đó, trong kế hoạch tổng thể lần hai, Singapore đưa chứng chỉ xanh áp dụng vào các tòa nhà hiện có, với mục tiêu hàng đầu là tiết kiệm càng nhiều năng lượng càng tốt.

Tới đầu năm 2014, Singapore tham vọng triển khai kế hoạch tổng thế lần ba, tập trung vào việc thay đổi hành vi con người để cùng thực hiện chiến lược xanh. Theo đó, Singapore từ chỗ "vườn trong phố" đang trở thành "phố trong vườn", có nghĩa cả đất nước này sẽ là một khu vườn khổng lồ và phố xá nằm lọt trong mảng xanh bất tận đó. 

Singapore được như vậy là nhờ Thủ tướng Lý Quang Diệu. 

Ngày 16/6/1963 Thủ tướng tự tay cuốc đất trồng một cây thành ngạnh. Hành động lịch sử này dấy lên trong toàn quốc ý thức mạnh mẽ phủ xanh đất nước bằng cây trồng. Từ năm 1971, chính phủ Singapore quyết định chọn một ngày trong tuần thứ nhất của tháng 11 là Ngày Trồng cây toàn quốc mà bản thân Thủ tướng Lý Quang Diệu chưa hề vắng mặt ở bất kỳ lễ khai mạc sự kiện nào suốt hơn 50 năm qua. Ngày 2/11/2014, dù sức khỏe đã suy yếu đáng kể, ông vẫn tham gia lễ phát động Ngày Trồng cây cùng người dân Singapore.

Thiết kế Singapore trở thành “Thành phố trong vườn” và quốc đảo này như một chú rồng xanh cỡ hành tinh tọa lạc ở Đông Nam Á là giấc mơ Thủ tướng Lý Quang Diệu ấp ủ từ buổi đầu chấp chính.

Trong hồi ký Từ Thế giới thứ Ba đến Thế giới thứ Nhất, ông Lý Quang Diệu chia sẻ: "Sau khi độc lập, tôi luôn đau đáu suy nghĩ về những biện pháp để tách bạch hình ảnh Singapore với các nước Thế giới thứ 3. Tôi quyết định phải cải thiện môi trường và cảnh quan Singapore. Phủ xanh thành phố là kế hoạch hiệu quả nhất mà tôi từng phát động".

"Tôi cử người đi khắp nơi, đến các vùng xích đạo, vùng nhiệt đới, vùng cận nhiệt đới, để tìm những giống cây hoặc dây leo mới. Họ đến châu Phi, vùng Caribbean, châu Mỹ, và mang về một số giống cây mới. Chúng không nhiều, nhưng nếu bạn dành chỗ để trồng cây, để dây leo mọc lên, thì sự oi bức sẽ giảm và bạn có một thành phố khác hẳn", ông Lý Quang Diệu kể trong quyển The Man And His Ideas (xuất bản năm 1998).

Báo Straits Times cho biết, ngay trong thời gian du học tại trường Cambridge (Anh), ông Lý Quang Diệu đã rất quan tâm cách người Anh sắp đặt vị trí cây xanh trên các tuyến đường nhộn nhịp ở thủ đô London. Ông cũng dành thời gian tìm hiểu về đất đai, hệ thống thoát nước, phân bón và khí hậu.

Ở Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng phát động Tết Trồng cây và ngày 11-1-1960, ông đã đến trồng cây doi tại Công viên Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). 

Tuy nhiên, khác với Lý Quang Diệu, không chỉ kêu gọi mà còn tự mình tìm hiểu các giống cây trồng thích hợp và cử người đi khảo cứu cách làm ở các nước, Hồ Chí Minh chỉ làm thơ: “Mùa xuân là Tết Trồng cây, làm cho đất nước ngày ngày càng xuân” và ước định thành quả bằng mấy phép cộng, phép nhân đơn giản: “Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây. Mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất) chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà… Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…”(Bài viết nhân kỷ niệm 30 thành lập Đảng).

Kết quả là đất nước ta ngày càng trơ trụi. 

Lãnh thổ Việt Nam trải dài trên nhiều vĩ tuyến và đai cao, với địa hình rất đa dạng, hơn 2/3 lãnh thổ là đồi núi, lại có khí hậu thay đổi từ nhiệt đới ẩm phía Nam, đến á nhiệt đới ở vùng cao phía Bắc, đã tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên và sự phong phú về các loài sinh vật. Những hệ sinh thái đó bao gồm nhiều loại rừng như rừng cây lá rộng thường xanh, rừng nửa rụng lá, rừng rụng lá, rừng trên núi đá vôi, rừng lá kim, rừng tre nứa, rừng ngập mặn, rừng tràm...

Báo chí ta tố cáo mạnh mẽ chủ trương khai quang của đế quốc Mỹ, nhưng sau chiến tranh, diện tích rừng vẫn còn khoảng 9,5 triệu ha, chiếm 29% diện tích cả nước, nay chỉ còn lại 7,8 triệu ha, chiếm khoảng 24% diện tích cả nước. Tuy không bị đế quốc Mỹ khai quang, ở nhiều tỉnh phía bắc rừng tự nhiên giàu còn lại rất thấp: Lai Châu còn 7,88%, Sơn La 11,95%, Lào Cai 5,38%...

Dưới thời Pháp cai trị nhiều thành phố ta vẫn mượt mà xanh và rực rỡ hoa trong thi ca: “Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc”, “Mắt đen một mí cười sau liễu, bóng trúc che ngang mặt chữ điền” (Hàn Mặc Tử), “Bảo rằng hoa giống như tim vỡ” (TTKH) “Trong thành phố có vườn hoa đẹp, trong cuộc đời có em của ta” (Lưu Quang Vũ). “Bước tới đèo ngang bóng xế tà. Cỏ cây chen lá, đá chen hoa” (Bà Huyện Thanh Quan). “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nảo” (Nguyễn Bính), “Ngủ đi em, mộng bình thường. Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ. Cây dài bóng xế ngẩn ngơ” (Huy Cận) …

Theo tài liệu lưu trữ, cây xanh Hà Nội từng được trồng với 100 loài. Số lượng cây trồng khoảng 50.000 cây, gồm xà cừ (Khaya senegalensis) 5.000 cây, muồng 5.500 cây, bằng lăng 5.500 cây, phượng 3.800 cây, sữa 3.800 cây, bàng 2.800 cây, chẹo 2.000 cây, sấu 2.200 cây...

Xà cừ là loài được trồng nhiều ở các tuyến phố cổ, phố cũ với ưu điểm là cây cao, tán rộng. 

Đặc biệt là ngọc lan Magnoliaceae được trồng khá phổ biến có mùi hương của hoa rất thơm, quyến rũ và nồng nàn.

Sau khi ta đánh đuổi thực dân Pháp, tiếp quản Thủ đô và Hồ chủ tịch phát động Tết Trông cây, mật độ cây xanh tại các thành phố của ta còn lại bây giờ vào hàng thấp nhất thế giới. Hà Nội khoảng 50 cây/km2, Sài Gòn khoảng 1 cây/m2 !.

Hồ chủ tịch kêu gọi “Vì mục đích mười năm trồng cây. Vì mục đích trăm năm trồng người”.

Đến nay, cây thì như thế, người thì sao? Không có điều kiện khảo sát chung cho mọi tầng lớp người trong xã hội, chỉ xét riêng cán bộ Đảng là những học trò cưng của ông thì thấy cán bộ lãnh đạo Đảng hầu như không người nào không tham nhũng, nhỏ tham nhũng nhỏ to tham nhũng khủng. Tổng Bí thư Đảng thì càng ngày càng xuống cấp. Hèn nhất, kém nhất là Tổng Bí thư đương nhiệm (Tổng Bí thư cuối cùng?), ông Nguyễn Phú Trọng. 

Hà Nội ngày 30 tháng 9 năm 2016
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 5 ngõ 341 đường Trung Văn
Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo