Thái An (Đất Việt) - Cục trưởng Cục Việc làm lập luận dù ngư dân phải bỏ đi làm phu khuân vác thì tức là "đã có việc làm".
Là người thay mặt Bộ LĐ-TB-XH đánh giá tình hình và góp ý kiến xây dựng đề án "Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường" sau vụ việc của Formosa, bà Nguyễn Thị Hải Vân - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng người dân thất nghiệp không nhiều, thiệt hại vừa phải.
Dư luận cho rằng phát ngôn trên của bà Cục trưởng Cục Việc làm là vô cảm với nỗi đau, cái khó của người dân các tỉnh miền Trung.
Khẳng định mình "không vô cảm" khi nói như vậy, Cục trưởng Cục Việc làm lập luận dù ngư dân phải bỏ đi làm phu khuân vác thì tức là "đã có việc làm".
"Họ không phải thất nghiệp bởi vì họ vẫn có việc làm, nhưng thu nhập của họ bị giảm đi thì mình cũng phải hỗ trợ cho họ", bà Vân nói.
Để chứng minh, bà Vân dẫn lại báo cáo cho biết, khảo sát thực hiện tại 4 tỉnh thì có 3 tỉnh đã báo cáo, riêng Hà Tĩnh chưa có khảo sát nào.
Kết quả từ 3 tỉnh công bố, tỉ lệ thất nghiệp do Formosa xả thải giết chết biển miền Trung là có tăng nhưng không phải hoàn toàn là thất nghiệp.
“Trước sự cố, (tỉ lệ thất nghiệp ở) tỉnh Thừa Thiên-Huế là 3,3%, sau sự cố là 5,5%; Quảng Trị trước sự cố là 2,5% sau sự cố là 7,0%; Quảng Bình ảnh hưởng nhiều nhất thì trước sự cố là 2,1%, sau sự cố là khoảng 16,4%.
Đó là những số liệu có thể chưa hoàn toàn chính xác nhưng đấy là con số phản ánh ảnh hưởng của sự cố nhưng thất nghiệp không nhiều”.
Nhiều tờ báo dẫn lời bà Vân và cho biết tỉ lệ thất nghiệp không cao do người Việt "không bao giờ chịu ngồi yên".
"Người Việt Nam thì không bao giờ ngồi để chờ người khác mang lại việc làm và thu nhập cho mình cho nên sau sự cố là họ vẫn đi tìm kiếm việc làm”.
Cũng theo Cục trưởng Cục Việc làm, khảo sát cho thấy, thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng vừa phải.
Dẫn ví dụ bà Vân nói: "Ở Thừa Thiên-Huế, nghề khai thác thủy sản thì chênh lệch trước và sau sự cố khoảng 4,5 triệu; nuôi trồng thủy sản khoảng 6 triệu; diêm nghiệp 6 triệu; chế biến thủy sản khoảng 3 triệu; bán buôn bán lẻ, hậu cần nghề cá khoảng 3 triệu… ”.
Theo bà Vân, số liệu trên là do người dân khai báo, rất đáng tin cậy.
Tiếp tục than phiền vì cho rằng dư luận đang hiểu sai "ý tốt" của mình, bà Cục trưởng một lần nữa nhấn mạnh bà "không vô cảm".
Bà cho biết, nếu một người vô cảm thì không bao giờ vào tận nơi để khảo sát, xây dựng đề án xin bồi thường, hỗ trợ cho người dân nhanh đến vậy.
"Tôi tận tâm đến mức mà Bộ NN-PTNT đã làm xong đánh giá thiệt hại đâu mà bộ LĐ-TB-XH chúng tôi đã làm xong rồi.
Chúng tôi đang tích cực đề nghị tách riêng đề án (đền bù, hỗ trợ sau thảm họa) cho người lao động ra để đẩy đi trước. Còn bên kia (Bộ NN-PTNT, xây dựng đề án đền bù, hỗ trợ những người chủ bị thiệt hại) thì khi nào đánh giá thiệt hại xong người ta xây dựng đề án sau cũng được.
Như vậy thì phải thấy lòng nhiệt tình, tâm huyết của chúng tôi như thế nào; nên tôi buồn khi thấy dư luận đưa ra những lời đánh giá như thế, buồn lắm ấy", bà chia sẻ.