Huỳnh Anh Tú (Danlambao) - Công việc tuy bận rộn, nhưng thi thoảng tôi vẫn dành thời gian đến thăm các bạn cựu tù chính trị năm xưa, cùng nhau hàn huyên tâm sự. Chúng tôi, tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung một tấm lòng, một niềm trăn trở với tương lai đất nước này. Nhiều người trong số ba mươi tám anh em chúng tôi, đều lưu lạc xứ người, kẻ ở Cam Bốt, người ở Thái Lan. Cuối cùng lại gặp nhau trong cảnh ngục tù.
Sau khi mãn án, chúng tôi lại sống tha phương trên chính mảnh đất quê hương Việt Nam ruột thịt của mình. Không nơi ở, không nghề nghiệp, không giấy tờ tùy thân, gia đình ly tán. Sức lực đã bị vắt kiệt trong thời gian ở tù. Chẳng mấy ai dám gần gũi, giúp đỡ vì sợ mang vạ vào thân, sợ mang tiếng giao du với “phản động”. Khó sống nhất là bị công an, chính quyền o ép.
Và chúng tôi, không ai còn trẻ nữa.
Tôi muốn gửi đến bạn câu chuyện về một người tù: anh Lê Văn Minh. Anh lớn tuổi nhất trong ba mươi tám anh em chúng tôi. Anh Minh cũng từng là một người lính VNCH.
Lưu lạc và hồi hương
Anh Minh sinh ngày 9/3/1953 tại Campuchia. Anh có gương mặt khắc khổ, u buồn và chẳng mấy khi thấy anh cười. Anh thấp lắm, chỉ cao chừng 1,5m.
Cả ông nội và ông ngoại anh ngày xưa đều từng tham gia phục vụ chính quyền Pháp. Để tránh sự truy sát của Việt Minh, hai gia đình chạy trốn sang đất Campuchia sống lưu vong.
Cũng trên mảnh đất này cha mẹ anh đã gặp nhau và kết duyên vợ chồng. Họ sinh được ba người con. Anh Minh là người anh cả của hai cô em gái hiếu thảo, xinh xắn.
Cuối năm 1969, vào thời điểm đất nước Campuchia xảy ra binh biến, cha mẹ anh đã quyết định đưa gia đình trở về Việt Nam. Năm đó anh Minh mười sáu tuổi.
Trong quá trình làm thủ tục nhập cư cho các thành viên gia đình tại Sài Gòn, cha của anh rất lo lắng cho đứa con trai mình. Tuy đã mười sáu tuổi nhưng vóc dáng anh Minh cứ còi cọc như một đứa trẻ. Chỉ còn hai năm nữa là anh đến tuổi đăng lính, nên ông đã tìm người quen giúp “chỉnh sửa” năm sinh thấp xuống ba năm so với tuổi thật. Ông hy vọng khi đăng lính, con ông sẽ là một chàng trai mạnh khỏe, cứng cáp hơn.
Cuộc sống kinh tế gia đình thời gian đầu tại Sài Gòn vô vàn khó khăn. Là con trai lớn trong nhà, anh phải ra sức làm ăn để phụ giúp cha mẹ, anh tâm sự với tôi: “Thời gian đầu tôi làm đủ thứ công việc, từ phụ hồ đến phụ thợ sửa xe gắn máy. Sau vài tháng, có người quen giới thiệu làm “lơ xe” cho một chủ xe đò chạy tuyến đường Sài Gòn - Bắc Mỹ Thuận - Cần Thơ”.
“Minh lơ xe” dần dà trở thành cái tên thân thuộc đối với các tài xế, lơ xe và những người buôn bán trên tuyến đường này. Anh làm việc chăm chỉ, có trách nhiệm. Với bản tính hiền lành, chân chất, nên anh được nhiều người xung quanh yêu quí. Trên tuyến đường định mệnh này, tình cờ anh làm quen với một cô gái Sài Gòn tên Nguyễn Thị Ẩn xinh đẹp, giỏi giang. Rồi hai người nên vợ nên chồng.
Chị Nguyễn Thị Ẩn, vợ anh kể lại: “Hồi ấy tôi ở Sài Gòn và hay tới lui Bắc Mỹ Thuận để buôn bán, thấy ảnh “ngộ ngộ” nhỏ xíu mà nhanh nhẹn. Tôi thích chọc ghẹo ảnh lắm. Sau lần tìm hiểu mới biết, thì ra ảnh đã bằng tuổi mình chứ đâu còn nhỏ như mình tưởng đâu. Từ đó về sau tôi yêu ảnh hồi nào cũng không biết”.
Chị Nguyễn Thị Ẩn - Vợ anh Minh
Họ kết hôn vào ngày 26/10/1970. Chồng làm lơ xe, vợ bán bánh mì, cuộc sống tuy vất vả nhưng đầm ấm.
Gia đình chị Ẩn có năm anh chị em. Hai người anh trai đều đi lính VNCH, thuộc Sư đoàn 7 bộ binh và đóng quân ở vùng 4. Cả hai người đều hy sinh ngoài chiến trận. Chị Ẩn không nhớ chính xác hai người anh của mình thuộc đơn vị nào và hy sinh ở đâu.
Chị Ẩn kể tiếp: “Năm 1968, người anh cùng mẹ khác cha của tôi hy sinh. Năm đó anh ấy mới mười tám tuổi và mới ra trận lần đầu. Khi tôi lấy chồng được hai năm, gia đình tiếp tục nhận một hung tin nữa. Người anh trai ruột của tôi là Nguyễn Văn Na tử trận. Anh Na cũng giống như anh Tùng, hy sinh ngay lần đầu ra trận. Anh Na hy sinh năm 1972, cũng ở tuổi mười tám.”
Sự hy sinh của hai người anh trai ngay từ lần đầu ra trận ở tuổi mười tám luôn ám ảnh và là nỗi lo sợ của chị Ẩn. Với tâm trạng ấy, chị tiễn chồng lên đường đi chinh chiến.
Đời lính
Ngày 01/01/1974, Lê Văn Minh chính thức gia nhập lực lượng Địa Phương Quân của quân lực VNCH. Sau ba tháng quân sự tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung, anh được bổ nhiệm về Tiểu khu Hậu Nghĩa. Sau đó được phân bổ về chi khu Trảng Bàng.
Anh cho biết: “Lúc đó tôi là binh nhì, thuộc tiểu đoàn 337- Địa Phương Quân, đại đội 2, trung đội 3, tiểu đội 1. Tôi vẫn còn nhớ tên của các cấp chỉ huy trong đơn vị trước đây: Thiếu tá Phúc - Tiểu đoàn trưởng, đại úy Diệp - Tiểu đoàn phó, trung úy Trình - đại đội trưởng, thiếu úy Tú - đại đội phó, chuẩn úy Tín - Trung đội trưởng, trung sĩ Tro - Tiểu đội trưởng”.
Nhắc đến Trung sĩ Tro - tiểu đội trưởng, nét mặt anh Minh trở nên biến sắc và giọng nói trầm buồn hơn. Mặc dù Trung sĩ Tro đã tử trận cách đây bốn mươi hai năm, nhưng hình ảnh kiêu hùng của Tiểu đội trưởng tiểu đội 1 trước lúc lâm chung đã khắc sâu vào tâm trí của Lê Văn Minh.
Chi khu Trảng Bàng gồm có bốn Đại đội. Đại đội 1 đóng quân tại Bố Heo, Đại đội 2 đóng quân tại Đồng Ớt, Đại đội 3 đóng quân tại Suối Cao và Đại đội 4 nằm ở trong Tiểu đoàn đóng quân ở Già Rầy.
Vào giữa năm 1974, tại Suối Cao, chi khu Trảng Bàng, Đại đội 3 bị quân Việt cộng ồ ạt tấn công và cô lập.
Nhận lệnh tiếp viện, Đại đội 1 cùng Đại đội 2 cấp tốc chuyển quân đến Suối Cao.
Cuộc giao tranh mỗi lúc trở nên khốc liệt hơn.
Anh Minh và anh Lành cùng Tiểu đội trưởng Tro luôn đi sát bên nhau. Ba người đang tiến về phía trước quân Việt cộng, đột nhiên Tro ngã quỵ xuống và thốt lên: “tao bị trúng đạn rồi”.
Minh và Lành quay qua thấy hai tay của Tro bấu chặt vào đùi trái của mình. Không chậm trễ, Minh xé cái áo thun đang mặc, xiết chặt đùi phía trên vết thương. Hai người xốc Tro dậy và dìu đi. Tro phản ứng, hét lên:
- Tụi bây chạy trước đi, muốn chết cả ba hả!
- Tôi phải đưa anh ra khỏi đây. Tụi nó đông lắm, cũng sắp tới gần rồi. Anh Minh hối thúc.
- Anh cố lên, hãy cho chúng tôi làm tròn bổn phận. Anh Lành tiếp lời.
Anh Tro nhìn hai người bạn của mình không chớp mắt. Hai người bạn dìu người bị thương đi. Được khoảng một trăm mét, bỗng người Tiểu đội trưởng thét lên đau đớn. Cả Minh và Lành đều tưởng mình chạm vào vết thương khiến Tro đau đớn, nên họ thận trọng hơn và vẫn đi tiếp.
Tro cưỡng lại, quát to bằng giọng ra lệnh:
- Tụi bây buông tao ra! Chạy đi, không còn kịp nữa đâu!
“Tôi nhìn lên cánh tay trái của Tro thấy máu từ bên trong áo rịn ra. Lúc đó mới biết là anh lại bị trúng đạn tiếp”. Anh Minh bùi ngùi, rồi kể tiếp: “Hai hàng nước mắt của Tro chảy xuống, gắng gượng ra lệnh cho chúng tôi: -Một lần nữa tao ra lệnh tụi bây đi khỏi đây mau!”.
Không biết lấy sức lực ở đâu, Tro chồm lên giựt lấy khẩu súng của anh Minh rồi quay người nằm sấp xuống, một tay bóp cò bắn xối xả vào hướng quân thù, hét lớn. “Tụi bây chạy mau, có tao yểm trợ”. Biết là không thể cứu vãn tình thế, Minh và Lành đành chấp nhận “mệnh lệnh” của Tiểu đội trưởng.
Chạy được vài trăm mét, hai người dừng lại ngoái đầu nhìn Tro. Và họ chứng kiến cảnh người Tiểu đội trưởng bị những lưỡi lê của hai lính Việt cộng đâm xuống tới tấp. Lành lấy khăn lau dòng nước mắt, ngậm ngùi nói với Minh: “Anh ấy đi thật rồi”.
Cuộc giao tranh đã diễn ra nhiều ngày mà không thể bứt phá vòng vây của địch. Vì lực lượng của quân cộng sản quá đông. Sau đó Chi đoàn Thiết Giáp, Sư đoàn 25 cũng được điều đến tiếp viện. Cuối cùng cũng phá được vòng vây.
Sau trận chiến, Minh và Lành trở lại nơi mà Tro đã hy sinh để thu xác.
Lê Văn Minh thảng thốt: “Thật không tưởng tượng nổi, phần mặt của Tro bị biến dạng hoàn toàn do những mũi lê tàn ác gây ra. Nếu không phải tôi và Lành chứng kiến cái chết của Tro ở đây thì khó mà nhận dạng”.
Sau trận chiến đó, Minh được đặc cách thăng lên cấp Hạ sĩ. Người lính Lê Văn Minh đã dũng cảm chiến đấu đến ngày cuối cùng khi Sài Gòn thất thủ.
Trại tù Tống Lê Chân
Ngày 10/5/1975, anh bị bắt đi “học tập cải tạo” nửa tháng tại địa phương. Minh nghĩ rằng, mình chỉ là lính cấp thấp nên thời gian “cải tạo” chỉ kéo dài từng ấy ngày là xong.
Một đêm đầu tháng 9/1977, một toán người đội nón cối ngang nhiên xông vào nhà, bắt anh tống vào khám Chí Hòa. Chúng cho rằng anh thuộc thành phần “ngụy dân, ngụy quyền ăn bám xã hội” nên phải bị lùa đi cả tạo.
Khoảng một tháng sau anh Minh bị áp giải về trại tù Tống Lê Chân, một khu “rừng sâu nước độc” thuộc tỉnh Bình Long, nằm gần biên giới Việt Nam - Campuchia. Trước 1975 từng là nơi đồn trú của Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân, Quân Lực VNCH.
Khi nhắc đến trại tù Tống Lê Chân, người ta liên tưởng đến hàng ngàn quân nhân cán chính thời VNCH đã bỏ mạng nơi đây. Mỹ từ “học tập cải tạo” thực tế nó là hình thức “lao động khổ sai”, được chính quyền “mới” áp dụng dành cho những người từng làm việc dưới chế độ VNCH.
Đốn cây, phá rừng, cuốc đất, tháo gỡ bom mìn là những “môn học” chính được đưa vào trại này. “Học viên” phải chấp nhận một cách vô điều kiện. Đời sống của “học viên” rất cơ cực, ăn không đủ no, áo không đủ ấm và bệnh không thuốc men chữa trị.
Trại tù Tống Lê Chân còn được xem là nghĩa địa không mồ của người tù cải tạo sau 1975.
Anh Minh kể lại: “Tôi từng chôn xác nhiều anh em. Hầu hết trên người của họ chỉ có mỗi bộ quần áo rách tả tơi, với da bọc xương. Có xác chết vài ngày sau mới được phát hiện, bị kiến bu khoét mất cả đôi mắt. Chúng tôi lấy chiếc chiếu bó lại cẩn thận rồi đem chôn đâu đó gần chỗ lao động. Anh em, bạn bè âm thầm, lén lút đưa tiễn không dám ra mặt. Họ thì thầm bằng những câu kinh theo tôn giáo của riêng của mình. Nếu cai ngục phát hiện thì hậu quả khôn lường”.
Năm 1982, Lê Văn Minh trở về sau bốn năm tù cải tạo.
Trở lại cố hương
Sau khi trở về gia đình, anh bàn với vợ bán bớt cái giường làm vốn, buôn bán mắt kính. Anh lặn lội khắp nơi, từ Sài Gòn đến miền Tây, từ Nam ra Bắc để buôn bán. Có lần anh ra tận Hà Nội nhưng không may gặp phải đám “Quản lý thị trường” bắt và thu hết toàn bộ số mắt kính của anh.
Năm 1984, anh quyết định sang Campuchia để làm ăn, hy vọng sẽ được khấm khá hơn. Hàng năm, anh dành dụm tiền để về Việt Nam đôi ba lần thăm vợ con.
Năm 1992, anh gia nhập tổ chức chính trị “Nhân Dân Hành Động” do Nguyễn Sỹ Bình thành lập. Được hai năm sau, anh mất liên lạc với tổ chức này.
Không từ bỏ con đường đấu tranh cho tự do, anh đã tìm đến và gia nhập một tổ chức chính trị khác: Chính phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do do Nguyễn Hữu Chánh thành lập.
Năm 1997, anh được phân bổ về căn cứ 702.
Căn cứ 702 được thành lập vào 1997, vị trí nằm trên sườn núi, thuộc tỉnh Khlong Yai, Thái Lan, giáp biên giới với Campuchia.
Sau đợt pháo kích vào căn cứ, không rõ là của lực lượng nào, hơn 104 thành viên chạy di tản xuống chân núi. Sau đó bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ sáu mươi ngày rồi thả về Campuchia.
Trại giam Xuân Lộc
Ngày 28-04-1999, Lê Văn Minh bị bắt ở Campuchia rồi bị đưa về Việt Nam. Anh bị cáo buộc tội danh “khủng bố chống chính quyền nhân dân” với bản án mười năm tù giam.
Năm 2001, anh bị đưa về trại giam Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai. Sức khỏe của Lê Văn Minh thực sự giảm sút trong suốt mười năm anh ở tù. Bệnh tim mạch và cao huyết áp không ít lần đe dọa đến tính mạng của anh. Nhà nghèo, nên một hoặc hai năm anh Minh mới được vợ thăm nuôi một lần. Không ít lần vì thiếu thốn, đói ăn, không được điều trị khiến anh kiệt sức, ngất xỉu. Nhưng sự cực khổ, thiếu thốn không chỉ là cảnh tù của Lê Văn Minh, tất cả chúng tôi đều chung cảnh ngộ như anh.
Sau mười năm ra tù, anh mất hết tất cả. Chị Ẩn đã phải bán căn nhà mà hai vợ chồng chắt chiu tạo dựng để nuôi con trong lúc anh ở tù. Hai đứa con trai cũng đi biệt tích, không biết đang ở chốn nào. Bây giờ anh cũng đã già, vợ thì mang bệnh nan y không biết sống chết ngày nào.
Anh Minh cùng vợ trong căn gác thuê
Hiện anh Minh đang thuê một gác sép nhỏ 2,5m x 3,5m để ở. Bản thân anh đi làm bảo vệ, mỗi tháng chỉ được ba triệu. Chị Ẩn trước đây còn sức khỏe vừa bán vé số vừa rửa chén mướn cho một quán ăn nhỏ. Nay chị không còn sức khỏe nữa nên mỗi ngày chị cố gắng bán hết năm mươi tờ vé số để mong có ăn ngày hai bữa và chi trả tiền thuê nhà.
"Cầu thang" lên xuống của căn gác
Toàn bộ tài sản của 2 vợ chồng
Mấy hôm trước đến chơi, anh lo lắng nói với tôi: “Tú ơi, chị Ẩn mầy yếu lắm rồi. Không biết khi bà ấy mất, tau đặt quan tài bả ở đâu nữa”.
Tôi không biết phải nói câu gì với anh. Số phận của ba mươi tám người chúng tôi, nghĩ đến mà rùng mình.