Dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận quy hoạch đã vào nhiệm kỳ?! - Dân Làm Báo

Dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận quy hoạch đã vào nhiệm kỳ?!

Mẹ Nấm (Danlambao) - Sau hàng loạt phát biểu gây sốc của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Hoa Sen, chủ đầu tư dự án thép Hoa Sen Cà Ná, lãnh đạo Bộ Công thương chính thức lên tiếng khẳng định việc sản xuất thép tại Cà Ná vốn được phê duyệt từ trước, và sẽ được đưa lại vào quy hoạch.

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận vừa được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Với tổng số vốn đầu tư 10,6 tỷ đô la, dự án thép này đang gây ra nhiều tranh cãi trước khả năng cung cấp nước, điện của địa phương cho dự án.

Trả lời câu hỏi của báo VnExpress về quyết định bổ sung dự án thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận vào quy hoạch ngành được Bộ Công Thương ký ban hành chỉ 2 ngày trước khi dự án này được công bố rộng rãi tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận (ngày 27/8/2016), ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết:

“Thực tế dự án thép Hoa Sen Cà Ná được “thừa kế” từ dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion từng được Thủ tướng xem xét, phê duyệt cách đây 8 năm. Nghĩa là trước đây, dự án này đã có trong quy hoạch của ngành thép. Năm 2008, doanh nghiệp đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng sau đó không thể triển khai do Vinashin đổ vỡ, đối tác Lion cũng gặp khó khăn về tài chính… Vì thế, Bộ Công Thương khi đó quyết định tạm rút ra khỏi quy hoạch...

Để dự án triển khai, xây dựng thì còn phải trải qua rất nhiều bước nữa. Nhưng ngay cả khi tỉnh Ninh Thuận không đề xuất nhà đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen làm thì Bộ cũng đưa dự án thép tại Cà Ná trở lại quy hoạch ngành và tìm nhà đầu tư sau, vì đây là thời điểm tiềm năng để đầu tư vào ngành thép.”(1)

Mặc dù Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng liên tục phủ nhận về việc Bộ Công thương “ưu ái” cho tập đoàn Hoa Sen trong dự án thép đầu tư vào Cà Ná (Ninh Thuận), nhưng sự thật không thể phủ nhận là người ta hoàn toàn có thể hoài nghi về mối quan hệ cột chèo giữa ông Lê Phước Vũ và ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương hiện nay.

Bày tỏ mối lo ngại về tính khả thi của dự án thép Hoa Sen Cà Ná, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cựu thành viên trong Ban cố vấn Thủ tướng lên tiếng:

“Về chi phí cho đầu tư, muốn làm một nhà máy thép với mức độ, công nghệ hiện đại để có thể không gây ra ảnh hưởng về môi trường thì thực sự là tốn kém đấy chứ hoàn toàn không dễ dàng đầu tư được đâu. Khi mà nó tốn kém, đắt đỏ như vậy thì liệu một lúc nào đó có dẫn đến việc ông (tức Lê Phước Vũ) không chịu được chi phí về môi trường rồi như Formosa phải thay đổi bài toán môi trường đi, hạ thấp chuẩn môi trường xuống, dùng công nghệ, thiết bị lạc hậu để thải ra môi trường Việt Nam, bắt xã hội gánh chịu. Tôi nghĩ là bài toán này hoàn toàn không chủ quan được đâu...” (2)

Ninh Thuận là tỉnh có bờ biển đẹp, địa thế hoang sơ thích hợp để phát triển du lịch nếu được đầu tư bài bản. Tuy nhiên, một lần nữa tư duy nhiệm kỳ và thuộc tính kế thừa phát huy của đảng Cộng sản đã chọn thép. Cam kết bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ổn định của nội các mới dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rồi đây sẽ chỉ là màn hô khẩu hiệu với quyết tâm làm thép bằng mọi giá như hiện nay.

Dự án thép Hoa Sen Cà Ná, quy hoạch đã vào nhiệm kỳ sẽ chỉ bị chặn đứng khi toàn dân lên tiếng.

12.09.2016



_____________________________________




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo