Jay Frankston * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Vào cuối những năm 1930, chủ nghĩa bài Do Thái của Hitler đã lan tới Pháp. Thời ấy tôi chín tuổi. Trên các cuốn vở tôi mang từ trường về nhà là những dòng chữ viết nguệch ngoạc của trẻ con ghi “Đi chết đi bọn Do Thái” và “Hãy treo cổ tất cả bọn chúng”. Tên tôi là Frankenstein, tên mà những trẻ em khác có thể chế nhạo, nhưng cũng là tên gán cho tôi là người Do Thái. Vì vậy tôi chạy trốn lũ trẻ lầm lạc ấy để tránh khỏi bị chúng đánh đến bầm mắt hay chảy sặc máu mũi và trốn thui thủi một mình trong phòng.
Rồi chiến tranh đến và khởi đầu cuộc thảm sát người Do Thái. Mười lăm phần trăm dân Pháp cộng tác tích cực với người Đức, gia nhập lực lượng dân vệ và tham gia bố ráp bắt bớ người Do Thái để trục xuất họ đến các trại tập trung, thậm chí còn bắt cả trẻ em khi Quốc Xã Đức đã không yêu cầu họ làm như thế, và tố giác những người Do Thái đang lẩn trốn. Cha mẹ của vợ tôi Monique nằm trong số những người bị tố giác và bị trục xuất. Họ chết ở trại Auschwitz.
Tôi không đoái hoài gì đến mười lăm phần trăm kẻ đã cộng tác ấy. Đối với tôi họ đã chết. Nhưng tám mươi phần trăm dân Pháp chẳng làm gì cả. Họ chỉ buông tay đứng yên nhìn trong khi bạn bè và hàng xóm họ bị đưa đi vào chỗ chết trong các lò thiêu của quỷ. Họ chính là những người tôi cho là phải chịu trách nhiệm.
Và tôi không thể nào mà không tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi người cùng lên tiếng? Người Đan Mạch đã lên tiếng. Khi Quốc Xã Đức công bố lệnh tất cả những người Do Thái phải mang ngôi sao màu vàng, người ta thấy Vua và Hoàng Hậu Đan Mạch cũng mang ngôi sao màu vàng, và nhiều người Đan Mạch noi theo. Rồi vào đêm khuya những người Đan Mạch đưa những người Do Thái xuống thuyền đánh cá của mình và chở họ qua Thụy Điển nơi họ sống bình an trong suốt cuộc chiến. Cho nên chỉ vài ngàn người Đan Mạch gốc Do Thái bị chết trong cuộc thảm sát. Năm mươi phần trăm dân Đức theo Công giáo. Nếu như Đức Giáo Hoàng ban thông điệp những người Công giáo nào tham gia vào các tội ác của Quốc Xã sẽ bị khai trừ ra khỏi Giáo Hội thì sao? Mọi sự biết đâu có thể hóa ra rất khác.
Còn hôm nay chúng ta ở đâu khi rất nhiều chuyện đang xảy ra trên thế giới, trong đất nước, trong thành phố, trong địa phương chúng ta? Về chuyện này chúng ta làm được gì? Tôi nói chuyện thảm sát ở trường trung học đệ nhất cấp và đến đây học sinh chỉ ra Rwanda hay Nigeria. “Không,” tôi nói. “Ở đây! Ngay tại đây!” Rồi tôi kể học sinh câu chuyện này.
Tôi đang ngồi trong xe lúc đèn đỏ. Phía sau tôi là chiếc xe truck lớn và tôi thấy người lái xe truck ném thuốc lá còn cháy ra ngoài cửa xe. Tôi có thể thấy đấy quả là đáng sợ và chẳng làm gì. Nhưng tôi bước ra khỏi xe, nhặt thuốc lá còn cháy vả ném trả trở lại vào trong xe truck và nói. “Ông mất cái gì chăng.” Người lái xe truck là gã to con và y có thể đánh gục tôi nhưng tôi phải làm điều ấy. Tôi tin vào sự lên tiếng chống lại những sai trái. Chúng ta ai cũng có thể làm được điều này.
Jay Frankston là tác giả người Mỹ. Ông lớn lên ở Paris và đến Mỹ vào năm 1942. Sách ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Bản tiếng Việt: