Nghĩ gì về "Cách mạng Tháng 8"? - Dân Làm Báo

Nghĩ gì về "Cách mạng Tháng 8"?

Từ  71 năm và 7 tháng: Lời hứa của những người cầm đầu chế độ toàn trị trước sau vẫn như "miệng quan trôn trẻ"!

Âu Dương Thệ (Danlambao) - Chung quanh thảm họa môi trường: Ai đang hưởng tự do làm giàu, ai đang tự do đổi đen thành trắng và ai đang bị đàn áp, mất tự do, mất công ăn việc làm? Độc lập theo "biện chứng" của Nguyễn Phú Trọng là không nên mở miệng ủng hộ Phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã phủ nhận những đòi hỏi sai lầm và ngang ngạnh của Bắc Kinh!...

*

Tháng 8.1945 nhân dân ta đã đứng lên làm cuộc cách mạng lịch sử, nhưng Hồ Chí Minh đã dùng các thủ đoạn quỷ quyệt và dã man để cướp công của nhân dân, nhận vơ là công lao của đảng cộng sản và từ đó dựng lên thuyết rất độc tài và phản động "lịch sử đã giao phó cho ĐCS" để biện hộ cho việc kéo dài chế độ toàn trị suốt 71 năm!

Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên hứa "Không có gì quí hơn độc lập, tự do!" Nay 71 năm trôi qua, ba thế hệ đã trải nghiệm, bao nhiêu triệu người đã hy sinh, nhưng chế độ toàn trị đã mang lại tự do cho nhân dân như thế nào và độc lập cho đất nước ra làm sao?

Nhiều chuyện cũ của chế độ toàn trị đã được nhiều giới phân tích, bóc trần. Trong bài này người viết chỉ tập trung vào phân tích những chuyện nhãn tiền, sờ sờ trước mắt, đang sôi sục ai cũng thấy và cảm nhận được, hàng triệu người đang là nạn nhân và cả dân tộc trên 90 triệu người đang lo lắng: Tự do của nhân dân đang ở đâu, ai đang hưởng? Độc lập như thế nào, nó nằm trong tay nhân dân ta, hay đang nằm trong bàn tay người "Bạn" thân thiết và đáng tin của "Tứ trụ", đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng? 

Tứ trụ hiện nay, từ sau Đại hội 12 được dư luận gọi mỉa mai là Đại hội "trường hợp đặc biệt", cầm quyền 7 tháng đã thi đua nhau tung lên những khẩu hiệu cao ngất tới trời xanh. Trong khi ông Tổng hô hoán "dân chủ đến thế là cùng", "giữ nước từ khi nước chưa nguy", ông Chủ Trần Đại Quang "nỗ lực làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", ông Thủ Nguyễn Xuân Phúc hứa "xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân" và bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chuyên làm dáng lại còn chua ngoa hống hách chửi thẳng dân "bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình” và còn ngăn cản Quốc hội không cho thành lập "Ủy ban lâm thời điều tra vụ Formosa."

Người có tư cách và biết quý lòng tự trọng thì phải giữ ngôn ngữ lời nói đi đôi với việc làm. Điều này là tiêu chí trong cuộc sống để đánh giá một cá nhân. Đối với các chính trị gia, nhất là những người đang cầm quyền, điều này còn quan trọng hơn; vì những lời nói và hành động của họ liên quan tới sinh tử của bao nhiêu triệu người và ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới vận mệnh của dân tộc!

Kết quả kiểm nghiệm chân lý. Thời cơ là thước đo về ý đồ và khả năng thực sự của các chính trị gia đang cầm quyền. Khi thời cơ thuận lợi cho nước liệu họ có đủ bản lĩnh, biết nắm lấy và khai thác có lợi cho dân cho nước không? Khi nhân dân gặp hiểm nguy họ có sáng suốt và biết sắn tay giải quyết nhanh và cứu nguy cho dân không?

Từ tháng 4.2016 tới nay đã trải qua hai biến cố rất hệ trọng. Đó là thảm trạng môi trường do công ty đại tư bản Formosa gây ra và Phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế ngày 12.7 phủ nhận đường lưỡi bò về biển Đông và phủ nhận thẩm quyền lịch sử của Trung cộng trên các đảo ở biển Đông. Tứ trụ Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm gì giải quyết nguy cơ cho nhân dân và khai thác thời cơ quốc tế? 

*

Chung quanh thảm họa môi trường: Ai đang hưởng tự do làm giàu, ai đang tự do đổi đen thành trắng và ai đang bị đàn áp, mất tự do, mất công ăn việc làm?

Đầu tháng 4.16 công ty Formosa Vũng áng ở Hà tĩnh, một đại công ty của Đài loan với sự hợp tác của nhiều công ty Trung quốc, đã tự do đổ hàng loạt nước thải chứa những hóa chất cực độc ra biển làm cá chết phủ trắng bãi biển bốn tỉnh miền Trung Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế-Thừa Thiên. Hành động phá hủy môi trường cực kỳ vô lương tâm này đã làm cho hàng chục vạn ngư dân và những người làm nghề du lịch thất nghiệp, lâm vào cảnh đói nghèo và hàng triệu dân bị đe dọa sức khỏe nghiêm trọng. Khi ấy nhiều bộ và cơ quan có trách nhiệm đã giữ thái độ im lặng đáng sợ. Thậm chí Bộ trưởng Tài nguyên & môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã họp báo 6 phút ngày 27.4, trong đó ông Nhân đã còn bào chữa cho "Formosa vô can." Rõ ràng ở đây là, những người có quyền lực đã tự do ăn nói, tự do đổi đen thành trắng, đổi có thành không!

Trong khi đó người cầm đầu chế độ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 22.4 còn dẫn cả một đoàn đại quan thân hành đủng đỉnh tới thăm khu công nghiệp Vũng áng và khen ngợi thành quả của công ty Formosa; chẳng những thế ông không thèm tới thăm hỏi ủy lạo các ngư dân nạn nhân của Formosa! Đây là thái độ thân dân và trọng dân của người cầm đầu chế độ, hay đúng là thái độ vô cảm, nguội lạnh đến thế là cùng của Nguyễn Phú Trọng, người vẫn vỗ ngực là bảo vệ quyền lợi của người lao động! Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị và Thường trực Ban bí thứ, đứng thứ hai sau ông Trọng, cũng vô cảm không kém. Cũng vào thời gian sau khi xảy ra thảm trạng môi trường do Formosa gây ra ông Huynh đã có mặt tại Quảng trị 23.4, nhưng cũng không thèm tới thăm hỏi các nạn nhân! Cả đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thế. Khi nhậm chức Thủ tướng ông từng hô lớn "Chính phủ mới là Chính phủ phục vụ không phải Chính phủ hưởng thụ." Nhưng khi ông có mặt ở Quảng Trị ngày 17.4 thì cũng phớt lờ các nạn nhân của Formosa đang sống dở chết dở! Như thế những hành động trên đây chứng minh rất rõ ràng là, những người cầm đầu chế độ đã tự do vẽ phấn thêu hoa cho mình, tự do làm những việc mà một người có ý thức trách nhiệm không dám làm, tự do nói năng hàm hồ mà người biết tự trọng đều phải tránh!

Nay năm tháng đã trôi qua, những lời hứa giải quyết nhanh chóng, minh bạch, nghiêm trị những cơ quan hay cá nhân có trách nhiệm để xảy ra thảm trạng môi trường của Formosa -bất kể là ai- vẫn chỉ là cái thùng rỗng kêu to! Cuộc họp báo ngày 30.6 xác nhận lần đầu tiên đích danh thủ phạm là Formosa, nhưng các quan chức cao cấp của chế độ toàn trị lại không cho biết số lượng nước thải độc hại là bao nhiêu, tính chất độc hại và ảnh hưởng trước mắt và lâu dài tới sức khỏe của nhân dân và môi trường biển do công ty Formosa gây ra như thế nào!

Trong cuộc họp báo họ lại đề cao lời xin lỗi vuốt đuôi và bồi thường 500 triệu USD của Formosa. Nhưng họ lại hoàn toàn im lặng về số tiền bồi thường trên Formosa đã lấy từ các khoản mà chính quyền toàn trị đã trừ nhiều loại thuế rất ưu đãi và rộng rãi cho Formosa. Cho tới nay họ cũng nín lặng về những phát giác của nhân dân về việc Formosa đã cấu kết với nhiều cơ quan và đại gia âm thầm chuyển hàng ngàn tấn rác chứa các chất hóa học độc hại đi chôn vùi tại nhiều địa phương. Đầu tháng 5 họ đã tổ chức để cho một số vận động viên xuống tắm biển và ăn cá ở nơi vừa xảy ra thảm họa môi trường. Mới ít ngày trước Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, lại diễn trò xiếc tắm biển ở Cửa Việt, Quảng Trị và nói rằng các chất độc trong nước biển không còn nguy hiểm nữa. Giữa khi ấy nhiều cơ quan lại ra thông cáo xác nhận nhiều vùng không được đánh bắt cá vì chất độc trong nước biển vẫn còn cao. Đúng là cảnh ông nói gà bà nói vịt! Nói và làm trái ngược nhau như thế, nhưng họ vẫn hô hoán là làm cho dân tin!

Trước thảm họa môi trường và những nguy hại về sức khỏe và môi trường sinh sống của nhân dân nên nhiều nhà khoa học, trí thức, nhân sĩ và tu sĩ các tôn giáo đã lên tiếng báo động. Nhiều cuộc biểu tình của nhân dân đã nổ ra, đi đầu là thanh niên và trí thức cùng các đảng viên tiến bộ, với những khẩu hiệu "Cá cần nước sạch, Dân cần minh bạch!" "Đóng cửa Formosa", "Chọn dân hay chọn Formosa"... Đúng ra những đòi hỏi chính đáng này cần được ủng hộ, nhưng chế độ toàn trị đã cho công an mật vụ ngăn chặn và đàn áp. Chính Nguyễn Xuân Phúc đã chụp mũ hồ đồ những biểu tình là "kẻ xấu""phá rối" và đòi phải trừng trị. Khi đó Nguyễn Thị Kim Ngân chưa ngồi nóng ghế Chủ tịch Quốc hội đã vênh váo chua ngoa hạch sách những người xuống đường là "chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình". Nhưng mới đây ngày 28.8 trước 445 "đại biểu ưu tú" của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bà lại tỏ ra ưu tư tới quyền của họ và đỏng đảnh lên tiếng:

"Tôi cũng thấy các đồng chí ít có những phản ánh đến Thường vụ Quốc hội về Luật thanh niên vướng cái gì, các phong trào thanh niên vướng luật gì, cần bổ sung điều gì, khoản gì, quy định gì trong hệ thống pháp luật để cho việc lập nghiệp của thanh niên tốt hơn".

Bà Ngân thừa biết các "đại biểu thanh niên ưu tú" này hầu hết là thuộc thành phần 5C - "con cháu các cụ cả" - được hưởng mọi ưu đãi, được đầy đủ tự do muốn làm gì cũng không ai dám động đến sợi lông của họ. Tại sao Nguyễn Thị Kim Ngân đã có thái độ trái ngược như thế? Một đám thanh niên đang hưởng mọi ưu đãi, ăn uống no nê, bà lại hỏi còn muốn thêm ưu đãi gì nữa không? Trong khi đó tại sao bao nhiêu triệu thanh niên khác đang bị tước quyền tự do thì bà lại sỉ vả? Quả rõ ràng là, 71 năm chế độ toàn trị cũng là 71 năm tự do ăn nói và hưởng mọi ưu quyền cho các tứ trụ, cán bộ cao cấp và bọn 5C từng thời kỳ; nhưng trong khi đó lại là 71 năm mất tự do của thanh niên và toàn thể nhân dân!

*

Từ trước tới nay những người cầm đầu chế độ toàn trị luôn luôn nói là bảo vệ môi trường và quyền lợi của nhân dân. Nhưng Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường ngày 24.8 cho biết: 

"Hàng năm, có 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng, trong đó khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định…"; "trên toàn quốc hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. 

Cùng với đó là hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế; 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý; lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô tạo ra nguồn phát thải lớn đến môi trường không khí."

"Cùng với đó là hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan..."

Những con số do Trần Hồng Hà công bố đang gây xốc mạnh trong dư luận. Tại sao VN đang trở thành đống rác độc hại khổng lồ như thế? Ai đã tạo ra nguy cơ này? Áp dụng câu thần chú của Hồ Chí Minh "dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong lãnh vực kinh tế, cốt làm sao duy trì được sự độc quyền cho đảng, nên trong các thập niên vừa qua những người có trách nhiệm của chế độ toàn trị đã thả cửa mời gọi các công ty nước ngoài (FDI) vào tự do làm ăn, nhưng lại bạc đãi doanh nhân VN. Chính ông Hà cho biết, "Khu vực FDI hiện đóng vai trò đầu tàu xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 71% xuất khẩu và 59% nhập khẩu của Việt Nam."

Các người cầm đầu tự nhận là vô sản và họ thừa biết, hầu hết các đại tư bản nước ngoài chỉ lo bóc lột để đạt lợi nhuận riêng cao bất kể những thiệt hại cho các người khác, nhưng họ vẫn trải thảm đỏ cho các đại tư bản nước ngoài vào làm ăn trong các lãnh vực, bất kể qua đó biến VN thành bãi rác độc hại khổng lồ:

"Tại sao FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực giá rẻ, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…?"

Cũng chính tại Hội nghị trực tuyến về môi trường này tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều năm đã từng là Phó Thủ tướng phụ trách lãnh vực kinh tế, đã phải xác nhận:

"Chúng ta có tình trạng môi trường xấu bắt nguồn từ mô hình phát triển lấy tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm dựa trên nền tảng công nghệ tiêu tốn năng lượng, lạm dụng quá mức tài nguyên, không gian môi trường. Thực sự chúng ta chưa lường hết yếu tố phức tạp về loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất tiềm ẩn rủi ro, sự cố môi trường".

Từ 1986 đến nay 7 Đại hội, bao nhiêu Hội nghị trung ương đã ra hàng chục Nghị quyết nhắm mắt làm theo chính sách kinh tế của Bắc Kinh mơn trớn các công ty nước ngoài được coi là sáng suốt nhất và đúng đắn nhất, nhưng bây giờ họ mới giả vờ ngây thơ đặt câu hỏi "phải chăng lợi ích mà FDI mang lại cho chúng ta không đủ bù đắp những phí tổn về khí hậu và môi trường đang diễn ra?" 

Trong những thập niên vừa qua những người cầm đầu chế độ toàn trị đã đội đảng lên đầu nên đã nhắm mắt thực hiện chủ nghĩa chụp giật, ăn xỗi ở thì. Họ vồ vập các đại gia tỉ phú nước ngoài vào đầu tư để họ có phương tiện giữ vững chế độ, chia ghế và tham nhũng, bất kể tới những hậu quả phá hoại môi trường tàn khốc, phá hủy sức khỏe của nhân dân như hiện nay. 

Vụ thảm họa môi trường do Formosa gây ra, nhưng thủ phạm chính lại là những người đang nắm quyền lực của chế độ toàn trị đã cho thấy sự vô cảm và vô trách nhiệm của những người có quyền lực cao nhất tới toàn guồng máy cai trị. Vì thế nhân dân cả nước đang rất bất bình, nhiều đảng viên rất bất mãn, nhiều cán bộ đã về hưu rất hoang mang. Vì thế Nguyễn Phú Trọng cùng phái đoàn cao cấp đã phải thân hành đi giải độc gặp các đại quan và cán bộ cao cấp đã về hưu ở Hà nội và Sài gòn vào giữa tháng 8. Ông Trọng vẫn giữ thói giả dối tìm cách đánh lừa cả những lão thành cách mạng nên đã nói là, hiện nay "niềm tin trong dân được củng cố và tăng lên!"

*

Nói tóm lại, mặc dầu nhiều đại quan đã thét ra lửa, hứa hết điều này tới điều khác, nhưng sau khi để xảy ra thảm trạng môi trường đã gần nửa năm, nhưng công ty Formosa vẫn ngạo nghễ tại Vũng Áng và không thấy ai trong Ban giám đốc phải chịu hình phạt gì. Trong khi đó về phía đảng và chính quyền cũng chưa thấy đại quan hay trung quan nào bị cách chức hay bị khai trừ; vẫn chỉ lập lại khẩu hiệu xuông "nghiêm túc rút kinh nghiệm" như bao nhiêu vụ tày đình khác! Đây chính là kết quả của nguyên tắc tổ chức "tập trung dân chủ", để cho các ông lớn phủ trách nhiệm cá nhân!

Vụ để gây ra thảm họa môi trường của Formosa chứng tỏ rõ ràng là, trong chế độ toàn trị, những ai có quyền, có tiền là có tự do. Họ tự do ôm quyền và tham nhũng; họ tự do đổi đen thành trắng và tự do trốn tránh trách nhiệm! Trong khi đó những người bị trị trên 90 triệu dân đang bị mất tự do, bị tước tự do, bị đàn áp và tù đày! Thực chất của "tự do" mà miệng họ lúc nào cũng nói sau 71 năm thành quả của chế độ toàn trị là như thế!

Độc lập theo "biện chứng" của Nguyễn Phú Trọng là không nên mở miệng ủng hộ Phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã phủ nhận những đòi hỏi sai lầm và ngang ngạnh của Bắc Kinh!

Ngày 12.7.2016 Tòa án Trọng tài quốc tế đã công bố Phán quyết về những tranh chấp chủ quyền các đảo và tài nguyên trên biển Đông giữa Trung cộng và Phi Luật Tân cũng như với VN và các nước Đông Nam Á. Phán quyết này bao gồm ba điểm chính, gồm "quyền lịch sử", "đường 9 đoạn" và các hành động phi pháp cải tạo các đảo từ phía Trung cộng:

1. "Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Tòa cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn."

2. "Các yêu sách của Trung Quốc về các quyền chủ quyền và quyền tài phán, và đối với "các quyền lịch sử”, đối với các vùng biển trên Biển Đông nằm bên trong gọi là "đường chín đoạn” là trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý trong chừng mực mà chúng vượt quá các giới hạn địa lý và thực chất của các vùng biển mà Trung Quốc có quyền được hưởng theo UNCLOS;

3. "Trung Quốc phải chấm dứt có thêm các yêu sách và hành động phi pháp.

"Tòa Trọng tài xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại bảy cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của Công ước trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt. Đồng thời Tòa Trọng tài cũng xác định rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hộ. Tòa Trọng tài xác định rằng chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được các hành vi này và không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo Công ước để ngăn chặn."

Như vậy Phán quyết ngày 12.7. 16 của Tòa án Trọng tài quốc tế đã phủ nhận toàn bộ và triệt để những khẳng định của Bắc kinh về "quyền lịch sử" "đường 9 đoạn", đồng thời kết án nghiêm khắc những hành động cải tạo các đảo do Trung cộng xâm chiếm thành các căn cứ quân sự đe dọa an ninh hàng hải và hòa hình trong khu vực và thế giới. Phán quyết này là thất bại ngoại giao tệ hại nhất cho Bắc Kinh từ trước tới nay. Nó kéo theo thất bại uy tín, cô lập và tâm lý vô cùng bất lợi cho Bắc Kinh trong dư luận quốc tế. Đồng thời Phán quyết cũng là thắng lợi của công lý, của lương tâm loài người. Đặc biệt đây là thắng lợi rất quan trọng của Phi Luật Tân, VN và các nước Đông Nam Á.

Vì thế Phán quyết 12.7 là một cơ hội vô cùng thuận lợi cho VN. Một chính quyền thực sự phục vụ nhân dân và đặt quyền lợi đất nước lên trên hết thì tất yếu phải thấy đây là cơ hội ngàn năm một thưở. Cấp cao nhất, ở đây là Tứ trụ, phải sớm công khai ra tuyên bố trước nhân dân và thế giới là VN ủng hộ triệt để và hoan nghênh Phán quyết 12.7 và đòi nhà cầm quyền Trung cộng phải công nhận và thực thi triệt để và toàn diện Phán quyết này. Làm như thế để nhân dân ta và toàn thế giới hiểu rõ lập trường cương quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của VN. 

*

Nhưng suốt 7 tuần lễ đã trôi qua Tứ trụ đã làm gì trong vấn đề tận dụng thời cơ để bảo vệ chủ quyền và củng cố độc lập cho đất nước? Trong khi Chính phủ Phi Luật Tân và nhiều người đứng đầu các nước trong khu vực đã hoan nghênh Phán quyết 12.7. Còn Chính phủ và bộ Ngoại giao Trung cộng đã công khai kịch liệt kết án Phán quyết này và còn ngang ngược mở cuộc thao diễn quân sự trên biển Đông, cấm tàu quốc tế qua lại. Nhưng cho tới nay cả 4 người Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân đã hoàn toàn im lặng không nhắc một lần trực tiếp tới Phán quyết 12.7. Mãi hai ngày sau chỉ có Phát ngôn viên bộ Ngoại giao lên tiếng "ủng hộ" Phán quyết và hứa là "Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết này"

Nhưng 7 tuần sau vẫn không có nhân vật nào lên tiếng. Đầu tháng 8 ông Tổng đã nói với cử tri ở Hà nội, "việc tòa PCA [Tòa án Trọng tài quốc tế] có phán quyết thì phán quyết đó không chỉ có mấy câu mà tập rất dày nên chúng ta hoan nghênh phán quyết nhưng phải nghiên cứu thật kỹ, tính toán nhiều mặt, toàn diện rồi chúng ta mới có tuyên bố tiếp theo." Như thế là khi gặp khó khăn ông vẫn áp dụng chiến thuật câu giờ để đánh lừa dân, như vài năm trước với tuyên bố "tình hình biển Đông không có gì mới". Còn tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng trả lời ậm ờ như Nguyễn Phú Trọng "lập trường Quốc hội về chủ quyền biển đảo không thay đổi."

Cũng vào dịp này khi gặp cử tri Hải Phòng ông Thủ đã áp dụng thủ đoạn đánh lừa tương tự như ông Tổng, "mình phải bình tĩnh trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông theo đúng tinh thần luật pháp quốc tế, bình tĩnh xử lý các vấn đề nhạy cảm. Nhân dân hãy bình tĩnh và tin tưởng vào Đảng, nhà nước, Chính phủ trong chính sách đối ngoại, quốc phòng an ninh." Cả khi gặp Thủ tướng Trung cộng Lý Khắc Cường tại Mông Cổ trong Hội nghị cấp cao ASEM khi nói về vấn đề biển Đông Nguyễn Xuân Phúc cũng không không dám mở miệng đòi Bắc Kinh phải tôn trọng Phán quyết 12.7. Còn ông Chủ, tức Trần Đại Quang, lại chỉ lo tranh giành chức "Thống soái quân đội" với ông Tổng. Cả trong bài viết dài kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng 8 ông Quang cũng vẫn ngậm miệng về việc này! 

Nhiều người chờ đợi là Hội nghị Ngoại giao lần 29 từ 21-26.8 sẽ là dịp thuận tiện để họ thực hiện lời hứa ra tuyên bố chính thức về Phán quyết 12.7, nhưng vẫn im thin thít. Cả bốn người đã lần lượt tới phát biểu tại Hội nghị này nhưng vì sợ Bắc Kinh nên không một ai dám đả động trực tiếp ủng hộ công khai Phán quyết này. Đáng chú ý trong diễn văn tại Hội nghị Nguyễn Phú Trọng đã trương lên bức tranh giấy cho các đại sứ và đại diện ngoại giao VN trên thế giới xem, khi ông nhấn mạnh tới "sử dụng sức mạnh mềm""giữ nước từ khi nước chưa nguy", "ngăn chiến tranh từ xa"

Bảo là biết "sử dụng sức mạnh mềm" nhưng lại không dám công khai cho thế giới biết là VN hoan nghênh và ủng hộ Phán quyết 12.7. Nói là "giữ nước từ khi nước chưa nguy"! Thực tế là Nguyễn Phú Trọng đang làm ngược lại từ nhiều năm qua. Với tuyên bố cho cả quốc tế biết vào năm 2010 là "tình hình biển Đông không có gì mới", rồi trước hàng ngàn cán bộ cao cấp còn trân trọng gọi những người cầm đầu Bắc Kinh đang xâm lấn VN là "Bạn", như thế Nguyễn Phú Trọng đã tạo thuận lợi cho Bắc Kinh trước dư luận quốc tế, đồng thời làm tê liệt ý thức giữ nước và ý chí đấu tranh của đảng và nhân dân. Thái độ nhu nhược và cầu xin như thế của Nguyễn Phú Trọng chỉ là sự kéo dài chủ trương đầu hàng Bắc Kinh từ Hội nghị Thành Đô (1990). Bắc Kinh đã lợi dụng triệt để thái độ nhu nhược như là cách chế độ toàn trị CSVN mời họ vào nhà, chiếm đất, chiếm đảo, giành biển, giết dân! Nguy hiểm như thế nào thì ai cũng thấy: Bắc Kinh đang biến các đảo chiếm được của VN thành các căn cứ quân sự đe dọa trực tiếp đường hảng hải quốc tế và đe dọa trực tiếp an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của VN! Mở miệng bảo là "giữ nước từ khi nước chưa nguy", "ngăn chiến tranh từ xa"! Nhưng nay chiến tranh đang lừng lững tiến tới trước cổng! Dù Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch vừa thăm Bắc kinh, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng Thường Vạn Toàn vẫn đưa ra yêu sách "hai bên cần nhìn nhận khách quan và xử lý thỏa đáng các bất đồng". Ngôn ngữ này phải hiểu là, trước sau Bắc kinh đòi CSVN phải chấp nhận những yêu sách biển đảo của họ chứ không đếm xỉa gì tới Phán quyết 12.7. 

Trong nội dung các chính sách ngoại giao của chế độ toàn trị CSVN có cụm từ "gìn giữ môi trường hòa bình". Nó hàm ý là, bằng mọi cách tránh một cuộc chiến tranh với Bắc Kinh. Nhưng hòa bình không thể có được từ sự cầu xin đế quốc. Hòa bình trong nô lệ thì hòa bình trở thành vô nghĩa! Muốn tránh chiến tranh thì phải có sách lược đối ngoại và đối nội thông minh và hữu hiệu để kẻ thù không dám mở ra chiến tranh. Sau Thế chiến Thứ hai cả thế giới đã bị thiệt hại tàn khốc cả sinh mạng lẫn tài sản, đặc biệt là ở Á châu và châu Âu. Nhưng chỉ vài năm sau Á châu lại rơi vào những cuộc chiến tàn bạo và lâu dài. Trong khi ấy hầu hết các nước Âu châu lại tránh được chiến tranh, phát triển kinh tế phồn vinh, kiến tạo dân chủ ổn định; mặc dầu nằm cạnh Liên xô cũ đầy tham vọng và hiếu chiến. Tại sao? Tại vì các nước từng là tử thù của nhau đã biết hòa giải thực sự và cùng liên minh với Hoa kỳ để giữ vững biên cương, khiến cho cuối cùng Liên Sô phải chấp thuận "sống chung hòa bình"! Đấy mới chính là chiến lược "ngăn chiến tranh từ xa" rất sáng suốt và thực tế của các nước Tây Âu!

Chính vì chúng ta muốn hòa bình để xây dựng đất nước, không muốn đất nước rơi trở lại những cuộc chiến tàn khốc như mấy thập kỷ trước, nhưng quyết không thể liên minh với đế quốc mới phương Bắc, như thế có khác nào gửi trứng cho ác! Dân vẫn còn nghèo, những năm qua Hà nội đã bỏ bao nhiêu tỉ USD để mua tầu ngầm Kí lô và siêu phản lực cơ của Nga, nhưng đâu có làm Bắc Kinh sợ, đâu có thể ngăn cản bành trướng của họ. Nay Tập Cận Bình còn rủ Putin cùng tổ chức thao diễn quân sự ở biển Đông trong vài ngày tới. Những điều đó chứng minh rằng, các suy nghĩ của Nguyễn Phú Trọng: đừng động đến Bắc Kinh thì Bắc Kinh sẽ tha VN là hoàn toàn sai và cực kỳ nguy hiểm. 

***

Nói tóm lại, những lời khuyên "phải nghiên cứu thật kỹ, tính toán nhiều mặt, toàn diện rồi chúng ta mới có tuyên bố tiếp theo" của Nguyễn Phú Trọng, hay các lời ru ngủ của Nguyễn Xuân Phúc "Nhân dân hãy bình tĩnh và tin tưởng vào Đảng, nhà nước, Chính phủ trong chính sách đối ngoại, quốc phòng an ninh", cả đến những hô hoán của ông Tổng "giữ nước từ khi nước chưa nguy", "ngăn chiến tranh từ xa" chỉ là những cách ngụy biện, thủ đoạn đánh lừa dân và là những điều hoàn toàn không có thật. Tục ngữ có câu "miệng quan trôn trẻ" thật là đúng!

Nhưng có một điều Nguyễn Phú Trọng đã nói rất thật trong Hội nghị Ngoại giao lần 29 là "dĩ bất biến, ứng vạn biến!". Ông Tổng đã lập lại câu nói của người sáng lập chế độ trước đây đúng 70 năm! Đây là tiêu chí xử lý và hành động của những người cầm đầu CSVN suốt 7 thập niên. Nó mang nội dụng và ý đồ cực kỳ ích kỷ và tàn bạo: Trong từng giai đoạn lịch sử tùy theo điều kiện trong và ngoài, nếu phải thay đổi sách lược thì cứ làm - từ nội trị, quốc phòng, ngoại giao tới kinh tế - nhưng tất cả phải làm sao giữ vững nguyên tắc bất di bất dịch là phải bảo vệ sự độc quyền của ĐCS.

Đây là tiêu chí xử lý và hành động của những người cầm đầu CSVN suốt từ 1945 tới nay. Vì thế lời thề "Không có gì quí hơn độc lập, tự do!" chỉ là hoàn toàn giả dối. Chính vì vậy, mặc dù đã cầm quyền trong suốt 71 năm nhưng chế độ toàn trị đã hoàn toàn bất lực không giải quyết được những sứ mệnh lịch sử giao phó. Nhưng họ lại vẫn gian dối và tham lam đòi giữ độc quyền tiếp tục. Đã đến lúc họ phải sòng phẳng và nghiêm túc trả lại quyền tự quyết của nhân dân ta! Vì trước nguy hại cho nhân dân như vụ thảm họa môi trường do Formosa gây ra từ đầu tháng 4 thì họ lại đủng đỉnh và trốn chạy trách nhiệm. Khi thời cơ rất tốt cho đất nước như sau Phán quyết 12.7 họ lại cố tình lơ là, im lặng. Vì những biến cố này không mang lại lợi lộc gì cho tham vọng giữ độc quyền tiếp cho đảng!

Họ hứa mang lại tự do, độc lập và ngăn chặn chiến tranh từ xa. Nhưng chế độ công an trị tàn bạo hơn cả thời thực dân! Đế quốc mới phương Bắc đang dàn quân, xây chiến lũy ngay trước cửa biển Đông, đất nước đang đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc!

Câu vè của dân gian thường chứa đựng nội dung sâu sắc và rất trung thực. Câu thuộc lòng của mọi người khi nói về câu vè dân gian bàn tới lời thề 9 chữ của Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" là, nội dung rất đúng, nhưng sau 71 năm câu trên vẫn chỉ thực hiện được 1/3. Đó là "Không có gì!" 

02.09.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo