Phản đối nhà cầm quyền CSVN phát gạo mốc cho ngư dân miền Trung - Dân Làm Báo

Phản đối nhà cầm quyền CSVN phát gạo mốc cho ngư dân miền Trung

Photo: Facebook Trịnh Bá Phương
CTV Danlambao - “Không phải ai cũng có thể tiếp cận và biết được thông tin rằng ngư dân ở vùng thảm họa môi trường đã được chính quyền hỗ trợ bằng gạo mốc. Vì vậy, tôi công khai cầm biểu ngữ như thế để nhiều người dân biết và hiểu sự việc cứu trợ cũng như bộ mặt của chính quyền đã không như họ đã tuyên truyền trên tivi hay báo chí nhà nước.” Đó là lời chia sẻ của nhà hoạt động Trương Văn Dũng (Hà Nội) với CTV Dân Làm Báo sau khi ông một mình cầm biểu ngữ với dòng chữ: “Phản đối phát gạo mốc cứu đói ngư dân miền trung” đứng công khai trên đường phố Hà Nội vào trưa hôm nay 13.9.2016.

Được biết, Formosa đã chuyển đủ 500 triệu USD tiền “bồi thường thiệt hại” cho phía nhà cầm quyền CSVN. Số tiền trên được chuyển làm hai lần, mỗi lần 250 triệu.

Tuy vậy, gạo mốc chính là “sự hỗ trợ” mà giới chức Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đưa cho bà con ngư dân nơi đây – vốn trích từ khoản tiền 500 triệu đô-la của Formosa.

Một video đã được phổ biến trước đó  khiến người dân không khỏi phẫn nộ trước cảnh cả bao gạo khi đến tay người dân đã mốc xanh phân nửa. Đến heo cũng không thèm ăn chứ đừng nói chi người.


Ông Dũng chia sẻ thêm: “Tôi cũng như hàng triệu người dân việt Nam khác, đều mong muốn nhà máy Formosa đóng cửa. Và tôi chọn cách thể hiện của mình, tôi công khai yêu cầu của cá nhân mình”.

Sau đó thì ông Dũng cầm biểu ngữ khác với câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:

“Bác Mao bác ở đâu xa
Bác Hồ ta đó chính là bác Mao”.


Photo: Trịnh Bá Phương

Cũng theo ông Dũng cho biết thì sau khi ông đứng giương biểu ngữ thì các lực lượng của chính quyền, bao gồm: CSGT, CSCĐ, an ninh đã có mặt rất nhanh để ngăn cản, tịch thu biểu ngữ và đe dọa bắt ông. Họ yêu cầu ông về đồn công an để “làm việc”.

“Tôi nói với họ rằng không có luật nào cấm việc tôi cầm biểu ngữ ở đây cả: Công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Vì vậy, tôi không có nhu cầu về công an phường”.

Photo: Trịnh Bá Phương

Trước những lý luận sắc bén của ông Dũng thì những tên công an, an ninh không thể đưa ông về đồn.

“Tôi cũng như hàng triệu người dân việt Nam khác, đều mong muốn nhà máy Formosa đóng cửa. Và tôi chọn cách thể hiện của mình, tôi công khai và tiếp tục công khai yêu cầu của cá nhân mình”. 

Trước khi kết thúc câu chuyện cùng CTV Danlambao, ông Dũng trầm ngâm: “Formosa chưa đóng cửa thì sắp có thêm một nhà máy thép, cùng công nghệ nhưng quy mô lớn hơn ở Cà Ná (Ninh Thuận). Tôi không biết rồi đây môi trường biển Việt Nam sẽ ra sao? Thảm họa xảy ra sẽ lớn đến mức nào? Và rồi thế hệ Việt Nam mai sau có còn biển sạch nữa không?"

Thảm hoạ môi trường đã chặn mọi con đường sống của ngư dân, tuy nhiên, những kẻ vô lương trong chế độ vẫn ăn không chừa một thứ gì của dân.

13.9.2016

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo