CTV Danlambao - Tối 1/9/2016, tại văn phòng Công Lý & Hòa Bình - Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn đã diễn ra cuộc thảo luận về vấn đề môi trường, đặc biệt nhằm chia sẻ “Thông Điệp Laudato Si” của Đức Giáo Hoàng Phanxico gửi đến nhân loại về việc bảo vệ, chăm sóc môi trường trên toàn thế giới.
Tham dự cuộc thảo luận có khoảng 70 người thuộc nhiều thành phần khác nhau như bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, blogger, sinh viên, người hoạt động nhân quyền và những người quan tâm khác.
Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, một trong những người đứng ra tổ chức cuộc thảo luận này đã nhắc lại rằng “Hội nghị về Biến đổi Khí hậu” của Liên Hiệp Quốc 2015 tổ chức tại Paris đã dựa vào thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico, như là một đề nghị quan trọng nhằm điều chỉnh những chỉ số trước khi đưa ra quyết định.
Cựu Giám Tỉnh DCCT - Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành đã trình bày tóm tắt nội dung của bức thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxico.
Linh mục Vinh Sơn giải thích: “Thông điệp” đối với Công Giáo là văn kiện của Tòa Thánh do Đức Thánh Cha (Đức Giáo Hoàng) ban hành gửi toàn thể thế giới”. Do vậy, nó có ý nghĩa thiêng liêng và xác quyết trách nhiệm của mỗi người Công giáo.
Thông điệp Laudato Si’ gồm 6 chương:
1/ Chương 1: Điều đang xảy ra cho ngôi nhà chung của chúng ta.
2/ Chương 2: Tin mừng về sáng tạo.
3/ Chương 3: Nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái.
4/ Chương 4: Sinh thái toàn diện.
5/ Chương 5: Đường hướng tiếp cận và hành động.
6/ Chương 6: Giáo dục và linh đạo sinh thái.
Giới thiệu về bức thông điệp của Đức Giáo Hoàng, cha Phạm Trung Thành cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong bản dịch của Linh mục Gioan Kim Lê Thanh Hoàng. Đặc biệt là chi tiết Đức Giáo Hoàng chỉ đích danh chủ nghĩa cộng sản là một trong những thể chế hủy diệt môi trường, hủy diệt con người. Tuy nhiên, khi dịch sang tiếng Việt thì chi tiết này đã bị bỏ. Cụ thể như đoạn 104, chương ba, trong đó bản tiếng Anh viết “ ...We need but think of the nuclear bombs dropped in the middle of the twentieth century, or the array of technology which Nazism, Communism and other totalitarian regimes have employed to kill millions of people, to say....” được dịch là “...Chỉ cần nghĩ đến những quả bomb hạt nhân được thả trong thế kỷ hai mươi, cũng như việc sử dụng hàng loạt công nghệ mà chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa độc tài và các chế độ toàn trị khác sử dụng để tiêu diệt hằng triệu người...”.
Hiện tượng biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đối với một số quốc gia trên thế giới. Nạn thiên tai lũ lụt, ô nhiễm môi trường... đang hoành hành trên toàn thế giới. Tất cả đều do bàn tay con người gây ra.
Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh cũng đã nói về thảm họa môi trường do Formosa gây ra, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của nhà cầm quyền đối với thảm họa này: “Một vùng Formosa lớn như vậy, mà cơ quan chức năng kiểm tra an toàn môi trường chỉ mất một buổi sáng. Thời gian đó chỉ đủ ngồi trên xe thăm quan, đi dạo là đã hết giờ rồi. Như thế làm sao có một kết quả kiểm nghiệm chính xác được”.
Linh mục Lê Ngọc Thanh cũng chia sẻ thêm với CTV DLB: “Môi trường ở Việt Nam có quá nhiều vấn đề. Đặc biệt vấn đề nào cũng làm cho đời sống con người bị tấn công một cách tàn bạo, từ nguồn nước đến không khí và thực phẩm. Hiện tượng nông dân bỏ đất đi lên thành thị, vì đất đai đã ô nhiễm họ không thể canh tác được. Những người trẻ ở các làng chài phải bỏ làng để vào các thành phố làm ăn, vì cá đánh bắt lên mà không buôn bán được nữa. Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ rằng, không lẽ chúng ta bằng lòng với tình trạng như thế, để rồi chúng ta chết chung với môi trường, hay là chúng ta cần phải làm gì? Đây là vấn đề mà mỗi người chúng ta cần phải suy nghĩ và hành động”
Kết thúc buổi thảo luận, tất cả những người có mặt cùng thắp nến cầu nguyện và hát vang bài Kinh Hòa Bình trong không khí linh thiêng và ấm áp.