Ta có thể có tất cả mọi hy vọng hợp lý. Nhưng nếu những hy vọng ấy không thiết thực thì chúng ta rốt cuộc sẽ chỉ theo đuổi lý tưởng hy vọng mù quáng. Hy vọng phung phí dễ dẫn đến tuyệt vọng chỉ khi chúng ta thấy hy vọng ấy không thành. “Trong tất cả cái ác hy vọng là cái ác lớn nhất vì nó kéo dài sự đau khổ của con người.”
Simon Critchley * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Phải chăng hy vọng luôn luôn quả là điều tuyệt diệu? Hay ngược lại phải chăng hy vọng là hình thức hèn nhát về đạo đức mà cho phép chúng ta thoát khỏi thực tại và kéo dài đau khổ của kiếp người?
Zeus ở núi Olympus trừng phạt thần Prometheus bằng cách xiềng ông vào tảng đá. Vĩnh viễn mỗi ngày chim ưng ăn gan ông. Mỗi đêm gan ông mọc trở lại. Tội của ông là trao cho con người món quà lửa và, qua đấy, khả năng sáng tạo nghề nghiệp, kỹ thuật và điều chúng ta thích gọi là nền văn minh.
Ai cũng biết chuyện này. Ít ai biết về món quà thứ hai của Prometheus. Trong vở bi kịch “Prometheus bị xiềng” của Aeschylus, đội đồng ca tra hỏi không thương xót vị thần bị xiềng xích này. Họ hỏi ông ngoài ra ông còn cho con người cái gì khác nữa. Có, ông đáp, “tôi khiến cho con người không nhìn thấy trước số phận bi thảm của họ.” Làm sao ông làm được điều ấy, họ hỏi? Lời đáp của ông thật sâu sắc: “Tôi đã gieo vào lòng họ những niềm hy vọng mù quáng.”
Rõ ràng chính hy vọng mù quáng này tôi nghĩ chúng ta nên cố gắng từ bỏ. Hy vọng ấy không phải là quá tự tin, mà là sai lầm. Như Napoleon sáng suốt từng nói, “người lãnh đạo là người buôn hy vọng” người mà trị vì nhờ luôn luôn khẳng định viễn cảnh tươi sáng bất chấp tất cả các bằng chứng ngược lại.
Tôi nghĩ ta nên sáng suốt nhìn mọi sự theo quan điểm khác, quan điểm rất xưa và rất Hy Lạp. Như những câu chuyện của chúng ta định hình nên chúng ta như những công dân, những câu chuyện của họ đã định hình nên họ và có thể biết đâu cũng định hình nên chúng ta. Vì thế, để tôi kể các bạn nghe một câu chuyện nhỏ, nhưng có lẽ chuyện khủng kiếp nhất từ đời xưa.
Trong tác phẩm “Lịch sử Chiến tranh Peloponnese”, Thucydides, sử gia nghiêm túc và không cảm tính, tả lại cuộc đối thoại giữa các đại biểu của đảo Melos ở biển Aegean, mà liên minh với Sparta, với các sứ giả của lực lượng quân sự Athen xâm lăng. Các sứ giả cho người Melos một chọn lựa rất đơn giản: Đầu hàng chúng tôi hay bị tiêu diệt.
Thay vì chỉ đầu hàng, người Melos cố chống đỡ. Họ bày tỏ hy vọng người Sparta sẽ đến cứu họ. Người Athen bình thản chỉ ra rằng gánh vác nhiệm vụ ấy là việc cực kỳ nguy hiểm đối với người Sparta cho nên rất khó xảy ra chuyện đó. Họ cũng nói đúng một điều nữa, “Chúng tôi là chủ nhân của biển cả.” Người Sparta có lực lượng bộ binh rất hùng mạnh, nhưng trên biển họ không sánh với hải quân Athen.
Người Melos viện cớ rằng nếu họ đầu hàng người Athen thì họ sẽ mất cả mọi hy vọng. Còn nếu họ tiếp tục chống trả thì “chúng tôi vẫn còn có thể hy vọng đứng thẳng.” Người Athen đáp quả thật hy vọng đúng là nguồn an ủi lớn, nhưng thường là an ủi hão huyền. Họ nói tiếp rằng người Melos sẽ hiểu thế nào là hy vọng khi hy vọng làm họ thất vọng, “vì hy vọng thường phung phí.”
Người Athen cố gắng thuyết phục người Melos một cách rất rõ ràng và không kém phần tàn nhẫn rằng họ không nên quay sang hy vọng mù quáng kiểu Prometheus khi họ bắt buộc phải từ bỏ những hy vọng hợp lý. Hy vọng hợp lý chẳng mấy chốc có thể trở nên bất hợp lý. Họ nói tiếp “Đừng giống như những kẻ tầm thường mà thay vì có thể dùng phương tiện của con người để tự cứu mình khi họ bắt buộc phải từ bỏ những hy vọng hợp lý thì họ lại quay sang những hy vọng mù quáng vào bói toán, sấm ngữ và những điều khác tương tự mà hủy diệt con người bằng cách cho họ hy vọng.”
Đến đây, người Athen ngừng tranh luận để cho người Melos suy xét lại lập trường của họ. Như thường xảy ra trong các cuộc thương lượng chính trị, người Melos quyết định vẫn giữ nguyên chính lập trường ấy mà họ đã thông qua trước cuộc tranh luận với các sứ giả. Họ giải thích rằng “chúng tôi tin tưởng vào sự may mắn mà các thần linh sẽ ban cho chúng tôi.” Trong tuyên bố cuối cùng, người Athen kết luận rằng “Các ông đã đánh cuộc tất cả mọi thứ vào sự tin tưởng vào hy vọng… rồi các ông sẽ mất sạch tất cả.”
Sau khi bắt đầu bao vây thành phố Melos và sau nhiều cuộc giao chiến qua lại giữa hai bên, người Athen đã mất kiên nhẫn với người Melos và Thucydides thuật lại một cách rất kiệm lời không ngờ, “Họ giết tất cả đàn ông trông độ tuổi quân dịch và bắt tất cả phụ nữ và trẻ em làm nô lệ.”
Những chế độ dân bầu có thể trở thành độc tài, các chính quyền dân chủ có thể trở thành thối nát, và những quân đội xâm lăng thường hành xử rất đáng sợ. Điều chúng ta cần khi đối diện với điều mà Nietzsche gọi là “sự thật chính xác, không thể nào tranh cãi,” là không phải hy vọng, mà là “can đảm đối diện với thực tại.”
Ta có thể có tất cả mọi hy vọng hợp lý. Nhưng nếu những hy vọng ấy không thiết thực thì chúng ta rốt cuộc sẽ chỉ theo đuổi lý tưởng hy vọng mù quáng (và vì vậy tuyệt vọng). Hy vọng phung phí dễ dẫn đến tuyệt vọng chỉ khi chúng ta thấy hy vọng ấy không thành. Nietzsche viết, “Trong tất cả cái ác hy vọng là cái ác lớn nhất vì nó kéo dài sự đau khổ của con người.” Bám vào hy vọng thường làm cho chúng ta càng đau khổ hơn.
Simon Critchley là giáo sư triết ở New School for Social Research ở New York, Hoa Kỳ.
Nguồn:
Trích dịch từ báo The New York Times số ra ngày 20/4/2014
Bản tiếng Việt: