Trần Ánh Dương (Danlambao) - Sau bài phát biểu cuối cùng của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Hội đồng liên hiệp quốc hôm 20 tháng 9 vừa qua [1] đã cho chúng ta thấy rõ hơn xu thế của sự phát triển và thịnh vượng các quốc gia trên toàn thế giới; đó là xu hướng tự do, dân chủ và những giá trị phổ quát của con người. Những quốc gia hay nhóm người nào đi ngược lại tinh thần này tự sẽ sụp đổ, đó là điều không thể tránh khỏi bánh xe của văn minh nhân loại.
Nhìn lại lịch sử 25 năm qua, đánh dấu sự sụp đổ chưa từng thấy của Liên xô - một nhà nước xã hội chủ nghĩa và là một trong những quốc gia hùng mạnh tạo nên đối trọng với chủ nghĩa tư bản ở Mỹ và Châu Âu. Điều này cho thấy không có một thế lực nào đánh đổ được nó mà đó là sự mâu thuẫn nội tại bên trong ý thức hệ và cách quản trị xã hội mang phong cách của sự độc tài, tập trung quyền lực vào một nhóm người nhưng thiếu một thể chế giám sát xã hội hiệu quả cũng như sự tham gia của người dân. Cùng với đó là thiếu kiến thức hiện đại về quản lý xã hội nhưng lại mang đầy màu sắc của sự độc đoán, duy ý chí và những cách thức quản lý thời chiến đã không còn phù hợp để quản lý xã hội hiện đại.
Sau khi Liên xô sụp đổ, chỉ còn lại vài nước trên bản đồ thế giới đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Venezuala và Bắc Triều Tiên. Có một điều dễ nhận thấy ở các nước tư bản văn minh với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ và Châu Âu, họ đã từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê Nin từ rất lâu, nơi là cái nôi của tư tưởng này (Mác – Ang-ghen), để đi đúng quy luật phát triển của lịch sử là sự chuyển hóa về lượng và chất. Tích lũy tư bản để đảm bảo đời sống căn bản của con người, mang lại những giá trị phổ quát về tinh thần như tự do, bình đẳng và dân chủ. Nhưng các nước XHCN hiện nay đã đi ngược lại xu thế đó, đó mới chính là tự đào mồ chôn mình.
Hãy điểm lại tình hình ở 5 quốc gia XHCN nói trên. Hiện nay Cuba đã nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ [2] và có những bước đi quan trọng nhằm xóa bỏ chế độ XHCN hoặc có những chuyển biến về chính sách từ bên trong về kinh tế - xã hội theo tinh thần dân chủ hơn. Chúng ta có thể thấy sự hỗn loạn đến mức không tưởng ở Venezuala. Khi người dân không có thức ăn, phải tranh giành và cướp bóc, giá cả đắt đỏ cộng với sự hỗn loạn của xã hội đã đẩy con người vào bước đường cùng. Đó là đứng lên kéo đổ chế độ và Tổng thống phải bỏ chạy khi bị người dân rượt đuổi.
Hay ở Trung Quốc tình trạng phân hóa giàu nghèo, sự khác biệt rất lớn về mức sống ở đô thị và vùng nông thôn; sự phát triển nóng về kinh tế đã tạo ra những hệ quả khôn lường về môi trường và sức khỏe con người. Nghiêm trọng hơn, bong bóng phát triển đang được bơm phồng và có thể nổ bất cứ lúc nào tạo nên sự sụp đổ của cả nền kinh tế thế giới do quan hệ phụ thuộc lẫn nhau [3]. Thêm vào đó là sự tranh giành nội bộ, đấu đá thanh trừng lẫn nhau do mâu thuẫn sâu sắc về lợi ích đang diễn ra rất nóng tại Bắc Kinh.
Ở cạnh Trung Quốc là Bắc Triều Tiên, một đất nước nghèo, kém phát triển [4] và chúng ta có rất ít thông tin về đất nước này. Những thông tin chủ yếu là những vụ thử vũ khí, sự tuyên bố về việc kích động chiến tranh chống lại Hàn quốc và các nước tư bản. Chúng ta có thể thấy rõ bức tranh đối lập về sự phát triển thịnh vượng của Hàn quốc và sự nghèo nàn, tụt hậu và cô lập của Bắc Triều Tiên qua một bức ảnh chụp vệ tinh về đêm [5]. Có ít ỏi thông tin về sự đường lối phát triển kinh tế hay an sinh xã hội ở Triều Tiên mà thường chúng ta chỉ nghe những thông tin được tuyên truyền như khóc lóc cho sự ra đi của lãnh tụ hay sự đồng lòng nhất trí của người dân một cách giả tạo trên các phương tiện được nhà nước tuyên truyền mà không có sự tiếp cận rộng rãi hay phản biện.
Còn Việt Nam đang trong một giai đoạn hết sức khó khăn. Sự bủa vây của ô nhiễm, thực phẩm bẩn và lòng người tha hóa đang tàn phá người dân từng ngày. Giáo dục xuống cấp, đạo đức xã hội và sự bất lương của lòng người đã đến đỉnh điểm. Thêm vào đó, tham nhũng, tha hóa của cán bộ công quyền và sự thờ ơ, chịu đựng của người dân làm cho tình hình trở nên tồi tệ. Sự hoành hành của các doanh nghiệp nước ngoài cùng với sự buông lỏng quản lý của Chính phủ đã và đang từng ngày hạ độc giết chết giống nòi Việt Nam bằng những công nghệ lạc hậu và sự xả thải chất độc vào sông và biển. Sự im lặng hay sự tuyên truyền một chiều của báo chí nhà nước đã được kiểm soát đã làm cho sự mất lòng tin của dân chúng đang ở mức độ báo động. Hơn lúc nào hết, hố sâu giữa sự đồng thuận lòng dân với chính quyền đang ngày càng mở rộng. Cộng với đó là sự thanh trừng lẫn nhau ở cấp trung ương, không quan tâm đến sinh mệnh của dân chúng đã tạo nên những đợt sóng thần của sự phẫn uất và bất mãn trong dân chúng được biểu hiện qua những cuộc biểu tình khắp nơi. Cách hành xử bắt bớ, đàn áp sẽ không làm xoa dịu tình hình mà chỉ trở thành những tác nhân cho những mâu thuẫn kế tiếp. Đây là một bi kịch cho dân tộc và câu nói của Nguyễn Trãi luôn đúng “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Việt Nam sẽ phải đối mặt với một tương lai bất ổn, số phận của người dân sẽ trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm và biến động nhưng đó cũng là quy luật của mâu thuẫn, đấu tranh và phát triển.
Martin Luther King đã nói “Hành trình của nhân loại không bao giờ lăn trên những bánh xe định mệnh. Nó chỉ tiến lên khi con người có những nỗ lực không ngừng, sẵn sàng hợp tác với Chúa, nếu không có những nỗ lực này, thời gian, bản thân nó, chỉ là đồng minh cho sự đình trệ của xã hội.” Điều đó có nghĩa rằng, không có gì là tự nhiên và miễn phí. Quá trình đi đến tự do, bình đẳng và dân chủ phải trả giá bằng máu và nước mắt và nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi. Mỗi người dân hãy tự nhận thức và đấu tranh cho những quyền căn bản của mình điều mà nó có sẵn tự nhiên của loài người. Điều này có thể minh chứng rõ ràng hơn qua ví dụ “mùa xuân A rập” [6] ở Trung Đông và Bắc Phi gồm Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie, Ả Rập Saudi, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Maroc. vào năm 2010 – 2013 hay sự sụp đổ của chính quyền Ukraina năm 2014 [7, 8]. Kết cục là sự sụp đổ của chế độ độc tài toàn trị, mất dân chủ; bảo thủ và đưa đất nước sang một trang mới có thể tốt đẹp hơn hoặc thê thảm hơn. Điều đó phụ thuộc vào số mệnh của mỗi dân tộc mà mỗi người dân sẽ đóng góp vào số mệnh đó.
3.10.2016
________________________________
Nguồn: