Khủng hoảng của Donald Trump, Hillary Clinton và tương lai của TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) - Dân Làm Báo

Khủng hoảng của Donald Trump, Hillary Clinton và tương lai của TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương)

LS Đào Tăng Dực (Danlambao) - Một biến cố trọng đại vừa xảy ra tại chính trường Hoa Kỳ. Đó là sự kiện tờ Washington Post hôm thứ Sáu vừa qua, đăng tải một cuộn băng ghi âm vào năm 2005 (tức 11 năm về trước) trong đó ứng cử viên Tổng Thống Đảng Cộng Hòa Donald Trump khoe khoang rằng vì ông là một ngôi sao (star) nên ông có thể sỗ sàng với giới nữ.

Theo lời của ông “khi bạn là một ngôi sao họ cho phép anh làm điều ấy… bạn làm gì cũng được” (When you are a star they let you do it…You can do anything). Ông ta nói “nắm của quý của họ” (grab them by the pussy).

Sau đó, ông có xin lỗi nhưng lời xin lỗi này không đạt được hiệu quả mong muốn.

Cuộc tranh cử giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đang vào hồi quyết liệt. Giữa hai ứng cử viên tổng thống chỉ khác biệt một vài phần trăm phiếu ủng hộ. Hillary Clinton đang dẫn đầu Donald Trump khoảng 3% tổng quát và rất xa hơn trong giới phụ nữ.

Chính vì thế cuộn băng này vừa tung ra thì hàng ngũ đảng Cộng Hòa hoàn toàn khủng hoảng và tan vỡ. Hằng chục thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, thống đốc tiểu bang, thuộc đảng CH lên án lời tuyên bố của Donald Trump. Nhiều chính khách CH cũng kêu gọi Donald Trump từ chức ứng cử viên đảng CH hầu đảng này chọn một người đạo đức hơn thay thế. 

Nhiều người đề nghị ứng cử viên phó tổng thống CH là Mike Pence, thống đốc tiểu bang Indiana lên thay thế. Dĩ nhiên phe đảng Dân Chủ kể cả ứng cử viên TT Hillary Clinton và Ứng cử viên Phó TT Tim Kaine lên án gay gắt thái độ khiếm nhã của Donald Trump. Tuy nhiên giới truyền thông là năng nổ nhất trong chiến dịch lên án này.

Phần lớn các bình luận gia đều cho rằng lần này Donald Trump không còn hy vọng gì đắc cử, trừ khi có một phép lạ, chẳng hạn ông chiến thắng trong cuộc tranh luận lần thứ 2 một cách rực rỡ với Hillary Clinton vào ngày mai (Chúa Nhật USA). Điều này rất khó vì Hillary Clinton là một luật sư xuất sắc.

Thay thế Donald Trump là một điều trên nguyên tắc có thể xảy ra vì điều 9, bản điều lệ của Republican National Committee ghi rõ:



“Ủy Ban Toàn Quốc Đảng CH có thẩm quyền và khả năng bổ sung tất cả các chức vụ bỏ trống vì lý do tử vong, rút lui hoặc những lý do khác của ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ của Đảng Cộng Hòa” 

("The Republican National Committee is hereby authorised and empowered to fill any and all vacancies which may occur by reason of death, declination, or otherwise of the Republican candidate for President of the United States.")



Donald Trump, đến bây giờ không chết và nhất định không rút lui. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo chính đảng CH cho rằng ông không đủ tư cách làm ứng cử viên tổng thống và điều này trên nguyên tắc đáp ứng điều kiện “lý do khác” (otherwise).

Vấn đề của đảng CH là thực tế chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến ngày bầu cử. Nếu thay đổi ứng cửa viên thì mất tương đối nhiều thời gian quý báu. Thêm vào đó, những người ủng hộ Trump rất cực đoan. Họ sẽ chắc chắn không bầu cho ai khác ngoài Trump. Kết quả là một ứng cử viên khác có thể thảm bại lớn hơn là Trump nữa. Thêm vào đó, tại một vài tiểu bang, phiếu bầu đã in xong và nhiều cử tri đã bầu trước (pre-polling). Chỉ có tên của Trump. Một ứng cử viên mới sẽ mất những phiếu đó. Trong một cuộc tranh cử sít sao, điều này rất quan trọng.

Việc mà các chiến lược gia của đảng CH nghĩ là họ sẽ làm, ít gây thiệt hại nhất là: không chi phí tài chành cho Trump ứng cử chức vụ tổng thống nữa mà dồn tài lực và nhân lực để giữa đa số ghế tại Hạ Viện và Thượng Viện Liên Bang.

Sau đó, họ cho phép các ứng cử viên vào các chức vụ quốc hội cũng như thống đốc các tiểu bang có quyền công khai bất đồng ý kiến với Donald Trump mà không bị chế tài của trung ương.

Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, giữ Donald Trump lại, dù không còn sự ủng hộ tài chánh, không phải là một quyết định sáng suốt. Lý do là vì sở dĩ đảng CH đứng vững như một chính đảng, trong chế độ lưỡng đảng Hoa Kỳ là vì đảng CH có một số giá trị căn bản, trong đó, đạo đức là một căn bản rường cột. Những khoe khoang của Donald Trump liên hệ đế phụ nữ không những vi phạm nghiêm trọng nhân phẩm của người đàn bà, mà còn thô tục và phi đạo đức thậm tệ.

Chính vì thế các lãnh đạo đảng CH cần phải can đảm, truất phế ông. Tuy có thể sẽ thất bại nặng hơn trong cuộc bầu cử tổng thống, nhưng ít nhất, ngọn cờ của đảng được dương cao bởi một cá nhân phẩm cách cao hơn, và như thế tương lai của đảng sẽ có cơ hội trường tồn.

Lý do tại sao một đảng lớn như đảng CH và một nền dân chủ gạo cội như Hoa Kỳ lại sản sinh ra một nhân vật tệ hại như Donald Trump vậy?

Câu trả lời của tôi đã được viết rõ chi tiết trong cuốn “Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam trên quan điểm Dân Chủ Hiến Định Pháp Trị và Đa Nguyên”. Đó là có nhiều khuyết điểm trong nền dân chủ Hoa Ký. Trong đó 2 khuyết điểm sản sinh ra Trump như sau:


a. Nguyên tắc tự do đi bầu hay không bầu (freedom to vote and not to vote) thay vì bầu cử cưỡng bách (compulsory voting)


b. Nguyên tắc bầu cử ngựa chạy về nhất hay đa số tương đối (relative majority)

Theo quan điểm của tôi, đây là 2 nguyên tắc đã làm Donald Trump dành được ghế ứng cử viên đảng CH với một đa số tương đối (thay vì tuyệt đối là 50% hơn). Điều này hoàn toàn không thể xảy ra trong một nền dân chủ tiến bộ hơn như tại Úc và một vài quốc gia Âu Châu với các nguyên tắc bầu cử cưỡng bách, đa số quá bán (absolute majority) và đại diện theo tỷ lệ (proportional representation). Thêm vào đó, quyền tự do không đi bầu rất bất lợi cho những thành phần nghèo và lao động vì họ ít thông tin, cần phải cố gắng mới đi bầu và khi họ ít đi bầu thì quyền lợi bị mất. Quyền tự do không đi bầu cũng thuận lợi hơn cho những thành phần quyết tâm cao như những thành phần cực đoan ủng hộ Trump.



Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì diễn biến này tại Hoa Kỳ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp. Lý do là vì khi Donald Trump chống lại TPP thì chủ trương này của ông có xác xuất bất khả vãn hồi cao. Trong khi đó khi Hillary Clinton chống lại TPP thì chính sách này của bà không hẳn bất di bất dịch. Tháng 8 vừa qua, Bà đã bổ nhiệm ông Ken Salazar vào đội ngũ tranh cử của bà. Ông Salazar là một trong những tác giả của TPP. Nếu bà đắc cử thì ông sẽ hướng dẫn bà trong thủ tục chuyển giao quyền lực từ Obama sang tân tổng thống.

Cuốc bầu cử Hoa Kỳ năm nay là một cuộc bầu cử mang nhiều mâu thuẫn nội bộ của 2 đảng. Những chủ trương về mậu dịch của Trump tương phản với những chủ trương chính thống của đảng CH là Mậu Dịch Tự Do. Tuy nhiên Donald Trump bị ảnh hưởng và được sự ủng hộ nhiều của các nhóm Evangelicals tức truyền giáo Tin Lành thuộc các nhóm tôn giáo cực hữu (religious rights) nên dành được ngọn cờ của đảng. Trong khi đó Hillary Clinton lại gần gũi với giới tài phiệt (vốn là gần gũi nhiều với CH) hơn là Donald Trump.

Diễn biến vừa qua làm tăng xác xuất đắc cử của Hillary Clinton. Lý do bà chống lại TPP vì áp lực đến từ phe nghiệp đoàn Hoa Kỳ, là một thành phần gần gũi với đảng Dân Chủ (DC). Sau cuộc bầu cử, nếu trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, bà có thể duyệt xét và tái thương thuyết TPP, kèm thêm nhiều đòi hỏi khắt khe hơn về nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam, hầu bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên TPP vẫn có cơ hội hồi sinh với bà Hillary Clinton.

Dĩ nhiên, mặc dù sắp mãn nhiệm kỳ, nhưng TT Obama không hoàn toàn bất lực trên nguyên tắc. Sau cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 này và trước khi tân tổng thống (20 tháng 1, 2017) cũng như tân quốc hội (3 tháng 1, 2017) nhậm chức, ông có thể vận động quốc hội (sắp mãn nhiệm gồm nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ CH và DC ủng hộ TPP) thông qua TPP và tổng tống lập tức ký thông qua sắc luật TPP, đặt lập pháp và hành pháp tân nhiệm trước một sự kiện đã qua (fait accompli). Tuy nhiên xác xuất này được phó TT Joe Biden cho là rất thấp.

Constitution Hill 9 October, 2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo