Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Trong những tháng gần đây tình hình Biển Đông sôi động đến độ thiên hạ tưởng chừng như chiến tranh Trung-Mỹ thế nào cũng xảy ra và không thể nào tránh khỏi.
Một bên thì Trung Quốc cứ tiếp tục xây đắp các đảo nhân tạo tại những vùng biển mà Tòa Trọng Tài Quốc Tế không nhìn nhận, và đe dọa chiến tranh. Còn bên kia thì Hoa Kỳ tuyên bố nếu chiến tranh xảy ra, Hoa Kỳ sẵn sàng đáp trả bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, và sẽ tiêu diệt Trung Quốc trong 10 phút.
Căng thẳng lên đến tột độ. Tại Á Châu một số quốc gia đang dục dịch chuyển hướng đồng minh để cố tránh tối đa sự thiệt hại nếu chiến tranh không thể nào tránh được.
Phi Luật Tân đã chính thức ngả theo Trung Quốc, Mã Lai Á đang có những động thái thân Trung Quốc hơn và Việt Nam thì lại xích lại gần Hoa Kỳ hơn bao giờ hết. Xin mời qúy độc giả đọc tiếp.
Rodrigo Duterte và con đường chống Mỹ
Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống Philippines ngày 31/5/2016. Ông là cựu thị trưởng thành phố DAVAO và có thành tích giết người không xét xử.
Sau khi đắc cử chức vụ thị trưởng thành phố DAVAO năm 1988, ông thành lập đội sát thủ DDS (Davas Death Squads) một tổ chức dân sự không nằm trong hệ thống chính quyền của Philippines. Lúc đầu đội này chỉ có 7 người, nhưng đến đầu năm 1993 thì đã tăng lên 500 người.
Trên danh nghĩa, DDS là một công cụ mà Duterte dùng để tiêu diệt, không xét xử, những người nghiện ma túy. Một thành viên DDS tên Matobato cho biết: “ngày nào cũng có những kẻ bị chúng tôi bắn chết, xác của nạn nhân được quấn bằng băng keo rồi ném cho cá xấu ăn thịt”. Báo chí Phi cho biết đã có 3800 người chết ngoài khuôn khổ của luật pháp trong các chiến dịch chống ma tuý này.
Trong thực tế, DDS là quân đội riêng của Duterte, chuyên xử lý các vụ cản trở con đường chính trị của ông, hoặc các nhà báo và ngay cả những nhân viên điều tra của chính phủ. Matobato khai trước Thượng Viện Phi: Năm 1993 chính Duterte đã trút hết hai băng đạn UZI vào một mật vụ do Bộ Tư Pháp Phi cử đến để điều tra những vụ giết người ở DAVAO. DDS đã từng nhận lệnh của Duterte ám sát Chủ Tịch Hạ Viện Prospera Nograles vì đám ganh đua ứng cử vào ghế thị trưởng DAVAO với ông. Tuy nhiên vụ ám sát bất thành chỉ có tên vệ sĩ bị giết chết mà thôi.
Duterte là người ăn nói văng mạng. Ông chửi nhân viên Liên Hiệp Quốc là “đồ khốn nạn”, ngoại trưởng Mỹ Kerry là “đồ điên”, TT Obama và Giáo Hoàng Framcis là “con của gái điếm”.
Sáu tháng trước khi được bầu làm tổng thống Phi, Duterte tuyên bố “Máu sẽ đổ nếu Bắc Kinh xâm phạm lãnh thổ Philippines. Chúng ta không dễ dàng khuất phục. Trung Quốc phải bước qua xác chết của binh sĩ tôi và của tôi. Tôi sẽ đích thân lái canô đến Scarborough cắm cờ Phi lên đó”.
Vậy mà khi sang thăm Trung Quốc (18-21/10/2016) Duterte lại đổi giọng, cho biết ông ngoại của ông là người Hoa và 1/4 dân số của Phi cũng là người Hoa. Ông khen Trung Quốc là hào phóng và đã giành được sự kính nể của quốc tế. Ông lớn tiếng hô hào “Mỹ đã thua. Tôi sẽ đi Nga nói chuyện với Putin và ba chúng ta sẽ chống lại thế giới”.
Ông tuyên bố ly khai với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và làm bạn với Bắc Kinh. Trước sự thay đổi thái độ đột ngột này Tập Cận Bình chưa dám tin, nhưng vì muốn làm vui lòng Duterte đã cho phép dân Phi trở lại đánh cá trong vùng đảo Scarborough.
Từ bao nhiêu năm nay Phi vẫn là đồng minh của Mỹ, nhưng Duterte không được Mỹ ưa thích vì vi phạm nhân quyền, giết quá nhiều người không xét xử. Chỉ có thế thôi nhưng trong một lúc “điên rồ” Duterte đã làm thay đổi cục diện Biển Đông. Thế giới đang theo dõi hệ quả của một người mất trí. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem.
Malaysia đang có khuynh hướng ngả về Trung Quốc
Thủ tượng Malaysia Najib Rasak ngày 31/10/2016 đã tới Trung Quốc để bắt đầu một chuyến thăm kéo dài tới 6/11/2016. Cùng đi với ông có hàng chục quan chức và doanh nhân. Trong một thông cáo ngày 26/10/2016 ông Rajib nói rằng “Malaysia cam kết ủng hộ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và sẽ thúc đẩy mối bang giao này lên tầm cao mới”.
Đi Trung Quốc lần này ông Rajib muốn thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia đặc biệt là vào các lãnh vực công nghệ mới và cơ sở hạ tầng. Ông muốn thúc đẩy cho nền kinh tế Malaysia trong năm 2017 tiến lên để tạo thêm tính chính đáng cho vai trò lãnh đạo của ông, qua đó củng cố cơ may tái thắng cử cho liên minh cầm quyền do ông lãnh đạo, trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2018.
Hiện nay, Malaysia đang đòi chủ quyền trên một chục đảo ở Biến Đông, Thủ tướng Najib không muốn tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trong trường hợp này vì sợ làm phật lòng đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia.
Malaysia đã đặt mua của Trung Quốc bốn tầu tuần duyên và một số thiết bị quân sự quan trọng. Điều này phản ánh sự tin cậy giữa hai nước. Hợp tác trong lãnh vực hàng hải đánh dấu sự thành công của dự án “Con đường tơ lụa mới” của bắc Kinh.
Chuyến viếng thăm của ông Najib lần này cũng diễn ra đồng thời với một vụ tai tiếng về quỹ phát triển 1MDB (1Malaysia Development Berhad) khiến uy tín của ông bị sứt mẻ nặng nề. Qũy phát triển 1MDB là một ngân hàng phát triển chiến lược thành lập để hướng các sáng kiến phát triển vào những cơ hội cần thiết và thuận lợi.
Tháng vừa qua tư pháp Mỹ đã tịch biên một tỷ đô la tài sản của Malaysia do bị nghi ngờ là biển thủ từ qũy 1MDB rồi mang sang Mỹ “rửa tiền”. Uy tín của nước này sụt mạnh vì có nhiều đối tác nhân ngại làm ăn với Kuala Lumper.
Trong nước cũng như ngoài nước nhiều người đòi ông từ chức. Trung Quốc cũng đang khai thác vụ tai tiếng đó để thắt chặt quan hệ hơn với Malaysia. Với chủ trương này Bắc Kinh đang lôi kéo Kuala Lumpur về phía họ về cả hai mặt kinh tế và chiến lược.
Một hãng tin của Anh cho rằng chuyến công du của ông Najib sang Bắc Kinh có thể gây trở ngại cho chính sách của Hoa Kỳ về Đông Nam Á. Malaysia được coi là “chiến lợi phẩm” của Trung Quốc tại Châu Á. Những chuyên gia có đầu óc thực dụng thì nhận xét là Malaysia luôn luôn quan tâm đến việc giữ thế “cân bằng” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Đinh Thế Huynh sang Mỹ làm gì?
Trong khi cả thế giới đang bận tâm về lời tuyên bố của Duterte thì Đinh Thế Huynh của Việt Nam cũng thầm lặng sang Trung Quốc, nhưng sang Trung Quốc rất nhanh để rồi chuyển bước vội vã sang Washington mà không nói rõ lý do.
Đinh Thế Huynh là ai? Ông là ủy viên Bộ Chính Trị, thường trực Ban Bí Thư của Đảng CSVN. Ông đến Hoa Kỳ lần này là lần đầu tiên do lời mời của ngoại trưởng Kerry và sẽ lưu lại tại đây khoảng 7 ngày kể từ 24/10/2016.
Như vậy ông là nhân vật thứ hai của Đảng CSVN sang thăm viếng Hoa Kỳ đi theo kênh Đảng giống ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái. Đối với những người cộng sản thì đi theo kênh Đảng bao giờ công việc được giao phó cũng quan trọng và bí mật hơn là dị theo kênh chính phủ. Còn ông sang Mỹ làm gì thì việc đó chưa được tiết lộ. Người ta chỉ có thể đoán được rằng việc của Đinh Thế Huynh làm chắc chắn sẽ đi ngược lại với việc của hai ông Duterte và Najib đã làm. Như thế có nghĩa là thay vì ngả theo Tầu nhiều hơn thì lại thiên về Mỹ nhiều hơn.
Rút kinh nghiệm từ bước quy phục Thành Đô, người cộng sản VN bây giờ đã thấm thía thế nào là “mười sáu chữ vàng” và “bốn tốt”. Thời hạn của 30 năm quy phục đã gần kề để Việt Nam trở thành một quận huyện của Trung Quốc, nên vào lúc này không nên bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để thoát Trung hoặc để tạo thế cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Tầu tại địa điểm chiến lược này của thế giới.
Sang Mỹ kỳ này, ngoài việc tự giới thiệu với lãnh đạo cấp cao của Mỹ, Đinh Thế Huynh còn có hai việc lớn phải làm là: 1/ mua vũ khí sát thương của Hoa Kỳ như TT Obama đã hứa lần trước; 2/ nhắc nhở và thúc giục Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến TPP hoặc đến một hiệp ước thay thế tương tự.
Gần đây Việt Nam đã mở cửa cảng Cam Ranh để tiếp nhận mọi tầu thuyền ngoại quốc đến thăm và sửa chữa. Đó là một việc làm sáng suốt cần ghi nhận. Cũng cần phải ghi nhận thêm một vài hành động đi trước và đi ra ngoài chính sách của Bắc Kinh như được mô tả dưới đây.
Tháng 2/2016, lần đầu tiên đã diễn ra cuộc tập trận chung giữa Nhật Bản và hải quân VN tại Đà Nẵng. Sau đó một tầu quân sự Mỹ áp sát đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, bị phía Trung Quốc công kích dữ dội thì VN đã có thái độ bênh vực khi tuyên bố “tầu Mỹ đi qua vô hại”.
Hành động có dũng khí nhất là đầu năm 2016 hải quân VN đã bắt giữ một tầu của Trung Quốc vì tầu này đã vi phạm có chủ ý vùng biển VN.
Tháng 8/2016 Reuters đưa tin: “Quân đội VN đã cẩn thận đưa tên lửa ra Trường Sa như một cách để đối kháng với việc Trung Cộng đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm. Tin này đã làm cho Tập Cận Bình sôi máu.
Có vẻ đang diễn ra một số động thái lạ trong việc phòng thủ quân sự và trong việc đối ngoại. Không thể kể hết ra đây những công việc mà Huynh phải làm trong chuyến công du sang Mỹ khá dài vừa qua. Mong rằng Huynh có khả năng lý luận và đầu óc sáng suốt hơn các lãnh đạo cộng sản khác để biết nắm bắt cơ hội và đã thực thi những điều cần thiết phải làm trong cơ hội hãn hữu này ./.
Tháng 11 năm 2016