Cùng một lò: mị dân, độc tài - Dân Làm Báo

Cùng một lò: mị dân, độc tài

Nguyễn Hội (Danlambao) - Thời còn học trung học, trong khuôn khổ giờ chính trị chúng tôi được nghe bài giảng của cán bộ tuyên huấn thành ủy về kế hoạch phát triển Sài Gòn được tổ chức tại câu lạc bộ thanh niên số 4 đường Duy Tân (đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay). Cán bộ đã phê bình gay gắt hệ thống đường dây điện Sài Gòn lúc bấy giờ là bắt trên không băng ngang qua các khu dân cư dễ gây tai nạn, ảnh hưởng đến mạng sống người dân. Chính quyền thành phố đương nhiệm đưa kế hoạch thiết kế hệ thống đường dây điện ngầm bắt dưới mặt đất, dẫn thẳng vào nhà dân, hãng xưởng. Cán bộ tuyên huấn còn cho biết, kế hoạch trên đây nhằm thực hiện lời của ông Hồ "đất nước ta sẽ đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn". Câu trên đây cán bộ tuyên huấn đã trích ra từ lời ông Hồ kêu gọi dân chúng miền Bắc thực hiện một cuộc chiến tranh lâu dài với miền Nam: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Cuộc chiến Bắc Nam vừa qua đã cướp đi bao nhiêu tinh hoa của Dân tộc, phá hủy đi nền đạo lý nhân bản của Tổ tiên để lại, cản trở Tổ quốc phát triển về mọi mặt … Hơn bốn mươi năm cuộc chiến đã tàn, nhưng Việt Nam ngày nay vẫn lọt tọt đi sau người và thuộc một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Năm 1986, 41 năm sau thế chiến thứ hai, Tây Đức (mặc dù chưa được độc lập) đã trở thành quốc gia dẫn đầu kinh tế tại Âu châu.


Hệ thống đường dây điện tại Sài Gòn ngày nay. nguồn: www.saungon.net

Hệ thống dây điện Hà Nội, khu nhà thờ Lớn 
cách Hồ Gươm một hai con phố (nguồn:www.alobacsi.com)

Năm mươi năm sau, ứng cử viên Tổng Thống Mỹ Donald Trump tuyên bố một câu tương tự như lời hô hào cho một cuộc chiến tranh của ông Hồ chí Minh: "Nếu được bầu làm tổng thống, tôi sẽ đưa nước Mỹ lớn hơn, tốt hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, chúng ta sẽ làm cho Mỹ vĩ đại trở lại. (if I get elected president I will bring it back bigger and better and stronger than ever before, and we will make America great again)"

Chính trị gia các nước dân chủ phương Tây tuy có những lời hứa hẹn thổi phồng trong các vận động tranh cử, nhưng những hứa hẹn này thường dựa trên nền tảng thực tế và có thể thực hiện được ít nhất là một phần. Sau đây, chúng ta cùng kiểm định lời tuyên bố của ứng cử viên Tổng Thống Mỹ Donald Trump qua sự phân tích kế hoạch kinh tế cùng một vài tuyên bố của ông.

Những điểm chính về chính sách kinh tế của Donald Trump:

Ông Donald Trump đã từng tuyên bố chính sách kinh tế với nội dung khác nhau. Những dữ kiện về kinh tế được nêu sau đây dựa trên tuyên bố chính thức của ông vào tháng 8 năm 2016:

- Chính quyền Donald Trump sẽ giảm các loại thuế doanh nghiệp, thuế lợi tức và bãi bỏ thuế hưởng gia tài. Thuế doanh nghiệp hiện nay là 35% sẽ giảm xuống 15%, nguồn lợi tức từ ngoại quốc sẽ chỉ phải đóng 10%.

- Giảm thuế lợi tức tối đa xuống còn 25% so với hiện nay là 39,6%. Người dân độc thân với lương thu nhập hàng năm dưới 25 ngàn USD và người có gia đình với thu nhập dưới 50 ngàn USD sẽ không phải đóng thuế. 

- Để hỗ trợ sản phẩm Mỹ, đồng thời tạo công ăn việc làm cho công dân Mỹ, chính quyền Donald Trump sẽ đánh thuế trừng phạt vào hàng hóa của Tầu đại lục là 45% và của Mexico là 35%.

Thành quả đạt được theo ông Trump:

Sau hơn 1 tháng tuyên bố chính sách kinh tế, vào ngày 15.09.2016 ông Trump đưa ra những con số miêu tả thành quả đạt được qua việc thực hiện chính sách kinh tế của mình:

- Kinh tế tăng trưởng hàng năm từ 3,5% tới 4%;

- Tạo 25 triệu việc làm mới;

- Tính trên nền tảng năm 2016, chính phủ sẽ thu thuế ít hơn 4400 tỉ USD trong 10 năm sắp tới. Trong tình trạng kinh tế tăng trưởng cao, việc làm nhiều số tiền giảm thu của chính phủ sẽ chỉ còn 2600 tỉ USD. Ông Trump và nhóm chuyên gia kinh tế của ông cho rằng, lợi nhuận đạt được qua sự điều chỉnh chính sách thương mại và năng lượng sẽ là 1800 tỉ USD. Do đó chỉ còn 800 tỉ thâm hụt so với ngày nay mà thôi.

Ý kiến của chuyên gia độc lập:

Theo Tax Policy Center (Taxpolicycenter.org) chính sách kinh tế của ông Trump sẽ làm lợi cho giới giàu thượng lưu và trong mười năm đầu tiền thu thuế sẽ ít hơn 6200 tỉ USD. Con số giảm thu thuế lên tới 20900 tỉ USD vào năm 2036. Và kinh tế sẽ giảm một cách đáng kể.

Theo chiết tính của hệ thống dự báo kính tế Wharten Budget Model (PWBM), thực hiện bởi đại học Pennsylvania, những năm đầu người dân trả ít tiền thuế nên có nhiều tiền hơn để mua sắm. Nhưng từ năm 2025 trở đi chính sách kinh tế của ông Trump sẽ trở thành gánh nặng cho nước Mỹ vì nợ công tăng trưởng ngày càng cao, mặt khác lãi xuất cũng tăng cao. Chính sách này sẽ gây giảm 0,5% GDP vào năm 2025 và giảm 4% GDP vào năm 2036.

Peterson Institute for International (PIIE, www.piie.com) thực hiện một phân tích chi tiết về chính sách kinh tế của Donald Trump. Chuyên gia của PIIE tiên báo chính sách kinh tế của ông Trump sẽ đưa nước Mỹ vào cuộc chiến thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Tầu đại lục và Mexico. Nước Mỹ sẽ suy thoái, 4,8 triệu việc làm bị thiêu hủy, hàng hóa tiêu thụ sẽ bị khan hiếm, thiếu thốn.

Trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, bộ phận, thành phần của sản phẩm thường được sản xuất từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chiếc xe hơi tuy được lắp ráp tại Mỹ, nhưng những con bù lon được mua ở Thái Lan, Tầu đại lục, iPhone được sản xuất tại Tầu đại lục, nhưng nghiên cứu và thiết kế được thực hiện ở Mỹ, tất cả quần áo tại Mỹ từ bình dân đến sang trọng, thời trang được may tại các nước Á châu hoặc Mexico v.v...

Trong một vài thảo luận và phỏng vấn báo chí tại quận Cam vào những năm 2009-2011, tác giả đã từng đưa ý kiến về chính sách Khuyến khích đưa một phần sản xuất trở lại nước Mỹ. Chính sách trên điều chỉnh cán cân mậu dịch, giảm bớt hoặc không phải tạo thêm nợ ngoại quốc, tạo thêm chỗ làm cho người dân Mỹ v.v… Chính quyền Tổng thống Obama những năm gần đây đã khuyến khích đưa sản xuất trở về Mỹ và cũng đạt được một số kết quả.

Nhưng, mọi biến chuyển, thay đổi đòi hỏi thời gian, không thể thay đổi sớm chiều. Tiến trình chuyển sản xuất ra ngoại quốc trước đây kéo dài nhiều năm. Sự kiện chuyển sản xuất ra khỏi nước Mỹ vừa qua đã hủy đi gần 5 triệu chỗ làm tại Mỹ. Ông Trump cho rằng sẽ tạo 25 triệu chỗ làm qua chính sách kinh tế của ông thì quả chính sách này quá kỳ diệu như một phép thần thông! Điều đáng chú ý là trong nhóm cố vấn soạn thảo chính sách kinh tế của ông Trump không có chuyên gia kinh tế nổi bật và chỉ 1 người có bằng tiến sĩ.

Thù hận, chia rẽ, hăm doạ là chính sách của chế độ độc tài:

Ngoài điều kiện thời gian, để đạt được kết quả tốt đẹp cho mọi chuyển biến là biến chuyển đó cũng như tất cả các tiến hành thực hiện phải dựa trên nền tảng vì con người, vì tình thương mến con người, không vì thù hận. Việc làm dựa trên nền tảng thù hận thường mang lại tác hại tiêu cực. Một thí dụ mà mọi người chúng ta đều biết rõ, nền tảng của chế độ cộng sản là đấu tranh giai cấp. Thành viên của chế độ được giáo dục "căm thù", sau đó thì phải "biến căm thù thành hành động":

"Giết, giết, giết, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt" (Thơ Tố Hữu).

Phân hóa xã hội, mất niềm tin giữa người dân với nhau, mất niềm tin của người dân với chính quyền v.v… là hậu quả của hận thù, hậu quả của chế độ độc tài không dựa trên nền tảng vì con người.

Trong các bài diễn giảng của cuộc vận động tranh cử, ông Donald Trump thường khơi động hận thù nơi giới ủng hộ của mình, hận thù đối thủ Clinton, hận thù thể chế chính trị Mỹ hiện tại: "Cầm tù bà ta!", hoặc nguyền rủa người Mexico như Lê Duẩn đã từng nguyền rủa người tỵ nạn Việt Nam "Mexico không gửi đến cho quí vị (các bạn) những người tốt nhất của họ mà họ gửi những người có rất nhiều vấn nạn, và họ mang những vấn nạn đó đến với chúng ta. Họ mang ma túy tới. Họ mang tệ nạn hình sự tới. Họ là những kẻ hiếp dâm..." Và Donald Trump hài lòng khi những người ủng hộ của ông thét lên "giết bà ta!".

Bộ trưởng ngoại giao Đức đã phải thốt ra một lời phê phán không mang tính chất ngoại giao là: "Donald Trump là một thuyết sư về hận thù". Nhà văn Jonathan Franzen đã so sánh ông Donald Trump với Hitler.

Ông Trump thường ca ngợi, bênh vực các nhà độc tài hiện đại như Putin, Erdogan, Assad, điều đặc biệt là ông còn muốn noi gương Putin. Tháng 7 vừa qua ông đã ngỏ lời cám ơn Putin đã cho mật thám ăn cắp những Emails trên hệ thống computer của Đảng Dân chủ "Democratic National Committee". Ngoài ra ông Trump còn kêu gọi Putin cho mật thám lấy cắp thêm Emails của phía bà Clintons. Tháng 10 vừa qua, hacker đã xâm nhập vào máy Computer của ông John Podesta, trưởng ban vận động tranh cử của bà Clinton. Hai công ty phụ trách bảo toàn mạng của Mỹ SecureWorks và CrowdStrike đã tìm ra dấu vết của nhóm Hacker của Nga là FancyBear. Phần mềm (Software) nhóm này sử dụng do chính quyền Nga trước đây đặt thực hiện, phần mềm này đã được sử dụng xâm nhập vào hệ thống Computer của Quốc hội Đức.

Tháng 8 vừa qua, báo chí phanh phui việc Paul Manafort, trưởng ban vận động tranh cử cho ông Trump là Paul Manafort đã nhận 12,7 triệu Mỹ kim của cựu Tổng thống Ukraine thân Nga Wiktor Junukowitsch trong những năm 2007 đến 2012. Số tiền này Paul Manafort đã lén lút đưa vào Mỹ để vận động cho chính sách chính trị của Mỹ đối với Ukraine (như không đòi hòi trả tự do cho tù nhân chính trị). Paul Manafort đã từ chức sau những bài báo loan tin trên.

Báo chí còn đưa tin là Carter Page, cố vấn về đường lối đối ngoại cho ông Trump mùa hè vừa qua đã sang Moscau hội kiến với một trong những người thân tín nhất của Putin là Igor Setschin.

Chính trị gia cực hữu người Nga thường được gọi là "người bạn của Putin", "tên hầu của Putin", Wladimir Schirinowski tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Reuters "mọi nơi sẽ trở thành Hiroshimas và Nagasakis nếu bà Clinton thắng cử". Cũng theo ông Schirinowski, trong chức vụ Tổng thống Mỹ ông Trump sẽ làm lắng dịu căng thẳng giữa Mỹ và Nga, do đó cuộc chiến tranh nguyên tử sẽ không xảy ra.

Phân tích tổng thể vấn đề, chuyên gia đều đi đến một kết quả chung là: ông Trump nhất thiết phải có mối quan hệ với Putin!

Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, nhiều nhóm Mafia người Việt hoành hành tại Đông Đức. Đài truyền hình Đức thu được nhiều cuộc bắn nhau giữa các nhóm mafia người Việt. Báo chí Đức đăng tải thường xuyên tin tức tội phạm hình sự về người Việt ở Đông Đức. Một bà cụ già sinh sống tại Tây Bá Linh đã than vãn cùng đồng hương và những người Đức quen biết: "Vì họ mà tôi đã phải bỏ tất cả sản nghiệp lại ở miền Bắc tay không chạy vào miền Nam. Một lần nữa tôi lại phải chạy qua Tây Đức khi họ theo vào miền Nam. Bây giờ họ theo tôi qua đến tận Tây Đức. Tôi không biết phải chạy đi đâu bây giờ?".

Mong rằng đồng hương sinh sống ở Mỹ sẽ không phải trải qua kinh nghiệm tương tự như bà cụ người Việt sống tại Bá Linh nêu trên.

(Viết trong mùa tưởng nhớ đến người vì nước, thương dân, Tổng Thống Ngô Đình Diệm).



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo