Sự ấu trĩ hay sự phản bội
Từ ngày trúng cử tổng thống Philippines, Duterte không che giấu một thái độ xoay chuyển lập trường, từ phía đồng minh với Mỹ, và tất nhiên, sau Mỹ có thế giới dân chủ thuộc phần tiến bộ của nhân loại, sang phía đối đầu, mà đại diện của nó là Nga và Trung Quốc, một thiểu số nhỏ bé, vẫn chưa thóat ra khỏi lối tư duy hoài cổ, tiếc nuối lịch sử, những phần tử ham hố quyền lực, hiếm hoi còn sót lại trên mặt địa cầu.
Tại cuộc gặp với ông Putin, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, tại Peru, hôm qua, 19/11/2016, ông Duterte phê phán nhiều nước phương Tây "bắt nạt nước nhỏ" và "đạo đức giả". Ai cũng biết là ông muốn nói tới Mỹ.
Trước chuyến đi tới Peru, ông Duterte không giấu sự ngưỡng mộ ông Putin, gọi Tổng thống Nga là "anh hùng".
Khi thăm Trung Quốc vào tháng 10, ông nói: "Có ba nước đối đầu thế giới - Trung Quốc, Philippines, Nga."
Ông Duterte gắn tên nước mình vào nhóm chống lại nhân lọai, đối đầu với thế giới. Nhưng với quan niệm của ông, cái nhóm chống lại nhân lọai này chỉ gồm có 3 nước, hoặc sẽ do 3 nước này khởi xướng và dẫn dắt.
Ở đây vừa có một ảo tưởng vưà có sự lẫn lộn.
Có thể ông Duterte nghĩ rằng, đang có một mưu đồ chia lại thế giới, hoặc ít nhất cũng là một cuộc chiến đòi sắp xếp lại trật tự thế giới mới. Những kẻ đang cố gắng tìm kiếm một sức mạnh để làm được điều đó đang là thiểu số, không đủ sức, nên có thể rất cần các tình nguyện viên. Những kẻ đầu quân sớm, trong lúc khan hiếm, sẽ được trọng vọng. Duterte sẽ tự nhiên có tên trong những kẻ cầm đầu nổi lọan, Philippines đột nhiên trở thành siêu cường mà không cần phải giầu có hay hiện đại.
Chia lại thế giới hay sắp xếp lại trật tự thế giới mới không còn là âm mưu, nó đang diễn ra công khai và gay gắt, mặc dù không có kẻ nào tuyên bố. Cuộc chiến này chưa có tiếng súng nhưng không vì thế mà không phải là cuộc chiến “một mất một còn”. Gọi tránh đi chỉ là tự lưà dối, hoặc như việc tự uống thuốc an thần. Mỹ vưà xuất hiện tổng thống mới. một người có lẽ ra đời từ cuộc chiến này, cần cho cuộc chiến này.
Nhưng dẫu như thế, sự đầu quân có phần ngô nghê của Duterte không có giá trị gì, với ông Putin và đặc biệt với Tập Cận Bình. Chỉ đơn giản là sự ấu trĩ chính trị và cách hành xử giống một thằng hề rẻ tiền của ông Duterte không đem lại một chút hãnh diện nào cho hai ông này, cho tính chính danh đang rất “vớ vẩn” mà hai ông đang làm.
Tuy nhiên, cả Putin và Tập sẽ rất hoan hỉ bắt tay Duterte.
Nhưng ảo tưởng rằng, bằng sự mẫn cán và sự bộc lộ chân thành, Duterte sẽ nhận được sự đối xử công bằng, “không bị bắt nạt”, như ông nói ông từng bị với người Mỹ, thì chỉ là một ảo tưởng. Cũng như ông nhận ra điều đó từ gần nưả thế kỷ đồng minh với Mỹ, Việt Nam cũng nhận ra đúng như vậy sau 60 năm làm anh em gắn bó với cả Liên xô và Trung Quốc. Hãy hiểu rằng đó là quy luật, và thưà nhận nó như một quy tắc chơi.
Cái khốn nạn của ông Duterte có thể sẽ không chỉ là sự ấu trĩ trong cái nhìn của ông vào thế giới chính trị. Tệ hơn sự ấu trĩ là sự phản bội. Và càng tệ hơn là sự trâng tráo, trơ trẽn của sự phản bội đó. Ông sẽ đi vào lịch sử chính trị nhân loại bằng sự tráo trở hiếm hoi này.
Một chú cừu trước mũi một con sói
Trung Quốc không thừa nhận phán xét của Toà án PCA. Trung Quốc không từ bỏ mục đích chiếm đoạt chủ quyền hoàn toàn biển Đông. Chỉ có dân chủ hoá thực sự chế độ chính trị, người Trung Quốc mới có khả năng từ bỏ tư duy cương thổ.
Bắt đầu từ 1909, đặt mốc chủ quyền trên Hoàng Sa; năm 1947 vẽ đường "lưỡi bò"; năm 1956 Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa chiếm giữ phần phía Đông của Hoàng Sa; năm 1958 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố chính thức yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; năm 1974 chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa; năm 1988 đánh chiếm Gạc Ma, Côlin trên quần đảo Trường Sa; năm 1995 đánh chiếm thêm Vành Khăn, phía Nam quần đảo Trường Sa. Tháng 5/2009 chính thức gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc tuyên bố chủ quyền theo đường lưỡi bò, bắt đầu chiến dịch bồi lấp, cơi nới và lắp đặt thiết bị quân sự, xây dựng các công trình phục vụ sinh sống dân sự. Từ năm 2008-2015, Trung Quốc đã đầu tư hơn 10 tỷ Đôla cho khu vực Hoàng-Trường Sa.
Trung Quốc chấp nhận cho phép ngư dân Philippines đánh cá trở lại trên vùng biển cận Scarborough, nhưng trả lại nó cho Philippines thì không bao giờ. Và khi 13 tỷ đôla ký kết vừa qua giữa Duterte với Tập bắt đầu được giải ngân những khoản mục đầu tiên, sẽ là lúc Trung Quốc bắt đầu cơi nới, bồi lấp, tất nhiên là bí mật tối đa, nhưng cũng cấp tập và chớp nhoáng tối đa. Tất nhiên sẽ phải có một tuyên bố kiểu như, “tình hữu nghị anh em Trung Phi là tài sản quý của hai nước và hai dân tộc” và “ nhân dân Philippines không cần người khác để bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình”. Đã “hữu nghị” thì mọi chuyện có thể đối thoại. Đã “độc lập” thì không kẻ nào có quyền can thiệp, ngay cả khi cháy nhà. Trung Quốc chỉ cần và chỉ đợi có vậy.
Trung Quốc sở dĩ “biến” được từ chỗ không có gì ở Trường Sa thành chủ sở hữu của ít nhất 7 thực thể nửa chìm nửa nổi trên Trường Sa, và biến được chúng thành những căn cứ quân sự lớn nhất, trang bị vũ khí hiện đại và hoả lực mạnh nhất, trước mũi thiên hạ, mà không ai làm được gì, kể cả sự cay cú cuả những chiến lược gia Mỹ, chỉ nhờ các Hiệp định thương mại song phương với các nước liên quan trực tiếp, và dừng lại vào đúng lúc bùng nổ xung đột gay cấn nhất, rồi lại dẹp yên bằng các Hiệp định hữu nghị và thương mại mới, để bắt đầu lấn chiếm mới. Cứ như thế, cứ song phương, mua chuộc và nhét tiền vào miệng.
Con sói này đang nhìn Duterte như một con cừu non đang từng bước sập bẫy. Nó đang nhỏ giãi thèm khát.
Có rất nhiều tranh cãi về một Duterte khôn ngoan, lão luyện của một kẻ giang hồ. Người ta nói rất nhiều rằng phía sau những hành vi bất thường và thậm chí “du côn”, là những tính toán chuẩn xác, tinh tế.
Nhưng đem so sánh cái sự “khôn ngoan” này cuả ông Duterte với những cái đầu ở Trung Nam Hải, thậm chí chỉ cần so với Hà Nội, thì sự so sánh này sợ còn khập khiễng hơn mọi thứ khập khiễng.
Thế giới đang trở nên vô định với một ông Trump, một Tổng thống Mỹ khác thường. Có thể là dấu hiệu ngày tận thế, cũng có thể một triết lý cổ điển tiếp tục được khẳng định.
Nhưng sự khác thường, còn gọi là điên rồ của Duterte có thể phải chứng kiến ngọn lửa thiêu rụi phát ra từ sự thèm khát trả thù của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán bị giam nhốt bấy lâu.
20/11/2016