Tiến nhanh, tiến mạnh lên Xã hội Chủ nghĩa - Dân Làm Báo

Tiến nhanh, tiến mạnh lên Xã hội Chủ nghĩa

Đông Quan (Danlambao) - Mới đây là vấn đề cá biển chết lểnh khểnh trôi dạt vào những bãi biển dọc theo miền Trung Việt Nam khiến ngư dân tức giận và điều này được bày tỏ bằng những cuộc biểu tình tự phát (nhưng đối với nhà nước csVN cuộc tập hợp đông người như thế đều được xem là bất hợp pháp vì Đảng và nhà nước chưa bao giờ tán thành hay ban bố một nghị quyết khả thi nào nhằm thừa nhận "quyền biểu tình" của người dân).

Đảng và nhà nước csVN rất mong muốn là nhân dân phải hiểu vấn đề đó chỉ là một "sự cố" trong quá trình "Tiến nhanh, Tiến mạnh lên Xã hội Chủ nghĩa" mà Đảng và nhà nước csVN không lường trước được.

Từ cái ngày "giải phóng miền Nam thân yêu, nghèo đói, và bị áp bức dưới chủ nghĩa xâm lược kiểu mới của bọn tư sản Mỹ" để rồi sau đó gia sản của đất nước Việt Nam được "cày bằng" từ Bắc đến Nam nhằm thể hiện tính chất "bình đẳng" của chủ thuyết Cộng sản Marx-Lenin theo ý nghĩa cộng sản của chính từ ngữ đó. Đây là một bước đầu trong quá trình "Tiến nhanh, Tiến mạnh lên Xã hội Chủ nghĩa" thông qua thể chế bao cấp cho cả nước, mặc dù miền Bắc phải "chịu thiệt thòi lùi bước" trong tiến trình bao cấp tem phiếu ở một mức độ rất xa đối với miền Nam. Một-mức-độ được thăng hóa trong nhóm chữ "quá độ" lên xã hội chủ nghĩa (xin đừng hiểu lầm hai chữ "hóa độ" trong Phật giáo. Chúng có nghĩa là giáo hóa và cứu độ). Ý nghĩa thông thường của hai chữ "quá độ" là vượt hơn mức cho phép. Theo đó, miền Bắc lúc bấy giờ đang trong tiến trình vượt hơn mức cho phép để tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Trong thực tế, tiến trình vượt-hơn-mức-cho-phép là tem phiếu, khẩu phần bị cắt giảm dần dần và một số vật dụng, thực phẩm tự biến mất trong danh sách mua hàng cho hàng tháng do nhà nước chủ định và phát hành. Và trong thời gian trước đó, miền Bắc thực sự đang bước vào ngõ hẹp "quá độ" vốn càng lúc "quá độ" hơn trong cái xã hội chủ nghĩa của nó. Và nhờ đó như là những vật chất dư thừa của một miền Nam Việt Nam phát triển theo chủ nghĩa tư bản được phân chia một cách cạn kiệt cho miền Bắc Việt Nam vẫn còn "quá độ" lên xã hội chủ nghĩa sau 21 năm lặn ngụp.

Và một miền Bắc "chịu hy sinh lùi bước quá độ" nên khiến cho cả nước cùng nhau hồ hởi "quá độ" lại lần nữa tiến lên xã hội chủ nghĩa dù phải thay thế gạo bằng bo bo hoặc củ sắn khô từ nước bạn Liên Xô trong việc trao đổi hàng hóa dựa trên những món nợ về kinh tế và quân sự.

Trong khi cả nước như lên đồng, rộn ràng với những biểu ngữ trên nền màu đỏ chói lòe mà chỉ riêng những nước cộng sản ưu thích như một biểu tượng khao khát bạo lực và sắc máu, được giăng đầy phố phe phẩy dòng chữ được viết đi viết lại hàng trăm lần như thói quảng cáo rẻ tiền cho thứ sản phẩm không được ưu chuộng cho lắm: Tiến nhanh, Tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa. Để cuối cùng, 15 năm sau kể từ ngày Quốc Hận của riêng miền Nam Việt Nam, nhằm mục đích cứu nguy nền kinh tế cộng sản đang hấp hối. "Đổi Mới", một chiêu thức cuối cùng mà nhà nước cộng sản bắt buộc đưa ra mặc dù phương cách đó là một hành động làm bỉ mặt những con người cộng sản nhưng họ vẫn cố gắng tô phết màu mè thêm để lừa phỉnh người dân.

Chẳng qua đó là con đường mòn theo vết chủ nghĩa tư bản. Sự "Đổi Mới" trong một nước cộng sản có nghĩa là những thứ quyền cho phép của nhà nước là hoàn toàn mới mẻ nhất, đặc trưng nhất, và khả thi nhất trong thế giới cộng sản khác biệt chủng loại trên hành tinh nầy. Nhưng thực ra, những thứ quyền đó vốn đã từng được nhìn nhận trong những nước tư bản từ lâu rồi, được ghi rõ trong hiến pháp. Sự khác biệt có chăng giữa hai thứ quyền-cho-phép trong hai chủ nghĩa là mức hạn định và tính chất thiên nhiên. Mức-hạn-định để cho nhà nước cộng sản luôn luôn là một khối chủ động, nắm lấy quyền uy nhằm định hướng sự "Đổi Mới" sao cho có lợi cho đảng phái độc tôn nầy tồn tại vĩnh viễn.

Đối với người dân sống trong sự rình rập của đám công an cộng sản vốn được thành lập dưới nhiều danh xưng khác nhau và được ưu ái xem như lá chắn cho Đảng, sự "Đổi Mới" là một phép nhiệm mầu có khả năng làm thay đổi cuộc sống ít nhiều nào đó mà trước kia vốn càng lúc càng thêm khó khăn, là một không gian đầy oxy mặc sức hít thở mà không bị nhà nước cấm đoán, phạt tù, và là một cơ hội làm vun đầy tài sản cá nhân vốn từng bị nhà nước xóa bỏ trước kia. 

Sự "Đổi Mới" sinh sản ra một giai cấp mới chỉ có trong Đảng, được gọi là tư bản đỏ. Họ chia nhau quyền lực, quyền lợi từ dòng họ bà con thân tộc, mốc nối dọc ngang với những quan chức cao và thấp, tạo ra những mạng nhện tham nhũng, hối lộ, và biển thủ. Đó là những gia đình cán bộ hoặc thân thuộc của quan chức vốn nắm lấy mọi khía cạnh kinh tế để làm giàu, tự phô trương, hống hách với danh hiệu đại gia mà ngày nào đó nhà nước cộng sản từng hô hào tiêu diệt thành phần tư sản mại bản ở miền Nam Việt Nam.

Tuy nhiên, hơn 41 năm qua, cái viễn ảnh của thứ xã hội chủ nghĩa càng lúc càng mù mờ hơn vì đó là một xã hội viễn tưởng chưa bao giờ hiện hữu trên hành tinh nầy ngoại trừ sự tồn tại của nó trong mớ lý thuyết Cộng sản Marx-Lenin. Đó là một xã hội không giai cấp, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Vấn đề là làm thế nào để tạo ra một xã hội không giai cấp. Vấn đề nhu cầu của mỗi cá nhân nếu liệt kê ra thì ít nhất là vài trang giấy, liệu xã hội có khả năng cung cấp nhu cầu sao cho họ thỏa mãn không ?

Vì vậy, sau hơn 41 năm qua, thêm biết bao nhiêu hy sinh sau thời chiến, Đảng cũng chưa dám tuyên bố là họ đã tìm ra xã hội chủ nghĩa và lại tiếp tục "quá độ" lên xã hội chủ nghĩa. Từ "sự cố" Vinashin, Bauxite, đến Formosa là tiến trình "quá độ" càng lúc càng "quá độ" hơn. Có phải chăng Đàng Cộng sản Việt Nam đang thực sự dẫn dắt quần chúng tiến đến rất gần cái gọi là xã hội chủ nghĩa ?


* Đính kèm là bài thơ cảm tác theo lối tự do của người bạn Đông Quan, xin chia sẻ cùng các bạn.

Mai Anh Về...

Mai anh đi về lại quê nhà
nhớ mang theo một ít Tự Do
chia cho chín mươi triệu đồng bào
đang khát khao mong chờ Dân Chủ

Mai anh đi về lại quê xa
bên kia bờ Thái Bình bao la
nhớ mang về ngọn gió đổi mới
Nhân quyền - Ngôn luận, để làm quà

Mai anh đi về lại quê hương
có lạc lõng bước chân trên đường
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do

Mai anh đi về lại chốn xưa
có thầy gì trên con đường cũ
Từng đoàn dân oan đi khiếu kiện
đòi công lý bị bắt bỏ tù

Mai anh đi về thăm tổ quốc
anh sẽ thấy chuyện buồn nước non
Hoàng - Trường Sa giờ đây đã mất
Ải Nam Quan, Bản Giốc, không còn

Mai anh đi về thăm giang san
"Bau-xit" Tây nguyên, rừng hoang tàn
"For-mo-Sa," nhà máy gang thép
Giết chết tôm cá đáy biển sông

Mai anh về lòng có trĩu nặng
những bất công đầy dẫy lầm than
dưới thiên đường xã hội chủ nghĩa
một bầy sâu bè lũ tham quan

Mai anh về và anh đã thấy
những mảnh đời tủi nhục cay đắng :
trai thì xuất cảng đi lao động
gái lấy chồng ngoại bao đắng

Bé thơ ơi, sao không đến trường
bán vé số, móc bọc, lang thang
Mẹ già ơi, sao còn quang gánh
còm cõi đi trên đường Việt Nam

Mai anh về và anh đã thấy
quê Mẹ điêu linh giống Tiên Rồng
Bốn mươi năm lẻ từ giải phóng
đất nước về đâu, anh biết không ?

Viết xong ngày 11, Nov. 2016
Canada, ngày cuối Thu

N. Dung




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo