Cảm nghĩ về bài diễn văn của Tổng thống Donald Trump - Dân Làm Báo

Cảm nghĩ về bài diễn văn của Tổng thống Donald Trump

Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Tôi nhận được bài diễn văn nhậm chức nguyên bản tiếng Anh của tổng thống Mỹ thứ 45, Donald Trump qua email của một người bạn với lời bình: "Hoàn hảo đến mức miễn chê. Theo như nguồn tin, bài này do ông Trump tự soạn thảo, không “cần người viết thuê”, nếu đúng thế ông ta là một “thiên tài thật sự” chứ không phải “khùng” như nhiều người đánh giá trong chiến dịch tranh cử". Bạn hiền nghĩ thế nào?

Bài diễn văn, theo báo chí Mỹ cho biết, nó được Stephen Miller soạn thảo, ông Trump có lẽ chỉ sửa lại vài chỗ cho hợp ý mình, vì thế khi đọc diễn văn, ông đã phải chăm chăm nhìn vào máy nhắc (teleprompter) thay vì nhìn khách tham dự. Về hình thức, diễn văn có lời lẽ hùng hồn, dễ hiểu, không có những ngôn từ bí ẩn, quả thật dễ làm xúc động, gây tin tưởng, hy vọng, thiện cảm nhiều người. Tuy vậy theo tôi, nếu chịu khó suy nghĩ kỹ về những lời trong diễn văn, chắc sẽ có không ít người nhận ra ngay sự mâu thuẫn về con người, cá tính với lời nói của Donald Trump.

Để cho độc giả, những người không biết tiếng Anh có thể tìm hiểu, nhận định, tôi trích những điều quan trọng trong diễn văn, bản tiếng Việt của BBC đăng trên trang Anh Ba Sàm để phân tích nội dung. Những câu về nghi thức, những đoạn không quan trọng sẽ được lược bỏ, những dòng chữ xanh, in nghiêng là trích trong diễn văn. Ngoài ra đây chỉ là nhận định cá nhân, không đại diện cho bất cứ ai hay khuynh hướng nào.

“Thưa Chánh án Roberts, Tổng thống Carter, Tổng thống Clinton, Tổng thống Bush, Tổng thống Obama, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, xin cảm ơn. Các công dân Mỹ chúng ta nay cùng nỗ lực để xây dựng lại đất nước, hồi phục lời hứa cho tất cả dân tộc”.

Ngay phần đầu, sau những lời cám ơn, ông Donald Trump kêu gọi người dân Mỹ cùng bắt tay xây dựng lại đất nước, phục hồi lời hứa dân tộc. Chỉ riêng câu này, ông Trump đã phủ nhận toàn bộ những thành công vượt bậc của nước Mỹ trong nhiệm kỳ các tổng thống tiền nhiệm trong hơn 40 năm qua nếu tính từ khi chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

“Cùng nhau, chúng ta sẽ quyết định con đường đi của nước Mỹ và thế giới trong nhiều năm tới. Chúng ta sẽ đối diện thử thách. Sẽ đương đầu khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ làm được”.

Người dân Mỹ quyết định con đường đi của nước Mỹ và thế giới bằng cách nào? Với chiến thắng chưa tới nửa số cử tri đi bầu, Donald Trump lên làm tổng thống vì những lời hứa hẹn trong khi tranh cử. Nay đắc cử, thành lập chính phủ, tức những người bỏ phiếu lẫn không bỏ phiếu cho ông đều phải chấp nhận những chính sách, kế hoạch, đường lối do ông và nội các đưa ra, được quốc hội thông qua trong thời gian 4 năm.

Những chính sách, đường lối đó chưa chắc đã được toàn dân Mỹ ủng hộ, nhưng ông và nội các vẫn có thể thực thi trong 4 năm trên con đường vạch sẵn, nếu không bị truất phế (impeachment) vì những lỗi lầm nghiêm trọng trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, cho dù nước Mỹ là cường quốc số 1, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đường lối, chính sách đối nội cũng như đối ngoại của nhiều nước khác, Trump chỉ có thể quyết định con đường đi của nước Mỹ thôi, còn đường đi của thế giới tùy thuộc vào lãnh đạo, chế độ, người dân các quốc gia khác. Khi bàn cờ chính trị quốc tế thay đổi, mỗi đất nước sẽ có thái độ, lập trường khác nhau. Đối diện với thử thách, đương đầu với khó khăn là chuyện đương nhiên, chẳng có tổng thống, chính phủ nào không gặp phải, Ông Trump nói là sẽ làm được nhưng bằng cách nào thì chưa ai biết.

“Nhưng buổi lễ hôm nay có ý nghĩa rất đặc biệt. Vì hôm nay không phải là sự chuyển giao quyền lực từ người này sang người kia, một đảng này sang đảng khác, mà là sự chuyển giao quyền lực từ Washington sang cho nhân dân Mỹ”.

Đây là câu nói mị dân nhất trong toàn bộ bài diễn văn, nội dung y chang như của chế độ CSVN: Người dân làm chủ đất nước, quyền lực thuộc về nhân dân, nhà nước chỉ quản lý… bla bla bla…

“Từ quá lâu, một nhóm nhỏ tại thủ đô đã thu nhận phần thưởng của chính phủ, còn nhân dân gánh chi phí. Washington phát triển nhưng nhân dân không được chia sẻ của cải. Các chính khách giàu to nhưng việc làm ra đi, nhà máy đóng cửa”.

Nghe những câu này từ miệng Trump nói ra, nếu không biết Donald Trump là một tỉ phú địa ốc, người ta sẽ nghĩ ngay rằng Trump là một nhà cách mạng vô sản của thế kỷ 20, đang kêu gọi các giai cấp bần cùng trong xã hội đứng lên lật đổ chế độ tư bản phôi thai, tham lam, gian ác hiện hành đang cai trị nước Mỹ, bóc lột nhân dân đến tận xương tủy. Đồng thời hãy nhìn lại các thành viên trong nội các do Trump bổ nhiệm, đa số là tỉ phú. Báo Washington Post đặt câu hỏi: “Liệu một tổng thống có máy bay riêng và nội các là các triệu phú, tỉ phú, liệu ông ta có thể hiểu và hướng tới những mối quan tâm của những người Mỹ bình thường?”

Nhóm nhỏ nào tại thủ đô Washington đã nhận phần thưởng của chính phủ, trong nhóm nhỏ này có Trump và gia đình, bạn bè và đối tác kinh doanh của ông ta không? Làm sao, bằng cách nào có thể chia sẻ đồng đều của cải trong xã hội cho mọi người?

Đạo luật bảo hiểm y tế Obamacare (Affordable Care Act) tuy chưa hoàn chỉnh, còn cần nhiều thay đổi nhưng đã là một bước tiến dài trong việc xóa bỏ phần nào bất công trong xã hội Mỹ. Donald Trump muốn hủy bỏ đạo luật này tức là muốn tái lập sự bất công, mở đường cho các hãng bào chế dược phẩm, các công ty bảo hiểm sức khỏe, các bệnh viện… tha hồ chặt, chém người dân khi họ bị bệnh. Ai không có tiền thì đành chịu chết hay phải cầm cố bất động sản hoặc mang nợ suốt đời.

Ngoài ra, tôi không biết Trump ám chỉ ai, nói đến chính khách nào giàu to, nhưng có một chính khách nổi tiếng trong sạch, liêm chính trong nhiệm kỳ của ông Obama, là phó tổng thống Joe Biden. Trong 8 năm làm phó cho tổng thống Barack Obama, ông Joe Biden, dù là chính khách lâu năm, luôn đi tới tòa Bạch Ốc làm việc bằng xe điện. Mỗi ngày ông di chuyển trên đoạn đường cả đi lẫn về 259 dặm, không phải đi mỗi ngày, trung bình 217 ngày/ năm. Cả cuộc đời làm chính khách của ông, ông đã đi tổng cộng là 8.200 chuyến khứ hồi (roundtrip), đi lại trên đoạn đường dài hơn 2 triệu dặm. Ngày 20.01.2016, sau khi tham dự lễ nhậm chức của ông Trump, ông Joe Biden cũng về nhà bằng xe điện Amtrak.

Để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, tăng lượng hàng hóa bán ra, việc đưa hãng, xưởng sản xuất ra nước ngoài (Offshore, Outsourcing) là một tiến trình phát triển theo quy luật kinh tế thị trường, không thể cưỡng lại trong khuynh hướng toàn cầu hóa (Globalization).

Những người như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steven Jobs… không phải là chính trị gia, họ là kỹ nghệ gia, những người sản xuất, buôn bán hàng hóa, thành phẩm…, tạm gọi chung là thương gia. Công việc của chính trị gia hoàn toàn khác hẳn với thương gia. Donald Trump thành công trong thương trường địa ốc bằng thủ đoạn, mánh khóe, thời cơ…, đem những điều này áp dụng vào lãnh đạo đất nước, điều hành quốc gia, chắc chắn sẽ thất bại.

Tổng giám đốc (General Director) hay chủ tịch một một tập đoàn (C.E.O – Chief Executive Officer) khác một tổng thống, thống đốc tiểu bang. TGĐ hay chủ tịch tập đoàn chỉ có một mục đích duy nhất là mang về lợi nhuận cho công ty, tập đoàn, thỏa mãn sự chờ đợi của các nhà đầu tư, cổ đông (Investor, Shares Holder). Một chính trị gia thì khác hẳn, cùng lúc có nhiều mục đích song song với nhau, có những mục đích ưu tiên hơn các mục đích khác, mục đích nào sẽ được ưu tiên thực hiện tùy theo nhu cầu của những cử tri. Hơn thế nữa, chính trị gia không hoàn toàn được trọn quyền như TGĐ hay CEO trong khi quyết định chính sách. Donald Trump hoàn toàn lẫn lộn mục đích, nhiệm vụ của CEO một tập đoàn và tổng thống của một đất nước.

Nếu thật sự Trump muốn nhân dân không gánh chịu chi phí, ngân sách quốc gia thì chỉ có một cách duy nhất là giảm thuế lợi tức cho người dân, đồng thời tăng thuế doanh nghiệp, sản xuất, đánh thuế thu nhập thật nặng những người có tài sản từ khoảng chục triệu trở lên như Trump và gia đình…, nhưng điều này lại làm tăng giá thành sản phẩm và chuyện đưa hãng, xưởng, di chuyển tài sản ra nước ngoài là chuyện không thể tránh.

“Điều thực sự quan trọng không phải là đảng nào kiểm soát chính phủ, nhưng liệu chính phủ có do nhân dân kiểm soát không”.

Sao mà giống lời Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng quá vậy trời? Phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai?

“Ngày 20/1/2017 sẽ được nhớ như ngày nhân dân trở thành người cai trị đất nước này một lần nữa”.

Dân cai trị bằng cách nào đây hả ông Donald Trump? Họp báo, phóng viên đưa câu hỏi, ông không trả lời, còn chửi mắng, nhục mạ phóng viên thì dân nào dám lên tiếng?

“Những người dân bị lãng quên sẽ không còn bị như thế. Mọi người đang lắng nghe các bạn. Hàng chục triệu người đã trở thành phong trào lịch sử mà thế giới chưa từng thấy”.

Phong trào lịch sử nào, không thấy ông Trump nói tới tên, hay là “No name movement”?

“Ở trung tâm phong trào này là niềm tin quan trọng: rằng một quốc gia tồn tại là để phục vụ công dân”.

Câu này dường như ngược với câu của tổng thống John F. Kennedy: Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho đất nước.

“Người dân Mỹ muốn trường tốt cho con, khu nhà an toàn cho gia đình, và việc làm tốt cho họ. Đây là những đòi hỏi công bằng, chính đáng của công chúng”.

Donald Trump khuyến khích người dân vùng lên, đòi hỏi quyền lợi công bằng, chính đáng cho mình, nhưng đồng thời muốn dẹp bỏ Obamacare. Hơn 40 triệu người dân không có bảo hiểm y tế, nhờ Barack Obama lên mới được hưởng ân huệ cho người nghèo, bây giờ ông lại tính chuyện xóa sổ. Bốn mươi triệu người này có lẽ không phải là công dân Mỹ hay chỉ là dân nhập cư lậu?

“Nhưng với quá nhiều công dân, là một thực tại khác: Mẹ con trói chặt trong nghèo đói ở thành thị, các nhà máy gỉ sét như bia mộ trên đất nước, hệ thống giáo dục thừa tiền nhưng không đem lại kiến thức cho sinh viên trẻ đẹp của chúng ta, tội ác, băng đảng, ma túy cướp đi quá nhiều mạng sống, cướp đi bao tiềm năng đất nước.

Sự tàn sát nước Mỹ này dừng lại tại đây, ngay bây giờ”.

Viết đến đây thì có một người bạn từ Seattle gọi điện thoại cho biết ở trung tâm thành phố Seattle, tiểu bang Washington (không phải Washington D.C) đang có một cuộc biểu tình phản đối Donald Trump lên đến cả hàng trăm ngàn người hơn,xe của anh bị kẹt cứng hơn 2 tiếng đồng hồ không nhúc nhích gì được.

Không biết ai đang tàn sát nước Mỹ nhưng có một điều chắc chắn là chỉ sau một ngày nhậm chức, ông Trump đang bị biểu tình phản đối dữ dội, khắp nơi trên nước Mỹ.

Trở lại bài diễn văn. Muốn giải quyết được những vấn đề nêu ra thì phải tạo công việc cho người dân, rút hết các hãng xưởng đã đưa ra ngoại quốc về lại Mỹ, nhưng như đã nói ở trên, đây là một bài toán rất khó giải quyết, gần như vô phương. Mỹ hiện nay vẫn là nước có nền giáo dục tốt đẹp, đồng thời cũng là quốc gia đạt được nhiều giải Nobel nhất. Còn chuyện băng đảng, tội ác là do truyền thống của nước Mỹ cho phép trang bị vũ khí tự do. Mà nước nào không có băng đảng, tội ác? Chỉ là nhiều hay ít thôi.

“Chúng ta là một quốc gia – nỗi đau của họ cũng là của chúng ta. Giấc mơ của họ là của chúng ta, thành công của họ cũng là của chúng ta. Chúng ta chia sẻ một con tim, một mái nhà, một định mệnh vinh quang.

Lời thề nhậm chức của tôi hôm nay là lời thề trung thành với mọi người Mỹ.

Suốt nhiều thập niên, chúng ta đã làm giàu cho công nghiệp nước ngoài, làm hại cho Mỹ.

Các đội quân được bao cấp của các nước, làm quân đội ta suy yếu”.

Rút hết quân đội Mỹ ở ngoại quốc về để đóng quân trong nước sẽ giảm được chi phí quốc phòng khá nhiều, nhưng ngược lại, vấn đề bảo vệ an ninh cho nước Mỹ khi có chiến tranh xảy ra, sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm, cho dù Mỹ có hàng trăm vệ tinh có thể theo dõi mọi biến động, di chuyển quân sự của các nước trên toàn thế giới.

“Từ hôm nay, viễn kiến mới cai trị đất ta. Từ lúc này, chỉ có Hoa Kỳ trên hết.

Mọi quyết định về thương mại, thuế, di dân, ngoại giao, sẽ có để làm lợi cho người lao động và gia đình Mỹ.

Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá của các nước đang làm sản phẩm của ta, ăn cắp công ty của ta, hủy hoại việc làm của ta. Bảo vệ sẽ dẫn tới thịnh vượng và sức mạnh.

Tôi sẽ chiến đấu cho các bạn bằng mọi hơi thở, sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng.

Hoa Kỳ sẽ bắt đầu chiến thắng, như chưa từng.

Chúng ta sẽ đem về việc làm. Đem về biên giới. Đem về của cải. Và đem về những giấc mơ.

Chúng ta sẽ xây những con đường mới, xa lộ, cầu, sân bay, đường hầm, đường tàu hỏa trên đất nước tuyệt vời của ta”.

Muốn thực hiện được các điều trên, thì việc đầu tiên là phải cách chức tất cả các CEO, tổng giám đốc các đại công ty, tổ hợp nằm trong Dow Jones, Nasdaq, S&P 500… thay bằng các CEO, TGĐ do Trump bổ nhiệm, lãnh lương hàng năm khoảng chừng $50.000-70.000 Mỹ kim, thay vì 5-7 triệu USD cùng các quyền lợi khác, cùng lúc tăng lương tối thiểu lên 30$/giờ cho người lao động không có hợp đồng chính thức tại Mc Donald, Wendy, Burger King, Starbucks… Nhưng làm cách nào, lấy lý do gì để cách chức các CEO, TGĐ nói trên, thì phải chở Trump… mãn nhiệm kỳ, còn chuyện tăng lương thì phải đề nghị nâng giá của Hamburger, gà chiên, cà phê lên chừng 10 lần thì chủ nhân mới có lời mà tiếp tục kinh doanh.

“Chúng ta sẽ theo hai nguyên tắc cơ bản – mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ”.

Chúng ta sẽ mua hàng Mỹ sản xuất ở China trong Trump’s Tower? Dưới thời Trump, tương lai những người sống ở Mỹ, nếu không có quốc tịch Mỹ là thất nghiệp, vì thường trú nhân (permanent resident) chỉ có thẻ xanh, chưa được kể là công dân Mỹ, coi như vô phương, không cách gì được nhận làm việc.

“Chúng ta sẽ củng cố các liên minh cũ, thành lập liên minh mới, đoàn kết thế giới văn minh chống lại nạn khủng bố Hồi giáo cực đoan, mà chúng ta sẽ xóa bỏ hoàn toàn khỏi trái đất này”.

Củng cố liên minh cũ, thành lập liên minh mới bằng cách nào khi làm bạn với một lãnh đạo độc tài như Putin? Dùng chiến thuật, chiến lược nào để xóa bỏ hoàn toàn nạn khủng bố của Hồi giáo cực đoan ISIS khi một số các ông hoàng Saudi Arabia vẫn tiếp tục tài trợ, đóng góp tiền bạc cho họ?

“Chúng ta sẽ không còn chấp nhận các chính khách chỉ nói mà không làm, lúc nào cũng than vãn mà chả làm gì.

Đã hết thời gian để nói trơn.
Nay là giờ khắc hành động”.

Đoạn này thì phải hoan hô Donald Trump vì mị dân quá giỏi. Người Mỹ vẫn chưa quên nhiều chuyện Trump nói mà không làm. Trump đã từng đặt nghi vấn về nơi sinh của Obama, nói Obama là tổng thống thiếu minh bạch nhất trong lịch sử Mỹ, nhưng chính Trump đã không minh bạch trong chuyện kiếm tiền của mình, không dám tiết lộ hồ sơ thuế cá nhân để dân Mỹ biết Trump kiếm tiền bằng cách nào. Về chuyện khai sinh của Obama, Trump cũng đã từng hứa sẽ bỏ ra $5 triệu Mỹ kim vào bất kỳ quỹ từ thiện nào do Obama chỉ định, nếu làm sáng tỏ được chuyện Obama sinh ra ở đâu. Tháng 9 năm ngoái, Trump công nhận Obama sinh ra ở Mỹ, nhưng vẫn chưa bỏ đồng nào như đã hứa. Chắc lần này ông Trump sẽ không chỉ nói suông, mà ông sẽ hành động, vì lần này trên cương vị tổng thống, ông sẽ khó có thể qua mặt dân Mỹ được nữa.

Còn một số điều ở phần kết nữa nhưng theo tôi không quan trọng, nên xin ngừng ở đây. Tổng kết lại theo nhận định của tôi, Donald Trump là một hảo thủ bóng bàn (pingpong) nhưng giờ đang trở thành đội trưởng (captain) của một đội đá bóng (soccer) với hàng tiền vệ thật ngon lành, dữ dằn như James Mattis (quốc phòng), Steven Mnuchin (tài chánh), Tom Price (y tế), Rex Tillerson (ngoại giao), John Kelly (nội an)…, ông và đội bóng của mình có làm cho khán giả (cử tri) hài lòng, mãn nguyện hay không, và đấu trường (nước Mỹ) sẽ đi về đâu, thì có trời mới biết.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo