Luận bàn về hai chữ văn hóa dưới thời cộng sản - Dân Làm Báo

Luận bàn về hai chữ văn hóa dưới thời cộng sản

Nguyễn Dư (Danlambao) - Từ ngày cộng sản cai quản trọn miền Nam, người ta thường thấy họ hay đề cao về hai chữ văn hóa. Ở Sài Gòn thì chắc nhiều người còn thấy họ treo bảng, chẳng hạn như: Nhà văn hóa thanh niên; phố văn hóa; phường văn hóa; ấp văn hóa... Sau này thì chúng ta còn nghe nào là văn hóa ứng xử; văn hóa từ chức; văn hóa lưu thông; văn hóa ẩm thực; rồi có cả văn hóa xấu hổ nữa... Quá nhiều "văn hóa", kể ra không hết. Nhưng cuối cùng thì nhìn lại trên khắp mọi nơi, trong mọi lãnh vực, nơi đâu người ta cũng cư xử giữa con người với nhau đều vô văn hóa.

Tôi có đọc ở đâu đó, thấy ông giám đốc bệnh viện bắt từ y tá cho đến các bác sĩ phải học cách ứng xử với bệnh nhân. Không biết họ học những bài học thuộc lòng đó rồi ứng xử cái gọi là có văn hóa với bệnh nhân được bao nhiêu lâu, trong bao nhiêu ngày!? Có khi sau đó len lén, không ai để ý thì họ sẽ trở về tình trạng "vô văn hóa" cũng nên.

Nói ra chuyện này để chê bai tất cả người Việt mình thì cũng như là quơ đũa cả nắm mà trong đó có luôn cả bản thân mình. Nhưng vấn đề cần đặt ra, vì đây là một loại "văn hóa xấu hổ" phải nói, để chúng ta thường xuyên nên nhắc nhở lẫn nhau. Nếu nói cái tốt không thôi thì không ai biết là mình xấu. Mà cái tốt cũng không nên khoe khang vì nó trơ trẽn lắm. Tình trạng "đảng ta" hiện tại là như thế: chỉ biết ca tụng ông Hồ, ca tụng "đảng ta" là đỉnh cao trí tuệ, là đạo đức, là văn minh... thì ai cũng biết đảng hiện thời ngu dốt và kêu căng đến thậm tệ như thế nào rồi.

Nên nhìn lại trên thực tế, đem so sánh giữa người mình với nhiều người ở nhiều quốc gia văn minh khác thì chúng ta đáng xấu hổ; không thể tự hào dân tộc như nhiều ông bà cán cộng hay lạc quan tếu tự hào về chế độ cộng sản do họ lãnh đạo. Phải kể, trong đó có người thuộc loại có học, trí thức như bà Tôn Nữ Thị Ninh. Cái lạc quan tếu của bà ta thật đáng khinh, tởm cho một loại người tiêu biểu là trí thức của thời xã hội chủ nghĩa!

Những nước như: Mỹ, Canada, Úc hay như các nước trong khối Châu Âu, nếu có dịp đi qua, chúng ta thấy, ngoài đường phố chỉ cần một vỏ kẹo thôi, họ cũng tìm thùng rác chứ không ai bỏ đại ra đường. Người Việt mình sống chung trong một xã hội như thế lâu ngày thành quen, làm khác người thì tự nhiên cảm thấy khó chịu. Người thúc đẩy người, "kiểm soát" lẫn nhau dẫn đến mọi người đều có ý thức trong một cộng đồng xã hội là ở chỗ đó. 

Chúng ta còn sẽ thấy có những nơi ở công viên, xa xa có những cột để thùng rác, trên có hình con chó và để sẵn bịch ni lông; nếu để ý, sẽ thấy nhiều người dẫn chó đi ngang, lấy bịch ni lông bỏ túi để khi chó của họ thải phân thì họ túm lại bỏ vào thùng. Một đất nước có kỷ cương, nề nếp, đa số người ta ý thức. Bởi lẽ khi mà nhà nước đặt cái tùng rác như thế thì mọi công dân đều phải hiểu rằng thùng rác không vô cớ đặt chơi, làm cảnh; nếu vi phạm có khi người khác làm lớn chuyện vì phạm luật thì sẽ bị phạt; hoặc có ai đó nhìn thấy, bị nhắc nhở, thì là một việc làm xấu hổ. Người ta tự ý thức, không phải mỗi việc đều mỗi học tập như trường hợp người trong bệnh viện xứ ta học văn hóa ứng xử như tôi vừa nêu, thì nó cũng giống như trong một lớp mẫu giáo! Cộng đồng xã hội trong một quốc gia cái gì cũng phải "học", cái gì cũng có luật, mà không một "đứa trẻ" nào chịu "hành". Thật là một xã hội đáng tội nghiệp!

Người ta đề cập nhiều về "văn hóa giao thông", nói thêm trong bài viết này thì cũng bằng thừa. Nhưng cái nguyên nhân cốt lõi cần phải nhận ra cho rõ rằng: chế độ cộng sản Việt Nam điều hành quốc gia quá tồi, nhiều năm những cái xấu xa tồn đọng cho nên bây giờ nó mới phát ra thành ghẻ lở, bất trị, khó mà chấp vá lại lành lặn. Mỗi ngày lâu dần thì chỉ càng trầm trọng thêm mà thôi. 

Giao thông bát nháo, tai nạn khủng khiếp xảy ra hàng năm, xem thống kê mà muốn... chóng mặt. Đương nhiên nó gồm nhiều nguyên nhân mà khâu nào cũng quan trọng cả. Người ta kêu gọi mọi người, nào là phải ý thức; hạ tầng cơ sở giao thông phải tốt; rồi luật giao thông phải nghiêm... Nhưng người ta quên một điều rằng những năm gần đây các tỉnh xa xôi, người dân đói nghèo, tập trung nhiều về thành phố kiếm sống cho nên sinh ra nhiều tệ nạn; nạnh người nào người nấy "chạy đua" để sống còn trong một xã hội bon chen thì ai sẽ là người ý thức về luật lệ; rồi ai sẽ nhường cho ai. Ý tôi muốn nói, còn một nguyên nhân nữa mà không ai đề cập là cách điều hành quốc gia quá yếu kém về mật độ dân số cộng với cái đói nghèo tập trung về một nơi làm góp phần cho xã hội khó kiểm soát và giao thông thêm bát nháo. Trong một cộng đồng, không thế cứ kêu gọi mọi người ý thức khơi khơi rồi ai cũng sẽ chấp hành như ý được đâu.

Xem một đoạn phim trên YouTube, thấy cảnh sát giao thông chụp hình chạy quá tốc độ, người tài xế xe xuống còn kiếm chuyện, sinh sự, không chịu đóng phạt. Thật sự có cần phải cãi cọ, hành xử rùm beng giữa người với người ở nơi công cộng như thế không!? Người ta chỉ cần đặt Camera ở một góc độ nào đó ghi hình; một thời gian sau chừng mười ngày hoặc nửa tháng gởi bằng chứng chạy quá tốc độ, ngày, giờ đến chủ xe và giá tiền đóng phạt phải trả thì hết chối cãi. Cảnh sát giao thông cũng khó lòng mà ăn hối lộ. Làm như thế thì tránh được tình trạng cãi vã mà được thêm cái ưu điểm nữa là làm tất cả chủ các phương tiện lưu thông phải e dè lo sợ, giữ mình, giữ đúng luật định vì không biết lúc nào, khi nào, ở đâu mình bị Camera thu hình, theo dõi.

Còn nói về "văn hóa từ chức" thì nghe các ông bà cán cộng cũng kêu gọi khơi khơi quá nhiều rồi, xong chuyện thì cũng "vũ như cẩn" vì nạn hối lộ, chạy chức, chạy quyền, mua chuộc để được ngồi vào chỗ béo bở thì ai sẽ là người từ chức? Sống trên một đất nước mà cấm dân mở miệng cộng với một hệ thống lãnh đạo không ra gì như thế thì có ai còn tự biết để mà xấu hổ khi họ làm bậy mà từ chức. Có khi giấu giếm được chừng nào hay chừng đó; chờ có ai khui chuyện ra như trường hợp của Vũ Huy Hoàng thì mọi việc đã xong. Chỉ còn có cách là... kêu trời! Những trường hợp tương tự như Vũ Huy Hoàng trên khắp đất nước này không phải là ít.

Còn một thứ văn hóa nữa mà tôi quên, chưa đề cập: đó là "văn hóa đồi trụy". Nếu theo định nghĩa như của Wiktionary tiếng Việt về hai chữ đồi trụy là: "đi ra ngoài khuôn khổ những gì được cho là đúng, ngoan, tốt, không được xã hội chấp nhận. Khác thường, không được truyền thống văn hóa chấp nhận". Thế thì đúng y chang cái tình trạng "văn hóa đồi trụy" trên khắp mọi miền đất nước này, nó ăn sâu vào từng người Việt ta hiện nay dưới thời đảng cộng sản cai trị, khó mà gột rửa được nữa rồi.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo