David Brunnstrom, Matt Spetalnick - Đỗ Hồng (Danlambao) lược dịch - Người được Tổng Thống đắc cử Donald Trump đề cử làm ngoại trưởng đã hướng đến một cuộc đối đầu có tiềm năng nghiêm trọng với Bắc Kinh khi cho rằng Trung Cộng nên bị từ chối cho tiếp cận các đảo mà họ đã xây trên Biển Nam tranh chấp.
Trong phần bình luận được dự đoán sẽ gây phẫn nộ cho Bắc Kinh, ông Rex Tillerson tuyên bố trong cuộc điều trần phê chuẩn hôm thứ tư (11/1/2017) trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ rằng việc Trung Công xây đảo và đặt các binh cụ trên những đảo này "cũng giống như việc Nga chiếm Crimea" của Ukraine.
Khi được hỏi là liệu rằng ông có ủng hộ một động thái gây hấn mạnh mẽ hơn đối với Trung Cộng hay không, ông nói: "chúng ta sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng đến Trung Cộng rằng, trước tiên, việc xây đảo phải ngưng lại, thứ hai, việc tiếp cận các đảo này cũng sẽ không được cho phép.”
Vị cựu chủ tịch kiêm trưởng điều hành công ty Exxon Mobil không đưa ra chi tiết về những gì có thể làm để từ khước không cho Trung Cộng tiếp cận các đảo mà họ đã xây từ những bãi đá ngầm trên Biển Nam, trang bị những dải đường bay dài và củng cố bằng vũ khí.
Toán chuyển tiếp của ông Trump chưa đáp lại tức thì yêu cầu đưa ra cụ thể về cách làm thế nào để ngăn chặn Trung Cộng đến các đảo nhân tạo.
Trung Cộng giành phần lớn vùng biển giàu năng lượng mà cuộc giao thương bằng đường biển trị giá khoảng 5 ngàn tỉ Mỹ Kim thông thương qua đó mỗi năm. Những nước láng giềng Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam cũng có những công bố chủ quyền.
Khi được hỏi nhiều lần về bình luận của ông Tillerson trong việc ngăn chận tiếp cận tới các đảo, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Lu Kang nói ông không thể đoán biết những gì ông Tillerson đề cập và sẽ không trả lời những câu hỏi giả thiết.
Lên tiếng trong một cuộc tường trình hàng ngày hôm thứ năm (12/1/2017), ông Lu nói thẩm quyền của Trung Cộng để thực hiện các hoạt động bình thường trên lãnh thổ chủ quyền của ở Biển Nam là không thể “tranh cãi.” Ông ta không đưa ra thêm chi tiết.
Ông Tillerson còn cho rằng Hoa Thịnh Đốn cần tái xác định cam kết của mình đối với Đài Loan, mà Bắc Kinh xem như là một tỉnh phản bội, nhưng ông không bàn đến việc ông Trump thắc mắc về chính sách lâu đời của Hoa Thịnh Đốn đối với vấn đề đó.
Hoa Kỳ chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang cho Trung Cộng hồi năm 1979, thừa nhận việc Trung Cộng đưa ra lập trường cho rằng có một nước “Trung Hoa” và Đài Loan là một phần của nước đó. Nhưng Hoa Kỳ cũng còn là nước đồng minh và nước cung cấp vũ khí lớn nhất của Đài Loan.
Ông Tillerson nói: "Tôi không biết về kế hoạch nào để thay đổi lập trường 'một nước Trung Hoa'".
Ông Tillerson cho biết ông xem hoạt động của Trung Cộng trên Biển Nam là "đáng lo ngại vô cùng" và nước này sẽ là mối đe dọa cho “cả nền kinh tế toàn cầu” nếu Bắc Kinh có khả năng ra lệnh tiếp cận đường biển đó.
Ông đổ lỗi tình trạng hiện tại là do những gì ông cho là sự đáp ứng không đầy đủ của Hoa Kỳ. Ông Tillerson nói: “sự không đáp ứng đó đã cho phép chính họ (Trung Cộng) tiếp tục vượt quá việc này.”
Ông cho rằng: “cách thức chúng ta phải đối phó với việc đó là chúng ta phải cho thấy sự yểm trợ trong vùng bằng những nước đồng mình truyền thống tại Đông Nam Á.”
Chính phủ của Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama đã thực hiện những cuộc tuần tiểu định kỳ trên biển và trên không để khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Nam. Điều đó đã gây phẫn nộ cho Bắc Kinh, nhưng việc tìm cách phong tỏa các đảo nhân tạo của Trung Cộng là một bước quan trọng hơn nữa và là xúc tiến mà Hoa Thịnh Đốn chưa bao giờ nêu lên như một chọn lựa.
Theo chiến lược “xoay trục” của mình tới Á Châu, ông Obama đã gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ trong vùng, và ông Trump đã hứa hẹn một cuộc tăng cường hải quân quan trọng.
Lời lẽ của ông Tillerson còn đi xa hơn thuật ngữ cứng rắn của chính ông Trump về Trung Cộng.
Các nguồn tin quân sự trong vùng cho biết trong khi Hải Quân Mỹ có khả năng bao quát ở Á Châu để đàn ra những hoạt động ngăn chặn bằng tàu, tiềm thủy đỉnh và phi cơ, bất cứ xúc tiến nào như thế chống lại các hạm đội đang gia tăng của Trung Cộng đều sẽ có nguy cơ leo thang.
Sự miễn cưởng trước thách thức
Ông Obama đã tìm cách hình thành một mặt trận thống nhất tại Đông Nam Á chống lại việc theo đuổi công bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Cộng, nhưng một số nước đồng mình và nước hợp tác vốn cũng là những nước công bố đối nghịch lại miễn cưởng trong việc thách thức Bắc Kinh.
Ông Tillerson gọi việc Trung Công xây đảo trên Biển Nam và công bố vùng phòng không trên Biển Đông mà nước này thách thức Nhật Bản là "những hành vi bất hợp pháp."
Ông nói: “họ chiếm đóng hay kiểm soát lãnh thổ, hoặc công bố kiểm soát lãnh thổ đều không phải là những điều hợp pháp của Trung Cộng.”
Sự đáp ứng đã bị câm nín từ Phi Luật Tân, một nước đồng minh truyền thống của Mỹ, vốn năm ngoái đã thắng một vụ kiện quốc tế bao gồm cả sự thách thức đối với việc Trung Công xây đảo trong vòng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Bộ Trưởng Quốc Phòng (Phi) Delfin Lorenzana tuyên bố với các ký giả hôm thứ năm (12/1/2017) rằng: "những điều đó chưa phải là chính sách và đã để cho chúng tôi phải chờ đợi xem liệu rằng họ có thi hành hay không những gì được nói trong buổi tranh cãi (trước tòa). Hãy đợi cho đến khi ông Trump lên nắm quyền."
Lời bình luận của ông phản ảnh sự thay đổi lớn lao trong xúc tiến của Manila đối với Trung Cộng dưới thời tân Tổng Thống Rodrigo Duterte, người mong có những quan hệ ngoại giao và mậu dịch tốt với Bắc Kinh và cho rằng việc thách thức nước này là khiêu khích và vô nghĩa. Ông công khai về sự thiếu tín nhiệm của ông đối với chính phủ Obama và đã trách cứ họ về điều ông ta xem là thiếu hành động trên Biển Nam.
Ông Tillerson còn nói Hoa Kỳ có thể không tiếp tục chấp nhận “những lời hứa suôn” mà Trung Cộng đưa ra về việc gây áp lực trên Bắc Hàn về các chương trình phi đạn và hạch nhân của nước này.
Ông cho biết xúc tiến của ông nhằm đối phó với Bắc Hàn - nước vừa mới công bố rằng họ sắp thực hiện cuộc thử nghiệm đầu tiên về hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa - sẽ là "một kế hoạch lâu dài" dựa trên những biện pháp cấm vận và các khoản thi hành thích nghi của chúng.
Khi được hỏi là liệu rằng Hoa Thịnh Đốn có xem xét việc đặt ra "biện pháp cấm vận phụ" cho các thực thể Trung Cộng nào bị tìm thấy vi phạm những biện pháp cấm vận hiện tại đối với Bắc Hàn hay không, ông Tillerson đáp: "nếu Trung Cộng không tuân theo những biện pháp cấm vận đó của Liên Hiệp Quốc, thì thích hợp cho Hoa Kỳ xem xét tới các hành động buộc họ phải tuân thủ.”
Ông cáo buộc Trung Cộng không tuân theo các thỏa hiệp toàn cầu về mậu dịch và sản phẩm trí tuệ, phản ảnh những lời tuyên bố đã qua của ông Trump, người đã đe dọa đặt ra mức quan thuế trả đũa cao đối với Trung Cộng. Thế nhưng ông Tillerson còn nhấn mạnh tới bản chất "liên kết sâu đậm" của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông nói: "chúng ta không nên để cho sự bất đồng về những vấn đề khác loại trừ những lãnh vực dành cho sự hợp tác phong phú.”
Lược dịch: