Đấu tranh thay đổi hay thay thế chế độ CSVN? - Dân Làm Báo

Đấu tranh thay đổi hay thay thế chế độ CSVN?

Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Câu hỏi cho hôm nay: "Ngày mai, tương lai Việt Nam có tươi sáng, có trở thành một cường quốc hay không tùy thuộc vào thể chế chính trị có thay đổi thành dân chủ hay không?"

Đây là một sự thật rất rõ ràng mà có lẽ không người dân Việt Nam nào không thấy. Nhưng trước khi có dân chủ thì phải thoát khỏi ách độc tài toàn trị của cộng sản và chính vì vậy mà có phong trào đấu tranh với ĐCSVN. Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh với ĐCSVN thường xảy ra với những cuộc vận động chưa dứt khoát mà thường hay giao động giữa hai mục tiêu: thay đổi thay thế chế độ CSVN.

“Thay đổi”“Thay thế” là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau vì nó đòi hỏi những phương pháp đấu tranh khác nhau. Vì thế hai vấn đề mang tầm vóc chiến lược này cần phải được phân định rõ ràng và suy xét cẩn thận. Một khi mục tiêu đã được thống nhất thì phong trào đấu tranh sẽ cùng hướng về một điểm và sẽ tạo sức mạnh tổng hợp.

Một phương cách để tìm hiểu hai khuynh hướng là bằng cách đối chiếu quan điểm và lập luận giữa hai khuynh hướng thay đổithay thế. Từ sự đối chiếu sẽ hiện ra những điểm khôn ngoan hay sai lầm trong những hành động thực hiện. Phần tiếp theo được xếp theo hình thức đối đáp giữa hai khuynh hướng trong từng vấn đề hay quan điểm:

1. Quyền lực của ĐCSVN quá lớn chưa thế lực nào có thể đánh đổ

Khuynh hướng thay đổi:

Chế độ CSVN hay quyền lực của ĐCSVN quá lớn, quá bao trùm chưa thể lật đổ họ được. Những vấn đề căn bản trong khuynh hướng thay đổi có thể liệt kê như sau:

- Về chính trị, ĐCS có mặt, chi phối và kiểm soát mọi ngõ ngách trong cuộc sống của người dân VN. ĐCS tuy ngày nay bị thoái hóa nhưng “uy tín” và thành phần cảm tình với ĐCS vẫn còn quá đông.

- ĐCS đã ý thức được những mầm mống có thể gây nguy hại cho họ nên đã tìm cách nắm giữ tất cả các thành phần có thế lực trong xã hội như giới trí thức, giới doanh gia tư nhân, giới xã hội dân sự, báo chí.

- ĐCS đã học được những bài học Cách mạng Hoa Lài và nắm giữ quân đội rất chặt, đồng thời cũng học từ Tàu cộng về việc thành lập những cơ quan đặc biệt chống biểu tình hùng hậu và đánh trả một cách sắt máu.

- Tinh thần đối kháng của người dân Việt Nam chưa thấy thể hiện. Số lượng người dân thờ ơ và an phận còn quá nhiều. Đối diện với tất cả những trở ngại này, người dân tay không làm sao có thể chống lại? Cho dù có cả triệu người biểu tình cũng sẽ chẳng làm đổ được một nhà cầm quyền có quân đội chống lưng.

Khuynh hướng thay thế:

Chế độ độc tài nào cũng nắm gọn mọi quyền lực trong tay để có thể kiểm soát dân chúng.

- Họ chỉ có một phương pháp cai trị duy nhất là bằng bạo lực vì quyền cai trị của họ không đến từ dân chúng.

- Chính sự độc đoán này là yếu điểm của họ. Yếu điểm đó là không danh chính ngôn thuận và không hợp lòng dân, hay nói cách khác ĐCSVN không có chính nghĩa.

- Họ chỉ có thể đánh lừa dân chúng qua tuyên truyền hay mua chuộc dân chúng qua việc ban phát đặc quyền đặc lợi cho một tầng lớp nào đó để làm hậu thuẫn.

- Tất cả những cách thức lấy lòng dân này là sự cố gắng gượng ép cần luôn luôn phải có động lực thúc đẩy. Và nếu động lực thúc đẩy yếu đi thì những thành phần đi theo sẽ giảm đi hay biến mất.

Phương pháp đấu tranh dùng để lật đổ chế độ CS là bất bạo động. Với phương pháp này, việc sở hữu bạo lực chẳng đem lại lợi thế nào cho nhà cầm quyền vì bạo lực chỉ có thể chống lại bạo lực.

- Làm sao có thể đem xe tăng ra bắt người công nhân phải đi làm việc?

- Làm sao công an có thể bắt bỏ tù những người rút tiền của mình ra khỏi nhà băng?

- Sức mạnh của quân đội sẽ không góp gì được cho thế lực của nhà cầm quyền nếu phương pháp bất bạo động được sử dụng khôn khéo.

- Vì thế quyền lực của nhà cầm quyền sẽ không lớn khi cuộc đấu tranh được chuyển sang môi trường bất bạo động và việc lật đổ một nhà độc tài là chuyện khả thi.

2. Dân chúng Việt Nam chưa đủ hiểu biết để có thể thiết lập một thể chế dân chủ ổn định

Khuynh hướng thay đổi:

- Dân chúng Việt Nam chưa đủ ý thức, hiểu biết về dân chủ nên chưa biết tranh đấu cho quyền công dân.

- Nếu thực hiện dân chủ ngay lập tức ở Việt Nam thì sẽ chỉ tạo nên đảng phái chia rẽ, xâu xé nhau và làm đất nước yếu kém đi.

- Cách tốt nhất là thực hiện dân chủ từng bước để bảo đảm sự chuyển tiếp ổn định. Hơn nữa, trong giai đoạn khởi đầu phát triển kinh tế, Việt Nam cần phải có ‘một chút’ độc tài mới có thể phát triển được, như đường đi của các nước Nam Hàn, Đài Loan, Singapore.

- Về nhân quyền, các thứ quyền làm người này chỉ nên giao cho người dân từng bước với giáo dục và thông tin để người dân có thời gian thực tập, tránh khỏi việc lạm dụng và đưa đến tình trạng rối loạn xã hội. Các quốc gia Âu Mỹ cũng đã trải qua cả trăm năm mới có sự trưởng thành dân chủ ngày này. Phương cách thả lỏng dân chủ từng bước là cách thực hiện dân chủ ổn thỏa nhất.

Khuynh hướng thay thế:

Nguyên tắc dân chủ bảo đảm một thể chế chính trị của dân, do dân và vì dân. Đây là một thể chế đem công bằng đến cho mọi người dân và không ai, không đảng phái hay nhóm người nào đứng trên ý dân.

- Nguyên tắc này đã được thực hiện tại đa số các nước trên thế giới và không thể sai lầm. Chỉ có thể chế độc tài CS là sai lầm và hiện còn tồn tại ở Việt Nam và 4 quốc gia trên thế giới.

- Quan điểm dân chủ phải được thực thi từng bước để giữ cho xã hội ổn định và một cách chuyển đổi thích hợp cho phát triển kinh tế vững chãi của các nước chậm tiến là một ngụy biện.

- Về thể chế chính trị, tất cả các cuộc thay đổi từ độc tài sang dân chủ đều là sự thay đổi tức khắc, không từ từ từng bước, vì sự mâu thuẫn giữa độc tài và dân chủ không thể có sự trộn lẫn, hoặc 100% dân chủ hoặc 100% độc tài mà thôi.

- Về phát triển kinh tế thì một số nước như Nam Hàn, Đài Loan hay Singapore đã sử dụng quyền lực nhà nước để điều hướng kinh tế hầu tạo sức mạnh cạnh tranh cho các công ty quốc nội đối với các công ty quốc tế. Chuyện nhà nước nhúng tay vào kinh tế không thể được xem là độc tài nếu mục đích nhắm tới là đẩy mạnh tiềm lực kinh tế quốc gia. Chính sách điều hướng kinh tế của các chính phủ dân chủ là góp tay hỗ trợ, khuyến khích phát triển theo hướng hoạch định. Doanh nghiệp nào thuộc lãnh vực quan tâm của chính phủ sẽ được sự hỗ trợ. Chính phủ dân chủ không nhúng tay vào việc điều hành các doanh nghiệp như hình thức quốc doanh ở các chế độ độc tài.

- Vấn đề trật tự xã hội liên quan tới nhiều lãnh vực khác như giáo dục, an ninh, luật pháp. Bảo vệ nhân quyền là bảo vệ cho mọi người dân được nhà cầm quyền tôn trọng và đối xử công bằng. Chỉ có một chính quyền dân chủ mới bảo đảm nhân quyền cho người dân. Một chính quyền độc tài không bao giờ cho người dân có quyền làm người vì khi cho người dân một vài quyền nào đó thì người dân sẽ không phục tùng chính quyền nữa.

Trong giai đoạn đầu của khuynh hướng thay thế, thiết nghĩ hãy khoan đòi những tiêu chuẩn dân chủ cao. Khi chưa có quyền Tự do thực sự mà muốn có Dân chủ toàn vẹn thì nền Dân chủ đó có thể đưa đến giả hiệu ngay. Trước hết hãy nâng cao Dân trí trong những nỗ lực giành các quyền Tự do hiến định: Quyền Tự do Thông tin-báo chí, và Quyền Tự do lập các Hội dân sự, nghề nghiệp, Ái hữu… mà tuy trên danh nghĩa đã có, nhưng nay phải dành cho có được thực chất.

Chính quyền “thay thế” cần phải dựa trên thế hợp pháp mà gở từng bước, tiến tới quyền làm chủ đích thực của người dân. Có được hai loại Quyền nói trên mới mong tiến lên đòi Quyền thứ ba là Quyền ứng cử và bầu cử, để cải biến dần các cơ quan quyền lực và tiến tới một chính thể Dân chủ pháp trị văn minh phù hợp với Dân tộc.

Một khi chưa có khả năng huy động quần chúng để làm “Cách mạng” lật đổ CSVN trực tiếp, thì đây là cung cách duy nhất để thoát khỏi đêm dài toàn trị. Đây chính là con đường HOÀ BÌNH.

Kiến tạo Dân trí và Xã hội dân sự làm nền tảng, chính là tích cực tạo điều kiện để thời cơ xuất hiện.

Con đường diễn biến như vậy tuy có chậm. Không phải vì chúng ta muốn chậm mà không cách nào làm nhanh hơn được! Nhưng bù lại cũng có ưu điểm là vững bền và hợp với tình tự dân tộc và không có sự can thiệp của “thế lực thù địch” mà người dân phải lo sợ.

3. Yếu tố ngoại lai hiện tại

Theo Hà Sĩ Phu: "Tôi đã nhận được câu hỏi rằng Mỹ sẽ có chương trình gì để thay đổi chính phủ Việt Nam và tôi đã trả lời thẳng rằng đó không phải là chính sách của Mỹ. Chính sách của Mỹ là tôn trọng sự khác biệt trong hệ thống chính trị của các quốc gia khác. Lợi ích của Mỹ là muốn thấy một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Việt Nam thành công thì điều đó cũng nằm trong lợi ích của Mỹ".

Qua chiều hướng trên, chúng ta thấy gì?

Rõ ràng là Hoa Kỳ không muốn tìm cách “thay thế” CSVN ở Việt Nam mà chỉ muốn “thay đổi” một số “chính sách cai trị” của ĐCS!

Về phía Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn chịu thuần phục Tập Cận Bình trong chuyến “triều cống” ngày 12 tháng giêng vừa qua, nói lên tính cách nộ lệ của CSVN qua 15 Hiệp ước từ quốc phòng, kinh tế, chính trị, và thương mại ký ngày 15/1/17.

Như vậy, những người con Việt phải làm gì?

Trước khi tham gia vào bất cứ một cuộc đấu tranh nào, ngay cả trong cuộc sống, nếu không muốn thắng thì không nên bước vào. Sự quyết tâm và ý chí quan trọng hơn tính khả thi của vấn đề.

Và sự quyết tâm trong đấu tranh chống CS là:

Lật đổ, hủy bỏ chế độ CSVN, không phải tìm cách thay đổi nó.

- Có sự quyết tâm dứt khoát trên sẽ giúp chúng ta loại trừ được tâm trạng mất tự tin hay yếm thế và dẫn đến tính ỷ lại.

- Sự trợ giúp bên ngoài của ngoại quốc chỉ là phụ thuộc. Chúng ta phải tự lực cánh sinh.

- Sự quyết tâm còn giúp những người con Việt tránh được những tư tưởng ủy mị, dễ tin như tin vào sự thành thật của ĐCSVN đối với quốc gia, dân tộc trong suốt hơn 70 năm qua!

11.02.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo