Luật Sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Sang năm mới 2017 cần phải duyệt lại những điều sai lầm của năm cũ và học hỏi để tránh những khuyết điểm của năm vừa qua. Tôi là người viết về các vấn đề chính trị nhưng không tránh khỏi nhiều sai lầm, đôi khi có những sai lầm tương đối căn bản như sau:
1. Nhiệm kỳ của dân biểu hạ viện Hoa Kỳ chỉ có 2 năm:
Trong khi đó, trong các bài viết, ngay cả những sách của tôi viết, hoặc minh thị, hoặc mặc thị cho rằng, nhiệm kỳ hạ viện liên bang của Hoa Kỳ là 4 năm. Lý do là vì chủ quan không kiểm soát sự kiện trước khi viết. Khi chúng ta duyệt xét nhiệm kỳ các dân biểu quốc hội, nhất là hạ viện trên thế giới thì đại đa số là 4 hay 5 năm. Tại Úc thì tương đối ngắn là 3 năm tại hạ viện liên bang. Ngay cả tại Hoa Kỳ cũng có nhiều tiểu bang nhiệm kỳ dài hơn 2 năm.
Tuy nhiên bài học là phải kiểm soát sự kiện chính xác, không thể chủ quan phỏng đoán. Sự thật đôi khi lạ lùng hơn là những sự giả tưởng (facts are sometimes stranger than fiction) là như thế nên chúng ta phải luôn luôn kiểm soát sự kiện.
2. Khái niệm chủ quyền quốc gia (sovereignty) và quyền chủ quyền (sovereign rights) là 2 khái niệm khác nhau:
Là một luật sư hành nghề nhiều thập niên và thỉnh thoảng quan tâm đến luật quốc tế, nhưng tôi vẫn hồ đồ sát nhập 2 khái niệm chung với nhau. Cho đến khi trao đổi với GS Phạm Quang Tuấn về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ngày 12 tháng 7, 2016 tôi mới nhận ra sự nhầm lẫn của mình. Đây là một khuyết điểm quan trọng đối với một người muốn viết bài để hướng dẫn dư luận và có chuyên môn về chính trị và luật, trong khi GS Phạm Quang Tuấn là một khoa học gia về kỹ nghệ hóa học (chemical engineering) và nhạc sĩ.
Một cách vắn tắt khái niệm chủ quyền thông thường liên hệ đến chủ quyền quốc gia nói lên tính tuyệt đối tối cao của quốc gia, bao trùm trên lãnh thổ, lãnh hải, dân chúng và mọi sở hữu của quốc gia đó và không một quyền lực nào, kể cả những quốc gia khác, có thể tranh giành. Chẳng hạn quốc gia Việt Nam có chủ quyền (sovereignty) trên toàn lãnh thổ, dân chúng, tài sản bao gồm lãnh hải ra xa 12 hải lý từ bờ biển Việt Nam. Đây là chủ quyền tuyệt đối trên bình diện công pháp quốc tế.
Trong khi đó, tuy quốc gia Việt Nam không có chủ quyền (sovereignty) ngoài 12 hải lý tính từ bờ biển, nhưng trong vòng 200 hải lý, từ bờ biển thì quốc gia Việt Nam có quyền chủ quyền (sovereignty rights). Trong trường hợp này thì cụ thể nhất là những đặc quyền kinh tế hầu khai thác những nguồn lợi trên thềm lục địa và trong vòng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive economic zone).
Như thế, chúng ta có thể định nghĩa khái niệm quyền chủ quyền (sovereignty rights) là những quyền lợi cho một quốc gia phát xuất từ chủ quyền (sovereignty) của mình, trên những vùng bên ngoài chủ quyền quốc gia nguyên thủy.
3. Còn 5 quốc gia CS chứ không phải chỉ có 4. Phải thêm Lào:
Trong các bài viết của tôi, luôn nói đến 4 quốc gia cộng sản duy nhất còn lại. Đó là Trung Quốc, Cuba, Việt Nam và Bắc Hàn. Tuy nhiên tôi không biết là nước Lào nhỏ bé vẫn còn là một quốc gia cộng sản. Mãi đến khi một độc giả từ Tân Tây Lan nhắc nhở qua một người bạn là cần phải điều chỉnh lại, thì tôi mới biết. Đây cũng là một sai lầm về sự kiện cần phải ghi nhận.
Thật sự 4 nước cộng sản còn lại hay 5 nước còn lại cũng không giảm đi lập luận của chúng ta là cộng sản chủ nghĩa đã suy tàn chút nào. Tuy nhiên nói lên sự thật là một điều quan trọng và khi đối diện với sự dối trá của người CS, điều này trở nên then chốt.
4. Dự đoán sai về kết quả trưng cầu dân ý Brexit ngày 23 tháng 6, 2016:
Trong cuộc trưng cầu dân ý tại Vương Quốc Thống Nhất Anh (Anh Quốc) này thì phe rời bỏ Liên Hiệp Âu Châu (European Union) thắng với số phiếu khoảng 52%. Tôi là một trong những người dự đoán sai lầm rằng phe tiếp tục là thành phần của Liên Hiệp Âu Châu sẽ thắng
Thật ra trong một bài viết liên hệ đến hiện tượng này, tôi bênh vực cho lập luận Anh Quốc rời bỏ Liên Hiệp Âu Châu, không phải vì những lý do kinh tế hoặc di dân, nhưng theo quan điểm của tôi, Liên Hiệp Âu Châu chỉ là bước đầu tiên. Mục tiêu tối hậu của của các chính trị gia Âu Châu là thành lập một Hiệp Chủng Quốc Âu Châu theo mô hình của Hoa Kỳ hầu cạnh tranh với Hoa Kỳ, Nga Sô, Trung Quốc và Ấn Độ như một siêu cường của tương lai.
Khi duyệt lại lịch sử của nhân loại, theo quan điểm của tôi (và dĩ nhiên tôi có thể sai nữa) là các thực thể chính trị càng lớn lao thì tình trạng dân chủ và dân quyền càng giảm thiểu. Bắt đầu là Đế Chế chuyên chính của Tần Thủy Hoàng tại Trung Quốc. Trước đó Trung Hoa là một vương quốc mang tính phong kiến (feudal) gồm nhiều tiểu quốc chư hầu có rất nhiều quyền, như một hình thức liên bang ngày hôm nay. Thiên tử không độc quyền độc đoán như Tần Thủy Hoàng.
Cũng theo tôi, Hoa Kỳ trở thành một liên bang hùng mạnh và thống trị thế giới suốt thế kỷ 20 chưa hẳn là một điều tốt đẹp. Tôi không cho sự sát nhập 13 tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ trở thành Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là một điều hoàn toàn tốt. Có thể 13 tiểu bang đó trở thành 13 quốc gia độc lập và đóng góp đa diện vào di sản nhân loại sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn.
Những quốc gia lớn lao, thông thường khai sinh ra những định chế thư lại và những nhóm quyền lợi cũng như quyền lực lớn lao, một mặt giới hạn quyền tự do của dân chúng họ, mặt khác khuynh loát chính trường không những trong quốc gia mà ngay cả trên trường quốc tế.
Sự khai sinh của Liên Bang Sô Viết như một định chế chính trị lớn lao cũng là một biến cố tệ hại của nhân loại. Sự cứng nhắc trong cấu trúc chính trị của nó, so với Hoa Kỳ còn tệ hại hơn.
Sự thành lập một quốc gia Ấn Độ lớn, mặc dầu theo thể chế liên bang, như là kết quả của cuộc đô hộ người Anh tại Ấn Độ, là một sự tệ hại tương tự. Theo tôi vùng Ấn Độ nên giữ là một vùng gồm nhiều tiểu quốc nhỏ, độc lập với nhau và đóng góp đa diện vào nền văn minh của nhân loại.
Theo quan điểm của tôi, Trung Quốc ngày hôm nay cần phải được chia cắt thành nhiều quốc gia khác nhau. Mỗi tỉnh đã là một quốc gia rất lớn rồi. Như thế sẽ đóng góp tích cực hơn, một các hòa bình hơn cho nhân loại. Ít nhất Trung Quốc nên trở thành một chế độ liên bang với nhiều quyền tự trị cho các tiểu bang như Hoa Kỳ, Canada, Úc hay Đức vậy.
Chính vì thế, tôi luôn nghĩa rằng Liên Hiệp Âu Châu là một quái thai đang hình thành để tiến đến một Hiệp Chủng Quốc Âu Châu. Tuy tôi mong muốn dân chúng Anh Quốc quyết định tách rời khỏi khối này vì các lý do nêu trên, nhưng tôi vẫn bi quan và nghĩ đa số họ sẽ quyết định không rời Liên Hiệp Âu Châu. Tuy nhiên tôi rất mừng vì tôi đã sai trong dự đoán của mình.
5. Dự đoán sai về kết quả Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ tháng 11 năm 2016:
Chúng ta đều là những con người bình thường. Chúng ta phán xét dựa vào những thông tin nhận được, nhất là qua báo chí và truyền thông. Thêm vào đó qua cảm tính của mình. Tôi cũng thế, qua những cuộc thăm dò ý kiến quần chúng và cảm tính của tôi về những đặc tính cá nhân của Ông Donald Trump, tôi đã đoán sai lầm về kết quả của cuộc bầu cửa tổng Thống Hoa Kỳ tháng 11 năm 2016 và cho rằng Bà Hillary Clinton sẽ thắng cử.
Sự kiện nhiều người dự đoán sai không làm giảm đi mức độ sai lầm của cá nhân mình. Chính vì thế cá nhân tôi cũng rút tỉa bài học kinh nghiệm và trở nên khách quan hơn trước những hiện tượng chính trị.
Tuy nhiên nói thì dễ mà làm mới khó. Mỗi cá nhân đều bị ảnh hưởng bởi quá khứ của mình. Tôi được diễm phúc sống những chuỗi ngày ấu thơ tại Làng Mỹ Đức, Quận Bình Khê, Tỉnh Bình Định và thấm nhuần tình làng xóm đồng bào cùng cư dân trong một ngôi làng cổ truyền bao bọc bởi lũy tre làng. Mọi dân làng thương yêu chia xẻ với nhau hài hòa thân thiết như ruột thịt. Khi tuổi thiếu niên tại Việt Nam đọc Lão Tử Đạo Đức Kinh thì lại chia xẻ với vị hiền triết Lão Tử này khái niệm về những quốc gia lý tưởng nhỏ đến mức độ gà gáy tại quốc gia này thì dân chúng tại quốc gia kia vẫn có thể nghe.
Khi vào tuổi thanh niên du học ngoại quốc về chính trị, hành chánh và luật thì mới tiếp xúc với những ý niệm chính trị rộng lớn hơn và sự vận hành thực tế của chúng. Tuy nhiên ảnh hưởng từ thủa ấu thơ không vì thế mà phai nhạt.
Chính vì thế, trong các sách tôi viết về chính trị luôn nhấn mạnh đến những thực thể chính trị nhỏ (small political entities), nếu lớn thì phải luôn phân quyền (separation of powers) hoặc tản quyền (deconcentration of powers), nhấn mạnh đến vai trò của con người cá thể (individual person) khi đối diện với các định chế (institutions) lớn lao đầy quyền lực.
Chúc mọi người một năm mới đạt nhiều thành quả và đặc biệt đất nước Việt Nam của chúng ta sớm hoàn tất tiến trình dân chủ hóa trong hòa bình và thịnh vượng.
12.02.2017