Chế Lan Viên, từ tiếng kêu bi ai đến lời sám hối muộn màng - Dân Làm Báo

Chế Lan Viên, từ tiếng kêu bi ai đến lời sám hối muộn màng

Đỗ Trường (Danlambao) - Có thể nói, từ đầu thế kỷ thứ hai mươi cho đến nay, Chế Lan Viên được đánh giá là một nhà thơ lớn tài năng. Và khi nghiên cứu, ta có thể thấy, thơ văn cũng như con người ông có nhiều mâu thuẫn, phức tạp, đa diện nhất trong dòng văn học sử Việt Nam từ trước đến nay. Có lẽ, xuất phát từ mâu thuẫn nội tâm ấy, ông luôn làm người đọc phải kinh ngạc, và không chỉ đưa đến nhiều điều thú vị, mà còn cả những điều nhạt nhẽo, khó chịu khác. Ở cái tuổi mười bảy, Chế Lan Viên rất đĩnh đạc, bất ngờ đóng thẳng vào chân móng của trào lưu thơ mới, bằng thi tập Điêu Tàn rắn chắc và già dặn. Ngay từ tập thơ đầu này, ta có thể thấy, thi pháp cũng như tư tưởng Chế Lan Viên bộc lộ một cách rõ ràng, mạch lạc và tính cách khác lạ. Và cùng một thời điểm xuất phát ấy, nếu Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương… đang chờn vờn mây trời, sông nước, với nỗi đau tình ái, thì tiếng thơ Chế Lan Viên bi ai, quằn quại với thân phận, nỗi đau của con người, của dân tộc. Sau 1945, tuy tài năng, vốn sống được nâng lên và dày dặn hơn, nhưng thi pháp, tư tưởng, ngòi bút của ông bẻ ngoặt theo một chiều hướng đã định. Để rồi, khi trở về với đất, ông phải mang theo một nỗi u hoài, với những lời thán ca muộn màng, tiếc nuối.

Chế Lan Viên tên thật Phan Ngọc Hoan sinh năm 1920 tại Quảng Trị, theo học và chỉ đỗ bậc Thành chung (cấp 2) ở Qui Nhơn. Và suốt dọc tuổi thơ Chế Lan Viên gắn liền với mảnh đất nơi đây. Ở đó, cũng cho ông nguồn cảm hứng cùng với Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Bích Khê lập ra nhóm Trường Thơ Loạn. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến, và sau hiệp định Geneve 1954 tập kết ra Bắc. Từ đó, Chế Lan Viên làm văn nghệ, và tuyên huấn tư tưởng. Ông mất năm 1989 tại Sài Gòn.

Sự nghiệp văn thơ của Chế Lan Viên đồ sộ, lừng lững trên văn đàn, xuyên suốt cả một thế kỷ. Ông viết nhiều thể loại, kể cả phê bình. Bỏ qua định kiến tư tưởng, chính trị, dường như tập thơ nào của Chế Lan Viên cũng hay và mới, nếu xét về hình thức nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng như các thi nhân khác, đi sâu vào chi tiết, ta có thể thấy, trong đó không phải, không có những bài thơ, câu thơ dở. Âu đó cũng là lẽ thường tình trong nghệ thuật sáng tạo. Nhưng để chọn ra những tập thơ tiểu biểu cho ba giai đoạn sáng tác của ông, với tôi phải là Điêu Tàn ấn hành năm 1937, Ánh Sáng Và Phù Sa xuất bản năm 1960, và Di cảo thơ viết vào những năm cuối đời.

* Một thiên tài sớm nở.

Không hiểu sao, tôi sợ phải nghe cái danh từ (hay vương miện) thần đồng dùng để gán, để chụp lên đầu cho một ai đó đến vậy. Nhưng nếu buộc phải dùng nó để đánh giá, thì với tôi: Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ hai mươi đến nay, chỉ xảy ra có một lần, và thần đồng duy nhất phải là cậu thiếu niên Chế Lan Viên cùng thi tập Điêu Tàn. Có thể nói, đây là tập thơ chín sớm nhất, vừa ra đời đã trở thành cổ thi. Đọc nó, ta nghe như có tiếng tiền nhân vọng về từ hàng ngàn năm trước vậy.

Cũng như Đinh Hùng, Bích Khê… Chế Lan Viên chịu ảnh hưởng sâu sắc chủ nghĩa tượng trưng, siêu hình cũng như thi pháp của các nhà thơ lãng mạn Âu- Mỹ như Budelaire, Verlaine, Edgar Allan Poe. Tuy tiếp thu và chịu sự ảnh hưởng như vậy, nhưng Chế Lan Viên với Điêu Tàn vẫn giữ được nét cổ Đường thi.

Đến với Điêu Tàn, Chế Lan Viên từ bỏ thế giới hiện hữu, tìm về thế giới hồn ma vô thực. Vì vậy, quan niệm cũng như biểu hiện của cái đẹp trong mĩ học hoàn toàn thay đổi. Nếu trời, mây trăng gió (thiên nhiên, con người) là hình ảnh, cái đẹp trong thơ Xuân Diệu, thì sọ trắng ma thiêng, đau thương, đổ nát hoang tàn mới là đối tượng thẩm mĩ trong Điêu Tàn của Chế Lan Viên.

Đọc Điêu Tàn tưởng như nghe được tiếng khóc, tiếng kêu bi ai tiếc nuối, nhìn được sự tang tóc với nỗi đau vong quốc. Nhưng lặng lại giây lát, dường như ta thấy vẫn còn chưa đủ. Mà sau nó còn là những hồn ma, bóng quế nhập đồng vào cậu bé Chế Lan Viên, hay Chế Lan Viên hóa vào những bóng ma, những đầu lâu, và hộp sọ cùng những nắm xương khô dắt nhau tìm lại chính mình và dân tộc mình: "Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi". (Trên đường về). Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây, để không chỉ thấy được một dân tộc với quá khứ anh dũng và huy hoàng, cùng những đền đài uy nghi, tráng lệ đã bị bức tử, mà còn cảm được áng thơ tuyệt đẹp, u mang hoài cổ của Chế Lan Viên:

"Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng 
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh 
Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng 
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành…" (Trên đường về).

Và trên con đường ấy, nhà thơ đã nhìn thấy sự hồi sinh, bất diệt của một dân tộc: "Nước non Chàm chẳng bao giờ tiêu diệt/ Tháng ngày qua vẫn sống với trăng mờ" (Bóng tối). Vâng! Cái tư tưởng độc lập dân tộc Hời (Chăm) hay Việt ấy của Chế Lan Viên tuy mới chỉ phảng phất. Nhưng có lẽ, đã cảm được điều đó, nên chính quyền thực dân vội đục bỏ hai câu thơ trong bài chăng? Trên Đường Về là một bài thơ như vậy, và nó cũng là một trong những bài thơ hay nhất trong thi tập Điêu Tàn:

"Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ 
Quay về xem non nước giống dân Hời

-------

Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi 
Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian 
Những sông vắng lê mình trong bóng tối 
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than…"

Tuy tự vẽ ra con đường ấy, để đi vào thế giới của cô hồn, lấy đau thương làm thước đo thẩm mĩ, nhưng càng đi nó càng làm cho người thi sĩ cô đơn, chán chường hơn: “Đường về thu trước xa xăm lắm/ Mà kẻ đi về chỉ một tôi”. Điều đó, phải chăng không chỉ là nỗi buồn thương cho dân tộc, cho giống nòi, mà còn là tấm lòng nhân đạo cao cả của thi nhân? Thật vậy, Xuân là một bài thơ điển hình trong thi tập này của Chế Lan Viên đã làm được điều đó. Nếu những bài thơ xuân của Nguyễn Bính, Anh Thơ… cùng viết vào thời điểm đó, là sự thanh bình, tươi mới, thì Xuân của Chế Lan Viên là sự bế tắc của cuộc sống cũng như tâm hồn. Từ những bế tắc, cô đơn ấy luôn làm cho nhà thơ phải chống chọi, níu kéo vào thời gian, vũ trụ. Và chính cái mùa thu lá rụng đó mới là nơi ẩn nấp, che chắn cho tâm hồn đang nhỏ máu của thi nhân. Nhưng cái vòng quay tuần hoàn của thời gian kia, vẫn đang cày xới đến cái tận cùng của nỗi đau và tuyệt vọng ấy. Và rồi, dường như nhà thơ đã bất lực? Với tôi, Xuân của Chế Lan Viên là một là bài thơ viết về mùa xuân lạ nhất, sầu thảm nhất, và hay nhất của nền văn học Việt Nam:

"Tôi có chờ đâu, có đợi đâu.
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
--- Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây đem chắn nẻo xuân sang!

Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Có một người nghèo không biết tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!..."

Bi thương là thế, và cứ tưởng rằng, bị chìm sâu dưới những nấm mồ, thời gian hóa thạch, nhưng khát vọng của con người luôn trỗi dậy, hướng về một thế giới khác lạ, mênh mông và xa thăm thẳm: "Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi giữa trời xa". Nhưng, dù có ở chân trời góc bể nào, nỗi ám ảnh cả thể xác lẫn tâm hồn đó vẫn không hề buông tha, Chế Lan Viên phải co người trốn chạy, và như con tò vò làm tổ ẩn núp trong chính trái tim mình: "Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!" (Những sợi tơ lòng).

Đọc Điêu Tàn, ta có thể thấy những bài thơ thất ngôn, bát ngôn của Chế Lan Viên, dường như không hẳn theo một mạch chảy. Mỗi khổ trong bài thơ như là một bài thơ thất ngôn, bát ngôn tứ tuyệt. Những khổ thơ này, hoàn toàn có thể hoán đổi vị trí cho nhau, nhưng nội dung chuyển tải cả bài thường không hề thay đổi. Nếu có, sự thay đổi đó không nhiều. Với thủ pháp nghệ thuật này, sau này chúng ta bắt gặp nhiều trong thi tập Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng.

Và có lẽ, không chỉ trong thơ, mà một số cuốn tiểu thuyết, văn xuôi gần đây, có thể ít, nhiều cũng chịu ảnh hưởng từ Điêu Tàn (?) đưa thế giới hồn ma, siêu thực vào tác phẩm của mình như: Dạ Tiệc Qủy của Võ Thị Hảo, Que Diêm Thứ Tám của Văn Biển, hay Cò Hồn Xã Nghĩa của Phạm Thành. Và nó đã rất hành công về nội dung, ý đồ chuyển tải của nhà văn đến người đọc.

Có thể nói, ngay từ thuở ban đầu đến với thi ca, cậu bé Chế Lan viên đã vạch ra một con đường riêng cho mình. Và cho đến nay, Điêu Tàn vẫn là tập thơ độc nhất vô vị của văn chương Việt về khuynh hướng sáng tác ấy. Với tôi, cùng với Lửa Thiêng của Huy Cận, Điêu Tàn là tập thơ tiền chiến hay, lạ và độc đáo nhất.

*Một cái loa phường.

Tháng 8-1945 là bước ngoặt, đưa con người cũng như thơ văn Chế Lan Viên theo một chiều hướng khác. Ông tham gia Việt Minh và làm báo chí, văn hóa văn nghệ. Từ đây, ông phải giải quyết mâu thuẫn chính trong nội tâm của mình. Và trong mười lăm năm ấy (1945-1960) Chế Lan Viên đã bốc được con ma Hời ra khỏi linh hồn bằng thi tập Ánh Sáng Và Phù Sa.

Đọc Ánh Sáng Và Phù Sa ta có thể thấy, ngay từ ngày đầu đến được với Đảng CS, Chế Lan Viên hả hê, sung sướng và thốt lên, đảng là cha là mẹ, một lần nữa đã tái tạo ra ông. Thật vậy, có lẽ khó tìm ra một nhà văn, nhà thơ nào yêu đảng hơn Chế Lan Viên:

"…Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ 
Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ 
Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu 
Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau" (Kết nạp đảng trên quê mẹ)

Và trước đảng, Chế Lan Viên như một con chiên ngoan đạo. Ông dằn vặt, mặc cảm với quá khứ và luôn tìm cách từ bỏ, rũ sạch nó. Chúng ta hãy đọc lại hai đoạn thơ so sánh trong cùng bài Ngoảnh Lại Mười Lăm Năm, tặng và ngợi ca Tố Hữu, cũng như bản tự dày vò kiểm thảo, để thấy rõ sự sám hối của Chế Lan Viên trước đảng thành thật, sâu sắc biết nhường nào:

"Anh thấy trước ngày mai 
Cờ hồng treo trước ngõ… 
Giữa nhà lao bóng phủ 
Tìm đường cho lịch sử 
Qua hai hàng cùm xai 

Tôi nhìn ra tha ma 
Hay quay vào trang sách 
Ôi! dân Chàm nước mắt… 
Khi đã buồn hiện tại 
Thì quay về tháp xưa"

Có lẽ, hơn một lần tôi đã viết, dù bất kỳ chế độ xã hội nào, kể cả những nước tân tiến dân chủ như Âu-Mỹ cũng luôn cần có những văn nghệ sỹ đối lập với chính phủ đương thời, nhằm dự báo, và chỉ ra những yếu, khuyết điểm, thúc đẩy xã hội tốt hơn nữa. Nhưng sống trong một chế độ xã hội quản lý con người bằng chiếc dạ dày, bao tử, thì không chỉ Chế Lan Viên mà dường như nhà thơ, nhà văn nào cũng vậy, không ít thì nhiều cũng phải úp mặt xuống, xoay ngòi bút của mình. Một người được cho là chí khí như Hữu Loan, trước khi về quê thồ đá, ông có đến ba bài tụng ca đảng và lãnh tụ. Đoạn trích dưới đây trong bài Chờ Đội Về được Hữu Loan viết và in vào tháng 2-1956 trên báo Văn sẽ chứng minh điều ấy. Từ đó, người đọc hiểu thêm, dù cách tân hay với hình thức nghệ nào đi chăng nữa, dạng những bài này của tác giả Màu Tím Hoa Sim chỉ dừng lại ở mức vè không vần mà thôi:

"-- Ai đã về quê tôi?
Nước sông Hồng
Quanh năm
Chảy mật
Ruộng hai mùa
Mông mênh biển vàng
Nhưng bần cố nông
Vẫn là những kẻ
Mất thiên đường
Lang thang
Trong hỏa ngục.
Vải ấm Đảng cho
Bần cố nông
Không được mặc
Gạo no Đảng cho
Bần cố nông
Không được ăn
Địa chủ
và tay chân
Đem bán chia nhau..." (Nguồn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)

Có một điều đặc biệt, và phải nó thẳng, từ ngày có Đảng CS, có hội nhà văn cho đến thời Hữu Thỉnh, Quang Thiều hiện nay, không ai viết ca ngợi đảng và lãnh tụ hay, tài tình bằng Chế Lan Viên. Ngày 7-5-1954 vừa kết thúc chiến dịch Điện Biên, Chế Lan Viên đã viết ngay bài "Bữa Cơm Thường Trong Bản Nhỏ" rất kịp thời chào đón đảng và bác Hồ trở về thủ đô. Qủa thật, bắt đúng nhịp, hòa vào dòng thác cách mạng như Chế Lan Viên không mấy người làm được. Xét về mặt nghệ thuật, đây là bài thơ song thất lục bát hay so với các tác giả khác có chung một đề tài. Tầm tuổi tôi, ở miền Bắc, chắc chắn hồi học cấp 2, ai cũng phải học thuộc lòng bài này:

"…Từ có Bác cuộc đời chợt sáng
Bát cơm no ngày tám tháng ba
Cơm thơm ăn với cá kho
Công đức Bác Hồ bản nhớ nghìn năm
Bác thương dân chăm ăn chăm mặc
Em đi chợ đồng bằng bán hạt sa nhân 
Tháng giêng thêu áo may quần
Tháng hai trẩy hội mùa xuân hãy còn…"

Nếu "Bữa Cơm Thường Trong Bản Nhỏ" viết theo thể thơ cổ điển song thất lục bát, thì đến với "Người Đi Tìm Hình Của Nước" được Chế Lan Viên viết theo thi pháp, thể loại mới. Một bài khóc hay, đầy hình tượng ngợi ca lãnh tụ Hồ Chí Minh khi qua đời. Cùng thời điểm đó Tố Hữu cũng nấc lên với bài Bác Ơi, được giới phê bình đánh giá cao, và sau đó đã đưa vào giáo trình giảng dạy cho học sinh phổ thông. Nhưng với tôi, bài thơ này của Tố Hữu thiếu hình ảnh, hình tượng, nặng về kể lể, như người khóc thuê trong đám ma vậy. Thật vậy, cùng một tiếng khóc, nhưng nông, sâu cũng khác nhau xa lắm. Chúng ta hãy đọc lại hai đoạn trích dưới đây, để thấy tiếng khóc của Chế Lan Viên lặn vào trong, khác với tiếng khóc của Tố Hữu như thế nào nhé:

"Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau 
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu 
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ 
Cho hôm nay và cho mai sau..." (Tố Hữu)

"Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc 
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin 
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp 
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin" (Chế Lan Viên) 

Đến với đảng, Chế Lan Viên không chỉ học và viết được những lời ngợi ca, tụng ca, mà ông còn biết chửi. Tiếng chửi của ông đanh đá, và chua ngoa, không khác mấy bà già quê vén váy quay cuồng, khi bị mất cắp gà. Hai đoạn trích dưới đây trong bài Hoa hồng trong bệnh viện và Tiếng hát của thằng điên trong Dinh Độc Lập, được in trong tập Ánh Sáng Và Phù Sa. Nhưng tôi nghĩ, nó hoàn toàn không phải là thơ:

“Bọn giặc chó miền Nam, bay đã uổng! 
Cắt thịt da ta, không cắt nổi nụ cười! 
Cả chế độ miền Nam bay sụp xuống 
Khi thành đồng đã đến lúc vươn vai
--- 
Bắt lấy con chó điên trong dinh Độc Lập! 
Bắt lấy con thú điên trong dinh độc lập! 
Bắt cả tớ thầy treo lên cành cây 
Thằng Diệm chết. Thằng Mỹ thì cút ngay"

Có hai câu thơ kết trong bài Cho Uống Thuốc: "Bên ni biên giới là nhà/ Bên kia biên giới cũng là quê hương” được Chế Lan Viên viết khi đang chữa bệnh ở viện lao của Trung Quốc vào tháng 6- 1954. Bài thơ này, ông viết tặng cô y tá, trước khi về nước, tỏ lòng tri ân, vì đã được chăm sóc ân cần như người ruột thịt. Dù ở Trung Quốc mà cho ông cảm giác như đang ở Việt Nam với gia đình, quê hương làng xóm vậy. Và cái cảm giác ấy, xuyên suốt cả bài được tổng kết bằng hai câu thơ trên. Tuy nhiên, muốn hay không trong giai đoạn đó, cũng buộc Chế Lan Viên phải lồng chính trị, bằng hình ảnh bác Hồ, bác Mao của ông vào bài, nhưng đó chỉ là bên lề. Do vậy, có một số người đọc đã hiểu lầm, hoặc chỉ đọc hai câu kết này, rồi kết luận, chụp mũ Chế Lan Viên bán nước. Kinh hơn nữa, nhiều người còn cho rằng, hai câu thơ trên của Tố Hữu, và cứ dựng ba đời nhà ông ấy ra chửi. Viết ra điều này, không có có nghĩa là tôi binh che, hoặc bới móc. Bởi, cuộc sống hay trong văn thơ cũng vậy, viết, hoặc đánh giá rất cần có một sự sòng phẳng.

Có thể nói, Chế Lan Viên là người ham đọc và nghiên cứu. Đến với Ánh Sáng Và Phù Sa ông mở rộng đối tượng, không gian sáng tạo, cũng như thay đổi hoàn toàn thi pháp. Tuy được nhuộn đỏ tâm hồn, nhưng tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa vẫn chiếm vị trí quan trọng trong thơ ông.

Thật vậy, tuy mang tính thời sự, nhưng Tiếng Hát Con Tàu là bài thơ trữ tình hay và điển hình nhất của Chế Lan Viên vào những năm đầu hòa bình. Và cùng với Lên Miền Tây của Bùi Minh Quốc, bài thơ này đã góp phần không nhỏ kêu gọi, minh họa cho phong trào khai hoang kinh tế, tàn phá rừng đầu nguồn Tây Bắc của đảng, dẫn đến những cơn lũ kinh hoàng, gây bao tang tóc cho đất nước con người. 

Ngay đầu thập niên sáu mươi, dường như ít nhiều Chế Lan Viên đã chịu ảnh hưởng thi ca Nga, đặc biệt phương pháp luận làm mới, lạ hình tượng trong sáng tạo của MikhailMikhailovich Bakhtin. Từ những lẽ đó, ta bắt gặp hình ảnh so sánh, liên tưởng độc đáo không chỉ xuyên suốt Tiếng Hát Con Tàu, mà còn trên cả thi tập Ánh Sáng Và Phù Sa: 

“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét 
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng 
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc 
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.”

Nếu ở Điêu Tàn, ma quỷ sọ người lơ lửng cùng Chế Lan Viên dắt nhau vào cõi hư vô, thì đếnÁnh Sáng Và Phù Sa, bằng biện pháp tu từ so sánh ấy, đã kéo ông trở về với cõi thực, cõi của con người. Và sự kết nối giữa tư tưởng và nghệ thuật đó đã mở ra trong thơ Chế Lan Viên:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ 
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa 
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa 
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”

Cảm xúc là điều cần cho một thi sĩ, nhưng mở ra được những suy tưởng, để rồi cô lại thành những triết lý đưa vào trang thơ, quả thật không phải ai cũng làm được. Đọc Ánh Sáng Và Phù Sa, ta có thể thấy tính triết lý đan vào trong mỗi câu thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Và từ đó, nhà thơ đã nhìn ra tính triết lý, qui luật tình yêu, nằm trong mối quan hệ mật thiết giữa vụ trụ và con người. Khoảng Cách là một bài thơ như vậy, và nó như được chiết ra từ trí tuệ bậc thày của Chế Lan Viên. Đôi khi đọc nó, tôi cứ ngỡ là định luật trong vật lý, toán học vậy:

“Khi em xoay lưng lại với anh Hai đứa cách nhau một vòng quay trái đất 

Khi hai đứa mắt đã soi trong mắt 
Thì không gian còn khoàng cách nào đâu”

Dường như Chế Lan Viên viết thơ tình không nhiều? Có thể nói, cùng với Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, Ông Đồ của Vũ Đình Liên, Em Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, và Khi Chưa Có Mùa Thu của Trần Mạnh Hảo… Tình Ca Ban Mai của Chế Lan Viên là một bài thơ tình hay nhất ở thể ngũ ngôn của thi ca đất Việt. Ngoài cấu trúc chặt chẽ, với cặp đôi và khoảng cách cân xứng, ta còn thấy Tình Ca Ban Mai có từ ngữ sang trọng, sáng và đẹp. Và vẫn phép hình tượng so sánh làm cho bài thơ e ấp, ẩn chứa mà lung linh đến kỳ lạ. Với tôi, đây là bài thơ toàn bích nhất của Chế Lan Viên được viết trong thời gian này:

“Em đi, như chiều đi 
Gọi chim vườn bay hết 
Em về tựa mai về 
Rừng non xanh lộc biếc

Em ở, trời trưa ở 
Nắng sáng màu xanh tre

Tình em như sao khuya 
Rải hạt vàng chi chít

Sợ gì chim bay đi"

Có thể nói, giai đoạn từ sau 1945 đến khoảng những năm gần cuối của cuộc đời, tâm hồn của thi sĩ Chế Lan viên được ngăn đôi. Bên thì đanh đá, chua ngoa, bên thì nhẹ nhàng, sâu thẳm. Âu đó cũng là cái mâu thuẫn chung của các văn sĩ chỉ được phép đi trên một con đường đã vạch sẵn vậy.

*Lời sám hối muộn màng.

Tôi tin rằng, sau Nhân văn giai phẩm, và nhất là sau 1975 một con người nhạy cảm như Chế Lan Viên, chắc chắn đã nhận ra cái cùng đường tịt lối của đất nước, cũng như thân phận bèo nhèo, bạc nhạc của người cầm bút. Và nếu đi chệch đường rày, vượt ra khỏi cái vạch chỉ đường, thì khoảng cách đến với con ma Hời rất gần. Không vượt qua được cái dạ dày và một chút đặc quyền, danh vọng, nên Chế Lan Viên vẫn cần mẫn làm cái loa phường cho đến những năm hưu trí cuối đời. Âu đó cũng là chuyện thường tình của con người.

Theo cách nói của dân chè chén vỉa hè, Di cảo thơ chủ yếu ra đời khi Chế Lan Viên đã hết đát, trở về với nồi cám heo của mình. Và ông cũng là người mở đường cho những Nguyễn Đình Thi với Gió Bay, Nguyễn Khải với Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất sau này. Tuy có chút muộn màng, nhưng đó cũng là điều đáng kính, đáng trọng, không phải văn nghệ sĩ nào cũng đủ can đảm làm được.

Di cảo gồm bốn phần chủ yếu ghi về những điều vụn vặt, nhưng mang triết lý sống như răn mình, răn đời vậy. Đọc nó, dường như cho ta cảm giác Chế Lan Viên đang đi gần đến Phật pháp, cởi mở tâm hồn hơn. Tuy nhiên, với tôi, có bốn bài giá trị, làm rung động lòng người nhất: Chiếc bánh vẽ, Ai Tôi, Trừ đi, và Tháp Bay-on bốn mặt. Có thể nói, đây là bốn bài thơ không chỉ là lời sám hối, mà còn là những lời cáo trạng của Chế Lan Viên ở giai đoạn cuối đời. Có nhà phê bình cho rằng, viết xong những tác phẩm này, ông đã trút được gánh nặng mang trong mình từ mấy chục năm qua. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Làm gì nhẹ nhàng, và dễ dãi đến thế, chí ít là đối với Chế Lan Viên, khi đang quay trở về làm người thi sĩ đích thực. Tuy nhiên, tôi nghĩ, trong giai đoạn cuối đời này, chế Lan Viên chưa bốc hẳn được con ma Hời, ma xó thứ hai này ra khỏi linh hồn, nhưng ít nhất ông tự thú nhận ra bản chất, và cũng có thể sẽ đi đến đoạn tuyệt với nó.

Những câu hỏi và tự trả lời này, không phải đến khi Chế Lan Viên viết Ai Tôi? mà có lẽ nó luẩn quẩn trong ông từ bấy lâu rồi. Và lời độc thoại ấy là một trong những thủ thuật, Chế Lan Viên làm cho người đọc thoạt tưởng như một lời thú tội của riêng mình. Nhưng đằng sau nó là sự vạch mặt, phơi bày tội ác của những kẻ quyền hành cao nhất đã gây ra chiến tranh và trận chiến Mậu Thân này. Bởi, ai cũng có thể hiểu rằng, cá nhân người thi sĩ không quyền lực trong và sau cuộc chiến, dám đứng lên nhận trách nhiệm, thì nhân cách nào cho những kẻ có quyền lực cao nhất?

Vâng! Đó là cái tát rất hiếm hoi vào mặt những kẻ có trách nhiệm vào thời điểm đó của Chế Lan Viên, cũng như bộc lộ lòng nhân đạo của con người đối với con người:

“Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống sót có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó ?
Tôi !
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
                       trong mọi lúc xung phong
Một trong 30 người khi ở mặt trận
                     về sau mười năm
Ngồi bán quần trên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi chỗ
Chả Huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính tôi!...”

Giai đoạn này Chế Lan viên chủ yếu viết theo thể tự do, ông để những câu thơ chảy theo những cảm xúc tự nhiên của mình. Trừ Đi là một bài thơ hay và tôi thích nhất trong thời gian này của Chế Lan Viên. Ông thẳng thừng xổ toẹt tất tần tật những thứ thơ văn bồi bút của mình, bởi: “Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!/ Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười”. Nhìn vào chiều dài lịch sử văn hóa Việt, ta có thể thấy: Với người Việt, làm ra lỗi thì dễ, nhưng nhận lỗi thì khó lắm thay. Ba mươi năm trước Chế Lan Viên sám hối, nhận lỗi và xổ toẹt như vậy, quả thật là một sự dũng cảm. Và tuy ông viết cho hậu nhân mà như thể răn lòng mình vậy:

“Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu ? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Tôi giết cái cánh sắp bay...
                  trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi
               cho được yên ổn trên bờ…”

Dù Chế Lan Viên có tự ví mình là Tháp Bay-on bốn mặt, hoặc muôn mặt đi chăng nữa, ta cũng chỉ nhận ra một thi sĩ đích thực Chế Lan Viên và một Chế Lan Viên gác cửa văn hóa văn nghệ của đảng, khác nữa mà thôi. Và chính Di cảo thơ của ông đã cho tôi thêm cảm hứng viết bài này. Nói dại, nếu Chế Lan Viên không có những Di cảo thơ cuối đời này, thì ông mãi mãi là kẻ gác cửa, thì chẳng đáng tiếc cho một thiên tài lắm sao.

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của Chế Lan Viên được chia thành ba giai đoạn: Phong trào thơ mới, cùng với thi tập Điêu Tàn, đến cầm canh gõ nhịp, tụng ca, minh họa từ sau 1945, và những Bản cảo sám hối đã và chưa được xuất bản. Ba giai đoạn ấy, cũng là ba tiếng khóc bi – bỉ - hận trong thơ cũng như con người Chế Lan Viên.

Tôi viết bài này, theo đề nghị của ông bạn thời trẻ trâu. Hắn được học hành đến nơi đến chốn, và đang giảng dạy văn học hiện đại ở một trường đại học. Trên bốn chục năm không gặp, hôm rồi vô tình hắn đọc được bài viết về nhà thơ Đinh Hùng, và Vũ Hoàng Chương của tôi, rồi nhận ra nhau qua Fb. Hắn bảo, vẫn đang nghiên cứu về thơ tiền chiến, nếu được tôi viết một bài về Chế Lan Viên, xem đánh giá, suy nghĩ của người Việt ở nước ngoài như thế nào. Giời đất, một kẻ cả ngày úp mặt vào chảo như tôi, mà phải để ông Phó quan tâm thế này. Được thôi, nhưng tôi đọc thật, viết thật đấy, có khi xát ớt vào đít nhau thì bỏ bà. Tôi trả lời vậy. Hắn cười bảo, rất cần như thế…

Và trên đây là những suy nghĩ chủ quan của tôi về nhà thơ Chế Lan Viên, có thể không đúng. Nhưng dù sai hay đúng, tôi hy vọng, nó đóng góp được một phần nào đó, để làm sáng tỏ chân dung một nhà thơ tài năng và cũng đầy mâu thuẫn này.

Leipzig ngày 27-3-2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo