“...Hồi con học lớp 2, thầy dạy vẽ cho cả lớp chủ đề “Vẽ về quyền thiếu nhi”. Nhà con nghèo, con thèm được ăn no nên con vẽ hai bát cơm to. Thầy nói con vẽ sai, phải vẽ trẻ em vui chơi, có chim bồ câu và trái địa cầu mới đúng. Con bị 1 điểm...
Chẳng thà con làm con người không biết chữ chớ biết chữ mà thành con khác thì con không chịu...” - học sinh Nguyễn Văn Tèo.
Nguyễn Văn Nghệ (Danlambao) - Đầu năm học 2016-2017, Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo - Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo đã có “Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo dịp đầu năm học 2016-2017”. Trong thư có viết: “...Vì vậy, để trở thành những người con xứng đáng và hữu ích cho Giáo hội và Quê hương, ngay từ bây giờ, khi đến trường, các con không được chỉ tìm học thêm kiến thức, nhưng còn phải rèn luyện con người của mình về mọi mặt mà Cha gồm tóm lại trong 4 chữ “Thành”: Thành Tài, Thành Công, Thành Nhân, Thành Thánh”. Và trong “Thư gửi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/2016” Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo đã giải thích: “để Thành Nhân, các em phải rèn luyện để có lòng ngay thẳng, có con tim nhạy bén để cảm thông với những đau khổ của nhân loại”.
Đức Giám mục Giuse đã căn dặn các giáo chức: “Để Thành Nhân, các em phải được giúp đỡ trong việc luyện tập các đức tính nhân bản. Ở đây, tôi xin được nhắc đặc biệt đến đức tính ngay thẳng, vì trên khắp thế giới và ngay cả tại Việt Nam thân yêu của chúng ta, người ta ngao ngán vì những chuyện lừa bịp, tham nhũng bất công lan tràn nhan nhản khắp nơi”.
Hiện nay tỷ lệ học sinh nói dối tăng dần theo tuổi. Tại hội thảo “Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” tổ chức vào ngày 24/09/2013, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm. Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐHQG Sài Gòn) đã đưa ra một kết quả điều tra: Tỷ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp Tiểu học là 22%, cấp THCS là 50%, cấp THPT là 64%, sinh viên là 80% (1)
Tình trạng gian dối trong sinh viên, học sinh hiện nay là do đâu? Đã có “quả” ắt phải có “nhân”. Sách Kinh Dịch viết: “Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hĩ, do biện chi bất tảo biện giả” (Làm tôi mà giết vua, làm con mà giết cha, há phải cái cớ một sớm một chiều mà gây nên đâu, cái gốc là đã có từ lâu rồi mà người ta không sớm biện biệt mà thôi). Cũng vậy tình trạng gian dối trong sinh viên, học sinh hiện nay cũng không phải một sớm một chiều mà có, nó đã có gốc rễ từ lâu rồi mà các cấp có thẩm quyền không sớm có biện pháp ngăn chận nên mới dẫn đến hiện trạng như thế.
Hiện nay gian dối len lỏi vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống của người Việt. Từ trụ sở chính quyền, bệnh viện, trường học đến những nơi hỗn tạp như bến tàu, bến xe, không nơi nào mà người ta không phải gian dối. Gian dối được sử dụng như một phương cách để thăng tiến bản thân trong sự nghiệp. Ông Hạ Đình Nguyên có nói: “Đang làm quan mà nói thật, thì mất hết, thân có thể vào nhà lao, tinh thần có thể bị giày xéo, nhục mạ, đã và đang có bao nhiêu là điển hình. Vì thế mà không thể nói thật. Nói dối cưỡng bức, lâu ngày thành nói dối hồn nhiên, bạo dạn, trơn tru…”
Nhiều người có tâm huyết đã day dứt khi việc kêu gọi “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã diễn ra trong suốt nhiều năm nhưng tiêu cực vẫn còn và ngày càng tinh vi hơn. Không đơn giản là những kỳ thi phổ thông, mà ngay cả bằng đại học, thạc sĩ hay thậm chí cả tiến sĩ vẫn có thể mua bằng tiền chứ không phải bằng nỗ lực đèn sách. Bệnh thành tích vẫn còn đó: Nhiều học sinh thậm chí lớp 5, lớp 6 không biết đọc, biết viết vẫn phải lên lớp; Học sinh lớp 6 bị xuống lớp 1 vì không biết đọc biết viết… (2)
Mẩu chuyện “Vì sao con bỏ học” của tác giả Bút Bi đăng trên trang 2 báo Tuổi Trẻ ra thứ tư ngày 12/03/2008 cho thấy phần nào cách giáo dục thiếu trung thực trong ngành giáo dục:
“Con là Nguyễn Văn Tèo. Nay con rấm rứt viết thơ này để bày tỏ nỗi niềm vì sao con nghỉ học, cái việc mà hổm rày người lớn bàn tán tùm lum.
Vì sao con nghỉ học? Mấy cô chú nói đúng rồi đó: Nhà con nghèo, con phải đi làm kiếm ăn; con học yếu, con nản… Nhưng đâu chỉ có vậy. Con nghỉ học vì nhiều chuyện phát ớn…
Hồi con học lớp 2, thầy dạy vẽ cho cả lớp chủ đề “Vẽ về quyền thiếu nhi”. Nhà con nghèo, con thèm được ăn no nên con vẽ hai bát cơm to. Thầy nói con vẽ sai, phải vẽ trẻ em vui chơi, có chim bồ câu và trái địa cầu mới đúng. Con bị 1 điểm.
Lên lớp 3, con được dự thi “vở sạch chữ đẹp”. Con mừng nhưng té ra lại khổ cái thân: con không được đưa cuốn vở mình đang học để đi thi mà trường bắt mua một cuốn vở mới, chép lại y chang cuốn vở đã học để đi thi cho nó sạch và đẹp. Con thấy thi thố kiểu này chẳng sạch và đẹp chút nào.
Mới đây trường con có đoàn thanh tra dự giờ. Trường gom hết học sinh xịn nhất khối về một lớp, tụi con giải toán rẹt rẹt, đọc bài re re làm mấy thầy thanh tra khen quá trời đất! Tụi con mắc cười bể bụng luôn… Và nhiều chuyện nữa mắc cười lắm.
Con kể mấy chuyện này với ngoại. Ngoại buồn lắm. Ngoại nói học hành kiểu đó thì khó thành người. Con sợ quá, chẳng thà con làm con người không biết chữ chớ biết chữ mà thành con khác thì con không chịu.
Vì vậy mà con nghỉ học!”
Câu nói của Nguyễn Văn Tèo: “Chẳng thà con làm con người không biết chữ chớ biết chữ mà thành con khác thì con không chịu” chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho ngành giáo dục Việt Nam.
Đức Giám mục Giuse đã nhắn nhủ các giáo chức: “Xã hội sẽ trong lành, người người sẽ sống trong an bình và tin tưởng nhau, khi lòng con người trong sáng và sống ngay thẳng trung thực. Loại xã hội này hình thành từ trường học, nếu sinh viên, học sinh được dạy dỗ”.
Kinh Thánh dạy: Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng sẽ trung tín trong việc lớn; Ai gian dối trong việc nhỏ thì cũng sẽ gian dối trong việc lớn.
Sách Luận ngữ viết: “Nhơn nhi vô tín bất tri kỳ khả dã” (Người mà không có tín thật, không biết người ấy làm việc gì cho nên được)/
Nếu không được giáo dục lối sống ngay thẳng trung thực cho sinh viên, học sinh thì sinh viên, học sinh khó mà thành người được. Nói một cách văn vẻ là khó mà “Thành Nhân” được!
Diên Khánh - Khánh Hòa
17.03.2017
________________________________
Chú thích: