Vợ một vị thường vụ huyện uỷ với hai vụ giết người man rợ đã thoát án tử như thế nào? - Dân Làm Báo

Vợ một vị thường vụ huyện uỷ với hai vụ giết người man rợ đã thoát án tử như thế nào?

Hương Khê (Danlambao) - Năm 2012 và 2013, tại tỉnh Bà Rịa Vũng tàu (BRVT) đã xảy ra hai vụ trọng án: Vụ giết người đốt xác phi tang để quỵt nợ, và vụ giết hai vợ chồng chủ nợ để quỵt nợ. Hung thủ của hai vụ trọng án này là Lê Thị Hường (LTH), vợ ông Võ Thanh Mỹ, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Đức, BRVT, kiêm Bí thư Đảng ủy xã Kim Long (Châu Đức, BRVT).

Vụ án không chỉ đã làm chấn động dư luận tại tỉnh BRVT, mà còn làm chấn động dư luận cả nước. Không ai có thể tin được một quan bà, là vợ của vị quan huyện, lại ra tay tàn độc với ba mạng người một cách quá rùng rợn. Báo chí lề Đảng đồng loạt đưa tin với những cụm từ: “tội ác đất không dung trời không tha”; “tội ác man rợ”; “ tội ác rùng rợn”; “tội ác tày trời” v.v… để nói về vụ án này.

Có người còn so sánh vụ án này còn tàn độc hơn vụ án Lê Văn Luyện giết 4 người tại Bắc Giang năm 2011, vụ Nguyễn Hải Dương giết 6 người năm 2016 ở Bình Phước và vụ Tấn Láo Lở giết 4 người năm 2016 tại Lào Cai. Vì Lê Thị Hường sau khi cố giết ba người để quỵt nợ, còn ra tay đốt xác nạn nhân là bà Hà cháy ba ngày ba đêm để phi tang. Nếu ông Hùng bà Nga cũng bị Hường giết chết, chắc chắn sẽ cùng chung số phận như bà Hà.

1. Vụ thứ nhất: Giết người và đốt xác phi tang để quỵt nợ.

Tháng 3 năm năm 2012, bà Dương Thị Thủy Bình Hà, sinh năm 1961, là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm Thủ quỹ xã Kim Long, huyện Châu Đức, BRVT, do làm thủ quỹ nên đã biết được UBND xã Kim Long, nơi ông Võ Thanh Mỹ làm Bí thư Đảng ủy, trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2011, đã dùng nhiều mánh khóe, bằng các thủ đoạn gian manh như dùng chữ ký giả mạo, ký khống v.v... để bòn rút tiền ngân sách. Toàn bộ số tiền thất thoát là574.347.000 đồng. Ngoài ra còn chuyển khoản có tháng lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng không báo cáo cụ thể.

Ngày 6/3/2012, bà Hà làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra tài chính của UBND xã Kim Long . Trong đơn, bà Hà còn nêu đích danh một số cán bộ, trong đó có ông Võ Thanh Mỹ đã nhiều lần giả chữ ký của người khác để lấy tiền bỏ túi riêng.

Sau khi nhận đơn, UBND huyện Châu Đức đã thành lập đoàn kiểm tra. Trưa 14-5-2012, một cán bộ trong đoàn kiểm tra gọi điện cho bà Hà, hẹn chiều đến UBND xã Kim Long để làm việc. Bà Hà hứa khoảng 30 phút sau sẽ có mặt nhưng đã không đến và mất tích từ đó.

Ngày 16/5/2012, khi đang trình báo Công an huyện Châu Đức về việc bà Hà mất tích, anh Nguyễn Hải Sơn, con trai bà Hà, nhận được một tin nhắn từ điện thoại di động với nội dung: “Mẹ có công việc, phải đi giải quyết một số chuyện. Mấy anh em đừng có lo. Khi nào xong việc mẹ sẽ về. Chừng nào xử ông Thành với con Thảo (hai người trong đơn tố cáo của bà Hà) xong mẹ sẽ về. Đừng cho ai biết mẹ liên lạc với con. Công việc ở nhà con cứ để đó mẹ về lo. Đừng gọi mẹ. Điện thoại này mẹ mượn”.

Anh Sơn tìm sổ nợ của mẹ và thấy ghi LTH nợ số tiền 200 triệu đồng.

Lần khác, anh Sơn bấm số điện thoại di động của mẹ thì bất ngờ máy đổ chuông. Hỏi người đang sử dụng số điện thoại này, anh Sơn mới biết là của một người chạy xe ôm ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Ông này cho biết mua lại sim tại một cửa hàng bán điện thoại di động ở xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cửa hàng này cho biết, cách đó ít lâu, LTH đem điện này đến bán với giá 900.000 đồng. Thấy chiếc sim còn tiền nên chủ cửa hang đã cho người đàn ông kia sử dụng. Làm việc với cơ quan điều tra, LTH khai rằng nửa năm trước “bỗng dưng thấy chiếc điện thoại di động được ai đó treo lên hàng rào trước nhà nên đem bán”.

Việc phát hiện chiếc lắc vàng của bà Hà.

Sau khi thủ tiêu bà Hà, LTH mang chiếc lắc vàng này đi bán cho chủ tiệm vàng Kim Nhung của bà Lê Thị Ánh Tuyết thuộc xã Kim Long với giá 10 triệu đồng.

Sau khi vụ giết vợ chồng ông Hùng không thành và bị bắt, Hường khai nhận quá trình thực hiện âm mưu giết bà Dương Thị Thủy Bình Hà trước đó như sau:

Trưa ngày 14/5/2012, Hường đi xe máy, bịt mặt bằng khẩu trang đến tận nhà gọi bà Hà đến nhà mình để giải quyết nợ nần.

Đến nơi, nhà lúc này vắng vẻ, Hường nhờ bà Hà sửa chiếc máy bơm nước. Trong lúc bà Hà đang cúi xuống, Hường dùng dây điện (chuẩn bị sẵn) chích từ phía sau làm cho bà Hà ngã xuống đất, và Hường tiếp tục dí điện cho đến lúc bà Hà chết hẳn mơi thôi. Sau đó, Hường kéo lê thi thể nạn nhân ra hồ rác cạnh nhà, chất củi lên trên và thiêu đốt cháy ba ngày ba đêm liền. Sau khi xác bà Hà đã cháy hết, Hường đem tro cốt rải ra vườn để phi tang.

Sau khi thủ tiêu bà Hà xong, LTH giả mạo bà Hà gửi tin nhắn cho anh Sơn.

Sau này lực lượng chức năng bới tìm nơi hố rác và xung quanh vườn nhà Hường, đã thu được rất nhiều xương bị đập vỡ, nhiều chiếc răng bị cháy đen, xương hộp sọ cũng bị cháy đen và đập nát. (1)

2. Vụ chém giết ông Hùng bà Nga để quỵt nợ.

Sau khi đã thành công vụ giết và phi tang bà Hà, Lê Thị Hường nhắm đến mục tiêu tiếp theo là vợ chồng ông Hùng – bà Nga và lên kế hoạch sát hại cả vợ lẫn chồng để quịt khoản nợ 80 triệu đồng.

Ban đầu hai lần Hường dùng chiêu đánh thuốc độc đẻ giết chủ nợ, nhưng cả 2 lần đều không thành. Lần thứ nhất, Hường nhờ ông Trần Lộc (SN 1932, hàng xóm của nhà ông Hùng) mang đến giao cho bà Nga 1 bịch cháo lòng (trong cháo có pha thuốc độc), nói là có một người nhờ đưa.

Bà Nga nghi ngờ nên không dám ăn. Sau đó bà mang bịch cháo về nhà đổ ra cho chó ăn. Con chó bị hộc máu mồm, chết tươi. Cả nhà bà Nga không nghi ngờ gì mà nghĩ con chó chết do trúng gió, đột tử.

Lần thứ 2, biết ông Hùng - bà Nga mỗi sáng thích uống sữa mè đen nên khoảng 6h30 sáng 14/1/2013, Hường mua 2 bịch sữa mè đen, pha độc dược vào, đến lén bỏ ở nơi bán hàng của vợ chồng chủ nợ.

Khi dọn hàng, ông Hùng thấy 2 bịch sữa này, nghĩ là vợ mua nên mang về nhà, đổ 1 bịch ra ly, pha với đá nhưng vì thấy mùi hôi tanh nên ông đổ đi và đi làm.

Bán hàng xong, bà Nga về nhà, nghĩ là sữa chồng mua nên pha uống, liền bị đau bụng phải cấp cứu tại bệnh viện và may mắn thoát chết.

Cả 2 lần ra tay không thành, Hường tiến hành kế hoạch manh động hơn. Trưa 15/1/2013, khi ông Hùng đang ở chỗ bà Nga điều trị ngộ độc tại bệnh viện do uống mè đen hai hôm trước, Hường chủ động gọi vợ chồng ông Hùng đến tận nhà mình để ra tay. Đến nơi, Hường viện cớ chờ ông Mỹ về lấy tiền sẽ trả.

Sau đó Hường gọi ông Hùng theo mình ra vườn để biếu buồng chuối. Lúc này, Hường cầm sẵn chiếc rựa trong tay. Gặp ổ trứng gà nằm dưới đất, Hường bảo ông Hùng nhặt số trứng đưa về luộc ăn. Khi ông Hùng cúi xuốngnhặt trứng, Hường vung rựa chém từ phía sau, làm ông Hùng ngã quỵ và la hét, kêu cứu.

Nghe kêu cứu, bà Nga chạy ra thấy Hường đang chém nên la lớn “Sao lại chém chồng tôi?”.

Hường trả lời “chém chết để trừ nợ”, rồi lao đến vung rựa chém bà Nga, làm bà này choáng váng nhưng vẫn gắng gượng chạy trối chết, leo lên hàng rào rồi gục ngã.

May mắn có người đi đường đã kịp thời ứng cứu, đưa hai vợ chồng ông Hùng đi cấp cứu, đồng thời gọi điện báo công an. Từ đó toàn bộ hành vi tội ác của quan bà tàn độc đã bị phanh phui. (2)

3. Quá trình xét xử:

1. Vụ ông Hùng bà Nga:

Ngày 6/3/2014, phiên tòa sơ thẩm tòa án tỉnh BRVT xét xử bị cáo Lê Thị Hường can tội giết người.

Hàng mấy trăm người dân huyện Châu Đức, kể cả ông già bà lão, đã vượt đường xa, đến ngồi chật kín hội trường, và ngồi tràn ra hai bên hông hội trường tòa án tỉnh.

Khi nghe VKSND tỉnh đề nghị mức án tử hình, và tòa án tuyên tội tử hình đối với Lê Thị Hường, cả hội trường xử án vỗ tay rầm rầm hưởng ứng rất lâu. Nhưng vẻ mặt của bị cáo Hường vẫn tỏ ra lạnh lùng đón nhận mức án đề nghị từ vị đại diện VKSND tỉnh. Nhận định về thái độ của bị báo Hường, vị chủ tọa phiên tòa cho rằng bị cáo Hường đã thực hiện hành vi dã man, vô nhân đạo, vô nhân tính như thế nhưng đến giờ này vẫn dửng dung, vô cảm như đang nói về chuyện của một người khác.

Theo kết qua giám định, ông Hùng bị tổng cộng 17 nhát dao với 5 nhát vào đầu, hai nhát vào tay trái và 7 nhát vào tay phải, bị thương tật 79% vĩnh viễn. Bà Nga bị thương tích 26% vĩnh viễn. Những người có mặt tại tòa đều nổi da gà và rùng mình, khi thấy ông Hùng giơ hai tay bị bị thương tích và cái đầu đầy vết sẹo do bị chém với những vết thương sâu hoắm.

Ngày 8/7, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên y án tử hình với bị cáo Lê Thị Hường về tội giết người. Tại tòa phiên tòa này, bị cáo Hường vẫn một mực cho rằng không cố ý giết vợ chồng bà Phan Ngọc Nga - Nguyễn Chí Hùng để quỵt nợ như cáo buộc của VKS. "Tuy nhiên kết quả điều tra đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo mang tính chất côn đồ, dã man. Bị cáo không còn khả năng cải tạo nên không thể giảm án. Các bị hại không chết là ngoài ý muốn của bị cáo", tòa phúc thẩm nhận định. (3)

2. Vụ bà Dương Thị Thủy Bình Hà.

Cùng với hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử tội giết người của Lê Thị Hường đối với vợ chồng ông Hùng bà Nga, ngày 16.12.2014 của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử sơ thẩm, và ngày 15/4/2015 xử phúc thẩm Lê Thị Hường về tội danh “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt".

Điều hết sức kỳ lạ là tại hai phiên tòa lần này, tòa đã kết án Lê Thị Hường 5 năm tù về tội danh “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt", chứ không xét xử tội giết người, mặc dù trước đó Lê thị Hường đã khai nhận với cơ quan điều tra rằng chính y đã bố trí việc chích điện cho bà Hà chết, sau đó kéo xác nạn nhân đi đốt để phi tang.

Lý do tòa đưa ra để lý giải vì sao xét xử Lê Thi Hường về tội “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” mà không xét xử tội giết người là vì “Qua điều tra vụ án chém người xù nợ, thì công an cũng phát hiện tro cốt người nên đưa đi giám định và phát hiện đây chính là xác của bà Hà, bị Hường đốt phi tang ngay tại nhà mình. Tuy nhiên, do là tro cốt nên Cơ quan điều tra đã không thể xác định cấu trúc xương, AND, vì vậy đã không tìm ra nguyên nhân tử vong của bà Hà, do vậy chỉ có thể truy tố bà Hường tội danh “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. (4)

Ô hay! Nếu do “không thể xác định cấu trúc xương, AND để tìm ra nguyên nhân tử vong của bà Hà”, thì tại sao lại biết đó là xương cốt của bà Hà để truy tố Lê Thị Hường về tội “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Mục đích của việc giám định AND là để tìm quan hệ huyết thống, chứ không phải để tìm nguyên nhân cái chết.(5)

Lý do không giám định AND các xương cốt nói trên vì "phải gửi đi Mỹ để giám định vừa mất thời gian vừa tốn kém" là không thuyết phục.

Khi nghe tòa xét xử Lê Thị Hường về tội “xâm phạm thi thể, mồ mả, xương cốt” và tuyên án 5 năm tù, chứ không xét xử Hường về tội giết người đối với bà Hà, thì nhiều người đã rất thất vọng. Nhưng họ tự yên ủi nhau rằng, đàng nào nó cũng phải đền tội chết. Không chết về tội giết bà Hà, thì cũng chết về tội giết người với ông Hùng - bà Nga. Vì dù có tuyên trăm lần án tử hình, nhưng cuối cùng nó cũng chỉ chết một lần, không ai có thể chết hai lần.

Nhưng mọi người đã lầm to. Tất cả đều đã bị “việt vị”.

Chỉ đến khi Lê thị Hường được giảm án và thoát khỏi tội chết, người ta mới vỡ lẽ ra cái “quy trình” xét xử của nhà nước CSVN.
Vào đầu năm 2017 này, khi biết “Lê Thị Hường thoát án tử nhờ luật mới”, thì tất cả đều sững sờ và ngỡ ngàng. Báo chí lề Đảng cũng dùng những từ “ngỡ ngàng, không thể tin nổi”. Lý do là Hường thoát án tử hình nhờ áp dụng luật mới vì "phạm tội chưa đạt".(6)

Điều gây sốc nữa ở đây là Lê Thị Hường được thoát án tử và chịu 20 năm tù. Khi biết Lê Thị Hường từ chỗ thoát án tử xuống còn 20 tù, không những người dân bợ ngỡ sỡ sàng, mà ngay những vị luật sư cũng cho rằng sai luật.

Trả lời báo Pháp luật và Đời sống, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ly luật TNHH SB Law nói: "Việc Tòa án chuyển hình phạt tử hình xuống hình phạt 20 năm tù trong vụ án bà Lê Thị Hường là trái với các quy định của pháp luật".

LS Hồ Ngọc Diệp, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Chuyển hình phạt sai luật, sai thẩm quyền. Theo luật, chỉ có thể giảm xuống chung thân).

4. Những câu hỏi chưa có lời giải:

Cơ quan điều tra công an Việt Nam được cho là vào loại giỏi nhất thế giới. Vậy mà khi bà Hà mất tích, với chiếc điện thoại của bà Hà “bỗng dưng ai treo trước của nhà LTH” như Hường khai, và với chiếc lắc bằng vàng của bà Hà bị Hường đem đi bán. Vậy mà công an không tìm ra thủ phạm?

Vụ giết và đốt xác bà Hà, Lê Thị Hường có đồng phạm không? Và ông Võ Thanh Mỹ có vai trò gì trong vụ án này? Vì trong đơn, bà Hà tố đích danh ông Mỹ nhiều lần ký tên người khác để lấy tiền bỏ túi. Một điều rất khó lý giải là, ông Mỹ làm việc ở xã Kim Long, cách nhà chưa đến chục cây số. Hàng ngày sáng đi chiều về. Vậy mà cái xác bà Hà bị đốt cháy ba ngày ba đêm khét rẹt cả làng cả xóm. Vậy mà cái hố đốt xác sát ngay cạnh nhà mà ông Mỹ không hề hay biết?

Tại sao trong tin nhắn LTH giả mạo bà Hà nhắn cho con là anh Sơn, Hường biết việc bà Hà đang kiện lãnh đạo xã Kim Long và nói khi nào xử ông Thành và con Thảo xong mẹ sẽ về? Phải chăng thủ tiêu được bà Hà là một mũi tên nhằm hai mục đích. Một là quỵt nợ, hai là dẹp vụ kiện UBND xã Kim Long?

Khi tòa xử vụ giết người đốt xác, tòa nghi ngờ có đồng phạm. Tòa trả hồ sơ về yêu cầu VKS điều tra bổ sung. Nhưng LTH không hợp tác điều tra và không đồng ý thực nghiệm hiện trường mà VKS vẫn cho qua? Nếu Lê Thị Hường không phải là vợ một vị Thường vụ huyện ủy thì có được ưu ái như vậy không?

5. Lời kết.

Ở các nước dân chủ văn mình, thì tòa án nhân danh công lý để xét xử. Còn ở Việt Nam, thì tòa nhân danh nước CHXHN Việt Nam để xét xử. Mà nhà nước CHXHCNVN được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của ĐCSVN độc tài toàn trị. Đảng này lại lấy chủ nghĩa Mác-Lê làm kim chỉ nam, làm ngọn đuốc soi đường. Mà chủ nghĩa Mác-Lê phản khoa học và lạc hậu này đã bị thế giới văn minh nhổ toẹt từ lâu. Nó đã bị ngay đất nước đẻ ra nó vứt vào sọt rác. Vì vậy làm sao tòa án Việt Nam có công lý được?

Vì không nhân danh công lý, nên họ đã giết chết oan hàng chục vạn người trong gần một trăm năm qua. Từ cải cách ruộng đất, đến Nhân văn giai phẩm, xét lại chống đảng, trong các trại tập trung với những người trong chinh quyền VNCH v.v...

Cựu Chánh án TA NDTC Trịnh Hồng Dương đã có câu nói "đi vào huyền thoại" khi trả lời trước Quốc hội rằng, luật pháp của ta xử thế nào cũng được.

Chính nhà nước Việt Nam cũng không hề che dấu điều này. Nhà xuất bản Lao động-Xã hội đã lấy hình diễn viên hài Công Lý mặc quần sịp để làm hình bìa cho cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thì hành”, là họ đã nói toạc ra rằng, pháp luật của nhà nước Việt Nam chỉ là trò hề.(7)

Tóm lại, “nhà nước Việt Nam có cả một rừng luật. Nhưng người ta chỉ quen xài luật rừng” (lời của cựu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Ngô Bá Thành).

Có ngươi đã nói rằng, khi một con người chui từ trong hang ra, với một bản lý lịch mờ ám, không phải do nhân dân bầu lên mà lại được tôn làm lãnh tụ, làm cha già dân tộc, gây ra biết bao tội ác cho nhân dân, thì pháp luật mà họ sử dụng để cai trị đất nước là một nền pháp luật rừng rú, mọi rợ.

Việc họ phù phép cho vợ một vị Thường vụ huyện ủy thoát án tử, họ đã bị nhân dân lên án. Chính nhân mới là vị quan tòa công minh, đã NHÂN DANH CÔNG LÝ kết án chế độ này.

7.3.2017


_______________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo