Donguyen (Danlambao) - Một hệ thống sẽ không thể tồn tại nếu nó không được tổ chức tốt, không có kết cấu hợp lý để tạo nền tảng vững chắc mà phân bổ con người, bố trí công việc. Và nó sẽ càng nhanh sụp đổ nếu nguồn sống nuôi dưỡng nó không còn. Có nghĩa tính liên kết và sự ràng buộc nó mất đi. Nguồn sống ở đây tôi không hiểu hẹp trong khái niệm về vật chất mà còn là lý tưởng. Lý Tưởng là một Định Dạng Mục Tiêu mà nó cho người ta nhìn thấy cái hình hài, cái đích hướng đến, để tập hợp đám đông, là lý do “sinh ra” cái hệ thống tổ chức đó.
Do vậy mà tôi sẽ phân tích nhận định này dựa trên 2 luận điểm là Tổ Chức Hệ Thống của cộng sản Hà Nội hiện nay và nguồn sống của nó (gồm lý tưởng Cộng Sản và tạo phẩm nền kinh tế tập trung bất công).
Xét về cơ cấu tổ chức của cộng sản Hà Nội, không phải chỉ riêng tôi, mà đã có thậm chí những người nhìn ra trước tôi, sâu sắc hơn tôi về sự bất hợp lý của hệ thống cộng sản Hà Nội. Nó tổ chức công việc giẫm đạp lẫn nhau, rối về chức năng, nó là một hệ thống vận hành trên mệnh lệnh chính trị chủ yếu hơn là “tự vận” dựa trên một thứ qui luật, chuẩn mực nào (tự vận: tôi muốn nhấn mạnh về phản ứng có tính phản xạ theo một khuôn mẫu luôn sẵn sàng chứ không theo một chỉ đạo nào đó). Một hệ thống Vô Pháp – Vô Tắc! Vô pháp vì chẳng có thứ Luật nào qua Luật Rừng (tức vượt qua được thân thế, qua vị trí quyền lực, càng có nhiều quyền càng ít bị đụng chạm tới và khi là chóp bu thì luật bất khả phạm), vô tắc vì mọi thứ không rõ ràng, không nhất quán, không chuẩn mực, không xuyên suốt, không thực tế. Tôi luôn nghĩ bất kỳ ai ở Việt Nam hiện nay đều nhận thức rõ được điều này, nên chắc tôi không ví dụ, nó có mặt hàng ngày ở các trang báo chính thống.
Nó là một Hệ Thống không rõ ràng về chức năng. Được tổ chức và vận hành tùy tiện, chúng ta đừng xem thường sự tùy tiện này. Ở lĩnh vực quản lý nhà nước mà tùy tiện thì không thể đóng hết cái vai trò của nó, không thể tạo ra thiết chế trật tự trong xã hội, một nhà nước tùy tiện là bắt nguồn nảy sinh sự hỗn loạn, nó hỗn loạn từ bên trong cái hệ thống đó trước cho đến ra bên ngoài. Vì vậy chúng ta thấy hiện này, tình trạng xã hội đang bị phá vỡ hầu hết các nền tảng về văn hóa và đạo đức do cách ứng xử tùy tiện, quan liêu từ trong bộ máy nhà nước ra. Đừng đánh gia thấp sự tùy tiện đó.
Không quản lý được Hệ Thống của mình, những quan chức bất chấp mọi qui phạm để lách léo, câu kết hòng đạt được mục đích vật chất cá nhân. Do cạnh tranh sinh tồn là đặc trưng của mọi giống nòi, nên người dân cũng phải “tuân theo” cái qui phạm bất thành văn ấy là mọi thứ đều phải lót tay hoặc câu kết lợi ích. Kẻ lớn lợi ích lớn, kẻ nhỏ lợi ích nhỏ, còn người dân phải lót tay hòng cho được thuận tiện những phương tiện sống cho mình.
Chính vì vậy, “lỗi Hệ Thống” này khiến cho nó không còn hoạt động hiệu quả. Nó như một tổ chức sinh ra không phải để tham gia vào việc xây dựng phát triển mà để kìm hãm lẫn nhau, kìm hãm sự phát triển của đất nước và quá dư thừa những kẻ ăn không ngồi rồi.
Về khía cạnh kinh tế, Tôi nghĩ không ai ngạc nhiên không nếu tôi nói rằng kinh tế Tư Bản năng động thúc đẩy con người sáng tạo, xã hội sáng tạo, luôn tạo ra sản phẩm có giá trị mới thì ngược lại, kinh tế cộng sản làm thui chột con người, làm xã hội bị động, u ám, những sản phẩm nó làm ra càng ngày càng giảm giá trị! Có nghĩa, chức năng tạo ra sản phẩm phục vụ cho đời sống con người thì kinh tế Tư Bản thúc đẩy tốt hơn trong khi kinh tế cộng sản chủ đạo mất dần chức năng này.
Chỉ nói riêng về “chủ thuyết lấy kinh tế thành phần nhà nước làm chủ đạo”, thì nó đã phá vỡ các nền tảng của một mô hình kinh tế hình tháp năng động. Đối với chủ thuyết này, không một công ty hay tập đoàn tư nhân nào được lớn mạnh và vượt qua công ty – tập đoàn nhà nước! Có nghĩa hình tháp này luôn có công ty, tập đoàn nhà nước nằm trên đỉnh. Nếu không có cạnh tranh, và tự do cạnh tranh thì kinh tế mất đi đặc tính năng động của nó, nó ngầm phá đi sức sáng tạo của các tế bào kinh tế và xã hội.
Chính vì sự tồn tại của chủ thuyết này mà những nguồn lực tốt nhất ban đầu của đất nước như con người, chính sách, vốn, tài nguyên khoáng sản,… đều ưu ái dồn hết cho thành phần kinh tế này trong khi những thành phần tư nhận khác tồn tại rất chật vật và nhiều khó khăn, bị o ép không chỉ về những giới hạn trong chính sách, thủ tục mà còn về thuế, vay mượn tiền vốn, quỹ đất,…
Hoạt động không hiệu quả của thành phần kinh tế nhà nước không chỉ làm tiêu tan các nguồn lực vật chất mà còn làm hao mòn về ý chí của con người, động lực vận động xã hội.
Nhu cầu của con người, xã hội không chỉ tăng về số lượng mà còn về chất. Ngập trong một rừng hàng hóa dơ bẩn có nguồn gốc từ Trung Quốc, và trong tình trạng một nước nghèo không ngóc lên được, người dân thu nhập thấp, khiến cho không một hàng hóa nào trong nước sản xuất ra đủ cạnh tranh với cái rừng ấy. Đừng trách người dân chuộng hàng hóa giá rẻ mà khiến doanh nghiệp trong nước không thể sản xuất hàng chất lượng có giá thành cao, vì người dân có thu nhập thấp mà thôi. Nếu có thu nhập cao, người dân chẳng thua gì giới chóp bu cộng sản về mức độ biết hưởng thụ và chăm lo cuộc sống sung túc đâu, như ăn hàng nhập, rau củ quả trái cây sạch, thịt tươi sống không chất tăng trọng,… mà người dân biết hưởng thụ hết đấy! Bởi hãy nhìn vào sự “sính ngoại” của phần lớn dân có tiền, không ngẫu nhiên mà đất nước có hiện tượng giới có tiền bỏ chạy hàng hóa Việt mà chuộng hàng hóa nhập xuất xứ Âu – Mỹ - Úc.
Nguyên nhân của sự nghèo đói thì hãy nhìn vào chính sách điều hành giết chết nền sản xuất tư nhân và cách “hội nhập” của cộng sản Hà Nội. Đừng vội nghĩ hội nhập vì sự phát triển đất nước, cộng sản Hà Nội không có trình độ để đàm phán hay thương thuyết quốc tế, mà “hội nhập” để có cớ vay mượn tiền đầu tư cho những dự án đục khoét. Thật dễ hiểu khi ở đâu có nhiều tiền cho cộng sản Hà Nội vay thì càng có nhiều “hiệp định” kinh tế văn bản hoặc không văn bản với nơi đó được ký kết, như một kiểu đi xin ăn. Mặt khác, các hiệp định kinh tế, có hiệp định nào đem lại lợi ích thực sự cho đất nước chưa, xin mời ai đó hãy nêu ra, muốn chỉ ra cái lợi thì phải làm được phép cộng trừ, so sánh rằng chúng ta cho đi bao nhiêu và nhận lại bao nhiêu trong các hiệp định thương mại. Cũng đừng trách, đổ lỗi tại các doanh nghiệp tư nhân “quá ngu” không chuẩn bị để hội nhập? Vì nếu nghĩ như vậy thì người cộng sản đang đặt các “tập đoàn lớn chủ đạo ở đâu”? Như Vietnam Airline thua một ông luật sư Âu Châu tiền ký quỹ 100 triệu USD giấu nín bặt, hay ký hớ với Hàn Quốc giá nhập xăng dầu đến 10%, … chưa kể những cái hớ với Trung Quốc.
Ở góc cạnh khác, hãy nhìn để thấy Giáo Dục là nguyên nhân gây nghèo đói cả về tri thức và tư duy phát triển. Thật lấp liếm khi lâu lâu “tự hào” một người gốc Việt nào đó xuất sắc ở một trường đại học danh giá, hay nổi tiếng nhờ một phát minh hay chơi giỏi một môn thể thao nơi xứ người, họ chỉ mang dòng máu Việt Nam, không là thành phẩm từ xã hội Việt Nam. Những niềm tự hào cỏn con trên các tít báo!
Chiều hướng dài ngắn đều đi vào suy thoái như thế, hãy nhìn vào con số doanh nghiệp phá sản ± số đăng ký mới những năm gần đây và nhìn vào túi ngân sách ngày càng rỗng sọp thì hiểu rằng dù có hô hào thế nào đi nữa, thì cũng chỉ nhẹ đầu cho kẻ hô hào xây dựng nền kinh tế tư nhân thôi, chứ nó không có kết quả gì cả. Thứ nhất là vì cái hệ thống nó không “làm việc từ trên xuống” đã lâu lắm rồi, thứ hai là 30 năm qua thành phần chủ đạo nó phá tiêu tan hết rồi, con ông cháu cha nhà nó, cái nó làm nên được là làm nên nợ mà thôi.
Trong một nền kinh tế rỗng ọp, hao kiệt thì cộng sản Hà Nội đang loay hoay tìm cách xoay tiền. Vì vậy, dạo này các trang báo nói nhiều về thuế và nghĩa vụ tài chính. Với thuế thì nói về hai mũi nhọn là chống thất thoát thuế (tình trạng công vụ thuế ăn chia tiền thuế với doanh nghiệp trốn thuế) và tìm ngách thu thêm thuế. Ở cái xứ cộng sản này thử hỏi còn thứ thuế nào mà chưa thu, chỉ là cố nặn ra thêm thứ thuế hoặc lọc ra kẻ trốn thuế, ăn tiền chặn thuế thôi. Về tài chính thì tận thu bằng mọi cách, gia tăng đủ thứ phí, lệ, vào giá cả.
Kinh tế thật bế tắc, và thật u ám! Có thể tình hình này không ảnh hưởng nhiều đến giới tài phiệt đỏ Việt Nam, hay một số thành phần trung lưu lợi ích, họ vẫn ăn chơi và có cách moi tiền, nhưng, tình hình ngân sách nhà nước thì rất u ám, nếu nó đổ bể, e rằng giới này không còn đường chạy thoát. Nhưng không phải ai cũng thấy được hậu vận của mình, vì vậy mà cả nước Việt, Chùa chiền, Đền Thánh, ngày càng đắt hàng những kẻ cầu rộng hậu vận, cầu vinh đường sau.
Cộng sản cứ rao rêu Tư Bản này nọ, nhưng không thể tạo ra những con người tầm cỡ như Bill Gate, Steven Job, Elon Musk, Mark Zuckerburg,… Cộng sản thật tếu táo! Chẳng những không chê bai những người đó mà còn ca ngợi hết lời.
Mặt khác, nếu “cái lý tưởng” mà trước kia nó là lý do để hệ thống này được “sinh ra”, nay không còn nữa, thì nó đã tan rã từ bên trong! Lý Tưởng là một Định – Dạng – Mục – Tiêu để tập hợp đám đông, thì khi cái định dạng ấy mờ mờ ảo ảo thì cái đám đông kia là đám lợi ích – ô hợp. Người ta có thể đấu tranh, hy sinh cho nhau vì một lý tưởng cao đẹp, còn đám lợi ích – ô hợp thì ngược lại, đám này sẽ hy sinh lẫn nhau hoặc thậm chí tàn sát nhau. Và thực tế nó đang diễn ra.
“Cái Lý Tưởng” không còn, nguồn lực nuôi sống và tạo chất liên kết lợi ích cũng ngày càng teo tóp, nó sụp trong nay mai. Tôi nghĩ nó không quá 2018 đâu, cũng có thể cuối năm 2017.
Bài viết này tôi không nhắc đến quân đội và công an, nhưng không có nghĩa bỏ qua. 2 nhân tố này chỉ có tính chất nhất thời mà thôi, có nhiều điều thú vị trong nội bộ hai nhân tố này sẽ xuất diện trong nay mai, có những kẻ nói vậy nhưng không phải vậy, chủ trương bảo vệ đảng cộng sản Việt Nam không phải là “nhận thức tuyệt đối” trong 2 nhân tốt này. Không ngẫu nhiên mà lại có chương trình chống suy thoái, nó không nhẹ sách vở như chúng ta thấy, nó là diễn biến phức tạp và có tính bất ngờ. Sự chuyển biến này trước hết nó bắt đầu từ bên trong, từ “nhận thức”, và nhận thức này sẽ mãi là “nhận thức” nếu không có tác nhân từ bên ngoài, từ viễn cảnh thực tế, từ sự suy vong của dân tộc,… và từ nước đi cờ của các nước lớn trong trận địa Chính Trị - Quốc Phòng toàn cầu. Nếu nó vận hành từ yêu tố vật chất thì nó cũng từ đây mà phân rã.
Định – Dạng – Mục – Tiêu của cộng sản nếu có hình hài rõ ràng, và nhà nước làm tròn các vai trò, bổn phận của nó, thì chẳng có sức ép nào làm nó sụp. Và khi nó rỗng tuếch từ bên trong, mục rữa nơi gốc rễ, thì chẳng thứ gì giữ cái thân nó.
Sức ép và sự oán thán của dân chúng là hệ quả của nó, và càng kìm kẹp bao nhiêu, nước tức vỡ bờ bây nhiêu. Nhưng xét từ khía cạnh này, chỉ là sự oán thán thù hận mà người dân gánh chịu sẽ trút lên cộng sản khi nó sụp đổ thôi, chứ chuyển biến nội tại cộng hưởng từ bối cảnh quốc tế khi Mỹ đang lấy lại sự độc tôn mới là thứ khiến nó sụp đổ. Ông Trump có kế hoạch cho các nước cộng sản còn lại, phải nói rõ như thế, hãy nhìn rõ về chuyến đi về tay không của Tập Cận Bình. Thật là nhiều lời tung hô ảo tưởng về thế nằm trên cân của Bắc Kinh đối với Washington trong trước chuyến đi của ông Tập nhưng sau đó là sự im lặng lạ lùng, không lời tung hô nào nữa cho kết quả của ông Tập đã mang về, ngược lại, cả hai cường quốc sau Mỹ Trung Quốc và Nga lại như van nài – cầu mong Mỹ đừng quyết đoán vũ lực quá với Triều Tiên. Điều chưa bao giờ xảy ra sự đồng thanh như thế.
P/S: thật buồn cười về bài viết của anh Hưởng khi anh đọc vị lý do Trump đánh Syria là do thế yếu chính trị của ông ấy trong nội quốc và nội đảng! Nên đánh để phân tán sự chú ý! Nếu anh đoán sai tính cách một con người, thì anh cũng sẽ dự đoán sai hành động của họ. Thật là sai lầm! Không nên ngồi từ đáy ếch mà nhìn ra bên ngoài, đừng dùng hoàn cảnh và kinh nghiệm cá nhân để phán đoán (áp đặt) một con cá tung tăng ngoài biển khơi rộng lớn.
Thật thú vị là các nước thù địch của Mỹ đều là những quốc gia độc tài!
13/4/2017