Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Sau nhiều lần hứa hẹn, hủy bỏ, trì hoãn, cù cưa... tướng công an Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ngày 22.04.2017 đã về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức - nơi người dân đang giữ 19 CSCĐ làm con tin – để đối thoại, nói cho rõ hơn là đàm phán để người dân thả 19 CSCĐ đang bị bắt giữ trong cuộc cưỡng chế đất đai ở Đồng Tâm ra.
Cuộc đối thoại diễn ra tốt đẹp với kết quả là tướng Chung ký một bản cam kết, theo FB Bạch Hoàn, bản cam kết được viết từ trước, Nguyễn Đức Chung chỉ ký tên. Nội dung của bản cam kết có 3 điều chính:
1 Chủ tịch UBND Hà Nội cam kết trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực, khách quan và đúng pháp luật việc "khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân Đồng Tâm, theo quy định của pháp luật".
2. Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.
3. Cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình (83 tuổi, ở xã Đồng Tâm) theo quy định của pháp luật.
Chữ ký của tướng Chung được 4 nhân chứng có mặt tại chỗ là đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng và luật sư Hoàng Văn Hương (Đoàn luật sư TP Hà Nội) xác nhận.
Khi bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, đọc bản cam kết qua loa phát thanh, hàng nghìn người dân hân hoan vỗ tay.
Về mặt tâm lý, có thể xem bản cam kết của tướng Chung ký với người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức là một chiến thắng rực rỡ của người dân sống quá lâu dưới chế độ cộng sản, quen nhẫn nhục, cam chịu cho chính quyền đè nén, chèn ép. Lần đầu tiên người dân đã chứng tỏ được sức mạnh của mình, ép buộc được chính quyền CS nhượng bộ trong tranh chấp bằng một văn bản.
Đây cũng là một bài học thực tiễn để đấu tranh không khoan nhượng với thể chế độc tài, phi nhân, gian ác, tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại, sẽ tác động rất nhiều vào suy nghĩ của những người đấu tranh cho dân chủ, tự do ở Việt Nam. Thử hỏi, nếu người dân không có 19 con tin CSCĐ trong tay, chế độ CS qua trung gian tướng Chung sẽ phản ứng ra sao? Liệu Chung có thân hành xuống Đồng Tâm hay hàng ngàn công an, CSCĐ, quân đội, côn đồ... sẽ tràn vào thôn Hoành như đã xảy ra ở Yên Phong, Bắc Ninh vào thời điểm Chung xuống Mỹ Đức?
Về mặt tình cảm, người dân Đồng Tâm vui mừng, thở ra nhẹ nhõm, cảm thấy mình là kẻ chiến thắng. Máu đã không đổ, không có giao tranh khói lửa, đàn áp, gậy đá, dùi cui... Dân Đồng Tâm thơ thới, hân hoan, các chướng ngại vật, bẫy, chông... được dẹp bỏ nhanh chóng ngay sau đó, trung đoàn trưởng CSCĐ chắp tay xá dân, dẫn 19 nhân viên bị giam giữ hân hoan ra về.
Báo chí lề đảng ca tụng tướng Chung hết lời, nhưng trong nội bộ của đảng CS, chính quyền, của công an, CSCĐ... chuyện gì xảy ra? Chắc chắn phải là những buổi học tập, họp hành rút tỉa kinh nghiệm sâu sắc để đối phó với những cuộc nổi dậy sẽ xảy ra trong thời gian tới mà chế độ sẽ không khoan hòa nữa.
Niềm vui có lẽ rồi sẽ qua mau. Bản chất của sự tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, Mỹ Đức không hề thay đổi. Hơn thế nữa, nếu xét về mặt pháp lý, bản cam kết của tướng Chung hoàn toàn không có giá trị (không bàn đến chuyện có hay không con dấu đỏ của UBND thành phố Hà Nội vì điều này không quan trọng) vì những lý do sau đây:
1. Bản cam kết của Nguyễn Đức Chung, trên thực tế chỉ có thể xem như một hợp đồng để Chung giải cứu con tin, không phải là một văn bản hành chính, một nghị định có giá trị pháp lý phổ quát của chính quyền, cho dù Chung ký với tư cách chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Chung có thể phủ nhận giá trị chữ ký của mình, viện dẫn lý do là không thoải mái khi đối thoại, chịu dưới sức ép của người dân, không được tự do chọn lựa. Vì an nguy của bản thân cũng như sinh mạng của 19 CSCĐ, Chung phải nhượng bộ người dân để họ thả những người này ra. Trường hợp này ít có khả năng xảy ra vì chắc chắn Chung không phải đối diện với tòa án để phải hèn hạ phủ nhận chữ ký của mình. Chung chỉ cần giữ im lặng nếu có chuyện liên quan đến bản cam kết. Tóm lại, bản cam kết của Chung dù có chữ ký cũng không hơn gì một lời hứa xuông.
2. Chế độ CSVN là chế độ đảng trị, tập thể quyết định, cá nhân phụ trách. Bản cam kết như đã nói ở trên (facebook Bạch Hoàn) được viết từ trước, tức đã có sự sắp xếp, chuẩn bị phải viết ra sao, viết như thế nào. Chung không phải là nhân vật tối cao của đảng CSVN để có thể toàn quyền quyết định mọi chuyện. Đừng quên rằng, Chung chỉ là chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong một thời gian nhất định nào đó, dễ dàng bị thay thế hay rời bỏ chức vụ này bất cứ khi nào. Người kế vị Chung có thể viện dẫn lý do ông (bà) ta không ký cam kết đó nếu có ai đem bản cam kết ra làm bằng chứng để thưa kiện.
3. Chế độ CSVN không hề có hệ thống tam quyền phân lập. Chính Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ngày 28.09.2013 rằng Hiến pháp của CHXHCNVN là văn bản có giá trị sau cương lĩnh của đảng CSVN. Do đó nếu người dân Đồng Tâm có đem bản cam kết của Chung ra để thưa kiện thì cũng sẽ chẳng có phiên tòa hay chánh án nào xét xử.
Hãy thử tưởng tượng, chẳng lẽ mỗi người dân Đồng Tâm sao chụp một bản cam kết, thủ sẵn trong người để khi lực lượng cưỡng thế đất tấn công vào thôn Hoành lần nữa thì chìa ra, ngăn họ lại được ư? Đúng là trò con nít.
Mục đích người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức nói riêng, cả nước nói chung cần đạt được là thay đổi điều 4 hiến pháp, thể chế cai trị phải được tam quyền phân lập, có tự do báo chí, sắc luật về đất đai phải thay đổi, công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân chứ không phải là bản cam kết của một viên cựu tướng công an, chưa biết chừng nay mai có thể đang sống đã chuyển sang từ trần.
Đạt được điều này thì không cần phải có bản cam kết của bất cứ ai trong chính quyền, cuộc sống sẽ bình yên, đất đai canh tác, nhà cửa không còn bị xáo trộn, lo lắng nữa.
24/4/2017