Từ United Airlines, nghĩ về sức mạnh Đồng Tâm - Dân Làm Báo

Từ United Airlines, nghĩ về sức mạnh Đồng Tâm

Đinh Yên Thảo (Danlambao) - Đến hôm nay thì câu chuyện một hành khách bị cảnh sát dùng vũ lực kéo ra khỏi một máy bay hãng United Airlines chở kín khách đôi tuần trước đã nguội đi. Thế giới biến động, tin buổi sáng vừa ra đã bị bản tin buổi chiều đè bẹp. Câu chuyện sai trái về mặt pháp lý riêng trong vụ này đến mức nào, thì ắt rằng những luật sư đại diện cho nạn nhân đang và sẽ tận sức để buộc hãng United Airlines gánh chịu những trách nhiệm cao nhất của mình, và sẽ còn quay lại trong thời gian tới. Còn ở đây, nó là một bài học chung cho những hãng hàng không về thái độ đối xử với khách hàng của mình trong tương lai ra sao cho đến các cơ quan dân sự, công lực và công quyền sẽ hành xử với người dân ra sao trước những thái độ chống đối, phẫn nộ của họ. Và rộng hơn, nói là bài học cho cả những người lãnh đạo của một quốc gia khi nhìn đến lòng dân.

Rất tình cờ, người nạn nhân bị đối xử thô bạo trên chuyến bay United lại là một người bác sĩ gốc Việt, ông David Đào như mọi người đã biết. Trong cuộc họp báo của những luật sư đại diện pháp lý cho ông, họ trích lời ông rằng, sự việc xảy ra kinh khủng hơn cả khi ông đào tị khỏi Việt Nam năm 1975. Có lẽ đó cũng là một cách nói để nhấn mạnh sự tác động lên thể chất đến tinh thần của ông đến mức nào. Nhưng ắt ông không xem qua các thước phim mà những người yêu nước biểu tình, lên tiếng chống giặc phương Bắc, chống công ty Formosa gây thảm họa môi trường cùng vô số vụ tuần hành ôn hòa khác, đã bị đàn áp ra sao. Nó khủng khiếp, xót xa gấp bội lần. Ông Đào mua vé, trả tiền cho dịch vụ mình muốn sử dụng, ông cần được đối xử công bằng và tôn trọng, chẳng vì bất cứ lý do gì để bị ngược đãi như vậy. Còn người dân nước Việt, họ có quyền bày tỏ lòng yêu nước của những người công dân có trách nhiệm, chứ làm điều gì sai để bị đánh đập, trấn áp, tù đày? Câu hỏi nghe da diết như lời nhạc sĩ Việt Khang, "Xin hỏi anh là ai, sao đánh tôi, tôi làm điều gì sai?". 

Sự so sánh nào cũng khập khiễng và lắm lúc, khó lòng đem đặt bàn chân này vào chiếc giày kia, theo kiểu người Mỹ vẫn thường nói. Nhưng tôi tự hỏi, giữa ông Đào và những người đấu tranh dân chủ, những người dân nước yêu nước có điều gì khác biệt, nếu không nói rằng, chuyện ông Đào chỉ là một sự việc cá nhân tình cờ, còn tinh thần yêu nước là hào khí kiêu hùng của cả một dân tộc. Giá ông Đào không ở một xã hội nhân quyền và tôn trọng phẩm giá con người như đất nước Hoa Kỳ này, không ở trong xã hội mà người dân chung quanh không cần biết ông là một người gốc Việt, Á Đông hay sắc dân nào, để lập tức phẫn nộ, lên tiếng vì "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha", thì điều gì sẽ xảy ra? Tổng Quản Trị hãng United trong bốn ngày liên tiếp đưa ra các thông cáo, từ việc binh vực nhân viên của mình ban đầu, gán ép ông có thái độ "gây hấn" cho đến cuối cùng bảo rằng đã cố gắng liên lạc ông Đào để xin lỗi và nhận lỗi hoàn toàn, sau khi cổ phiếu sụt giá hàng tỉ đô la và chứng kiến thái độ phản ứng quyết liệt của người dân trên các trang mạng xã hội, trên báo chí. Họ nhận lỗi không chỉ vì đã phạm lỗi, mà còn vì có cả một hệ thống pháp luật bảo vệ phẩm giá người dân và có một cộng đồng, một xã hội biết đồng lòng lên tiếng trước sai trái, bất công. Còn những người dân Việt? Hệ thống nào và ai là những người bảo vệ họ? Họ chỉ là những người cô đơn, mang dũng khí của cá nhân hay vài nhóm nhỏ để chống họa ngoại xâm hay những bất công xã hội, chống lại những giới cường hào mới đi cướp đất cướp nhà người dân, để rồi phải gánh chịu những sự ngược đãi, trấn áp hay tù đày. Tập Cận Bình sang Mỹ cũng bị không ít các sắc dân tụ họp, biểu tình phản đối. Có chuyện gì xảy ra?

Bạn tôi, một thương gia từ Việt Nam sang chơi. Bạn thân từ thuở mới lớn nên không chỉ ngồi nhắc lại chuyện xưa, chuyện đi học mà còn lan man chuyện gần chuyện đời, chuyện người - những chuyện chính trị, xã hội "tế nhị" đó đây mà người ta thường khuyên nên né tránh trong cuộc vui. Nhưng chúng tôi chẳng tranh luận, chỉ tâm tình, chia xẻ cái nhìn từ cuộc sống của hai xã hội khác nhau. Từ câu chuyện ông Đào và hãng United cùng dư luận và áp lực xã hội, nó dẫn dắt chúng tôi sang câu chuyện người dân đấu tranh, biểu tình trong nước. Bạn tôi bảo rằng những người cầm quyền trong nước mang nỗi sợ hãi rằng, khi cho người dân quá nhiều quyền tự do, quyền phản luận sẽ dễ dẫn đến sự bất ổn, chống đối và bạo loạn. Tôi bảo rằng, không có những chèn ép, bất công thì làm sao dẫn đến sự chống đối, bạo loạn. Bạn bảo rằng họ e rằng có nhiều ý kiến mà không có giải pháp thì chỉ thêm rối rắm. Tôi nói, giải pháp không phải là trách nhiệm và khả năng của người dân, đó là công việc của những người đang nắm trọng trách ở bất cứ quốc gia nào, nhưng họ cần lắng nghe tiếng nói người dân để tìm hay đưa ra giải pháp phù hợp. Câu chuyện cứ vậy mà không dứt. Về đến Việt Nam, bạn tôi nhắn sang rằng, có lẽ bọn mình còn cần thêm nhiều dịp gặp mặt để được nghe, được nói cho nhau nghe. Tôi hiểu, thế hệ đàn anh, thế hệ chúng tôi hay đàn em bây giờ, người nào chẳng mang một tấm lòng với quê hương, đất nước. Như một chàng ca sĩ trẻ khá nổi tiếng sang Mỹ trình diễn mà tôi có lần tình cờ trò chuyện. Bên ngoài cái vẻ tay chơi xâm mình, nhuộm tóc, em bảo những người làm lãnh đạo cần có trí tuệ và lòng từ bi. Trí tuệ để dẫn dắt đất nước và từ bi để yêu thương người dân. Đất nước nào không cần những minh quân như vậy. Tôi nghe qua mà lòng đầy cảm khái. Vị trí nào thì ai chẳng có tấm lòng trăn trở với quê hương. Cách này hay cách khác. Chốn này hay chỗ kia. 

Trở lại cùng câu chuyện ông Đào, có lẽ trong lời tuyên bố mà gia đình ông đã gởi ra thông qua các luật sư, khi họ đã cảm ơn những người dân khắp nơi đã ủng hộ, quan tâm và bày tỏ sự bất bình quả có lý do. Không có những thước phim do các hành khách chung quanh ghi lại rồi phát tán lên các trang mạng xã hội, không có những bài báo tạo nên sức mạnh dư luận chung, tất nhiên không kể và không tránh được cả những bài báo soi rọi đời tư của ông khi sự việc trở thành một tâm điểm thời sự quốc gia, sẽ khó tạo nên một áp lực đáng kể lên hãng United như nó đã phải đối diện. United cùng kỹ nghệ hàng không nói chung rồi sẽ phải thận trọng hơn, phải thay đổi cung cách phục vụ của mình đến mọi khách hàng trong tương lai. 

Còn với người dân trong nước, tôi vẫn hiểu điều gì, sự sợ hãi nào đã dẫn họ đến với những thái độ dường như hờ hững, vô tâm. Nhưng vẫn mong rằng sẽ có lúc, họ thôi còn thản nhiên nhìn năm ba học sinh đánh đập dã man một bạn học đồng lớp, hết còn chỉ đứng bên ngoài quay phim chụp hình trước cảnh một cô gái bị lột áo lột quần giữa đường và hết còn né tránh, sợ hãi trước cảnh người công an đang nắm tóc lôi xệch người phụ nữ bán hàng rong. Và để học được sức mạnh của sự hợp lực từ câu chuyện của những người dân làng Đồng Tâm vừa qua, khi họ buộc được những kẻ nắm quyền phải ngồi vào bàn thương lượng thay vì trấn áp bằng vũ lực. Và trên cả, người dân Việt sẽ thấu hiểu sức mạnh chung của cộng đồng, của cả dân tộc mà hết còn để những người yêu nước phải đơn độc trên con đường tranh đấu như hiện nay. 

23.04.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo