Từ vụ tấn kích Văn Thai đêm 31.5, nghĩ về thực trạng Tổ Quốc tôi hôm nay - Dân Làm Báo

Từ vụ tấn kích Văn Thai đêm 31.5, nghĩ về thực trạng Tổ Quốc tôi hôm nay

Đức Hà (Danlambao) - Đêm 31.5 trở thành một đêm đầy hãi hùng với nhiều người dân lương thiện ở Văn Thai, xóm nhỏ yên bình bên dòng sông Thơi. Đám đông “được tổ chức” hò la ầm ĩ: Hồ Chí Minh muôn năm… giết chết phản động… giết chết Thục – Nam … giết chết bọn Công giáo …

Vở bi hài kịch nhân danh “lòng yêu nước” ấy kết thúc với cảnh đám đông say máu (đầy đủ hung khí, gạch đá) xông thẳng vào gia đình anh Thiên – một giáo dân Văn Thai hiền lành, chăm chỉ làm ăn – và bắt đầu đập phá không chừa thứ gì, kể cả tượng ảnh thánh, biểu tượng tình yêu và niềm hy vọng của 1,3 tỷ người Công giáo trên mặt địa cầu.








Đứng không xa nhìn vào với vẻ mặt hả hê là những bóng dáng áo xanh, áo vàng, áo xám đượm màu ác ôn. Màn kích động côn đồ tấn công giáo dân lần thứ 2 đã thành công và như cách nói của một lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu thì quần chúng nhân dân đã “dằn mặt được bọn cha đạo”

Cuộc tấn kích không nằm ngoài chiêu trò khơi lại những vết thương xung đột lương giáo trong quá khứ: “Cái gian ác của kẻ tiểu nhân, đểu cáng, vô thần là nó sử dụng tất cả, kể cả điều thiêng liêng nhất là tâm hồn con người, dồn nhiều thế hệ đi trên con đường thù hận, kể cả quốc gia, dân tộc… tất cả đều là phương tiện để làm sao đạt được mục đích của nó”. Một người bạn của tôi không ngăn được dòng xúc cảm vội vã thốt lên.

Ấy thế mà độ trước, cách đây vừa tròn tháng, nhân kỷ niệm cái gọi là ngày “giải phóng miền Nam 30/4”, cánh truyền thông nhà nước được dịp ra rả “lên đồng” ca ngợi: Nào chúng ta đang sống trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ; nào Đảng ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại, nào đất nước cất cánh lên tầm cao mới, nhân dân ấm no, hạnh phúc…

Thế nhưng, thật chạnh lòng làm sao khi nhìn sang những tiểu quốc bên cạnh như Lào và Campuchia, chứ chưa nói đến Mã Lai, Singapore, Thái Lan hay những đất nước Âu Mỹ xa xôi. Nhà cầm quyền Việt Nam dường như đã tự hào quá mức về những thành tựu nho nhỏ mà ít ngóng xem nhân loại đã tiến bộ vượt bậc thế nào.

Đã đến lúc chúng ta phải nói để người trong cuộc nhận ra chỗ đứng của dân tộc Việt sau hàng thập kỷ đằng đẵng bị kìm kẹp trong gông cùm học thuyết Cộng sản. Chúng ta phải trình bày chính kiến khi những ung bướu trên cơ thể đất nước này ngày càng mưng mủ, bốc mùi và có nguy cơ thối rữa.

Thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay

Nếu ai đó còn tâm huyết cho tiền đồ “con Lạc cháu Hồng” chắc hẳn không khỏi chạnh lòng. Chưa bao giờ hai chữ “sự thật” bị người ta ruồng bỏ như hôm nay. Cũng chưa bao giờ báo chí lại kêu gào thống thiết như lúc này. Dối trá trở thành bệnh kinh niên hết thuốc chữa. Theo một thống kê, tỷ lệ ở tiểu học là 22%, cấp 2: 50%, cấp 3: 64% và sinh viên: 80% (1). Trò dối, thầy dối, lãnh đạo dối. Cả xã hội nói dối.

Nhà văn Đào Hiếu đã nhận xét chí lý rằng: “Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự thật bị bao vây tứ phía, bị cải trang bằng nhiều son phấn, nhiều mặt nạ. Đây cũng là thời đại mà những chính khách có thể nói dối, có thể lừa gạt mọi người bằng sự hùng biện đầy thuyết phục được hỗ trợ bằng những giọt nước mắt xúc động. Họ thường nói những câu đại loại: ‘Tôi đang móc ruột ra nói với các đồng chí’ mà quên rằng trong ruột chứa đầy những thứ chẳng thơm tho gì”(2).

Quả đúng như thế; đồ giả, hàng giả, bằng giả tràn ngập. Mua quan bán chức, buôn gian bán lận, gian dối thi cử, tham nhũng, hối lộ,… những “dịch bệnh” diễn ra như cơm bữa đến nỗi ai đó phải chua xót thốt lên:

“Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi. 
Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi. 
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực. 
Chân lý, chân giò, một giá thôi”…

Đạo đức suy thoái, lương tâm tê liệt, nhân phẩm bị chà đạp. Bất công và nhũng nhiễu trở thành gánh nặng với giới cần lao. Tất thảy đang rên xiết dưới áp bức bóc lột của chế độ “tư bản đỏ”. Nhà cầm quyền nhân danh công trạng giải phóng dân tộc, áp đặt những hình thức cai trị chuyên chế: độc tài, Đảng trị, phi dân chủ, phi tự do, tàn bạo, “chỉ biết còn Đảng, còn mình”.

Trong xã hội băng hoại về đạo đức, thang giá trị bị đảo lộn ở tầm mức tối đa. Điều đẹp, điều thiện trở nên hiếm hoi và bất bình thường. Cái ác và cái xấu lên ngôi. Những người có óc tếu mỉa mai kết luận: “Công lý ở Việt Nam chỉ là một diễn viên hài không hơn không kém” (3).

Chẳng cần đi đâu xa, cứ bước ra khỏi nhà đã thấy bao điều “chướng tai, gai mắt”: cán bộ lạm quyền; công an thẳng tay đàn áp các cuộc đấu tranh; tuyên giáo chụp mũ người dân xuống đường chống Trung Quốc, chống Formosa là phản động; truyền thông quy kết các linh mục và những nhà hoạt động nhân quyền là cực đoan, gây bạo loạn; giáo dân bị miệt thị và phân biệt đối xử; nhiều dân oan rơi vào tay an ninh nếu không chết vì lý do rất “đúng quy trình” là tự tử cũng dễ trở nên “thân tàn, ma dại”.

Chúng ta còn phải đối diện với nền văn hóa bị thống trị bởi chủ nghĩa hưởng thụ, ích kỷ với lối ứng xử “vô nhân tính”, đối lập hoàn toàn với nhân học Kitô giáo. Người ta đua nhau chạy theo lối sống cá nhân, biến người khác thành món hàng để chiếm đoạt và mua bán. Con người không được nhìn như là hình ảnh cao đẹp của Tạo hóa mà dễ bị coi là phương tiện. “Xã hội này sinh ra những đứa con ‘quái thai’ trong cách sống: kiếm tiền bằng mọi cách và hì hục hưởng thụ”(4). Tương quan yêu thương và nhân bản bị xếp sau lợi ích kinh tế. Con người hôm nay vật vã trong “bể khổ” trầm luân bởi tính quy ngã, hời hợt, ít quan tâm đến tha nhân, “sống chết mặc bay”, thiếu khả năng liên vị.

Quan sát cách hành xử nơi công cộng, ta sẽ thấy tranh giành, chụp giựt, manh mún, “cá lớn nuốt cá bé” và đối xử tàn tệ. Báo chí gần đây đưa tin chỉ vì “gato” nhau (5), hai người bán thịt ở Hải Phòng đã hè nhau đổ luyn lên sạp hàng chị nhà quê. Chị này vì tiếc đàn heo mình nuôi bán giá quá rẻ nên tự làm thịt đi bán và gặp phải cơ sự trên. Cách sống nói lên não trạng và tâm tính con người. Đó là cả một tình trạng đáng thất vọng.

Chưa hết, sống trong một xã hội “đểu cáng”, tốt – xấu lẫn lộn, con người đánh mất niềm tin và hoài nghi lẫn nhau. Mỗi ngày xảy ra bao chuyện đáng tiếc: lừa lọc, tai nạn, bác sỹ đối xử tàn tệ với bệnh nhân, thầy giáo xâm hại học trò… nhưng xem ra chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Thử mở một trang nhật báo lên, chúng ta sẽ thấy toàn là tin “tức” – đọc mà tức – đây giết người, kia cướp của, chỗ nọ hiếp dâm. Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ phá thai đứng hàng đầu trên thế giới. Những sinh linh chưa kịp chào đời đã bị từ chối.

Vô cảm cũng trở thành căn bệnh tệ hại. Số là cách đây chừng 3-4 năm ở Vinh, một người trộm chó bị bắt quả tang. Anh ta bị đánh chết và thiêu xác cháy đen trên đường làng thuộc xã Hưng Đông. Không một lời thương cảm, không một ai đứng ra phản đối lúc đó. Giá trị của một con người xem ra không bằng một con chó. Ai đó nhận xét người Việt hôm nay chỉ lo “vinh thân phì gia” chứ thiếu hẳn trách nhiệm với công ích. Điều ấy hẳn là có lý.

Nhìn lại bộ mặt đất nước hôm nay: Đói nghèo, hằn lên những nét tang thương; bất công, kỳ thị dày xéo lương tri, phẩm hạnh. Hiện thực trên quả là tấn thảm kịch đắng cay, bi đát đối với những người thiện chí, yêu hòa bình. Một xã hội dường như đang dấn sâu vào ngõ cụt tăm tối. Sau những hào hoa bọt bèo bề mặt, người ta bắt đầu cảm nhận nỗi buồn sâu thẳm nếu có dịp phản tỉnh như Thúy Kiều xưa: “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. Nghĩ mình, mình lại giật mình xót xa”. Lời thánh Phaolô hình như vẫn vẹn nguyên giá trị: Cả vũ trụ rên xiết hướng về ngày giải phóng (x.Rm 8,22).

Nguyên nhân nào đã làm cho xã hội ra tồi tệ

Không phải người viết đeo kính râm rồi nhìn thấy tất cả màu đen. Không phải người viết là một tay ngôn sứ “chiến binh” chuyên loan tin thảm họa. Sự thực “chềnh ềnh” ra đó, khui ra thì “thối” nhưng không khui thì khó chịu. Nhiều truy vấn được gợi lên. Không ít chuyên gia quy trách nhiệm cho lối sống vô kỷ luật, trọng tình hơn trọng lý, cách suy nghĩ kém tư duy logic và kỹ thuật, lối sống “sau lũy tre làng”, tiểu nông… là nguyên nhân những cách hành xử bất hợp lý.

Người ta còn viện dẫn bối cảnh chung của thế giới hiện đại, toàn cầu hóa: thiên về tiêu thụ, lợi nhuận, tiếp thụ, quảng cáo và cuối cùng là cuộc khủng hoảng về căn tính vì đánh mất mình: không biết mình là ai, đi về đâu và muốn cái gì. Đây là những kiến giải thiết thực, hữu ích.

Tuy nhiên, dường như đó chỉ là cái ngọn của vấn đề. Quả thật, xã hội Việt Nam mắc phải cái “lỗi hệ thống” rất sâu xa. Đó là một xã hội thượng tôn duy vật và vô thần; công khai hay ngấm ngầm phỉ báng tín ngưỡng, tôn giáo, những nền tảng thiết lập đạo đức:

“Thượng đế chết rồi, 
Còn lại ta, cụm cây khô trên mảnh đất già”. (Thơ Cù Huy Cận)

Chỉ có “giết chết Thượng đế” (6) thì họ mới có thể tự tung, tự tác. Đó là nguyên nhân cốt lõi, trầm trọng hóa mọi vấn đề, là “cha đẻ” mọi lỗi lầm. Một khi nhà cầm quyền tự coi mình như “cái rốn của vũ trụ”, cái bất ổn vẫn còn và “đường đến hòa bình” (7) phải chăng còn diệu vợi lắm! Nhắc đến chủ thuyết này, Công đồng Vatican II đã từng nói: “Hệ thống vô thần quá nhấn mạnh đến khát vọng được tự lập của con người đến độ làm cho khó chấp nhận bất cứ sự lệ thuộc nào vào Thiên Chúa. Những người chủ trương thuyết vô thần như vậy cho rằng tự do hệ tại ở con người là chính cùng đích cho mình, là người tạo nên và điều khiển lịch sử riêng của mình…” (8). Thượng đế hiện hữu thì con người là zêrô, “hiện hữu thực sự thì phải giết” (9). Không có Chúa, đương nhiên không có sự lệ thuộc, con người tự do hành động, bất chấp lương tâm và lẽ phải. Khi giết Cha thì cũng chính là lúc khởi đầu hành trình anh em giết nhau và dường như đây là thảm họa lớn nhất của chủ nghĩa vô thần độc tôn. Một cuộc tổng khủng hoảng nhân cách (9).

Con người hiện đại cũng xung khắc với thiên nhiên, khai thác cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường, phá hủy các nguồn tài nguyên và gây nên những thảm họa khủng khiếp. Formosa trở thành thảm nạn không chỉ với những giáo dân chuyên đi biển ở các tỉnh Miền Trung mà là thảm nạn của toàn thể dân tộc. Rừng chết, biển chết kéo theo nguy cơ phân liệt giống nòi, Tổ Quốc. Đất nước đứng trước cửa ngõ của một cuộc xâm lăng mang tính hủy diệt từ anh bạn Trung Cộng vừa thâm độc, vừa bạo tạn, vừa ngang ngược. Nguy cơ mất chủ quyền không còn bao xa..

Một xã hội không tôn giáo, không Thiên Chúa, không Trời Phật, không thánh thần, lấy con người làm trung tâm, vật chất làm thước đo rất dễ lên cơn sốt và suy thoái. Chính người Cộng sản cũng chân thành thừa nhận: “Khủng hoảng đạo đức Việt Nam hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc truyền bá chủ nghĩa duy vật và vô thần, hạ thấp vai trò tôn giáo, nhất là thời kỳ trước đổi mới. Việc phủ nhận giá trị tôn giáo, đề cao duy vật và vô thần tới mức cực đoan, vô hình trung cổ vũ cho cái văn hóa “tiêu dùng phàm tục (10).

Giải pháp khắc phục thảm trạng nói trên

Làm thế nào tẩy trừ cách hành xử đầy bất ổn đang thấm nhập và ảnh hưởng sâu đậm trong thời đại hôm nay? Đây là bài toán khó nhưng không phải là đã hết hy vọng. Nếu được trao phó vai trò là nhà chức trách ngoài đời, người viết không có cao vọng đưa ra những biện pháp vĩ mô, sâu xa như nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ xưa, chỉ dám nêu lên một số ưu tư hằng thao thức:

1/. “Đất nước Việt Nam không phải là mảnh đất thừa tự của gia đình hai họ Mác – Lê” (11). Hãy trả lại cho tôn giáo chỗ đứng giữa lòng dân tộc, trả lại chân trời tâm linh cho tâm hồn con người. Hãy để nhân dân tự quyết quyền chọn lựa tâm linh của mình. Tôn giáo không ru ngủ quần chúng. Tôn giáo không là thuốc phiện nhân dân. Nhà cầm quyền phải thấy được vai trò tôn giáo và giá trị siêu nhiên giữa lòng xã hội; tôn trọng tự do tín ngưỡng, mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo tham gia lãnh vực giáo dục học đường, y tế và công tác xã hội. Tin vào Thượng Đế, lắng nghe tiếng nói thiêng liêng là nguyên tắc căn bản để thực thi đạo đức xã hội. Thực tế cho thấy, không tin một Đấng Tối Cao nào, người ta có thể gây ra bao trọng tội mà không sợ bị luận phạt. Mặt khác, theo lý thuyết Nhân học Kitô giáo, con người là sự kết hợp chặt chẽ giữa hồn và xác. Một khi bị cắt đứt chiều kích siêu việt, con người sẽ trở nên bấp bênh, mất hết phẩm giá, làm mồi ngon cho những cạm bẫy và hư hốt. Trách nhiệm của người lãnh đạo không chỉ là xây dựng đất nước phồn vinh mà còn phải gieo vào tâm hồn niềm tin và lòng nhân ái.

2/. Xây dựng nền giáo dục chân chính, hướng con người về chân – thiện – mỹ. Phải đảm bảo tiêu chí lấy lương tâm lẽ phải làm nền tảng để xây dựng đạo đức xã hội, nhìn nhận và tôn trọng những truyền thống đạo đức vốn có nơi loài người, những giá trị được Tạo Hóa khắc ghi nơi lòng mỗi người từ khi được sinh ra như lẽ phải, công lý, sự thật, tình yêu, tự do, bác ái… Các quyền con người là phổ quát cho hết mọi người trong tư cách là người, chúng là căn bản, do đó bất khả xâm phạm và bất khả nhượng (12). Nhà chức trách cần ý thức được vai trò của nhân phẩm là vô song vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hãy ngừng xem con người chỉ là một phương tiện, một công cụ lao động và hãy đối xử với con người như là một nhân vị, nghĩa là trả lại tầm mức ngôi vị cho cá nhân. Nhìn nhận nhân vị là nhìn nhận chiều kích con người đối với vũ trụ chứ không phải chỉ là sinh vật xã hội, cái nhìn này cho thấy sự năng động nơi con người với những đường nét hiện sinh, đối lập với sự đoàn lũ hóa bằng những phong trào, thi đua, khen thưởng, thành tích.

3/. Ban hành quy chế pháp lý tôn trọng dân chủ; xóa bỏ cơ chế bất công và tha hóa con người (vd: cơ chế xin cho), đưa ra khung luật bảo vệ và nâng cao nhân quyền; xây dựng thiết chế văn hóa, đạo đức trên nền tảng quê hương, gia đình, tình làng, nghĩa xóm, đối lại với tiền tài, danh vọng. Phát huy những giá trị nhân bản để làm cho con người ngày càng sống đúng chữ nhân hơn. Thăng tiến họ bằng cách phát huy tự do và hiểu biết, chú trọng liên đới, đối thoại. Bản chất con người chỉ có thể đạt đến mức sung mãn khi tự khám phá và dám nhận lấy một sứ vụ. Đó là cái người trẻ thường trống vắng khiến họ như những con công, chỉ biết chăm chút cho sắc đẹp và vóc dáng mà quên đi đồng loại. Nhà cầm quyền không nên dành cho mình sự độc quyền hay một quyền hành quá lớn trong các lĩnh vực đời sống gia đình và xã hội. Đó là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công.

Đặt mình là nhà chức trách trong đạo, theo tinh thần “Gaudium et Spes”: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (13), chính tôi cũng cần bồi đắp cho nền “văn minh tình thương” và “sự sống” bằng lời nói, hành động cụ thể:

1/. Dấn thân bảo vệ chân lý, khai triển hệ thống lý thuyết nhân học Kitô giáo. Giáo huấn Giáo hội phải là điểm tham chiếu quyết định bản tính, phương thức, sự nối kết và phát triển mục vụ xã hội; làm cho xã hội thấm nhuần lý tưởng nhân quyền. Không ngại dấn thân quyết liệt vì quyền sống và phát triển. Làm chứng cho các giá trị của Tin mừng bằng hiện diện và chia sẻ. Xả thân vào các lĩnh vực mới mẻ nhưng đầy thách đố như bảo vệ môi sinh, hội nhập văn hóa… Chính Đức Kitô là “người đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ người công dân đã không ngại lên tiếng khi cần thiết. Và Ngài đã trả bằng giá máu của mình cho tiến trình dân chủ, tôn trọng sự thật. Chủ nghĩa nhân bản đã sản sinh ra những người con vĩ đại trong quá trình đấu tranh dân chủ như Dietrich Bonheffer, Luther King, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II…” (14)

2/. Rao giảng niềm hy vọng và hăng hái áp dụng vào đời, không ngại va chạm. Tuy hiện tại chỉ là “đoàn chiên nhỏ bé” (Lc 12,32) nhưng Giáo hội Việt Nam có sứ mạng phổ quát và lớn lao. Đó là mầm mống mạnh mẽ phát sinh niềm hy vọng. Đức Kitô đang muốn chúng ta trở nên khí cụ biến đổi xã hội như ánh sáng chiếu soi, muối men mặn nồng. Tôn giáo của chúng ta là tôn giáo nhập thế, đem đạo vào đời. Vì thế, cần cố gắng tác động hiệu quả vào tâm thức, sửa đổi hành vi, hướng dẫn quần chúng sống ý thức, trách nhiệm với phẩm giá của mình (15).

3./ Tích cực đối thoại, ôn hòa nhưng quyết liệt trình bày các quan điểm của mình. Cần tích cực giải thích cho giáo dân hiểu đúng về sự xảo trá của truyền thông nhà nước. Nếu cần, không ngại đổ máu đào minh chứng niềm tin và chân lý của mình. Cần cởi mở và thông cảm, tin tưởng, lịch sự, thẳng thắn và thành thật. Trong mọi trường hợp, phải ưu tiên chọn lựa người nghèo, “tứ cố vô thân”; đồng hành với người bị bỏ rơi và thương tổn theo tinh thần Công đồng Vatican II, đặc biệt là các thông điệp xã hội như Laborem Exercens, Sollicitudo Realis, Centesimus Annus, Evangelium Vitae…

4. “Ut sint unum” = Xin cho chúng nên một. Đoàn kết là sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thất bại. Lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam đã minh chứng chân lý này. Hiệp thông – cầu nguyện – liên đới – yêu thương sẽ nối kết người Công giáo lại trong vòng tay Giáo hội Hoàn vũ và Đức Ki tô. Không sức mạnh nào có thể trấn áp nổi nếu chúng ta luôn giữ vững sự kết đoàn. Sẵn sàng trợ giúp những cộng đoàn đang chịu đau khổ vì bắt bớ, kìm hẹp. Nay anh mai tôi. Không gì là không thể dưới chế độ bạo tàn này.

Thay lời kết

Khi người viết đang soạn những câu cuối của bài cũng là lúc côn đồ với sự khuyến khích có chủ ý của nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu tấn công vào gia đình anh Thiên và một số giáo dân ở giáo họ Văn Thai (Sơn Hải, Quỳnh Lưu). Chúng tấn công vào những người dân lành, đập phá hết tài sản đồ đạc, xúc phạm ảnh tượng thánh thiêng… và dọa giết cha Gioan Baotixita, quản xứ Song Ngọc.

Hành động bạo lực trên gây nên những ca thán. Vẳng nghe đâu đây là những câu hát đầy tinh thần và nhiệt huyết đấu tranh: “Trả lại đây cho nhân dân tôi, quyền tự do, quyền con người. Quyền được nhìn, được nghe, được nói. Quyền được chọn chân lý tự do, quyền xóa bỏ độc tài độc tôn…” Điều ấy cũng gợi lên cho ta một sự thật là con đường phía trước vẫn còn chông chênh lắm.

Cả bài viết là chuỗi dài những tiếng lòng thở than cho thời cuộc và vận nước, với nhan nhản ngoặc kép, footnote này nọ. Dĩ nhiên, ý của người viết không phải là lên mặt dạy đời, càng không có ý dùng ngôn từ “đao to búa lớn” để gây ấn tượng. Điều mong mỏi là qua đó trình bày một thực trạng đáng báo động. Là một thành viên trong “tiểu vũ trụ” ấy, dĩ nhiên người viết cũng chịu tác động bởi hành vi, lối sống tiêu cực. Cốt yếu là từ suy nghĩ mang đầy chủ quan (thầy bói xem voi, ngón tay chỉ mặt trăng) ấy, bản thân sẽ tìm được lối đi và ứng xử phù hợp, ngõ hầu dấn thân xây dựng một xã hội văn minh, lịch sự, thấm nhuần tinh thần Tin Mừng hơn.

Suy cho cùng, đó cũng là việc cần làm của mỗi người Việt có tri thức bởi thăng tiến xã hội, thăng tiến con người chỉ có thể khởi phát từ sự đổi thay trong cách nhìn của người trẻ hôm nay.

1.6.2017

Đức Hà – ĐCV Vinh Thanh

_______________________________________

Chú thích:

1) Cf. Tỉ lệ nói dối gia tăng theo cấp học, www.tuoitre.vn, truy cập ngày 30.4.2017
2) Đào Hiếu, Cuộc cách mạng bị thất lạc, NXB Hoài Niệm, Hoa Kỳ, tr.7
3) Hình diễn viên hài Công Lý trong vai một lực sỹ cởi trần, hai tay nâng cân công lý, tượng trưng pháp luật được đưa lên trang bìa một ấn phẩm pháp luật trở thành sự kiện đầy tranh cãi.
4) Lm. Nguyễn Văn Hương, Đào tạo những mục tử như lòng Chúa mong ước, ĐCV Vinh Thanh 2016, tr. 18
5) Ngôn ngữ tuổi teen hiện nay, nghĩa là ghen ăn tức ở. 
6) Tư tưởng của Friedrich Nietzsche. 
7) Tên tác phẩm nổi tiếng, nguyên tác “The road to Peace” của linh mục Henri Nouwen.
8) Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 20.
9) Henri Jérôme Gagey, Lm. Fx. Nguyễn Tiến Dưng, AA. (dịch), Nhân học Kitô giáo, 47
10) Ibidem
11) Đỗ Quang Hưng, Nguyệt san Công giáo và dân tộc, số 211, tr. 29
12) Henri Jérôme Gagey, Lm. Fx. Nguyễn Tiến Dưng, AA. (dịch), op.cit, 262.
13) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Pacem in teris, số 11
14) Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 1.
15) Henri Jérôme Gagey, Lm. Fx. Nguyễn Tiến Dưng, AA. (dịch), op.cit, 259
16) Cf. HĐGM Việt Nam, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 523

Tài liệu tham khảo

– Công đồng Vatian II, bản dịch của Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt. 
– Đức Lêô XIII – Đức Gioan Phaolô II, Các thông điệp xã hội, ĐCV Thánh Giuse, 2000.
– HĐGM Việt Nam, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.
– Henri Jérôme Gagey, Lm. Fx. Nguyễn Tiến Dưng, AA. (dịch), Nhân học Kitô giáo, ĐCV Vinh Thanh, 2017.
– Nguyễn Thái Hợp, Chút này làm tin, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008. 
– Đào Hiếu, Cuộc cách mạng bị thất lạc, NXB Hoài Niệm, Hoa Kỳ, 2012.
– Nguyễn Hồng Giáo, Giáo hội lữ hành, Học viện Phanxicô 2010.
– Nhiều tác giả, Người Việt – Phẩm chất và thói hư, tật xấu, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2013.
– Băng Sơn, Người Việt từ nhà ra đường, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2009.
– Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 211.
– Báo Tuổi trẻ online, www.tuoitre.vn


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo