Chân dung Hồ Chí Minh - Dân Làm Báo

Chân dung Hồ Chí Minh


15 tháng Bảy, 1951

Sài Gòn, Đông Dương - Hôm nay từ mạng lưới giăng phủ đầy bao bí mật và đồn đại, Hồ chí Minh hiện ra như nhân vật cộng sản số 1 ở Đông Á.

Con người gầy gò má hóp với chòm râu thưa này đã trở thành nhân vật chủ chốt trong chính trường toàn cầu vì Đông Dương đã trở thành cửa ngõ tự nhiên cho cộng sản thâm nhập vào Đông Nam Á. Trong cuộc đấu tranh gian khổ để giành quốc gia yết hầu này, Hồ Chí Minh đã đóng vai trò trội nhất.

Hồ Chí Minh kiểm soát lực lượng quân sự theo cộng sản lớn nhất ở Đông Á. Quân đội Việt Minh gồm 100.000 quân chính quy do cộng sản lãnh đạo lại được hàng ngàn quân du kích ủng hộ đã chiến đấu từ năm 1946 đến nay để đuổi người Pháp ra khỏi Đông Dương. Là chủ tịch nước "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" được Liên Xô công nhận, ông cai trị 24 triệu người ở nửa cõi Đông Dương.

Trong suốt hơn 25 năm trời, dưới nhiều bí danh khác nhau, Hồ Chí Minh đã hoạt động trong bóng tối của phong trào bí mật của cộng sản quốc tế. Ngay cả hôm nay các hoạt động của ông cũng được bao phủ trong màn bí mật. Ông chỉ huy cuộc chiến tranh chống người Pháp từ tổng hành dinh bí mật trong núi ở phía bắc Đông Dương.

Hàng chục tin đồn và tin tức tuyên truyền nói ông đã chết vì bệnh lao, bị những người cộng sản cực đoan hành hình, bị giết chết trong cuộc dội bom của Pháp. Còn những tin đồn khác cho là ông đã bị truất phế, bị tước quyền lực, bị giam cầm.

Tuy nhiên những bằng chứng đáng tin cậy chứng tỏ Hồ Chí Minh vẫn còn sống và đương nắm quyền lãnh đạo.

Ngày nay, ở tuổi 59, Hồ Chí Minh là người gầy gò, yếu ớt chưa bao giờ bình phục hoàn toàn từ cơn bệnh lao nặng ông mắc phải vào năm 1931. Đôi mắt rất sáng dưới vầng trán rộng, cao càng lộ rõ vẻ mặt khổ hạnh. Ông ăn mặc giản dị, thường là áo đại cán cổ cao giống như Stalin.

Hồ Chí Minh ít khổ hạnh như tiếng tăm truyền tụng. Tuy không bao giờ kết hôn, nhưng một cựu phụ tá của ông nói rằng Hồ Chí Minh có đứa con gái với tình nhân vào năm 1945. Ông thích hút thuốc lá Mỹ. Thỉnh thoảng ông dùng chung cơm với cá khô của những người phục vụ riêng của ông, nhưng ông cũng thường xuyên ăn những món cao lương mỹ vị Đông Phương đắt tiền.

Lúc trò chuyện Hồ Chí Minh giọng khàn khàn được cho là nói năng truyền cảm và thuyết phục, nhưng ông không được xem như là người nói hay trước công chúng. Người ta nói sự am hiểu ngoại ngữ của ông đã sút giảm sau thời gian dài sống trong nội địa Đông Dương nhưng họ nói ông đã từng nói được tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Quảng Đông và biết chút ít tiếng Nhật và tiếng Bồ Đào Nha thêm vài thổ ngữ Đông Dương.

Cách cư xử tình cảm và nồng nhiệt che giấu tính cách tàn bạo của nhà cách mạng cộng sản chuyên nghiệp từng trải. Ông thường chào các phụ tá bằng cách ôm họ và gọi họ là "chú".

Ông thường biểu lộ sự thương yêu dành cho trẻ em. Nhiều người Việt Nam gọi ông là "Bác Hồ". Người ta biết ông khóc khi chuẩn y các bản án tử hình do "các tòa án nhân dân" của ông áp đặt lên những người tù chính trị.

Giống như hầu hết các nhà cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh trước tiên là sản phẩm của sự mâu thuẫn giữa ảnh hưởng của nền văn minh Pháp và các chính sách thực dân của đế quốc Pháp già cỗi.

Hồ Chí Minh đến Paris vào khoảng năm 1916 lúc 24 tuổi. Trong bốn năm, ông làm công trên tàu thủy Pháp mà đã đưa ông từ Sài Gòn đến Hoa Kỳ, Anh, Đức và cuối cùng Pháp. Người ta ít biết đến cuộc đời thiếu thời của ông ngoại trừ ông tên Nguyễn Tất Thành, sinh ra ở miền bắc An Nam, con của một viên quan nhỏ.

Ở Paris, nơi ông sống bằng nghề sửa ảnh, Hồ Chí Minh nghiên cứu hàng giờ liền ở Thư viện Quốc gia. Ông bắt đầu say mê chính trị và chẳng bao lâu trở thành nhân vật quen thuộc trong giới cánh tả Pháp.

Đến năm 1919, ông là đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp và ít nhiều cũng có tiếng tăm để yêu cầu Đông Dương được độc lập trước Hội nghị Hòa bình Versailles.

Ông đến Mạc Tư Khoa vài lần mà lần đầu tiên vào năm 1923 với tư cách đại biểu Đảng Cộng Sản Pháp tham dự Krestintern (Hội nghị Quốc tế Nông dân). Ông ở lại Mạc Tư Khoa hai năm, học hỏi lý thuyết chính trị Xô-viết và các phương pháp cách mạng.

Từ năm 1925 đến năm 1927, ông tham gia hoạt động cách mạng với tư cách nhân viên thuộc bộ phận báo chí của lãnh sự Nga tại Quảng Đông. Khi Quốc Dân Đảng đoạn tuyệt với Cộng sản Trung Quốc, ông trốn qua Mạc Tư Khoa.

Năm sau ông lại hoạt động với tư cách nhân viên chủ chốt của cục Viễn Đông thuộc Quốc tế Cộng sản ở Thượng Hải. Tại Hong Kong vào năm 1930 ông thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương nhưng rồi ngay sau đó ông bị người Anh bắt giam hai năm về tội khích động chính trị bất hợp pháp.

Vào năm 1940, tại thành phố Thanh Khê ở miền nam Trung Quốc, ông thành lập Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội). Thời ấy, cũng như bây giờ, tổ chức này là tập hợp các phái quốc gia dưới sự lãnh đạo của cộng sản.

Rồi Hồ Chí Minh lại bị tù, lần này bị người Trung Quốc bắt giam 13 tháng. Ra khỏi tù, ông đi làm thông dịch cho Văn phòng Thông tin Chiến tranh Hoa kỳ ở Côn Minh.

Nhờ Mỹ ủng hộ, Hồ Chí Minh vượt biên giới vào Đông Dương vào cuối năm 1944 cùng với vài trăm du kích Việt Minh và thiết lập căn cứ ở miền núi. Ông hợp tác với những toán giải cứu phi công của Không Lực thứ 14 Hoa Kỳ và bất ngờ tấn công chớp nhoáng người Nhật vài lần. Đáp lại, các sĩ quan OSS Mỹ giúp đỡ ông và họ thả dù các vũ khí cho quân du kích ông.

Khi người Nhật đầu hàng, Hồ Chí Minh đắc thắng tiến vào Hà Nội và vào ngày 2 tháng Chín, 1945 tuyên bố thành lập nước "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" của ông. Khi các cuộc thương lượng nhằm giành độc lập cho Việt Nam với người Pháp đã quay trở lại thất bại vào tháng Mười Hai, 1946, Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc chiến tranh chống Pháp.

Ngày nay, Hồ Chí Minh thống trị nhà nước hoạt động bình thường được khối Xô-viết công nhận mà có hầu như tất cả những biểu hiệu chủ quyền được chấp nhận. Ông thực thi sự kiểm soát hành chính với tư cách chủ tịch "cộng hòa" và là người đứng đầu Tổng bộ, ủy ban hành chính trung ương của chính quyền.

Câu hỏi người ta thường hay hỏi là: Hồ Chí Minh chủ yếu là ai, người Quốc gia hay người cộng sản?

Người ngoại quốc thường quan tâm đến câu hỏi này hơn chính cả người Việt. Người Việt thường bảo bạn: "Giành được độc lập là vấn đề đầu tiên; còn cộng sản là vấn đề thứ hai." Hồ Chí Minh hứa hẹn hoàn toàn độc lập.

Về những vấn đề nội bộ, Hồ Chí Minh có lẽ không nhận mệnh lệnh trực tiếp từ Mạc Tư Khoa, mặc dù một tin tức quả quyết rằng một người Nga Xô-viết tên Kharkov, và một người Tàu cộng tên Bảo, đều là ủy viên Tổng bộ.

Mối quan hệ trực tiếp vững chắc nhất của Hồ Chí Minh chính là với Bắc Kinh, nơi ông duy trì sứ quán. Trung Cộng đã cung cấp cho quân đội thiện chiến miền bắc của Hồ Chí Minh phương tiện huấn luyện và quân nhu. Tình báo quân đội Pháp cho biết những chuyên gia Trung Cộng nằm ở trong hàng ngũ quân đội Việt Minh.

Cơn ác mộng khiến Tây Phương không ngừng lo lắng là Hồ Chí Minh sẽ "rước" Trung Cộng vào và như thế có thể làm bùng nổ cuộc chiến tranh tổng lực với Trung Cộng. Sự kiểm soát phần lớn khu vực biên giới phía bắc Đông Dương của Việt Minh sẽ cho phép các "chí nguyện quân" Trung Cộng vào Việt Nam không bị cản trở.

Hiện nay, việc Trung Cộng xâm lăng Đông Dương dường như chưa có thể xảy ra, nhưng tuyên truyền của Việt Minh đang chuẩn bị quân đội của Hồ Chí Minh cho cuộc chiến tranh hao mòn trường kỳ chống Pháp, và nếu tình thế bất lợi cho ông, Hồ Chí Minh có thể yêu cầu Trung Cộng can thiệp.

The Associated Press

Nguồn:

Dịch từ báo The Washington Post, số ra ngày 15 tháng Bảy, 1951; trang B2. Tựa đề tiếng Anh "Frail, Secretive Ho Chi Minh Is No. 1 Red of Asia Gateway". Tựa đề tiếng Việt của người dịch

Bản tiếng Việt:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo