Đỗ Hồng (Danlambao) - Một năm sau khi cộng sản Việt Nam vâng theo lệnh quan thầy Nga-Tàu cưỡng chiếm miền Nam, cùng với việc họ thống nhất đất nước để dễ dàng dâng trọn cho Tàu Cộng sau này, tiếng Việt cả nước cũng đã bị “thống nhất” với những ngôn từ kỳ lạ khi nói cũng như lúc viết.
Trước hết, chúng ta nghe cách phát âm trên cả nước, nhất là ở những người trẻ, dường như chỉ mang âm hưởng theo 2 giọng: Nghệ Tĩnh (cho dân miền Bắc) và Nha Trang (cho dân miền Nam). Họ không còn giữ được cách phát âm đặc sắc riêng biệt của từng miền. Nhưng may mắn thay, những người có tuổi ở miền Bắc lại gần như lưu giữ được cách phát âm của thời trước năm 1945 và những người miền Nam lớn tuổi còn giữ lại được cách phát âm của thời trước năm 1975.
Về ngôn từ đã và đang được sử dụng trong nước, chúng ta có thể phân biệt thành ít nhất 8 loại khác nhau như sau:
1. Sai nghĩa:
- Chữ mà người trong nước thường dùng, thậm chí có một số người trẻ ở hải ngoại cũng sử dụng: “chất lượng” (gom lại từ hai chữ phẩm chất (quality) và số lượng (quantity). Thí dụ: món ăn rất chất lượng thay vì món ăn ngon”; món hàng chất lượng thay vì món hàng tốt…
- “Khẩn trương” (quan trọng khẩn cấp, thí dụ như ban bố tình trạng khẩn trương) lại bị dùng theo nghĩa gấp rút (hãy khẩn trương lên).
- “Tự sướng” (selfie) thay vì tự chụp (ảnh); trước đây chữ tự sướng có nghĩa xấu là thủ dâm.
- “Phản ánh” (phản chiếu ánh sáng) thay vì phản ảnh (ảnh ảo nhận được do phản chiếu ánh sáng).
- “Cặp đôi” (cặp là 2 và đôi cũng là 2) thay vì “cặp” hay “đôi”.
- “In ấn” (ấn cũng là in) thay vì ấn loát.
- “Vị trí” (location) thay vì chức vụ (position) (thí dụ Nguyễn Phú Trọng được bầu vào vị trí Tổng Bí Thư Đảng CSVN).
- “Thượng đế” thay vì khách hàng.
- “Đồng hành” thay vì bảo trợ hay tài trợ.
- “Sự kiện” (event) thay vì biến cố hay diễn biến hay sinh hoạt.
- “Thể hiện” (ca sĩ thể hiện bản nhạc) thay vì trình bày.
- “Liên hệ” (relation) thay vì liên lạc (contact).
- “Diễu hành” (diễu: làm trò hề hay đi lang thang, không mục đích, thí dụ như: diễu phố) thay vì diễn hành (trình diễn bước đi của tập thể trước công chúng).
- “Tính cách” thay vì tính tình hay tư cách…
2. Thiên quá nhiều về tiếng Hán Việt:
Thí dụ như “ùn tắc giao thông” hay “ách tắc giao thông” thay vì nói kẹt xe; “tham gia giao thông” thay vì đi đường; “căn hộ” thay vì căn nhà; “sở hữu” (thí dụ: cô ấy sở hữu khuôn mặt đẹp, thay vì cô ấy có khuôn mặt đẹp); “cụm từ” thay vì nhóm chữ; “tư vấn” thay vì khuyên (xin anh tư vấn cho tôi); “giải phóng mặt bằng” thay vì dở nhà hay dọn đất; “soạn giáo án” thay vì soạn bài dạy; “đáp án” thay vì giải đáp hay câu trả lời…
3. Khó hiểu:
Thí dụ: “hậu đậu” (chậm hiểu, vụng về); “thưởng nóng” (thưởng ngay); “thế hệ 8x, 9x” (sinh ra trong những năm 1980, 1990); “cưa cẩm” (tán tỉnh hay tỏ tình); “neo đơn” (một mình, cô độc hay đơn chiết); “xin đểu” (ép người khác cho tiền); “đá nóng” ( lấy trộm)…
4. Giản lược đến khó hiểu hay tiếng lóng (slang):
Thí dụ: “khủng” (quá nhiều, quá lớn - tài sản khủng); “gọi điện” hay “điện” (anh hãy điện cho em) (thay vì gọi điện thoại); “nằm viện” thay vì nằm bệnh viện…
5. Lẫn lộn về loại từ ngữ vựng:
- Động từ thành danh từ: thí dụ: “lãnh đạo” (động từ) thay vì người lãnh đạo (danh từ) (lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tuyên bố); “kỷ luật” (danh từ) thành kỷ luật (động từ) (phải kỷ luật trưởng phòng); “lái xe” (động từ) thay vì người lái xe hay tài xế (danh từ)…
- Danh từ thành tĩnh từ: thí dụ: danh từ trong gây “ấn tượng” thành tĩnh từ “rất ấn tượng”; danh từ “gia trưởng” (người chủ gia đình) thành tĩnh từ “gia trưởng” (gần như là độc tài, độc đoán)...
6. Dùng nguyên chữ nước ngoài hoặc phiên âm:
Thí dụ: “ôsin” (người giúp việc nhà); “ôtô” thay vì xe tự động; “10h” thay vì 10g; “fan” thay vì người hâm mộ; “diva” thay vì nữ danh ca; “êkíp” thay vì nhóm; “vi-rút” (virus) thay vì vi khuẩn; “vắc xin” (vaccine) thay vì thuốc chủng ngừa…
7. Đảo ngữ nhưng cùng nghĩa:
Thí dụ: “Đảm bảo” (“bảo đảm” ở miền Nam trước đây); “giản đơn”…
8. Chữ ngây ngô:
Thí dụ: “phần mềm” (software) thay vì nhu liệu; “phần cứng” (hardware) thay vì cương liệu; “chùm ảnh” thay vì loạt ảnh; “nhà trắng” (White House) thay vì Tòa Bạch Ốc, thì làm sao phân biệt được với căn nhà sơn màu trắng?…
Ngoài ra, trong cách dịch từ tiếng ngoại quốc ra tiếng Việt, nhiều người thường dịch theo thứ tự của nguyên bản. Thí dụ: “We have to make America great again, said President Trump” thường bị dịch “Chúng ta phải làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, Tổng Thống Trump nói”. Nếu dịch như thế tại sao “black shirt” chúng ta lại không dịch là “đen áo” mà là “áo đen”?
Mặt khác, cách viết trong nước cũng thay đổi một cách lạ lùng. Thí dụ: “lí lẽ” thay vì lý lẽ; “nước Mĩ” thay vì nước Mỹ…
Tóm lại, ngôn ngữ Việt sau năm 1975 đã thay đổi một cách tệ hại song song với nền văn hóa xuống dốc thê thảm khi những con người rừng rú, ngu dốt trèo lên được cương vị lãnh đạo những người văn minh hơn họ. Thật đúng như câu ông Sihanouk nói: “Nước Miên tôi trong 100 người, 1 người khôn hướng dẫn 99 người ngu; còn ở VN, 1 người ngu cai trị 99 người khôn”.
25.10.2017