Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Các lãnh đạo CSVN gần đây bày tỏ mong muốn thành phố mình được như Singapore. Bức xúc quá! Tại sao không chọn Bắc kinh, Bình Nhưỡng, Trùng Khánh… để bắt chước, lại chọn một thành phố của tư bản? Người Việt sao không đi du lịch Singapore xem thành phố này như thế nào đến nỗi ông Hải cẩu nhà ta hàng ngày phải dẫn đám lâu la dùng búa tạ đập vỡ bao nhiêu thứ gọi là chiếm dụng trái phép lòng lề đường, để thành phố mình tiến nhanh tiến mạnh, không phải tiến lên thành phố thiên đường CS, mà rẽ ngang sang thành phố “tư bản giãy rầm rầm nhưng chưa chịu lăn ra chết!”, Singapore. Điều gì cũng phải tai nghe, mắt thấy để suy nghĩ chín chắn, Phản Động quyết định làm một chuyến du lic̣h Singapore.
Xin được nhắc lại, người Việt Nam nào cứ hay phát biểu “linh tinh”, không theo ý của đảng, bị đảng ḱết tội phản động thì chỉ có cơ may đi vào nhà tù bóc lịch chứ làm gì có cơ hội đi du lịch nước ngoài. May mắn thay, Phản Động ở đây chỉ là biệt danh của Phan Văn Đông, chính vì thế sau khi nháy mắt thân thiện với công an CSVN, anh được phép lên đường đi du lịch.
1/ Phi trường Changi:
Phi trường luôn là cửa ngõ chính vào một quốc gia. Quốc gia bé tí Singapore với diện tích vỏn vẹn chỉ có 720 km2, nhưng Changi lại là một trong những phi trường lớn đứng hàng đầu trên thế giới. Phi trường tiếp khoảng 60 triệu hành khách mỗi năm, đứng hạng 6 trên thế giới, hạng nhì ở châu Á. Sự tự hào người dân Sing đối với Changi do hai yếu tố:
- Cơ sở vật chất:
Tuy đất nước nhỏ hẹp, Changi lại chiếm diện tích rộng lớn, khoảng 5 km2. Phi trường có 3 terminal, cuối năm 2017 có thêm terminal 4 và các terminal vẫn có các kế hoạch nới rộng, nâng cấp... Các terminal rất hiện đại, rất thoáng mát, có nhiều quầy để hành khách làm thủ tục check-in, check-out, security control hay border control… Mỗi terminal có 20 đến 30 cổng lên máy bay. Ngoài cửa hàng ăn uống, shopping... còn các nơi nghĩ ngơi cho hành khách. Sau khi vào khu chờ lên máy bay, hành khách có thể thong dong bách bộ qua hồ cá, thác nước, vườn bướm nhiệt đới, có nhiều ghế dài hành khách có thể ngủ, ghế đấm bóp… Tất cả đều miễn phí, hành khách có thể dễ dàng sử dụng, tạo cảm giác rất thoải mái.
- Con người:
Một cơ sở hiện đại nếu không quản lý hiệu quả bởi con người, cơ sở ấy không có một giá trị gì cả! Hành khách đến Changi có ấn tượng rất tốt về nhân viên phi trường, họ làm việc nhanh nhẹn, năng nổ… Khi số hành khách phải xắp hàng chờ tăng, lập tức thêm nhiều nhân viên phi trường được điều tới, mở thêm một hay nhiều đường line để giải quyết nhanh các thủ tục. Họ vui vẻ, liên tục phụ giúp khách hàng như hướng dẫn, xắp xếp đúng các vật dụng cá nhân qua máy dò quang tuyến... Qua sự quản lý, cách làm việc nhân viên người Sing, Changi là phi trường mà thời gian chờ đợi làm các thủ tục của hành khách ngắn nhất so với các phi trường lớn trên thế giới.
Vào những năm 60, phi trường Singapore thua kém phi trường Tân Sơn Nhất về nhiều mặt. Nhưng hiện tại nhìn lại phi trường TSN lớn nhất nước của VN, khi mưa lớn nó trở thành như cái hải cảng cho tàu bè. Một phần diện tích phi trường đã được đảng yêu ái dành cho “quốc phòng làm kinh tế”: Một sân golf, một nhà hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ cho các đại gia. Quyền lợi cả đất nước phải hy sinh cho nhóm thiểu số quan chức CS và cái mãnh đất "quốc phòng làm kinh tế" đấy, vẫn hàng ngày đứng ngang nhiên, thách thức người dân trong cả nước. Hải Cẩu hàng ngày cùng đám lâu la vác búa đập phá những “chiếm dụng lòng lề đường bất hơp pháp”, để được như Singapore. Hung hăng nhưng Hải Cẩu vẫn không dám đụng đến đất đai chiếm dụng của đám “quốc phòng làm kinh tế”. Đụng đến đám đấy không phải một Hải Cẩu, cả trăm Hải Cẩu cũng bị xé cho tan xác.
2/ Giao thông, môi trường và... cảnh sát.
Taxi đưa khách từ phi trường về khách sạn được quản lý một cách hoàn hảo, giá cả không đắt và rất minh bạch. Đường về khách sạn tại trung tâm thành phố thoáng rộng, không có kẹt xe. Dọc suốt theo theo đường là các hàng cây bông giấy đủ mọi màu sắc, cắt tỉa gọn gàng. Bảng chỉ dẫn trên đường hoàn toàn bằng Anh ngữ vì Singapore xử dụng Anh văn là ngôn ngữ chính, mặc dù 75 % dân số là người gốc Hoa. Đa số xe lưu thông trên đường là xe mới. Người tài xế taxi giải thích:
- "Chính phủ chỉ cho thời gian tối đa xử dụng xe là 10 năm. Sau đó phải bán cho chính phủ, hoặc phế bỏ vì tân trang hoặc xin giấy phép tiếp tục lưu hành rất khó, rất tốn kém. Giá xe ở Sing rất đắt, chiếc taxi Prius này giá ở Sing 130. 000 đô Sing -96000 đô Mỹ. Xe hạng sang Bentleigh, sơ sơ 2 triệu... Ngoài ra người ta còn phải đóng thuế đường, thuế thả thán khí... Tất cả chỉ vì nhà nước muốn mọi người xử dụng chuyển chở công cộng rất tốt như xe bus, xe điện ngầm, xe đạp... Môi trường không khí ở Sing tốt, không ai phải đeo khẩu trang khi ra đường”.
Tất cả xe chạy tuân hành rất đúng luật, không có bóng dáng của cảnh sát giao thông đâu cả. Khác hẳn ở Việt Nam các “con bọ vàng” lổn ngổn đầy đường.
Người tài xế: "Cảnh sát chỉ xuất hiện khi nào có tai nạn làm trở ngại giao thông. Nhà nước phải tính toán chi tiêu hợp lý. Lương trung bình cảnh sát ở Sing là 42000 đô một năm, mướn nhiều cảnh sát tiền đâu chi dùng cho y tế, giáo dục...”.
Ngân sách 2016, chính phủ Sing chi tiêu khoảng 75 tỉ đô Sing gồm14 % cho quốc phòng (nước nào không e ngại anh láng giềng hung hãn China?), 12. 8% cho giáo dục, 11% cho y tế... Một nữa ngân sách 5. 4% của bộ nội vụ, tức khoảng 2. 7 % tổng ngân sách được phân cho cảnh sát để xây dựng cơ sở, huấn luyện... và trả lương. Nước CHXHCNVN mặc dù rất mập mờ trong ngân sách, người ta cũng ước tính VN chi khoảng 12% tổng ngân sách để nuôi hơn 600 ngàn công an, cảnh sát cùng bao nhiêu trại tù; 10% cho quốc phòng... Đấy là những con số biết nói. Vâng nó đã nói lên: qua chế độ công an trị, tiền của người dân đóng thuế được chi để khoá miệng mồn của chính người dân.
3/ Vòng quanh Singapore:
1/ Marina Bay Sands (MBS): đây là casino đứng riêng được xây dựng đắt giá nhất trên thế giới. Công ty Las Vegas Sands đầu tư khoảng 8 tỉ đô, xây cất trong hơn 3 năm, khánh thành vào năm 2010. MBS gồm ba toà tháp cao 55 tầng, tượng trưng ba bộ bài dựng đứng. Trên cùng ba tháp được nối liền với nhau bằng khối thép khổng lồ, trông xa như chiếc ghe dài, được đặt tên là Sands Skypark. Skypark gồm một bể bơi khổng lồ Infinity pool, một observation deck, nơi cao nhất có thể nhìn được toàn cảnh thành phố và vịnh Singapore… Trong ba toà tháp MBS là khách sạn 5 sao có trên 2500 phòng, cùng nhiều cửa hàng nổi tiếng trên thế giới, nhà hàng…
2/ Gardens by the Bay: Cạnh MBS là công viên nổi tiếng Gardens by the Bay, rộng trên 100 hectare gồm các khu vườn được bảo tồn, công viên cho thiếu nhi, thác nước... Du khách có thể dạo chơi cả ngày qua các cầu ngang qua thác nước, trên đầu là vòng cung cho các loại hoa leo, bên cạnh là các hồ nước với đủ loại hoa. Trong công viên người ta thấy rất nhiều những bông hoa, những con bướm, chuồn chuồn... khổng lồ, đủ mọi màu sắc. Đương nhiên đây là sản phẩm tưởng tượng của con người tạo ra. Từng gốc cây, bờ cỏ... tất cả đều được chăm sóc cẩn thận, đặt đúng nơi, đúng chỗ của người thiết kế.
Tại Gardens by the Bay, không thể không ghé xem những cây “super trees”. Những “cây” này cao khoảng 25 đến 50 mét, được tạo dáng bởi những ống sắt là các ống thoát hơi nóng, ống nước tỏa nhiệt của toà nhà phía dưới công viên. Đủ các loại cây leo, fern bám vào các ống sắt này, khi lên cao “cây” xoè như tàn cây cổ thụ. Với cây cao và lớn, người ta có thang máy đề đưa khách du lịch lên trên để thưởng ngoạn. Ban đêm các cây này được thắp sáng lên rực rỡ nhờ năng lượng từ các tấm pin mặt trời.
Gần Gardens by the Bay, du khách có thể thăm viện bảo tàng nghệ thuật Singapore có kiến trúc hình một bông hoa sen khổng lồ.
3/ Sentosa (Resorts World Sentosa) RWS: một quần thể cho du khách giãi trí và nghĩ dưỡng gồm đường đi bộ được lát gỗ, casino, hotel, bãi biễn, khu làng điện ảnh Universal Studio, thủy cung SEA aquarium, đường ống dưới biển thăm thế giới dưới đại dương Underwater world, suối nước và tượng sư tử biển Merlion cùng rất nhiều khu giải trí nhỏ khác. Sentosa được xây dựng bởi công ty Genting Singapore với chi phí hơn 6 tỉ rưỡi đô Sing. Tại khu này du khách tây phương có thể thấy đủ các cửa hàng thức ăn quen thuộc như McDonald, Burger King, Hard Rock Cafe…, người Sing ai cũng nói tiếng Anh lưu loát nên Singapore được chọn là thành phố người Tây phương cảm thấy thoải mái nhất khi du lịch ở Á châu. Ngoài ra trẻ em, đôi khi có cả lớp học vào khu Sentosa để học, để tìm hiểu về môi trường, động thực vật…
4/ Người Việt ở Singapore: theo sứ quán VN, có tổng cộng khoảng 13000 người Việt sinh sống ở Singapore. Trong số này, khoảng trên 2000 là các cô dâu Việt lấy chồng người Sing được định cư lâu dài. Số còn lại là sinh viên, học sinh được gia đình cho "lên thuyền" để trở thành các "thuyền nhân tị nạn giáo dục nhồi sọ CS", và những người Việt có được việc làm ở Singapore. Đương nhiên VN cũng là nguồn xuất khẩu những di dân lậu qua Sing để làm gái hay bán thuốc lá lậu… Di dân này nhan nhãn ở các khu ăn chơi đèn đỏ, lầu xanh.
Người Việt ở Sing không ở tập trung, chỉ hay gặp gỡ trong các tổ chức, hội đoàn người Việt. Có một số cửa hàng ăn Việt Nam, người chủ có thể là người Sing hay người Việt... Singapore là một thành phố đắt đỏ trên thế giới, đầu tư mở một cửa hàng ở Sing cần số vốn không nhỏ. Thế nhưng cónhững quán VN được mở ở những địa điểm tốt trong thành phố. VN đang rất cần đô la, nợ công cao, nhiều dự án không tiến hành được vì hết vốn như công trình Metro Sài Gòn... Tại sao người Việt có thể đem số tiền khổng lồ ra khỏi nước để đầu tư mở nhà hàng ở Sing?
Có quán VN (khu China town) cho vẽ hình HCM trên tường. Có lẽ buôn bán hơi ế ẩm nên muốn nhờ “Bác” đứng quảng cáo, níu kéo khách vãng lai dùm cho quán? Những cô gái phải hành nghề “buôn hương bán phấn” nơi xứ người cũng nên mặc áo có in hình “Bác” để nhờ “tiếng tăm của Bác”có thêm nhiều khách chơi. Nhìn những quán kinh doanh này không khỏi làm nhiều người nhớ lại, trước 30/4/1975 có nhiều cơ sở “kinh tài của Việt cộng” ở Sài Gòn. Đấy là nơi nhận vốn từ đảng và nhà nước CS kinh doanh, kiếm lời. Tiền lời ấy đi đâu chỉ có đảng mới biết!
4/ Những suy nghĩ về sự phát triển của Singapore:
Trong năm 2016, số du khách ghé Singapore hơn 16 triệu rưỡi người. Diễn Đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), trong báo cáo về sự ganh đua trong ngành du lic̣h, Singapore xếp hạng hai trong khu vực châu Á Thái bình dương, chỉ đứng sau Úc. Đây thành tựu đáng tự hào cho đất nước bé tí Singapore, nó nói lên sự quản lý và đầu tư vô cùng hiệu quả. Và không phải chỉ về du lịch, nhìn tổng quát Singapore đứng hạng ba trên thế giới về lợi tức tính bình quân trên đầu người sau Qatar, Luxembourg, hạng năm thế giới về chỉ số phát triển con người HDI (Human Development Index), sau Na Uy, Úc, Thụy Sĩ, Đức, và Đan Mạch. Đương nhiên những con số liên quan về giáo dục, y tế, tính trong sáng của nhà nước ít tham nhũng... Singapore đứng các vị trí đầu trên thế giới.
Quay về Việt Nam, Phản Động không còn nhớ rõ đất nước “đỉnh cao trí tuệ” nằm ở vị trí nào, có lẽ vẫn lẹt đẹt ở cuối bảng? Tại sao lại vậy nhỉ? Đừng nhìn nghiêng nhìn xéo, hãy nhìn thẳng những con số và suy nghĩ.
Phản Động có dịp trò truyện với Eric Tan, một người Sing đã có dịp qua VN làm việc một thời gian khá dài. Anh nói về đất nước, con người Singapore:
- "Tôi cũng như nhiều người bạn Singapore khác, rất ngưỡng mộ người Anh, mặc dù Singapore, Mã Lai là thuộc địa cũ của Anh. Không phải tất cả cái gì từ thực dân Anh đều là xấu. Người dân Singapore đã học hỏi rất nhiều từ người Anh. Ở nhà người Sing có thể nói tiếng Hoa, tiếng Malay, tiếng Ấ́n.. nhưng tiếng Anh vẫn được giữ là ngôn ngữ chính. Chính quyền Singapore hiện nay tổ chức rập khuôn theo kiểu mẫu Westminster của Anh. Đây là một thể chế chính trị gồm một chính phủ nắm quyền điều hành quốc gia. Trong quốc hội có thêm nội các đối lập trong bóng tối (shadow cabinet) được tranh cãi ngang hàng với chính phủ để thi hành chính sách cũng như thông qua các luật lệ của đất nước. Một hệ thống chính trị dân chủ hoạt động rất hiệu quả, chấp nhận đối lập chính kiến, đương nhiên không ai có thể bị ghép về tội gọi là “phản động” …
- "Nhưng Eric hãy nói về Ấn độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, là một thuộc địa cũ của thực dân Anh, bây giờ cũng có chính quyền dân chủ theo kiểu mẫu Westminster? Sao Ấn độ vẫn không phát triển, bắt kịp China?"
- "Các nước trên thế giới, nhất là trong vùng Á châu, đều muốn Ấn Độ trỗi dậy về kinh tế, quân sự để quân bình các thế lực của China trong vùng, giảm áp lực quân sự, kinh tế chủ yếu từ anh chàng China hung hãn, không hề biết đến điều ngay, lẽ phải. Mặc dù thủ tướng Ân Độ Modi có nhiều cải cách nhưng còn phải tốn nhiều thời gian để Ấn Độ trở thành một cường quốc mới.”
"Tại sao Ấn Độ không phát triển như Mã Lai, Singapore sau khi dành được độc lập? Đây là đề tài rất thú vị và cần nhiều thời gian để bàn luận. Về người Ấn, không chỉ trên đất nước Ấn Độ, khi di dân ra nước ngoài có nhiều điều làm ta phải suy nghĩ. Người Ấn là một dân tộc thông minh. Theo thống kê, nhiều CEO trong các công ty lớn trên thế giới là người Mỹ gốc Ấn, cao hơn bất kỳ các sắc dân nào khác. Trong khi người Mỹ gốc Hoa thường là chủ tiệm ăn, kinh doanh nhỏ. Tương tự ở Mã Lai, cộng đồng người Ấn rất đông. Nhiều người Ấn ở Mã thành công, địa vị cao nhưng cũng có rất nhiều người Ấn rất nghèo ở trong khu ổ chuột, hai giai cấp người Ấn giàu nghèo rất rõ rệt".
"Trở về Ấn Độ, sự phân chia giai cấp đến nay vẫn là một tệ nạn. Chỉ cần biết họ tên của một người Ấn là biết họ thuộc giai cấp nghèo hay giàu. Người giai cấp giàu khi ra đường, lỡ bị chạm bởi một người giai cấp nghèo, họ phải về nhà tẩy rữa sạch sẽ ngay. Sự khinh bỉ giai cấp giàu đối với giai cấp nghèo xuất phát từ truyền thống văn hoá, tôn giáo... rất lâu đời. Người giai cấp nghèo thường an phận vì họ đã được giáo dục, đã quen với một xã hội như thế. Ngoài ra còn việc tảo hôn, con gái phải có của hồi môn khi về nhà chồng nếu không bị khinh rẻ; dân đói không có thịt ăn nhưng bò thì được chăm sóc như thần, như thánh; người chết thi thể đem ra sông Hằng để được trôi về nơi cực lạc... Một xã hội phức tạp và phân hoá khủng khiếp".
"Điều nhiều người Ấn đã nhận ra, đấu tranh chống thực dân dành độc lập có thể làm được vì chế độ thực dân là một thực thể bên ngoài, thấy rõ được nó. Còn đấu tranh chống những hủ tục, những điều ngược với xã hội văn minh, những cái nằm sẵn trong mình do văn hoá, tôn giáo, giáo dục ảnh hưởng lên mình từ khi chào đời, quả thực vô cùng khó khăn. Bao nhiêu đời thủ tướng Ấn muốn có cải cách xã hội nhưng bức tường văn hóa, tôn giáo không sao vượt qua, có cố vượt qua chính phủ cũng té nhào".
"Người Sing là di dân từ các nơi khác, đa số từ Hoa lục, không phân biệt giai cấp, bất đồng xã hội, tất cả đoàn kết để vươn lên, khát khao tạo cuộc sống tốt đẹp hơn nơi quê nhà. Singapore không dám nhận mình là “đỉnh cao trí tuệ”, không khoe khoang, họ khiêm nhường học hỏi các điều tốt đẹp ngay cả ở chế độ thực dân. Người Sing đã xác định hướng đi đúng đắn để có một Singapore đáng tự hào trên thế giới ngày nay".
"Singapore giàu có, nhưng chúng tôi thiếu nước, thiếu đất, thiếu thiên nhiên. Nước sinh hoạt chúng tôi mua được, còn đất và cảnh trí thiên nhiên thì chịu. Nhiều người ta chê cảnh thiên nhiên ở Sing chỉ là cảnh giả, hơn 50 % cảnh do con người tạo ra. Chẳng hạn làm gì Singapore có được vịnh Hạ Long, nên người ta dùng xi măng tạo ra động thạch nhũ trong một không gian nhỏ xíu. Tương tự, thác nước chỉ toàn là xi măng, máy bơm nước... Đâu thể nào làm khác!".
- Eric đã từng ở VN. Sài Gòn trở thành như Singapore có vẻ thực tế hơn là thành phố thiên đường hoang tưởng Cộng sản. Eric có ý kiến như thế nào?”.
- "Những năm 60, Singapore không bằng Sài Gòn. Đất đai, thiên nhiên của VN phong phú, vị trí như căn gác nhìn ra biển Đông, người Sing chúng tôi thèm rõ rãi. Nhưng bao năm qua VN vẫn lẹt đẹt, lý do cũng giống như Ấn Độ, không có đoàn kết? Người Nhật sau bại trận, tinh thần dân tộc khiến họ đoàn kết để xây dựng nước Nhật ngày nay. Việt Nam sau 30/4/1975, sự huyênh hoang và cách đối xử tàn tệ của người CS với người miền Nam đã làm sự chia rẽ trong xã hội càng trở nên tệ hại sau nhiều năm nội chiến. Việt Nam tuy dân tộc có lic̣h sử hơn bốn ngàn năm dựng nước nhưng lại chia rẽ, phân hoá hơn bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Đấy là do con người, nhất là con người ở vị trí lãnh đạo. Muốn phát triển, VN phải cần nhiều cuộc cách mạng. Tiên khởi là “cuộc cách mạng chống dối trá”, tạo dựng lòng tin giữa con người và con người. Đất nước cứ ỳ à, ỳ ạch thế mà cứ ca ngợi thiên đường nơi mọi người hưởng thụ theo nhu cầu. Đầu óc, tay chân lúc nào cũng xoay sở kiếm chác bằng đủ mọi cách bần tiện nhất thế mà miệng mồn lúc nào cũng luôn ca ngợi như cái loa, tư tưởng đạo đức XHCN...”. Thế giới văn minh hiện nay chẳng còn ai thèm để ý gì đến lời khoe khoang “đã đánh thắng bao nhiêu đế quốc”, người ta chỉ nể nang dân tộc biết làm giàu nhờ kinh tế, người dân có nhân quyền, hạnh phúc...
- "Ha... ha... "Cách mạng chống dối trá" mà thành công thì còn gì đảng Cộng sản VN! Ai ở Việt Nam dám đứng ra thành lập “Mặt trận giải phóng dối trá”? Eric nói thêm một hồi đảng và nhà nước CSVN gửi cho Eric giấy chứng nhận "Phản Động" thì khi xin thị thực vào VN là phiền lắm!".
Lời kết:
Từ trên khách sạn nhìn xuống Singapore ban đêm. Nhiều người Sing tụ tập trước tượng con sư tử phun nước, một biểu tượng của thành phố. Không có tượng lãnh tụ nào được trưng bày để dân chúng đến xem vì Singapore có thành quả ngày nay do cả dân tộc Sing biết đoàn kết chứ không một cá nhân nào. Nhìn xa, những ánh đèn led đổi đủ mọi màu xanh đỏ, sáng lung linh trên nóc các nóc nhà vòm, những cây super tree, những tia sáng laser được chiếu từ Skypark thành những đường sáng xanh rực ngang dọc trên bầu trời đêm, Singapore thực rạng rỡ về đêm. Xa tít về phía chân trời, những dãi màu đen và xám mờ nhạt, quê hương Việt Nam, thành phố Sài Gòn. Nếu Sài Gòn không có ngày 30/04/1975, vẫn là thành phố tự do như Singapore hiện nay, mọi điều chắc chắn đã đổi khác. Người Việt sẽ chân thật với nhau như những ngày “thiệt thà, chất phác của nông dân miền Nam”, sẽ không có “quốc phòng làm kinh tế”, không có những kẻ khoác lác, không có những kẻ cơ hội chủ nghĩa đang dùng búa tạ để Sài Gòn trở thành như Singapore…
Singapore quả thực may mắn. Vô cùng may mắn vì trong quá khứ hay hiện tại, không có tấc đất nào của Singapore có thể làm nơi sinh sôi, nẩy nở của mầm mống độc hại cộng sản.
27/10/2017