Nguyễn Thành Trí (Danlambao) - Tại Bắc Kinh ngày 24/10/2017, Đại hội đảng Trung Cộng đã bế mạc với một sự kiện nổi bật là “Tư Tưởng Tập Cận Bình” được chính thức ghi vào điều lệ đảng. Điều lệ của Đảng Trung Cộng được coi như một thứ Hiến Pháp của Trung Quốc! Như vậy, Tập Cận Bình, người đang cầm quyền cai trị tối cao ở Hoa Lục đã được tôn lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, người khai sinh ra đảng Trung Cộng và nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Tham vọng của Tập Cận Bình đến mức này đã rõ, về mặt hình thức bên ngoài, là đưa sự sùng bái cá nhân Tập Cận Bình lên ngang hàng với Mao Trạch Đông; còn về mặt phẩm chất nội dung Tư Tưởng Tập có bằng tư tưởng Mao hay không thì phải để sau này xem xét phân giải. Cho đến nay, điều lệ của Đảng Trung Cộng chỉ ghi nhận có một tư tưởng Mao Trạch Đông, một tư tưởng cách mạng vô sản vào những thập niên 1950-1970 đã từng gây nên những phong trào-sóng gió và thù hận chết người ở các nước nghèo khổ không phát triển của Thế Giới Thứ Ba.
Các phong trào cách mạng vô sản ở các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba đã không thành công. Mao Trạch Đông phải chịu mở cửa Hoa Lục để tiếp đón Tư Bản Tây Phương, và rồi Mao chết đi mang theo Tư Tưởng Mao vào lịch sử Đảng Trung Cộng. Kế tiếp là cả một thành trì cách mạng cộng sản bị sụp đổ, cái tên nước và lá quốc kỳ của nó đã bị hủy bỏ, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Sô Viết, một cái tên nước dài lượt thượt nên gọi tắt là Liên Sô và lá quốc kỳ Đỏ Búa Liềm đã bị chôn vùi dưới nấm mồ lịch sử Nga. Khối cộng sản tan rã, Chiến Tranh Lạnh xem như chấm dứt, thiên hạ được sống tạm thời thái bình, mỗi quốc gia tự lo chuyện nhà mình cho tới nay hầu như không còn ai có ý muốn thống trị thế giới nữa.
Như vậy, bây giờ năm 2017, bốn mươi mốt năm sau ngày Mao chết, Tập công bố Tư Tưởng Tập Cận Bình, một thứ tư tưởng mà tác giả của nó gọi là “Chủ Nghĩa Xã Hội Có Đặc Tính Trung Quốc Trong Thời Đại Mới”. Hơn nữa, cái tên gọi của thứ tư tưởng này đã được tác giả của nó lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài diễn văn khai mạc đại hội đảng dài hơn ba tiếng đồng hồ, một bài diễn văn dài phá kỷ lục thế giới.
Có một điều cần nói ra ngay, cũng như Trung Cộng đã từng nói “nền kinh tế thị trường có đặc tính Trung Quốc” phải hiểu là chủ nghĩa tư bản bị lai căn ở Hoa Lục với đủ thứ tệ nạn tham nhũng của nó; giờ đây chủ nghĩa xã hội không còn thuần chất nữa mà có đặc tính Trung Quốc thời đại mới, phải hiểu là “đàn áp thô bạo người dân Hoa Lục và người dân tộc thiểu số dưới chiêu bài chống khủng bố trong nước”. Chủ nghĩa xã hội lai căn Trung Cộng thời đại mới là đi thực dân kiểu mới, dùng tiền để xâm lược mua chuộc lãnh đạo các nước độc tài ở Phi Châu, và chuyện này đang xảy ra ở Phi Châu.
Rõ ràng Tập Cận Bình đang chiếm thế mạnh trong Đảng Trung Cộng, một hình thức tập trung quyền hành vào chỉ một người, Tập Cận Bình Chủ Tịch Của Mọi Thứ, trong chính quyền Hoa Lục và trong đảng. Khi Đại Hội Đảng Trung Cộng đã hoàn toàn nhất trí việc đưa Tư Tưởng Tập vào điều lệ đảng, không một đảng viên nào dám có ý kiến thắc mắc về nội dung của nó, người ta hiểu được Tập Cận Bình sẽ áp dụng một phương tiện hữu hiệu là Tư Tưởng Tập - Điều Lệ Đảng để mạnh tay trấn áp các đối thủ chính trị trong đảng ở Hoa Lục trong tương lai. Về việc đưa Tư Tưởng Tập Cận Bình vào Điều Lệ Đảng chứng tỏ rằng Tập và bè phái của Tập còn cảm thấy bất an. Lo lắng về quyền hành và các chính sách của Tập vẫn còn bị nhiều thách thức, nó có thể nẩy sinh những bất bình trong tương lai và sẽ khiến cho Tư Tưởng Tập thất bại, đồng thời việc cải cách kinh tế và chính trị của Hoa Lục sẽ gặp nhiều trở ngại.
Một cách khách quan, Tư Tưởng Tập không có cao kiến gì cả, không có gì mới lạ đối với những lãnh chúa cai trị độc tài, vào thời 100 năm về trước hay 100 năm về sau này. Vì nó đúng là sự tập trung quyền hành vào một người lãnh đạo tối cao như hoàng đế, ở đây là Hoàng Đế Tập Cận Bình, siết chặt sự kiểm soát triều đình như sự kiểm soát nội bộ đảng, quan quân hay thần dân nào không trung thành với vua thì bị chém đầu; còn đảng viên nào phản đối Chủ Tịch Tập thì bị thanh trừng vì cái cớ “vi phạm điều lệ đảng như vi phạm hiến pháp Hoa Lục”. Hơn nữa, dưới chiêu bài chống khủng bố Chủ Tịch Tập sẽ không ngần ngại tàn sát người dân tộc Hồi, Mông, Tạng nổi dậy đòi hỏi quyền lợi của họ trong Hoa Lục.
Cách nay năm năm Tập Cận Bình lên cầm quyền thống lãnh Hoa Lục, ông ta đã rất quyết đoán, và không che giấu ý định bành trướng lãnh thổ, và chắc chắc rằng Tập Cận Bình còn có tham vọng xuất khẩu Tư Tưởng Tập của mình ra nước ngoài. Sau đại hội đảng vừa rồi Tập đã thu tóm tất cả quyền lực trong đảng một cách dễ dàng, nên Tập dễ có ảo tưởng rằng “Giấc Mơ Hoa Lục” sẽ thành hiện thực, một ảo tưởng về sự xây dựng Hoa Lục thành công bằng việc dùng bạo lực đàn áp trong nước. Điều này không có nghĩa Hoa Lục dưới sự lãnh đạo của Tập và Đảng Trung Cộng là một cường quốc đủ mạnh để bành trướng lãnh thổ ở bên ngoài Hoa Lục.
Theo định nghĩa căn bản, một cường quốc phải có yếu tố tiếng nói trung thực của nhân dân trong nước. Như vậy, Hoa Lục dưới sự lãnh đạo của Tập và Đảng Trung Cộng chưa phải là một cường quốc, vì Tập và Đảng Trung Cộng chưa trả lại tiếng nói trung thực của người dân Hoa Lục trong quốc hội; các đại biểu Quốc Hội Hoa Lục không thực sự là người đại diện chân chính của người dân Hoa Lục.
Trong bài diễn văn khai mạc đại hội vừa qua Tập Cận Bình đã khoe khoang một trong những thành công lớn của Hoa Lục dưới sự lãnh đạo của Tập và Đảng Trung Cộng là bành trướng khu vực Biển Đông Nam Á, một sự bành trướng chiếm gần hết Biển Đông của nước Việt Nam, mà Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Việt Cộng một đảng cộng sản đàn em phải chịu lép vế nín thinh để cho đàn anh cướp mất vùng biển và các hải đảo của mình. Một nước-ăn-cướp, dễ dàng cưỡng đoạt vùng biển và đảo của nước cộng sản đàn em, thì cũng không phải là một cường quốc. Nước Mỹ ở ngoài khu vực Đông Nam Á, nhưng Mỹ đã từng và đang là một nước có liên quan mật thiết với các nước Đông Nam Á; tuy nhiên Mỹ đã đang phải bận rộn vì cuộc chiến chống khủng bố ở hai nước Iraq và Afghanistan hơn mười năm nay nên Tập có thể lầm tưởng “Mỹ đang bỏ khoảng trống quyền lực” tại khu vực Đông Nam Á để Trung Cộng dễ dàng lấp vào thay thế Mỹ. Nếu là một cường quốc thì Hoa Lục-Tập Cận Bình phải tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố quốc tế như các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Gia Nã Đại. Ngược lại, Hoa Lục-Tập Cận Bình đã và đang đứng ngoài cuộc chiến chống khủng bố để hưởng lợi, như vậy cũng không phải là một cường quốc thực sự.
Bây giờ, đang có những lãnh đạo của một số nước không muốn nước của họ có tự do dân chủ, vì họ nghĩ rằng tự do dân chủ mang lại tình trạng không ổn định xã hội, thiếu an ninh trong nước, và bản thân họ có nguy cơ bị thay thế bởi người khác. Vì tham quyền cố vị, nên họ đã độc tài càng thích độc tài hơn, và họ sẽ nhập khẩu Tư Tưởng Tập với điều kiện Hoa Lục-Tập Cận Bình phải hậu thuẫn duy trì chế độ độc tài của họ.
Tư Tưởng Tập Cận Bình thực chất là một chủ trương “đàn áp bên trong, xâm lược bên ngoài” của họ Tập áp dụng ở Hoa Lục. Đối với một số nước nhỏ láng giềng của Hoa Lục chắc chắn họ phải lo sợ trong tương lai Hoa Lục-Tập Cận Bình sẽ xâm lược sáp nhập nước của họ. Tóm lại Tư Tưởng Tập Cận Bình có thể xuất cảng sang các nước độc tài; còn các nước dân chủ nhận thấy rằng cái tư tưởng tai hại này không thể được áp dụng cho nước của họ.
Chủ trương “đàn áp bên trong, xâm lược bên ngoài” có thể xem nó như một chủ thuyết; nó không thể là một tư tưởng vì nó thiếu tính chất triết học của một tư tưởng. Nhưng dù sao người Hoa Lục cũng đã gọi nó là một tư tưởng, thì Tư Tưởng Tập không thể so sánh bằng Tư Tưởng Mao. Tập Cận Bình tự mình muốn được đưa lên ngang tầm với Mao Trạch Đông là Tập mong muốn được sự sùng bái cá nhân. Nhân dân Hoa Lục và người dân tộc thiểu số ở trong Hoa Lục có sùng bái Tập Cận Bình hay không là một chuyện khác.
Sài Gòn, 25/10/2017