Người lang thang (Danlambao) - ...Đằng sau các tượng đài thường là mặt trái của lịch sử. Bài học từ những vụ đập phá tượng đài trong lịch sử các quốc gia cho thấy hậu quả khi sự dối trá đã bị lột trần như thế nào. Lịch sử thường bị bóp méo vo tròn bởi các chính trị gia và tượng đài thường được xử dụng để tô điểm cho quan điểm của họ. Đám đông chỉ là con số không bị nhồi sọ, giật giây để rồi trở thành cuồng tín chủ nghĩa, căm thù, bạo hành vô cảm. Vì vậy, trách nhiệm của những nhà viết sử là phải truy tìm sự thật, độc lập và khách quan trong nhận định của mình. Công tội phải phân minh. Bàn tay nhuộm máu không thể dược che đậy hay tìm cách chạy tội khi đã đem sinh mạng con người ra làm vật tế thần cho trò chơi chủ nghĩa...
*
Biến cố xảy ra ở Charlottevilles, tiểu bang Virginia, ngày 12.08.2017 do chuyện tượng tướng Robert E. Lee bị di dời cho thấy sự chia rẽ sắc tộc ngấm ngầm trong xã hội Hoa Kỳ đã đến mức báo động.
Tượng của tướng Lee và hàng ngàn tượng đài khác được dựng lên ở các khuôn viên đại học, các công viên và các địa điểm trung tâm thành phố lớn, phần nhiều thuộc các tiểu bang miền Nam để tưởng nhớ những người đã nằm xuống trong cuộc nội chiến Bắc Nam. Các tượng đài này gắn liền với một quá khứ đầy sự kỳ thị chủng tộc, chế độ nô lệ và các vụ treo cổ giết người không cần sự xét xử của tòa án. Các tượng đài này đã làm nhiều người da trắng hiểu sai về một giai đọan lịch sử đen tối của miền nam Hoa Kỳ.
Chúng ta phải hiểu các tượng đài được dựng lên với mục đích gì nếu muốn hiểu những gì đã và đang xảy ra ở các tiểu bang phía Nam.
Tướng Robert Edward Lee, tổng tư lệnh quân đội Liên Minh Miền Nam luôn là tâm điểm trong các cuộc thảo luận, tranh cãi của các nhà nghiên cứu, các chính trị gia và những người ngoài phố. Ông là biểu tượng của một anh hùng hay của sự chia rẽ sắc tộc. Công và tội của ông trong cuộc nội chiến Bắc Nam. Tượng của ông được dựng lên mang ý nghĩa văn hóa để gợi nhớ lại một chính nghĩa đã bị bỏ quên. Nó đại diện cho những điều tốt đẹp để lưu truyền cho hậu thế hay đại diện cho sự tàn ác trái ngược với lương tri nhân loại.
Tượng của ông và các tượng đài khác lần lượt được dựng lên từ năm 1920, đúng 50 năm sau khi ông qua đời. Nguyên nhân sự ly khai của 11 tiểu bang miền Nam được giải thích lại là do sự bất đồng quan điểm trong bản hiến pháp được ban hành bởi tổng thống Abraham Lincoln và cuộc nội chiến Bắc Nam đã xảy ra dưới vỏ bọc chiêu bài giải phóng nô lệ của miền Bắc. Quan điểm xét lại này được nhiều người ủng hộ.
Xây dựng, di dời hay phá bỏ tượng đài là chuyện vẫn xảy ra từ xưa đến nay. Thảm kịch ở Charlottevilles, nơi các phần tử cực đoan da trắng dùng bạo lực để chống lại việc di dời tượng tướng Lee, cho thấy nhu cầu kiến thức rất cần thiết trong việc phải làm gì với những tượng đài để có được kết quả tốt nhất cho xã hội, nhất là với những công trình điêu khắc phản ảnh một giai đoạn đen tối trong quá khứ.
Hàng ngàn tượng đài được chính thức đặt ở các địa điểm trung tâm thành phố lớn tại các tiểu bang miền Nam, ngoài mục đích tưởng nhớ những người đã nằm xuống, còn là một tín hiệu ngầm đầy kiêu hãnh của người da trắng thượng đẳng tiếc nhớ về một quá khứ với chế độ nô lệ, kỳ thị, người da đen là món hàng trao đổi. Bằng cách xây dựng tượng đài người ta tạo ra hình ảnh một miền Nam bi hùng trong cuộc chiến. Tượng đài cống hiến thêm chuyện sự thua trận là anh hùng và người ta không cần phải xấu hổ khi chiến đấu cho việc chiếm hữu nô lệ. Nhiều năm sau cuộc nội chiến, những người da trắng ở các tiểu bang miền Nam đã cố tránh không nhắc đến chế độ nô lệ mà lại giải thích chiến tranh đã xảy ra vì những lý do khác. Chính vì thế, ngày nay, nhiều người da trắng ở phía Nam cho rằng các tượng đài là biểu tượng của sự lãng mạn và vẻ đẹp hùng tráng. Trận chiến về các pho tượng là trận chiến của những câu chuyện lịch sử miền Nam đã đượcc kể lại như thế nào. Khi lịch sử bị ngụy tạo, bóp méo sai lệch và chuyện nô lệ bị giảm nhẹ thì các tượng đài càng có vẻ vô tội đầy nét quyến rũ.
Di dời hay phá bỏ một tượng đài là cần thiết khi nó biểu tượng cho một quá khứ đen tối không thể chấp nhận được, ví dụ như các tượng đài do Đức Quốc Xã xây dựng trong thế chiến thứ 2. Tổng thống Trump cho rằng việc di dời tượng tướng Lee là xóa bỏ lịch sử và di sản văn hóa. Ở đây ta cần nhấn mạnh là lịch sử và ký ức là 2 chuyện khác nhau. Chúng ta không cần tượng Hitler để nhớ đến thế chiến thứ 2 và vụ thảm sát Holocaust. Xóa bỏ một tượng đài không có nghĩa là xóa bỏ lịch sử nhưng là để thay đổi cách ghi nhớ lịch sử.
Trường hợp ở Hoa Kỳ là để sửa đổi sự bất công bằng cách xóa bỏ những công trình vinh danh chế độ nô lệ, ca ngợi sự kỳ thị và sự áp bức của người da trắng thượng đẳng. Di dời hay phá bỏ các tượng đài rất quan trọng trong việc hàn gắn vết thương vẫn âm ỉ từ một quá khứ đau buồn và để dân tộc đoàn kết tiến lên.
Từ biến cố Charlottevilles, một câu hỏi được đặt ra là tương lai nào cho các tượng đài ở Việt Nam
Sau ngày 30. 04. 1975, rất nhiều tượng đài ở miền Nam VN bị phá bỏ. Phe thắng trận muốn xóa sạch những gì họ cho là tàn tích của chế độ cũ. Kể từ ngày đó đến nay, vô số những đề án xây dựng tượng đài lớn nhỏ đã, đang và sắp được thực hiện bất chấp sự nghèo đói của dân tộc, khó khăn của đất nước. Lịch sử đượcc viết lại bởi kẻ chiến thắng. Các hình tượng anh hùng được thêu dệt bằng những câu chuyện kể hoang đường. Những đề án xây dựng tượng đài với kinh phí khổng lồ được hiểu như để vinh danh chủ nghĩa cộng sản cùng những người đã có công xây dựng và hy sinh cho nó. Các tượng đài được khai thác triệt để với mục đích nhồi vào ký ức của tập thể quần chúng bằng những câu chuyện kể ngụy tạo có lợi cho nhà cầm quyền qua cách tái tạo lại quá khứ. Những câu chuyện về một quá khứ oai hùng, những trang sách lịch sử sai lệch, những anh hùng chưa hề sinh ra đời được dùng để tô son điểm phấn các tượng đài. Những tượng đài ở VN đã góp phần nhồi vào ký ức tập thể của rất nhiều người Việt sinh trước và sau năm 1975 một cuộc chiến thần thánh, oai hùng, đầy lãng mạn. Nhà cầm quyền đã thành công trong việc biến Hồ Chi Minh thành thánh và đẩy óc tưởng tượng của đám người vô tri lên cao đến mức tận cùng của sự lãng mạn.
Phải cực kỳ lãng mạn mới làm nên lịch sử. Một câu nói bất hủ của Lenin. Đúng vậy! Một lịch sử được làm bằng sự dối trá, ngu dốt và xác người.
Đằng sau các tượng đài thường là mặt trái của lịch sử. Bài học từ những vụ đập phá tượng đài trong lịch sử các quốc gia cho thấy hậu quả khi sự dối trá đã bị lột trần như thế nào. Lịch sử thường bị bóp méo vo tròn bởi các chính trị gia và tượng đài thường được xử dụng để tô điểm cho quan điểm của họ. Đám đông chỉ là con số không bị nhồi sọ, giật giây để rồi trở thành cuồng tín chủ nghĩa, căm thù, bạo hành vô cảm. Vì vậy, trách nhiệm của những nhà viết sử là phải truy tìm sự thật, độc lập và khách quan trong nhận định của mình. Công tội phải phân minh. Bàn tay nhuộm máu không thể dược che đậy hay tìm cách chạy tội khi đã đem sinh mạng con người ra làm vật tế thần cho trò chơi chủ nghĩa.
10.04.2017