LS Đào Tăng Dực (Danlambao) - Một hiện tượng mà người Việt sinh sống tại các quốc gia dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên như Úc, Hoa Kỳ, Âu Châu, Canada thường chứng kiến là một người Việt Nam tuổi chừng 40 đến 50, được định cư tại các quốc gia này, khoảng 6 tháng đến 1 năm sau, là trải qua những “thay da đổi thịt” toàn diện. Trước hết sức khỏe tiến bộ rõ rệt, trẻ ra khoảng 5 đến 10 tuổi và những lo âu tư lự trên khuông mặt biến mất.
Dĩ nhiên có nhiều lý do. Nền y tế miễn phí, bình đẳng và tiến bộ tại các quốc gia này đã rà soát và giải quyết một số bệnh tật căn bản cho họ. Điều kiện vật lý như phẩm chất thực phẩm thêm vào đó đã giúp cho họ có sức khỏe hơn và trẻ ra nhiều so với lúc họ mới đến.
Nếu chúng ta trao đổi thân tình với họ chúng ta sẽ khám phá rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan về y tế và vật chất, một yếu tố khác vượt lên trên là yếu tố tinh thần đến từ một chế độ pháp trị nghiêm minh. Họ không còn sống trong sự phập phồng sợ hãi của một chế độ công an trị. Điều này áp dụng cho người di dân Việt Nam từ mọi giai cấp, từ dân đen đoàn tụ gia đình, đến các cán bộ di dân vì có tài sản đầu tư hải ngoại.
Chúng ta có thể kết luận rằng, chính quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính đã đem lại một nền y tế bình đẳng và tiến bộ, sự sung túc vật chất và sự ổn định tinh thần cho từng người công dân các quốc gia này.
Quan điểm dân chủ pháp trị tại các nước văn minh đồng nghĩa với trị quốc qua những nguyên tắc pháp lý chí công vô tư, không phải căn cứ trên nhân phẩm hoặc ý chí của một cá nhân hay tập thể nào. Pháp trị cũng có nghĩa là trị quốc bằng những nguyên tắc pháp lý chí công vô tư, thay vì sử dụng những mưu thần chước quỷ để sập bẫy đối thủ.
Người cộng sản không chủ trương pháp trị. Trái lại cái mà họ gọi là pháp chế xã hội chủ nghĩa là một thứ đảng trị trá hình. Thật vậy, gần đây, chính trường Việt Nam dậy sóng bởi vì TBT Nguyễn Phú Trọng đã có những thành quả được chính quyền Việt Nam đánh giá là quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng. Một là bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, đưa về Việt Nam làm chứng và hai là bắt và tống giam cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng.
Chiêu của Hàn Tín được dùng để bắt Trịnh Xuân Thanh là “Minh tu Sạn Đạo, ám độ Trần Thương”. Dịch nôm na là bề mặt thì làm ra vẻ sửa đường sạn đạo, nhưng ngấm ngầm bí mật vượt lối Trần Thương. Chiêu này qua mặt mọi thủ tục pháp lý của Đức. Đó là bề ngoài thì chỉ thị các viên chức chính quyền Việt Nam tại Đức tập chú ráo riết vào vấn đề thương thuyết và vận động cho Quốc Hội Liên Bang Đức phê chuẩn Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam- EU, đồng thời ra vẻ danh chính ngôn thuận xin dẫn độ Trịnh Xuân Thanh, nhưng bên trong thì âm thầm bí mật tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Cả Trịnh Xuân Thanh lẫn các cơ quan công quyền Đức bị chiêu này đả bại.
Chiêu của Tôn Tử dùng để thanh toán Đinh La Thăng là “Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý”. Dịch nôm na là tấn công chỗ kẻ địch không phòng bị, tiến đánh khi kẻ địch không ngờ đến. Để thi hành chiêu này, TBT Nguyễn Phú Trọng một mặt giả bị bệnh nặng phải đi Singapore chữa trị, ra lệnh Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội họp gấp và bí mật tước danh nghĩa dân biểu của Đinh La Thăng, rồi tiến hành bắt giam nhanh chóng trước khi đối thủ và phe nhóm kịp trở tay. Đinh La Thăng cũng như Trịnh Xuân Thanh đã sập bẫy và sa cơ thất thế.
Báo chí CSVN lập tức ca ngợi TBT Nguyễn Phú Trọng là “bậc nhân kiệt” của thời đại và gần như một minh quân của đất nước.
Ông Trọng cũng được khen ngợi như một chính trị gia sâu sắc vì đã sử dụng khéo léo và thành công binh pháp của Tôn Tử và Hàn Tín, là những bậc thầy của binh gia Trung Quốc tự cổ chí kim.
Tấm gương của ông TBT Nguyễn Phú Trọng được cán bộ công an mọi cấp tuân thủ.
Nửa đêm công an bất ngờ khám xét nhà và bắt người đi vinh viễn là chuyện thường xảy ra tại các quốc gia cộng sản và Đức Quốc Xã trong quá khứ.
Một khi ông TBT đã làm như thế và được cán bộ mọi cấp thán phục thì những công an cũng áp dụng các thủ thuật đó trong khi thi hành công vụ với nhân dân.
Các mưu kế như “Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý” hoặc “ Minh tu Sạn đạo, ám độ Trần Thương”, gạt gẫm người dân vô tội để cướp đoạt tài sản hoặc cướp tính mạng của họ trong các đồn công an xảy ra thường xuyên tại Việt Nam là vì thế.
Stalin bẫy chính quyền Ba Lan và tiêu diệt 22,000 sĩ quan ưu ú của quốc gia này năm 1940. Hồ Chí Minh bẫy Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ và sát hại ngài ngày 16 tháng 4, 1947. Đảng CSVN gạt gẫm quân cán chính VNCH trong các trại cải tạo sau năm 1975 etc…
TBT Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn tuân thủ truyền thống của các bậc đàn anh cộng sản như Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh qua sự cai trị nhân dân bằng những mưu thần chước quỷ.
Trong khi đó, nhân loại văn minh lại chủ trương một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.
Trong chiều hướng đó, TBT Nguyễn Phú Trọng và các quân sư của ông càng “cao cờ” thì tương lai của dân tộc Việt Nam càng thê thảm.
Trong bài Hịch Tướng Sĩ lừng danh của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vào thế kỷ 13, ngài có răn dạy tướng sĩ như sau:
“Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo-giáp; mẹo cờ-bạc sao cho dùng nổi được quân-mưu”
Thật vậy, nhân loại vào thế kỷ 21 đã tiến những bước vĩ đại không những trên bình diện tri thức khoa học mà cả trên các bình diện nhân quyền, dân quyền và một trật tự chính trị dân chủ chân chính.
Những mưu mô thủ thuật chính trị, lừa gạt và sập bẫy lẫn nhau, dù là phát xuất từ những nhân tài xa xưa như Tôn Tử hay Hàn Tín, đã không còn chỗ đứng trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.
So với những thách thức lớn lao trước mắt dân tộc Việt Nam, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia trong hoàn vũ, thì những mưu thần chước quỷ nêu trên chỉ là những “cựa gà trống”, những “mẹo cờ bạc” vặt mà Đức Hưng Đạo Đại Vương nghiêm cấm, không thể đáp ứng nhu cầu trị quốc và hưng quốc của dân tộc, trước hiểm họa từ phương Bắc.
Chỉ có một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, xây dựng trên những nguyên tắc pháp lý chí công vô tư, mới quy tụ lòng dân, tạo ra sức mạnh, đưa dân tộc Việt Nam vượt thoát và đạt đến chiều cao đích thực của mình, trong cộng đồng nhân loại văn minh.
23/12/2017