VNCH-Ngọc Trương (Danlambao) - Tôi chưa bao giờ bình luận nội dung các bài trên DLB vì tôn trọng tư tưởng và quan điểm của các tác giả, ngoại trừ chống lại bọn dlv việt cộng xuyên tạc sự thật, bịa đặt những sự kiện không đúng với lịch sử. Nhân đọc bài Đất nước cho mai sau của Huỳnh Tâm, có đôi điều cần được bổ túc và nói rõ, hoặc nói cho đúng hầu bạn trẻ (đồng ý với tác giả điểm này), đặc biệt dành cho các bạn trẻ trong, ngoài nước biết thêm về sự thật lịch sử Việt Nam trong giai đoạn 1963-1966 ở miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, cũng xin thêm một ít thông tin liên quan đến pháp luật, tổ chức chính trị xã hội, một đề tài khô khan và ít hấp dẫn. Xin mời bạn đọc.
*
1/ Ông Phan Khắc Sửu được tướng Nguyễn Khánh (Chủ tịch Hội đồng Quân lực - một cách gọi của Tổng tư lịnh quân đội) mời làm mới làm Quốc trưởng VNCH tháng 2, 1965.
Đồng thời tướng Khánh bổ nhiệm bác sĩ Phan Huy Quát làm Thủ tướng chính phủ.
Sau đó vài tháng, có sự bất đồng ý kiến không giải quyết được giữa Quốc trưởng và Thủ tướng, Thủ tướng Phan Huy Quát đọc diễn văn trên đài phát thanh, trao trả chính quyền lại cho quân đội. Kêu gọi quân đội cầm quyền trước nguy cơ cộng sản, quốc gia mất chỉ huy, sẽ dẫn tới hỗn loạn.
2/ Trong khoảng thời gian tháng 11 năm 1963 đến 1966, không có quốc hội nào cả vì chưa có bầu cử, cũng chưa có hiến pháp thay thế nền đệ I Cộng hòa (hiến pháp đệ I Cộng hòa của Việt Nam ngày 26/1/1955- Tổng thống Ngô Đình Diệm là Tổng thống đầu tiên).
Hội đồng quân nhân năm 1964 (khi tướng Nguyễn Khánh làm Thủ tướng), thành lập Thượng hội đồng Quốc gia, đóng vai trò cho ý kiến, tham vấn cho chính phủ, gồm 18 người đủ thành phần chính trị gia, trí thức, đảng phải có uy tín chống Pháp, tranh đấu chống thực dân và cộng sản. Nhân vật nổi tiếng như: luật sư Nguyễn Văn Huyền, Trần Văn Văn (bị cs ám sát về sau), bác sĩ Ngô Gia Hy, Mai Thọ Truyền, luật sư Trần Văn Tuyên.
Tuy vậy, Thượng hội đồng Quốc gia cũng không phải là quốc hội do dân bầu, xin nhắc lại - chưa có hiến pháp mới (constitution) thay thế cho hiến pháp 26 tháng 10 năm 1955.
Mọi chính phủ, cơ quan chính trị đều có tính cách tạm thời và chuyển tiếp (transition).
Do đó không thể nói có nhà nước "tứ quyền", tuy tổ chức xã hội và chính trị lúc đó vẫn dựa trên nền tảng của VNCH đệ I. Dù một số chính phủ do dân sự (civilian) làm Quốc trưởng (Phan Khắc Sửu), và Thủ tướng (Trần Văn Hương, Phan Huy Quát), cũng được hội đồng quân nhân bổ nhiệm. Trong thời gian này:
Về Tư pháp và tòa án:
- Hệ thống tòa án không có gì thay đổi so với tòa án nền đệ I Cộng hòa.
- Luật pháp:
* Dân luật (civil code): vẫn theo bộ Dân luật của đệ I Cộng hòa.
* Luật gia đình: hủy bỏ phần cấm ly hôn, thay thế vào đó - cho phép ly hôn (ly dị- divorce) và tùy theo trường hợp, tòa án sẽ quyết định.
Nói chung, chỉ hủy bỏ phần cấm ly hôn, những điều khoản khác không thay đổi đáng kể.
* Hình luật (penal code): Khu vực miền Nam (tòa Thượng thẩm Saigon-appeal court) theo Hình luật Nam Kỳ Canh cải (1912), miền Trung (tòa Thượng thẩm Huế) theo bộ hình luật Hoàng Việt luật lệ của vua Gia Long (gọi tắt là luật Gia Long), có sửa đổi cho phù hợp theo xã hội và thời đại đương thời. Đây là hậu quả thời Pháp thuộc phân chia Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, vì vậy có những bộ luật khác nhau.
Không phải chỉ Việt Nam mới có tình trạng này, Hoa Kỳ, Canada hai quốc gia tự do dân chủ của thế giới, bên cạnh luật của liên bang, mỗi tiểu bang (state) hoặc tỉnh (province) đều có luật riêng tùy theo: kinh tế, nguồn gốc lịch sử của dân địa phương, tập quán pháp luật, biến chuyển xã hội...
Có khi ở Hoa kỳ, tiểu bang nầy cấm, nhưng tiểu bang khác lại cho phép (vấn để phá thai, hôn nhân đồng tính, cần sa marijuana…), ở Canada cũng thế.
3/ Trong suốt thời kỳ có định chế/tổ chức (institution) Quốc trưởng (chief of state - chef d'etat) từ tháng 11/1963 đến 1966, vì không có Quốc hội nên không có việc tranh chấp giữa Quốc hội và ngành Hành pháp như tác giả Huỳnh Tâm nêu lên.
Trái lại, có mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát, đưa tới việc Thủ tướng Quát từ chức và trao quyền lại cho quân đội.
Chúng tôi không muốn đi quá xa vào chi tiết, cũng không nói ai sai ai đúng trong trường hợp này. Đây là chuyện đã xảy ra và thuộc về lịch sử.
4/ Tiến trình tổ chức chính trị xã hội của thế giới dẫn tới khuôn mẫu phân quyền được nhìn nhận và áp dụng khắp thế giới là: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.
Ngoại trừ các quốc gia cộng sản, cũng tổ chức theo mô hình nói trên, nhưng chỉ là hình thức, mọi quyết định tối hậu đều do đảng cs quyết định và giật dây, Việt Nam hiện nay cũng không thoát khỏi quy luật cs đến bây giờ (2017).
- Lập pháp (legislative):
Soạn thảo, bàn cải các dự luật hình sự (criminal), dân sự (civil) và luật pháp liên quan đến quốc gia, dân tộc, an ninh, kinh tế, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng và các quyền tự do. Luật pháp chi phối mọi hoạt động của quốc gia và công dân trong xã hội.
- Hành pháp (executive):
Tượng trưng là chính phủ, có nhiệm thi hành pháp luật do Quốc hội soạn thảo, Quốc hội là biểu tượng của ngành Lập pháp.
- Tư pháp (judicial):
Tư nghĩa là riêng, điều nầy nhấn mạnh tính cách riêng biệt của các Tòa án, không bị Hành pháp, Lập pháp hay bất cứ tổ chức nào chi phối. Thẩm phán xử án dựa trên pháp luật của mỗi quốc gia và lương tâm của người cầm cân công lý.
Suốt lịch sử xã hội, chính trị của nhân loại, chưa bao giờ có phân quyền cho đơn vị thứ tư gọi là "tứ quyền" như tác giả Huỳnh Tâm nêu lên.
Chỉ có tự do báo chí, được tôn vinh và gọi là đệ tứ quyền, cách nói đề cao tự do báo chí và sứ mạng của những ký giả chân chính, nói lên tiếng nói của dân chúng, hay nêu lên những tệ nạn xã hội cần sửa đổi.
Tự do báo chí chưa hề có trong sinh hoạt chính trị của xã hội Việt Nam cs (xem DLB về Quyết nghị của Quốc hội Âu châu lên án Việt Nam không có tự do báo chí).
Sau đây là ba mô hình của hệ thống công quyền trên thế giới. Ngoại trừ hệ thống của chính quyền cs, chỉ các nước cs trước đây trong quỷ đạo của Nga sô theo đuổi. Không có gì đáng đề cập cho tiến trình tự do dân chủ:
a/ Hệ thống Nghị viện (Parliamentary):
Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK), các quốc gia nhìn nhận Vua / Nữ hoàng Anh là quốc trưởng như: Canada, Úc, Tân tây lan...
Vua / Nữ hoàng là Quốc trưởng, biểu tượng của quốc gia, đóng vai trò tượng trưng không nắm thực quyền. Đây là cả chuỗi dài lịch sử quân chủ của Anh dẫn đến tình trạng hiện hữu, chúng tôi không đi vào chi tiết lịch sử.
Thủ tướng (Prime Minister), được Vua / Nữ hoàng bổ nhiệm, việc bổ nhiệm có tính cách nghi lễ và hình thức (formality).
Điểm chính: Thủ tướng là lãnh tụ đảng chính trị chiếm 51% số ghế Dân biểu tại Hạ viện qua bầu cử tự do. Chính đảng đó sẽ lên cẩm quyền, lãnh tụ đảng sẽ là Thủ tướng. Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong số dân biểu cùng đảng với mình.
Khi đảng thắng cử với đa số ghế, nhưng không đạt 51%, sẽ tạo ra chính phủ thiểu số (minority government, British english gọi là hung government - chính phủ bị treo).
Lúc đó, đảng thắng cử phải liên minh (liên kết) với một hoặc hai đảng khác hầu có đa số tại Hạ viện, lên cầm quyền và lập Nội các. Dĩ nhiên phải thương lượng và chia sẻ một số Bộ cho các đảng trong liên minh (tình trạng ở Đức hiện nay của Thủ tướng Angela Merkel).
Thủ tướng lãnh đạo ngành Hành pháp, cùng với Nội các điều hành hoạt động quốc gia và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Thủ tướng, có quyền giải tán Quốc hội (Hạ viện) và bầu cử lại Hạ viện.
Thủ tướng thông báo cho Vua/ Nữ hoàng việc giải tán Quốc hội, cũng chỉ có tính cách nghi thức (protocol).
Trong hệ thống này, Quốc trưởng chỉ kêu gọi Quốc hội đoàn kết, nếu cần liên minh cho chính phủ thiểu số. Kêu gọi không có nghĩa là có quyền sa thải, bắt bớ, trừng phạt bất cứ Dân biểu nào.
Các quốc gia Bắc Âu, Bĩ, Hòa Lan, Spain, Portugal, Nhật, Thái Lan, Mã Lai... theo mô hình này.
Khi không có Vua, vai trò Quốc trưởng giao cho Tổng thống, dân bầu theo nhiệm kỳ quy định trong hiến pháp. Tổng thống tượng trưng cho quốc gia, không có quyền lực, Thủ tướng điều hành guồng máy quốc gia (trường hợp của: Ý, Do Thái, Portugal, Đức, Ba Lan...)
b/ Hệ thống Tổng thống (Presidential system):
Mỹ khai sinh mô hình chế độ này từ ngày lập quốc. Tổng thống vừa là Quốc trưởng, vừa kiêm nhiệm vai trò của Thủ tướng, lập Nội các, điều hành công việc quốc gia hàng ngày. Tổng thống đứng đầu ngành Hành pháp, chịu trách nhiệm trước toàn dân.
Quốc hội có quyền bỏ phiếu với đại đa số để truất phế (bãi nhiệm, bãi chức) Tổng thống, sau đó Phó Tổng thống sẽ lên cầm quyền.
Tổng thống Richard Nixon bị đe dọa bãi chức, nên từ chức trước khi thủ tục nói trên hoàn tất.
Tổng thống không có quyền giải tán Quốc hội.
Hệ thống hoạt động hữu hiệu khi Tổng thống và đa số ở Thượng viện (Senate) và Hạ viện (Congress) cùng một chính đảng.
Công việc sẽ khó hơn khi Thượng hoặc Hạ viện, hoặc cả hai đều bị phe đối lập chiếm đa số.
Tuy nhiên, hiến pháp Hoa kỳ cho phép Tổng thống quyền phủ quyết (veto) quyết định của Quốc hội.
Mỗi bên đều phải hành xử cẩn thận quyền lực, nếu không quốc gia sẽ sụp đổ, chính phủ sẽ đình trệ hoạt động. Từ khi lập quốc, các đời Tổng thống đã phủ quyết nhiều quyết định của Quốc hội, nhưng có lẽ trên tinh thần vì quyền lợi quốc gia trên hết, chế độ Tổng thống kiểu Mỹ vẫn tồn tại hơn 240 năm.
Việt Nam thời đệ I và đệ II cộng hòa áp dụng chế độ Tổng thống. Đệ II cộng hòa, có thêm Thủ tướng, cùng với Nội các, Thủ tướng điều hành guồng mày quốc gia theo đường lối của Tổng thống hoạch định và chịu trách nhiệm trước Tổng thống.
Các quốc gia theo chế độ Tổng thống như: Đại Hàn (Nam Hàn), Phi luật tân, Taiwan, một số quốc gia Phi châu, Nga và Pháp.
Pháp có Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm, thi hành chính sách của Tổng thống. Tuy nhiên, khi phe đối lập chiếm đa số ghế ở viện Dân biểu, Tổng thống thường bổ nhiệm Dân biểu được lòng phe đối lập vào nhiệm vụ Thủ tướng, dung hòa theo đường lối của Tổng thống.
c/ Chế độ Quốc hội và dân chủ trực tiếp hay dân chủ thuần khiết (Parliamentary and direct democracy or pure democracy):
Quốc hội gồm 2 viện: Hội đồng các tiểu bang đại diện cho các tiểu bang của Liên Bang (federal) Thụy sĩ.
Hội đồng quốc gia, đại diện theo địa lý và tỷ lệ dân số.
Dân chúng chỉ với 50000 chữ ký, đủ để chống dự luật của Quốc hội, và sau đó phải trưng cầu dân ý quyết định thuận hay chống dự luật. Toàn dân sẽ bỏ phiếu qua cuộc trưng cầu dân ý, kết quả sẽ là tối hậu cho dự luật.
Thụy sĩ là quốc gia duy nhất trên thế giới áp dụng thể thức này.
Tác giả Huỳnh Tâm nêu lên các mô hình phân quyền và có lẽ lẫn lộn giữa các thể chế và cá nhân cầm quyền:
Khuynh hướng chọn người trẻ lãnh đạo quốc gia xuất hiện ở Canada với Jusin Trudeau (1971), Pháp với Emmanuel Macron (1977), Áo vừa chọn Sebastian Kurz (1986), San Marino có Matteo Fiorini (1978), Estonia với Jüri Ratas (1978), Ireland chọn Leo Varadkar (1979), Tân tây lan với Jacinda Ardern (1980).
Cá nhân sẽ qua theo thời gian, thể chế vẫn tồn tại.
Dù trẻ hay già, cá nhân cầm quyền vẫn phải tuân theo hiến pháp và pháp luật. Không ai vượt lên trên luật pháp (No body is above the law) và mọi công dân phải tuân theo luật pháp (law-abiding citizen).
Nguyên tắc mẫu mực không thay đổi trong xã hội dân chủ, và ngày càng phát triển hơn (các vụ từ chức, bắt giam Thủ tướng, Dân biểu, Bộ trưởng, viên chức cánh sát vì tai tiếng, hay vì vi phạm luật pháp, chính sách quốc gia).
Tác giả khen ngợi giới cầm quyền trẻ nói trên, nhưng lại không thích chế độ ở Pháp, Anh, Mỹ..., vậy thì nên có chế độ kiểu nào?
Không thấy đưa ra mô hình mới, hay đề nghị kiểu mẫu chính trị cho Việt Nam.
Khi Boris Yeltsin đứng trên chiếc xe tăng giữa đường phố Moscow năm 1991, chống lại bọn đảo chánh muốn duy trì Nga sô cộng sản. Các thanh niên ủng hộ vây chung quanh, trước mặt là dân Nga biểu tình đòi dân chủ, giây phút đó không ai có thời giờ nghĩ đến nước Nga nên chọn thể chế nào.
Phải chấm dứt cộng sản, sau khi thành công, sẽ bàn đến hướng đi chính trị tương lai.
Việt Nam cũng vậy - tiêu diệt cs Việt Nam, tranh dấu chấm dứt sự cai trị độc đoán của bọn bán nước đang cầm quyền và bè lũ.
Hàng trăm, hàng ngàn đầu óc thông minh của thanh niên, chính trị gia, luật gia, trí thức trong dân chúng thừa sức chọn hướng đi và kiến trúc chính trị, xã hội cho quốc gia Việt Nam,
Quốc hội Lập hiến sẽ soạn hiến pháp cho Việt Nam trên nền tảng dân chủ, tự do, bình đẳng.
2017.12.21
_________________________________
Tham khảo:
https://catalog.hathitrust.org/Record/002121660 - Luật hiến-pháp và các định-chế chánh-trị: Lý-thuyết tổng quát về quốc-gia, hiến-pháp và các chánh thể / Lê Đình Chân, Đại học Luật khoa Sài Gòn 1971