Cho phép - Dân Làm Báo

Cho phép

D.L.Champion * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Họ đã đi chung với nhau trên con đường dài, hai người này. Nhà độc tài ngồi đằng sau chiếc bàn to bóng loáng đặt ngay chính giữa căn phòng rất lớn. Mặt ông nhăn nheo và mệt mỏi; nhưng đôi mắt nhỏ của ông ánh lên mục đích cuồng tín, tàn bạo. Ông mỉm cười rất thân thiện với Stangel đang đứng nghiêm trước mặt.

"Bạn đấy à," ông nói. "Tôi xin lỗi để anh phải chờ. Chuyện gì thế?"

"Thưa ngài," Stangel nói. "Tôi đến để xin một ân huệ."

Nhà độc tài vẫy tay và nhún vai. "Được chứ, tại sao không?" ông nói. "Bạn ơi, chúng ta đã cùng nhau làm được nhiều việc đáng kể. Đã kề vai sát cánh tiến lên. Chúng ta đã đập tan bè lũ phản động. Chúng ta đã lập quốc. Hơn nữa, chúng ta còn làm nên lịch sử. Thế mà anh chưa bao giờ đòi hỏi điều gì cho bản thân. Anh muốn ân huệ ư? Cứ coi như đã được ban cho rồi nhé."

Dưới giọng nói trầm bổng thu hút của người kia, Stangel hầu như quên chuyện ông sắp xin. Đúng như thế thật. Họ đã cùng nhau cứu quốc; họ đã viết nên lịch sử. Hai người họ-và Gerich. Mắt ông thoáng lo lắng khi ông nghĩ đến Gerich. Dù nước họ rất bao la, biên giới rất rộng, nhưng tưởng như không đủ chỗ cho Gerich và ông. Một kẻ trong hai người họ lẽ ra đã chết từ lâu nếu không nhờ bàn tay khủng khiếp của nhà độc tài ngăn cản lại.

Ông không nghĩ ngợi gì nữa khi ông nhận ra nhà độc tài đang nhìn ông với đôi mắt tò mò.

"Stangel, ân huệ này?"

"Thưa ngài, đúng ạ. Tất nhiên là ân huệ. Tôi định giết một người."

Đôi mắt nhà độc tài nhìn như cháy bỏng vào mắt của Stangel như muốn dò xét. Ông ta thở dài, nói chậm rãi, "Stangel, người này-người này mà anh định giết là kẻ thù của nhà nước ta phải không?"

"Thưa ngài tôi nghe nói như vậy."

Nhà độc tài nhướng mày. "Không phải Gerich chứ?"

"Không!" Stangel nói "Thưa ngài không ạ. Không phải Gerich."

Nhà độc tài cười nụ,và tay ông lần xuống chạm vào khẩu súng trong bao. "Không," ông nói. "Tất nhiên không phải là Gerich rồi. Stangel, anh nhớ không được giết Gerich đấy. Anh ấy cũng không được giết anh. Tôi cần cả hai anh. Tay mặt và tay trái của tôi mà. Tôi sống thì cả hai anh phải sống. Tôi chỉ sợ rằng một khi tôi mất đi, một trong hai anh không lâu đâu cũng sẽ chết theo tôi."

Stangel không đáp. Ông vẫn đứng nghiêm, nhìn đăm đăm vào bức tường đối diện. Câu nói cuối quả thật đúng. Nếu nhà độc tài mất, người kế vị sẽ hoặc là ông hay Gerich. Ai biết tin trước, ai nắm được quân đội, công an, sẽ thắng. Mệnh lệnh đầu tiên của chế độ mới sẽ là lệnh tử hình cho kẻ thua cuộc.

"Stangel, vậy anh muốn xin ân huệ," nhà độc tài nói. "Anh muốn giết một người. Stangel, ân huệ ấy chỉ là chuyện nhỏ. Anh đã có nhiều công lao với tôi. Muốn giết ai cũng được. Nhưng không phải Gerich. Stangel, hãy nhớ đấy nhé. Không bao giờ giết Gerich. Thế thôi."

Stangel cúi đầu chào. Ông bước đi những bước dài kiểu nhà binh đến những cánh cửa có người canh gác ở tít đằng xa.

Đã gần nửa khuya khi Stangel về đến tư dinh ở ngoại ô. Lúc ấy gia đình ông và những người giúp việc đã đi ngủ. Từ bên dưới chiếc áo choàng được gấp ngay ngắn ông rút ra khẩu súng trường nòng dài. Ông bước đến phòng súng và đặt mạnh súng lại vào giá. Ông bước ngang qua nhà im ắng để đến phòng làm việc của mình. Ông lấy từ trong túi ra chiếc ống nhòm cực mạnh rồi bỏ vào ngăn kéo bàn. Rồi thở dài thật sâu ông ngồi xuống, nhồi thuốc vào ống điếu.

Hai mươi phút trước đấy, ông đã giết người, và ông rất mãn nguyện trong lòng. Đây không phải là vụ ám sát chính trị lạnh lùng. Đây là vụ giết người thuần túy tình cảm. Nó tác động lên cái tôi của ông giống như hơi rượu mạnh.

Hơn nữa, tuy không quan trọng, nhưng bọn chó săn mật vụ đáng sợ của Gerich cũng không thể tài nào lần theo dấu vết đến ông. Ông hoàn toàn giấu kín chuyện ông ngoại tình với Rosa Miller. Dù sao cũng phải nghĩ đến vợ ông, gia đình, và chức vụ rất cao của ông ở trong nước.

Thật ra cũng chẳng dễ dàng gì giấu kín. Ông đi đâu ai ai cũng nhận ra và chú ý; còn Rosa được ca tụng là nữ diễn viên tài năng nhất ở trong nước thì cũng chẳng có cuộc sống riêng tư gì nhiều. Ông phải đem hết tất cả tài năng và sở trường về bày mưu tính kế bài bản mới giữ kín được bí mật của hai người. Nhưng ông đã thành công.

Như bây giờ ông cũng may mắn thành công vậy. Ông biết cách đây một tháng nàng đã không chung thủy với ông. Ông đã nhận ra những thay đổi tinh tế ở nàng. Rồi một đêm ông theo dõi nàng từ xa. Ông thấy nàng bước vào nhà cùng với một người đàn ông. Stangel không hành động theo cảm tính nhất thời. Ông không theo họ để ra tay liền. Thay vì thế ông chờ đợi và lên kế hoạch hành động.

Ông đã chờ đợi suốt ba đêm liền, chờ trong một nhà máy bỏ hoang cách nhà Rosa bốn trăm mét. Ông đã chờ với lòng kiên nhẫn của mèo rừng, mắt ông dán chặt vô ống nhòm, nhắm đến cửa sổ phòng ngủ của Rosa. Ông đã chờ để thấy cái cảnh ông biết ông phải thấy-bóng người đàn ông hiện lên ở khung cửa sổ. Khi ông thấy bóng, ông bắn. Chỉ đơn giản như thế.

Ông bắt đầu tập trung vào giấy tờ trước mặt và làm việc đến tận khuya. Cả vụ giết người cũng không khiến ông xao lãng trọng trách rất nặng nề của ông đối với nhà độc tài và nhà nước. Lúc trời gần sáng ông nghe những tiếng giậm chân ở ngoài hiên nhà và chục người mặc áo quần màu xám tràn vô phòng ngoài. Viên đại úy trẻ cương nghị chào ông.

"Thưa ông Bộ trưởng Stangel, " y nói. "Tôi lấy làm tiếc báo cho ông biết ông bị bắt."

Stangel nhìn y một cách bao dung. Ông nhận ra viên đại úy trẻ là người của Gerich.Trong lúc ấy ông vẫn có thời gian khâm phục kẻ thù ông cực kỳ tài giỏi. Làm sao Gerich buộc ông vào vụ giết người quá nhanh như vậy?

"Được rồi, Đại úy," ông nói. "Tôi sẽ đi với ông. Nhưng vụ này ông sẽ bị khiển trách nặng nề đấy. Nhà độc tài sẽ giận dữ khi nghe tin tôi bị bắt."

Viên đại úy trẻ nhìn ông một cách lạ lùng. "Nhà độc tài?" y nói chậm rãi. "Nhà độc tài đã chết. Ông bị Rosa Millier, diễn viên, bắn chết cách đây hai giờ. Cô ta đã bị hành quyết. Bộ trưởng Gerich hiện nắm chính quyền. Theo lệnh Bộ trưởng ông bị bắt giam."

Khi họ đưa ông ra khỏi nhà, Stangel tuyệt vọng cố suy nghĩ, chẳng biết nên khóc hay cười, Nhưng ông không thể khóc hay cười. Trong đầu ông giờ chỉ có một ý nghĩ khủng khiếp, xua tan tất cả mọi ý nghĩ khác. Ông biết ông sẽ không bao giờ còn sống mà đến được đồn công an.

Nguồn: Dịch từ tạp chí Mỹ Colliers số ra ngày 8 tháng một, 1938.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo