Chống tham nhũng ở Trung Quốc và Việt Nam - Dân Làm Báo

Chống tham nhũng ở Trung Quốc và Việt Nam


Chống tham nhũng tại Trung Cộng: Làm sạch bộ máy lãnh đạo?

Chống tham nhũng là trọng tâm trong chính sách của Chủ tịch đảng và nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 11.2012. Ủy ban Ban kiểm tra kỉ luật trung ương cộng đảng Trung Quốc (CCDI) cho biết từ 2012 tới tháng 8.2017 khoảng 1,5 triệu quan chức mọi cấp trong đảng và nhà nước đã bị trừng phạt qua chiến dịch "đả hổ diệt ruồi". Số liệu của CCDI cho thấy:

- Hơn 280 cán bộ cấp cao bị xử lý kỉ luật, 40 ủy viên trung ương và ủy viên dự khuyết Khóa 18, trong đó có Ủy viên Bộ chính trị Tôn Chính Tài bị xử lý.

- Hơn 8.600 cán bộ cấp Giám dốc Sở và Cục, hơn 66.000 cán bộ cấp huyện, hơn 1.3 triệu cán bộ cấp Phòng và Xã bị xử lý, 180.000 cán bộ bị khiển trách vi phạm "8 điều cấm kỵ", 60.000 cán bộ lãnh đạo bị khiến trách về tội "lơ là chức trách".

- Trong quân đội, hơn 90 tướng đương nhiệm và về hưu bị xử lý, trong đó có 5 thượng tướng, 6 trung tướng, còn lại là thiếu tướng, đó là chưa kể số cán bộ cấp đại tá trở xuống.

- Đưa về nước hơn 3300 quan chức tham nhũng mang tiền chạy trốn tới hơn 90 nước, thu hồi hơn 9 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 1,4 tỉ USD) .

Để tăng hiệu quả răn đe, CCDI đã công khai trên website của mình 670 trường hợp vi phạm bộ quy tắc ứng xử và tham nhũng, dựa trên những báo cáo gửi lên từ các ủy ban kỷ luật của đảng ở địa phương.

Trong lĩnh vực chống tham nhũng, Tập Cận Bình từng thừa nhận phải đương đầu với thách thức và mối đe dọa lớn, thậm chí ảnh hưởng đến cá nhân ông. Trong Hội nghị nội bộ ngày 20/2/2014 Tập phát biểu "hiện nay chúng ta đang phải dựa vào một đội ngũ đông đảo quan chức tham nhũng để quản lý đất nước". Ngày 4.8.2014 trên nhật báo Trường Bạch Sơn của tỉnh Cát Lâm, Tập tuyên bố "đấu tranh với tham nhũng thì sống chết hay danh dự cá nhân đều không quan trọng, chúng ta phải noi gương Thủ tướng Chu Dung Cơ trước đây, sẵn sàng chuẩn bị 100 chiếc quan tài, trong đó có 1 chiếc cho bản thân mình".

Tổng kết chiến dịch chống tham nhũng trong 5 năm qua, Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu CCDI đã phần nào xoay chuyển được tình trạng tham nhũng diễn ra trong hàng thập kỷ trước ở trong guồng máy Đảng và nhà nước cộng sản Trung quốc. Tuy nhiên, dư luận trong và ngoài nước Trung Cộng cho rằng đây chỉ là một chiến dịch nhằm củng cố "chính danh" thống trị của đảng cộng sản dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, chứ chưa thể hiện được thực tâm đảng muốn xây dựng một quốc gia dân chủ pháp trị cho nhân dân Trung Quốc. 

Quốc nạn tham nhũng tại Việt Nam 

Tham nhũng tại Việt Nam là quốc nạn. Các cơ quan có nhiều tham nhũng là địa chính nhà đất, hải quan, quản lý xuất nhập khẩu, công chánh, đầu tư, y tế, giáo dục, giao thông, công an, cảnh sát...

Nguyên Tổng Bí Thư (TBT) của đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Lê Khả Phiêu phát biểu: "Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người". Đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng nói: "Hiện tượng tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có..."

Khi nhắc đến tham nhũng trong khi tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5-2011, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cả đất nước này."

“Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”, Nghị quyết 04 – NQ/TW, Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, 30/10/2016.

Từ năm 1995 Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International - TI) đã công bố một chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index -CPI) hàng năm, xếp thứ tự các quốc gia trên thế giới theo "mức độ tham nhũng mà được nhận thức tồn tại trong các giới công chức và chính trị gia". Tổ chức định nghĩa tham nhũng là "lạm dụng chức vụ công để hưởng tư lợi".

Ngày 22.02.2018, Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố Chỉ số CPI 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công. Theo đó, xét trên thang điểm từ 0 - 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch. 

Cuộc thăm dò năm 2017 bao gồm 180 quốc gia toàn cầu. Kết quả cho thấy các nước có chế độ dân chủ pháp trị như Tân Tây Lan, Đan Mạch, Phần lan, Na Uy, Thụy Điển, Thuỵ Sĩ, Anh, Đức, Hoà Lan, Pháp, Gia Nã Đại, Úc , Mỹ... có số điểm cao và đứng hạng cao trong khi các quốc gia độc tài cộng sản có điểm ít và bị xếp hạng thấp như Cu Ba (hạng 62) Trung Quốc (77), Việt Nam (107), Lào (135) và Bắc hàn (171).

Trong quá khứ nhiều vụ tham nhũng làm thất thoát hàng chúc tỉ USD như EPCO-MinhPhụng, PMU18, PCI, Nexus Technologies Mỹ, Securency Úc, Vinashin, Vinalines... đã làm kinh hoàng xã hội. Và mới đây, trong những ngày đầu năm 2018, dư luận trong và ngoài nước lại được chứng kiến tình trạng tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng vẫn tiếp diễn ở mức quy mô và thô bạo hơn trước nhiều qua một loạt vụ án lớn, như vụ Phạm Công Danh; vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Oceanbank; hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ… 

Quốc nạn tham nhũng đã làm trì trệ sự phát triển đất nước, cho nên tuy đã tham gia ASEAN trên 20 năm, nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm 4 nước lạc hậu hơn của ASEAN (Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Miến Điện).

Chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSVN

Tháng Sáu năm 2016, ngay sau khi tái nhiệm chức vụ tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã khởi động chiến dịch “chống tham nhũng” có tên là “Đốt lò” theo cách gọi của báo chí, truyền thông đảng. 

Tháng 10/2016, trong Hội nghị Trung ương 4 của Đảng, vấn đề xây dựng Đảng và chống tham nhũng là một trong những trọng điểm của hội nghị. Tại hội nghị, Nguyễn Phú Trọng đưa ra cảnh cáo: Tham nhũng đang làm xói mòn "uy tín" của đảng cầm quyền. Đối với cuộc chiến chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng đòi phải tiến hành điều tra nghiêm túc đối với từng vụ án, không để kéo dài.

Năm 2017, 8 đoàn công tác của Trung ương được thành lập, đi đến 20 tỉnh, thành phố để kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Đảng đã thi hành kỷ luật đối với hơn 300 tổ chức Đảng, hơn 18.600 đảng viên vi phạm, trong đó có hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 3 tổ chức Đảng và 11 cán bộ; Ủy ban Kiểm tra trung ương đã tập trung kiểm tra và thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 18 cán bộ; trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số cấp ủy, tổ chức Đảng.

Chiến dịch "đốt lò" đã làm cả nước quan tâm. Các vụ bắt và xử một số lãnh đạo các ngân hàng, xí nghiệp quốc doanh và quan chức trong đảng và nhà nước được dư luận bàn tán. 

Thực chất và hiệu quả chiến dịch "đốt lò".

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" sau Đại hội Đảng lần thứ 18 năm 2012, chính trị nội bộ Việt Nam vẫn là một cuộc giằng co quyền lực giữa Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chỉ 2 năm sau khi tái đảm nhận chức TBT và dẹp được phe tham nhũng Nguyễn Tiến Dũng, phe bảo thủ Nguyễn Phú Trọng mới "can đảm" làm theo các đồng chí Trung Quốc của mình trong việc dọn sạch các phần tử thoái hóa, tham ô, lạm quyền bên trong Đảng.

Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đăng tải bài viết cho rằng: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược của một kẻ sĩ Bắc Hà đã phất lên ngọn cờ tiêu diệt bằng được sự tham nhũng, sự lộng quyền”, và “Ông trở thành một người đốt lò vĩ đại đã nhóm lên chiếc lò được cháy lên bằng ngọn lửa của lương tâm, và công lý để thiêu hủy bằng được cơn đại dịch tham nhũng và lạm quyền”. Báo chí chính thống tung hô sự thành công của công cuộc chống tham nhũng, sự nghiêm minh của pháp luật và chế độ. Có thể hiểu, một phong trào tôn sùng cá nhân ông Trọng cũng đã chính thức khởi động. 

Từng giữ cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim bình luận:

"Tham nhũng tràn lan, dân có thể đếm cán bộ huyện, cán bộ xã, thậm chí công chức bình thường người ta cũng đếm được số người tham nhũng, nhưng xử lý thì ít quá".

Ông Kim dẫn mấy ví dụ mà báo cáo của Thanh tra Chính phủ đề cập khiến không ít người ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình nữa. Trong số 1,1 triêu cán bộ thuộc diện kê khai tài sản mà chỉ có 3 trường hợp là "thiếu trung thực" Ông nhận xét thẳng: Báo cáo về công tác Phòng chống tham nhũng năm 2017 chưa đạt yêu cầu và không có nhiều ý nghĩa. Thế nên, người dân không "sốc" mới lạ. Điều mà Quốc hội, cử tri cần cập nhật vào báo cáo là các đại án ngàn tỉ, các dự án BOT có các quan chức có vấn đề. "Lò nóng lên rồi, không đưa củi vào cũng sẽ tắt"… Ông Kim nói thêm "Anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả. Tôi đề nghị sớm tổ chức những đơn vị chuyên trách chống tham nhũng một cách hiệu quả. Hiện nay có quá nhiều sự níu kéo, trì trệ. Một vụ án mà giải quyết mất năm trời không xong, tại sao vậy?"

Từ 1986, tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa tìm uy tín chính trị và tính chính danh cầm quyền cho Đàng, nên tăng trưởng luôn là mục tiêu kinh tế sẽ đưa đất nước vượt lên từ thu nhập thấp sang công nghiệp và hiện đại phát triển. Từ đó, các giải pháp duy trì tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá luôn được áp dụng. Cụ thể tăng trưởng kinh tế, qua cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước (CPHDNNN), thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, khai thác tài nguyên khoáng sản quốc gia, và đầu tư công bằng nguồn ngân sách nhà nước, đã dẫn đến tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại, và tham nhũng không thể kiểm soát được. Giới đối kháng dân chủ và các nhà bình luận Việt nam cho rằng công cuộc chống tham nhũng hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam không đi vào thực chất, không giải quyết gốc rễ, cội nguồn của quốc nạn tham nhũng. Chiến dịch chỉ nhằm thanh trừng phe phái, tranh giành quyền lực, lợi ích trong nội bộ đảng.

Giải pháp nào giúp Việt Nam giảm thiểu tham nhũng?

Mặc dù cùng theo chủ nghĩa cộng sản, chế độ độc đảng của Việt Nam bị Cộng đảng TQ coi là dung dưỡng cho tham nhũng quá lâu... Theo Tân Hoa Xã, hiện nay ở Việt Nam chống tham nhũng không thiếu chính sách, quy định, nhưng cơ chế chống tham nhũng còn có mặt hạn chế. Điều này đòi hỏi phải tiến hành cải cách thiết thực, đánh mạnh vào trách nhiệm quản lý và kinh tế của quan chức.

Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế đã đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp để giảm thiểu tệ nạn tham nhũng hiện nay. Trong số các khuyến nghị của tổ chức này, có kêu gọi thiết lập cơ chế luật pháp, tiếp cận thông tin để người dân đóng vai trò đòi hỏi minh bạch và ngăn ngừa tham nhũng. Minh Bạch Quốc Tế nói cần tăng cường vai trò của xã hội dân sự, cũng như tăng cường giáo dục trong trường học về đạo đức.

Cụ thể Nhà nước, cần nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát của Quốc hội và tính độc lập trong xét xử của các cơ quan Tư pháp. Mở rộng không gian xã hội dân sự, thiết lập và củng cố cơ chế tham gia hiệu quả để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội ngoài nhà nước tham gia vào quá trình ra quyết định và giám sát các hoạt động quản lý nhà nước.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo