Phương Trạch (Danlambao) - Xin mượn tựa đề bài thơ của tác giả Lưu Trùng Dương để “ca ngợi” ánh hào quang chói lọi của đất nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hôm nay, đang vững bước tiến lên thiên đường XHCN dưới cờ đảng VN quang vinh.
(Lưu ý: xin chớ đọc nhầm, không phải là “Xuống hố cả nút” đâu nhé).
Vậy là sau 43 năm, nghĩa là gần nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày dải đất hình chữ S này, vinh dự được đứng dưới ánh đuốc soi đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, và Tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của ĐCSVN và các vị lãnh tụ anh minh.
Đất nước của ông Thủ tướng “Cờ Lờ Mờ Vờ” đang “tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập để không những phát triển kinh tế trong nước mà còn có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở nước ngoài, mang thương hiệu mà ta hay gọi là “Ma dzê in Việt Nam”.
Đang hy vọng muốn biến “hòn ngọc Viễn Đông” ngày xưa, nay trở thành “hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”.
Vậy chúng ta hãy điểm qua nền kinh tế VN đã “năng động và sáng tạo” và phát triển như thế nào, dựa theo nguồn của báo chí lề đảng:
Báo Người Lao động hôm 30/8/2015 đăng bài: “Việt Nam tụt hậu bao xa so với láng giềng?”
Theo đó: “Một báo cáo tổng hợp của Tổng cục Thống kê đã phác thảo tình trạng lạc hậu, tụt hậu của Việt Nam so với hàng loạt các quốc gia trong khu vực.
Từ năm 2008 Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực còn lớn và có nguy cơ bị nới rộng.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.
GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam bằng 3/5 của Indonesia; 2/5 của Thái Lan; 1/5 của Malaysia; 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore.
Xét trên giác độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm; sau Malaysia 25 năm; Thái Lan 20 năm; sau Indonesia và Philippines 5-7 năm.
Trong khi đó, về cân đối tài khóa, tình trạng bội chi ngân sách và nợ công đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây"(1).
Cũng trên báo Báo Đất Việt, có bài càng chua chát hơn khi đánh giá: “Việt Nam thua Lào, Campuchia: Dự báo đang thành hiện thực".
Theo đó: “Thu nhập bình quân đầu người thấp, rơi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam chắc chắn sẽ thua Lào và Campuchia.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.910 USD/người, Lào 1.645 USD/người, Campuchia 1.007 USD/người; Myanmar 900 USD/người.
Mức thu nhập này không cao hơn hai nước láng giềng Lào và Campuchia là bao nhiêu, nhưng lại đặt trong bối cảnh Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Và báo này đánh giá: Kinh tế Việt Nam không sáng tạo bằng Lào. Việt Nam ngày càng thua Campuchia nhiều mặt”(2).
Một bài khác trên tờ Đất Việt: “Buồn trông Việt Nam thua Campuchia nhiều mặt”. Theo đó:
- Tăng trưởng, thu hút FDI hơn Việt Nam
- Campuchia tự chế ô tô điều kiển bằng smartphone giá 100 triệu
- Gạo Campuchia tấn công Mỹ, Hàn, Việt Nam vẫn dựa Trung Quốc
Vì thua kém thiên hạ nhiều mặt như thế, chẳng những người Việt Nam có dịp “chu du” khắp thế giới để làm cu ly, mà phụ nữ VN đi các nước để kinh doanh “vốn tự có”.
Chua chát và khôi hài hơn, là đến loài chim quý hiếm là Sếu đầu đỏ cũng chán ghét chế độ độc tài thối nát này, tìm đường đến “bến bờ tự do”.
Bài báo này viết tiếp: “Sếu đầu đỏ cũng bỏ Việt Nam sang Campuchia”(3).
Về nợ công:
Báo “Thế giới và Việt Nam” hôm 9/6/2016 có bài: “Nợ công Việt Nam đã thực sự đáng lo”.
Theo đó: “Quy mô nợ công tăng nhanh, áp sát ngưỡng kiểm soát của Quốc hội và đặt ra một số rủi ro, tuy nhiên, việc sử dụng nợ công mới là vấn đề cần lo ngại”.
Bài báo viết: “Báo cáo “Đánh giá thực trạng nợ công tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2016-2020” do Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố, giai đoạn 2011- 2015, nợ công của Việt Nam gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm.
Theo đó, cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2.608 nghìn tỷ Đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1.393 nghìn tỷ Đồng). Về số tương đối, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội"(4).
Dư luận thế giới:
Đài Á châu tự do hôm 8/6/2016 có bài: “Thực trạng nợ công ở Việt Nam hiện nay”.
Theo đó: “Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long có đánh giá về tình trạng mất cân đối trong thu chi của Việt Nam lâu nay và nguyên nhân dẫn đến thực trạng có thể nói không mấy sáng sủa”.
“Thực chất vấn đề ngân sách của Việt Nam luôn luôn bội chi. Điều này đã thấy rất rõ. Có nghĩa là thu không đủ chi, mặc dù tốc độ thu luôn luôn tăng; thế nhưng tốc độ chi luôn vượt tốc độ thu. Cho nên bội chi ngân sách là một bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam.
Để cân đối ngân sách thì phải phát hành ngân sách trong nước và nước ngoài, phải đi vay. Chính vì vậy làm cho nợ công có xu hướng tăng rất lớn. Và thực chất nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam hằng năm bây giờ tăng lên rất cao. Ví dụ năm 2015, nghĩa vụ trả nợ công là trên 400 nghìn tỷ.
Trong bối cảnh tình hình hiện nay thì một trong những lý do của vấn đề đó là đầu tư dàn trải, không có hiệu quả. Chính vì vậy chúng ta thấy rằng đó là một cảnh báo, một báo động cho thực trạng nền tài chính Việt Nam. Chính vì vậy hệ số rủi ro tín dụng rất cao. Theo tính toán vào tháng tư năm 2015 thì Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia có cảnh báo chỉ số về hệ số rủi ro tín dụng rất cao gần 290 điểm. Trong khi đó Hy Lạp khi vỡ nợ là hơn 300 điểm"(5).
Một nghiên cứu gần đây, dưới tiêu đề “Danh sách quốc gia theo GDP (PPP) bình quân đầu người”, đã đánh giá và xếp Việt Nam so với các quốc gia và vùng lãnh thổ như sau:
Đánh giá của Quỹ tiền tệ Quốc tế: VN xếp 127/189. Ngân hàng thế giới: VN 124/183. Theo CIA (Cục tình báo Trung ương Mỹ): VN xếp 131/199(6).
Qua những tài liệu trên đây, cho thấy người dân Việt Nam hiện nay thật đáng tự hào biết bao.
Càng tự hào hơn, khi báo Tuổi trẻ ra hôm nay (08/02/2018) có bài: “Xếp hạng 350 ĐH châu Á, Việt Nam không có trường nào”.
Theo đó: “Theo bảng xếp hạng chất lượng đại học (ĐH) châu Á năm 2018 do tạp chí Times Higher Education vừa công bố, Việt Nam không có một đại diện nào”.
“Theo trang web của tạp chí Times Higher Education, ĐH Quốc gia Singapore tiếp tục giữ ngôi đầu trong bảng xếp hạng đại học châu Á sau khi tiếp tục cải thiện môi trường giáo dục và nghiên cứu của họ, nhận được nhiều đánh giá khen ngợi hơn và cũng có mức thu nhập cao hơn.
Trong khi đó, Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử 6 năm của bảng xếp hạng này đã vượt qua Đại học Peking (cùng có trụ sở tại Bắc Kinh) để trở thành đại học Trung Quốc chiếm thứ hạng cao nhất trong bảng này.
Đại học Thanh Hoa có số công trình nghiên cứu công bố lớn mạnh hơn so với Đại học Peking. Thanh Hoa cũng đã tăng thêm nguồn thu nhập từ nghiên cứu với tỉ lệ nhanh hơn so với đối thủ cùng có trụ sở tại Bắc Kinh với họ.
Không trường đại học nào của Việt Nam có mặt trong danh sách xếp hạng của tạp chí Times Higher Education”(7).
Điều đáng buồn là, những thành tích vang dội trên đây, đều do thành phần “đỉnh cao trí tuệ” của đảng làm nên, mà không có sự tác động hay xúi dục, phá phách nào của các thế lực thù địch dính vào.
Nhờ những thành tích vang dội như vậy, nên ông TBT Nguyễn Phú Trọng mới mạnh miệng tuyên bố: “Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam”. Và “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?”
Có lẽ lịch sử của dân tộc sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của ĐCSVN, đã quyết đốt cả dãy Trường Sơn, quyết đem xương máu hàng triệu đồng bào người Việt ném vào cuộc chiến “nồi da xảo thịt”, tạo nên cảnh “Núi xương sông máu”, để đem lại rực rỡ vẻ vang cho nhân dân Việt Nam như hôm nay.
Và nhân dân Việt Nam cũng cần cám ơn ĐCSVN, đã bồi dưỡng và rèn luyện ra vị lãnh tụ sáng suốt, anh minh như Nguyễn Phú Trọng. Được nhân dân Việt Nam tôn sùng và xếp vào loại Lú nhất trong số những người Lú.
Ấy mới là:
“Đảng tiếp cho ta trăm nguồn sức lực.
Nguồn nhiệt năng ta thắp trọn đời mình
Vinh quang thay thế hệ Hồ Chí Minh
Cánh chim lớn mang cờ của Đảng
Bay bay mãi đến chân trời Cộng Sản
Như cánh chim bằng cưỡi gió ước mơ”.
(Thơ Lưu Trùng Dương)
Điều an ủi duy nhất cho ông Trọng là, nếu như đến cuối thế kỷ này, ĐCSVN chưa đưa dân tộc này, đất nước này tiến lên được thiên đường XHCN, thì đến một vài thế kỷ sau cũng chưa muộn.
Đến lúc đó, toàn thể dân tộc ta sẽ:
“Như cánh chim bằng cưỡi gió ước mơ”.
08.02.208
_______________________________________
Chú thích: