Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Từ đầu tháng tư năm nay, xuất hiện một hiện tượng đáng chú ý là sự vắng mặt của ông Trần Đại Quang trên mặt báo chí và hoạt động của chủ tịch nước. Các việc nghi lễ ngoại giao nhân danh nguyên thủ đều được gửi bằng điện, điện mừng, điện chia buồn, nhưng không kèm hình ảnh. Các sự kiện ngoại giao đón khách thăm đều không có mặt chủ tịch nước. Đặc biệt là chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi, mặc dù chỉ trên danh nghĩa Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mianmar, nhưng ai cũng biết bà là người quyền lực cuối cùng trong hệ thống chính trị của Mianmar. Trong khi bà Aung San Suu Kyi hội kiến cả ba vị thuộc bộ tứ, Tổng bí thư, Thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội, không hề thấy mặt ông chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chuyện vắng mặt của ông Quang xảy ra cùng một lúc với lệnh bắt và khám nhà Trung tướng Công An Phan Hữu Tuấn, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo, cùng với lệnh bắt và khám nhà hai vị nguyên chủ tịch UBND Đà Nẵng cùng một loạt các quan chức Đà Nẵng liên quan tới vụ Vũ Nhôm.
Dư luận ai cũng biết, Phan Văn Anh Vũ hay Vũ Nhôm là Thượng tá công an, thuộc tổng cục tình báo, nghĩa là nằm trong "dây" của ông Phan Hữu Tuấn. Nhưng ngoài chuyện này, vỉa hè Đà Nẵng vẫn gọi ông Vũ Nhôm là Trần Vũ, theo nghĩa Vũ Nhôm lấy họ của "bố nuôi" Trần Đại Quang.
Cùng thời gian này, một tin đồn lan truyền trên mạng rằng ông Quang đã sang Nhật chữa bệnh từ ngày 4/04.
Trước đó, Ban bí thư đã ra quy định kiểm tra sức khoẻ định kỳ đối với cán bộ chủ chốt, nhằm xác định cán bộ đủ sức khoẻ đảm đương chức vụ hiện tại và đủ khả năng đảm đương trách nhiệm cao hơn nếu được đề bạt. Với uỷ viên bộ chính trị, việc kiểm tra định kỳ được thực hiện hàng tuần. Nếu cán bộ, kể cả uỷ viên Bộ chính trị không đảm bảo sức khoẻ, có thể được đề nghị nghỉ bất cứ lúc nào. Người ta hiểu đây là bản nhạc dạo cho một cuộc "sắp xếp".
Cùng với văn bản này, Ban bí thư có hướng dẫn chỉ đạo đối với trường hợp theo luật, vụ án bị đình chỉ khi nghi can của vụ án chết hoặc không còn khả năng đối chất, nhưng nếu có liên quan tới nghi can hay những nghi can khác, vẫn phải điều tra và xét xử. Theo hướng dẫn này, vụ án "làm lộ bí mật nhà nước" mà nghi can chính là ông Phạm Quý Ngọ, dù ông này đột tử sau lời khai của tử tù Dương Chí Dũng trong vụ án Vinashine, rằng "số tiền 1 triệu đô (của bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát) chuyển cho ‘ông anh’ cấp trên", sẽ được mở trở lại và tiếp tục điều tra các cá nhân liên quan.
Người ta hiểu ngầm rằng, vụ án này dẫn trực tiếp tới ông Trần Đại Quang, vì khi đó ông Quang đang giữ chức bộ trưởng, cấp trên của ông thứ trưởng Phạm Quý Ngọ.
Và nếu để ý thêm một chút sẽ thấy bài báo rất dài về tăng cường an ninh mạng mà ông Quang viết (hay) đăng lại ( bài viết từ năm 2016) trong thời gian nghỉ chữa bệnh lần đầu vào tháng 7/2017 rơi vào đúng lúc có tin đồn về việc "có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong trò chơi đánh bạc điện tử" mà sau này, (tháng 3/2018), công an Phú Thọ đã khởi tố bắt cả hai vị tướng Công an, anh hùng lực lượng vũ trang trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng, và thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá, phó tổng cục trưởng An ninh mạng và tội phạm Công nghệ cao. Gọi là hai bài báo chạy tội, hay hoả mù, hay nói rằng, "tội phạm này không dính đến ta".
Như vậy có thể thấy, ông Quang dính tới tất cả những vụ việc trên, từ chuyện nhận tiền của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tới chuyện đánh bạc trên mạng lẫn chuyện bê bối Đà nẵng với Vũ Nhôm, và có thể cả đường dây bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh tẩu thoát.
Năm ngoái, khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc 23/07 và đưa về Hà Nội ngày 30/07, ông Quang "bị" biến mất từ 25/07/2017. Lần biến mất năm nay, cũng vào đúng dịp những sự kiện ồ ạt. Người ta không thể không hiểu ra rằng, ông Quang bị đưa sang Nhật để ở nhà, người ta tự do điều tra, giống như kiểu trói chặt ông vào ghế mà đánh.
Nhưng, lịch sử không lặp lại, lần này sự nghiệp của ông chắc đã được định đoạt. Người ta đã chuẩn bị đủ để cho ông "nghỉ chữa bệnh". Ban bí thư sắp tới sẽ ra thông báo về tình trạng bệnh tật của ông, và sẽ dạo nhạc để kỳ tới đây, tại Hội nghị Trung ương 7 vào đầu hay giữa tháng 5 này, ông xẽ xin Trung Ương cho từ chức.
Và sau khi ông nghỉ việc, người ta sẽ công bố kết quả điều tra, và với chủ trương không ai được hạ cánh an toàn nếu phạm tội, thì không biết ông có bị tước bỏ chức nguyên bộ trưởng công an, nguyên chủ tịch nước không!
Thay thế
Nhưng nếu người ta đã chuẩn bị cho ông Quang "về", thì lẽ tự nhiên là người cũng đã hay đang chuẩn bị phương án thay thế.
Có một nghi vấn dai dẳng là trường hợp nhân vận nghịch lý Nguyễn Văn Bình. Ông Bình là một trong ba nhân vật leo ngược dòng, cùng với Đinh La Thăng và Hoàng Trung Hải, ba nhân vật gắn bó mật thiết với nguyên thủ tướng tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng, tưởng mất tuột, lại leo vào Bộ chính trị. Người ta đã đi tới một khẳng định rằng, ba ông này chính là cái giá mà ông Trọng chịu chấp nhận để đạt được "sự ra đi" của ông Dũng. Ba ông này chính là các nhân tố của thủ đoạn cài cắm "chui sâu, leo cao để bảo đảm những lợi ích đã chiếm đoạt", như lời ông Trương Tấn Sang.
Trong khi hệ thống ngân hàng là hệ thống dính nhiều nhất tới các vụ án tham nhũng, có một tử hình và hàng loạt trên 30 năm tù, nhưng không một vụ nào có kết luận dính tới Bình Thống đốc. Từ vụ chuyển đổi độc quyền vàng, vụ thu gom hệ thống ngân hàng, hàng ngàn ngân hàng bị thu hồi giấy phép, bị giải thể, bị sáp nhập, bị mua lại, vụ thâu tóm ngân hàng thương mại Sacombank, vụ mua lại 5 ngân hàng thương mại với giá không đồng v.v... người ta đồn rằng tiền phía sau tuồn tới Thống đốc "như nước lũ".
Mỗi lần xử một vụ án, lần nào người ta cũng đoán "vụ này Bình Ruồi chắc chết", thế nhưng, ngay cả khi Trầm Bê bị bắt, rồi bị xử chuyện vớ vẩn "giúp Phạm Công Danh vi phạm", và ông Bình vẫn bằng chân vô sự.
Lạ một điều, là ông Bình không chỉ xuất hiện trong mọi chuyến đi thăm, làm việc và công cán trong nước của ông Tổng Bí thư nguyễn Phú Trọng, mà còn tháp tùng nhiều chuyến thăm ngoại giao của ông Trọng ra nước ngoài.
Nhưng khi ông Bình được phân công dẫn đầu đoàn công tác, với tư cách đại diện Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam thăm Argentine tháng 3/2017, liên bang Nga ngày 8-14/9/2017, người ta bắt đầu đặt câu hỏi nghi ngờ. Một nhân vật chuẩn bị ra toà có thể đại diện cho bộ mặt một đảng cầm quyền không? Ông Bình là "vật cài cắm" bên cạnh ông Dũng? Ông Bình là cò mồi của Bộ Chính trị trong hệ thống ngân hàng? Ông Bình là nhân vật thân cận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đặc biệt là ngày 8-14/4/2018, ông Bình được trao sứ mệnh dẫn đầu đoàn đại biểu đảng cộng sản Việt Nam thăm và làm việc tại Trung quốc. Ngày 17/4, được đích thân Vương Kỳ Sơn, phó chủ tịch nước Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa tiếp và làm việc tại Trung Nam Hải.
Nếu gắn sự kiện này với chuyện sang Nhật chữa bệnh lần hai của ông Trần Đại Quang và tin đồn vẫn đang còn trên mạng, ông Bình "tham gia phủ chủ tịch", thì có thể nghi ngờ rằng ông Bình chính là giải pháp được lựa chọn để thay thế ông Quang, và sự tiếp kiến trực tiếp nhân vật số hai của Trung Quốc, chính là thủ tục chuẩn thuận của "đảng anh em".
Điều nghi vấn này được xác định lần nữa, khi nhìn bức ảnh chụp sáng ngày 25/04, chụp thành viên đoàn chính phủ do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tới dâng hương ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đoàn chỉ gồm ông Phúc, ông Bình và ông Đỗ Bá Tị - phó chủ tịch Quốc hội.
Đảng cộng sản Việt Nam có thói quen sử dụng các sự kiện để giới thiệu các khuôn mặt mới, vừa để dư luận không thấy đột ngột, vừa để thăm dò phản ứng. Qua bức ảnh này, có thể luận ra vài điều:
- Dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương thường là việc của Nguyên thủ quốc gia, đại diện toàn thể quốc dân, ba ông này có lẽ được cơ cấu vào vị trí Chủ tịch nước, trình diện Quốc Tổ.
- Nếu ông Phúc tiếp tục giữ vị trí thủ tướng, vị trí Chủ tịch nước sẽ chuyển cho hoặc ông Đỗ Bá Tị, hoặc cho ông Nguyễn Văn Bình.
- Ở bức ảnh trên, ông Bình sẽ giữ chức chủ tịch nước - ông là người đầu tiên bên phải ông Phúc.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm ở đền Giếng:
- Ở bức ảnh này, ông Đỗ Bá Tị sẽ là Chủ tịch nước, ông Bình đứng hàng sau. Như vậy, ông Đỗ Bá Tị sẽ vào Bộ chính trị trong Hội nghị trung ương 7 sắp tới và sẽ được giới thiệu cho Quốc Hội bầu bất thường vào chức chủ tịch nước. Ông Tị mất chức Bộ trưởng Quốc phòng và bị về phó chủ tịch Quốc hội chỉ vì không chấp nhận giao lưu biên giới với Tàu. Ông bị ép rời Bộ quốc phòng nhưng phải chịu phong đại tướng trước khi chuyển ông sang Quốc hộ. Phương án này chứng tỏ thái độ chống Tàu thắng thế.
- Cả hai nhân vật sẽ được giới thiệu ứng viên chức Chủ tịch nước, tuỳ Quốc hội bầu chọn, phản ánh thế giằng co giữa thân và không thân Tàu.
Như vậy, việc nghi vấn ông Bình là thủ túc của ông Nguyễn Tấn Dũng, với nghĩa là dính tham nhũng, có thể không có căn cứ. Kết hợp với tập quán chức vụ Chủ tịch nước thường gắn với công trạng bảo vệ chế độ, có thể suy luận rằng ông Tị trong cuộc chiến tranh biên giới đã có công giữ nước, và ông Bình có lẽ đã cung cấp bằng chứng tố cáo ông Dũng, có giá trị quyết định trong việc gạt được mối nguy hại tới sự tồn vong của đảng, cũng là công bảo vệ chế độ.
Ván bài sẽ được lật sau hội nghị trung ương 7 sắp tới.
26.04.2018