Biển Đông dậy sóng! - Dân Làm Báo

Biển Đông dậy sóng!

Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Các viên chức Hoa Kỳ không muốn lộ danh tánh đã thông báo cho hãng tin Reuter là khu trục hạm Higgins và tuần dương hạm Antietam có trang bị các loại hỏa tiển tối tân đã tiến sát vào vùng biển Hoàng Sa gần các đảo Linh Tôn, Trí Tôn, Phú Lâm và đảo Cây để tuần tra trong nổ lực bảo vệ quan điểm "Tự do hàng hải" của mình. Đài BBC và đài VOA cũng đã khẳng định nguồn tin này của Reuter. Hai chiến hạm của Mỹ được ghi nhận là cách các đảo này chỉ 12 hải lý! (1)

Hành động tuần tra đảo Hoàng Sa lần này được diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ từ chối không mời Trung Cộng tham dự cuộc tập trận Không-Hải quy mô RIMPAC ở Haiwaii được tổ chức hai năm một lần. 

Lý do Trung Cộng, mặc dù là ở vị thế siêu cường ở châu Á Thái Bình Dương, nhưng lại không được mời tham dự cuộc tập trận lần này, là vì Hoa Kỳ phản đối những hành động quân sự hóa của Trung Cộng trên các đảo còn đang tranh chấp ở biển Đông, như Trung Cộng đặt hệ thống nhiễu sóng radar, đáp các oanh tạc cơ ném bom xuống đảo Phú Lâm hay đặt các hệ thống hảo tiển tầm trung trên các đảo nhân tạo mà Trung Cộng cưỡng chiếm trái phép trong thời gian gần đây. 

Việc Trung Cộng không được mời tham dự cuộc tập trận này tạo ra sự bất lợi vô cùng lớn cho quốc gia Cộng Sản này. 

Trước hết, Trung Cộng bị mất mặt trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trước các nước trong vùng biển Đông. 

Các nước trong vùng nay đã thấy Hoa Kỳ tỏ rõ quyết tâm hơn trong việc phản đối thái độ bành trướng của Trung Cộng. Từ đó, chính sách đu dây của các nước trong vùng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng thực hiện bao năm qua khó có thể thực hiện trôi chảy được nữa, khiến Trung Cộng gặp khó khăn hơn khi muốn dùng sức ép về ngoại giao và kinh tế để chèn ép các nước trong vùng chấp nhận quan điểm lãnh hải của mình mà bỏ rơi các nguyên tắc về luật biển quốc tế do Hoa Kỳ bảo vệ. 

Kế đến, Hoa Thịnh Đốn phá tan nghi ngờ trong giới lãnh đạo của các nước Á Châu là Hoa Kỳ sẽ nhượng bộ Trung Cộng về biển Đông để đổi lại nhưng thỏa hiệp tốt đẹp về mậu dịch giúp nền kinh tế Mỹ thắng thế và tạo thuận lợi cho Tổng thống Trump tái đắc cử cũng như đạt được những tiến bộ ngoại giao đáng kể trong việc giải quyết căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. 

Theo suy đoán (nay đã không còn đúng nữa của giới lãnh đạo trong vùng), Hoa Kỳ sẽ im lặng cũng như sẽ không có hoạt động Hải quân thích ứng vào lúc này trước việc Trung Cộng gia tăng quân sự hóa biển Đông để đổi lại sự hợp tác sâu rộng của Trung Cộng trong vấn đề giải quyết sự căng thẳng ở Triều Tiên, cũng như trong vấn đề giải quyết căng thẳng mậu dịch. 

Hoa Kỳ quả thật là có thúc ép Trung Cộng gia tăng hiện diện quân sự ở biên giới Trung Cộng-Bắc Hàn, thúc ép Trung Cộng thực thi nghiêm chỉnh hơn nữa các biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Cộng Sản Bắc Hàn. Từ lâu, Trung Cộng vẫn xé rào cấm vận của Liên Hiệp Quốc để tăng viện kinh tế, tài chánh cho quốc gia Cộng Sản này. 

Vào ngày 29 tháng Sáu năm 2017, chính phủ Trump đã buộc phải ra lệnh phong tỏa hàng loạt các ngân hàng lớn, các công ty lớn của Trung Cộng để chấm dứt các hoạt động rửa tiền của các ngân hàng này cho Cộng Sản Bắc Hàn. Cụ thể người ta thấy có ngân hàng: "Bank of Dandong" bị phong tỏa, công ty "Dalian Global Unity Shipping Co." bị điều tra. Ngoài ra còn có hai đại gia của Trung Cộng là Sun Wei và Li Hong Ri bị truy nã (2). 

Tuy nhiên, chủ ý của tổng thống Trump giải quyết vấn đề căng thẳng bán đảo Triều Tiên có hay không có sự hợp tác của Trung Cộng đã bị mọi người lầm lẫn bỏ qua. Do thông lệ trước giờ từ thời tổng thống Clinton trở đi, nếu không có sự đồng thuận hợp tác của Trung Cộng thì mọi nổ lực hòa đàm với Cộng Sản Bắc Triều Tiên càng trở nên bế tắt! 

Vì vậy, hành động Hoa Kỳ ngày hôm nay khi cho khu trục hạm Higgins và tuần dương hạm Antietam dí sát vào quần đảo Hoàng Sa, cũng như không mời Trung Cộng tham dự tập trận RIMPAC gần như nằm ngoài dự kiến của các chiến lược gia hay lãnh đạo các nước trong vùng. 

Việc Hoa Kỳ tiến hành tuần tra hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa trong thời điểm này rõ ràng sẽ khiến căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ- Trung càng thêm leo thang. 

Hai quốc gia này vừa mới có những thỏa hiệp tạm thời để né tránh một cuộc chiến tranh mậu dich lớn chưa từng có có thể làm chao đảo kinh tế toàn cầu, thì việc "hâm nóng" tình hình biển Đông lại càng khiến những thỏa hiệp mậu dịch vừa qua giữa hai nước đứng ở bờ vực thẩm bị hủy bỏ. 

Để tránh né chiến tranh mậu dịch, Trung Cộng đã buộc phải mở rộng cửa cho thị trường nội địa của mình cho nông sản của Hoa Kỳ được nhập vào, cũng như giảm các mức thuế lên hàng hàng hóa của Hoa Kỳ, trong đó có nhiều thiết bị gia dụng, xe hơi, và kể cả thuế dầu hỏa. Phía Trung Cộng cũng phải buộc chấp nhận mức thuế cao hơn lên hàng hóa của mình khi nhập vào thị trường Hoa Kỳ. 

Trong thời gian các viên chức Bắc Kinh bàn thảo với Hoa Kỳ về những nhượng bộ cần thiết của mình để né tránh chiến tranh mậu dịch tại Hoa Thịnh Đốn, thì các hoạt động quân sự hóa của Trung Cộng ở biển Đông gia tăng đến chóng mặt. 

Gần đây nhất là vào ngày 19 tháng Năm, tin tức đã loan báo Trung Cộng cho đáp thực tập các oanh tạc cơ H-6K lên đảo Phú Lâm của Hoàng Sa (3). 

Loại oanh tạc cơ đường dài H-6K của Trung Cộng có khả năng phóng hỏa tiển không đối đất CJ-10A có thể gắn đầu đạn nguyên tử nếu muốn. Oanh tạc cơ H-6K chứa 12 hỏa tiển không đối hải YL-12 đủ khả năng tấn công và đánh chìm mọi chiến hạm, kể cả hàng không mẫu hạm. Tầm bắn của loại hỏa tiển tầm xa CJ-10A khoảng hai ngàn cây số và của loại hỏa tiển YL-12 là khoảng bốn trăm cây số. 

Sự hiện diện của oanh tạc cơ tại Hoàng Sa khiến chu vi ba ngàn cây số chung quanh bị đe dọa, và miền Trung Việt Nam là nằm gần tâm điểm của chu vi này. Có thể nói, tự vị trí này, các oanh tạc cơ H-6K của Trung Cộng có khả năng biến miền Trung Việt Nam thành bình địa trong khoảnh khắc. 

Cho nên, việc Hoa Kỳ cử khu trục hạm Higgins và tuần dương hạm Antietam có trang bị các loại hỏa tiển tối tân vào vùng quần đảo Hoàng Sa có đường bay của oanh tạc cơ H-6K đáp xuống cũng là một thông điệp quân sự mà Hoa Thịnh Đốn muốn gởi đến cho Bắc Kinh, ngầm ý cho Bắc Kinh biết các oanh tạc cơ H-6K khó có cơ hội triển khai hết hỏa lực của mình trước các loại khu trục hạm có hỏa tiển tối tân như Higgins. 

Cũng xin được lưu ý, khu trục hạm Higgins đã phóng trên 20 hỏa tiển tomahawk vào Syria vào ngày 7 tháng Tư trước đó, làm tê liệt toàn bộ khả năng quân sự của Syria và của Nga tại nơi này. (4) 

Mọi người đều đồng ý là Hoa Kỳ đã chọn Syria là nơi thí điểm để "biểu diễn" sức mạnh quân sự của mình trước lãnh tụ Cộng Sản Bắc Hàn, Kim Jong Un. Thái độ và lựa chọn của "cậu bé" Kim trong việc giải quyết căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên đã thay đổi hẳn 360 độ khi "cậu bé" này nhìn thấy khả năng tấn công từ xa của Hoa Kỳ, và sự chính xác đến tuyệt đối của các loại vũ khí mà Hoa Kỳ có được. 

Đương nhiên Bắc Kinh hiểu rõ đây là một thông điệp hăm dọa thẳng mặt mà Hoa Thịnh Đốn gởi đến cho mình khi lựa chọn khu trục hạm Higgins đi vào Hoàng Sa. Thông điệp quân sự này có thể diễn giải nôm na là "thuận Mỹ thì sống yên ổn, nghịch Mỹ thì... "ăn" tomahawk!” 

Trước kia, vào thời Obama, Hoa Kỳ cũng đã thực hiện tuần tra sát đảo Hoàng Sa nhiều lần như lần này nhưng lại không được giới lãnh đạo trong vùng xem nặng như lần này, vì vào thời điểm còn tổng thống Obama, mối quan hệ Trung Mỹ không căng thẳng leo thang như bây giờ. Hơn nữa, Tổng thống Obama đã bị các lãnh đạo trong vùng, giới chiến lược gia chê trách là đã không có những phản ứng đúng mức đúng thời điểm về biển Đông trước Trung Cộng, chẳng hạn như đã phớt lờ không giúp Phi Luật Tân lấy lại chủ quyền biển đảo dựa trên tuyên bố chính thức của tòa án quốc tế ở Hague của Tiệp. 

Đương nhiên, chúng ta phải hiểu tổng thống Obama chẳng việc gì phải sợ Trung Cộng như mọi người lầm tưởng, mà mọi quyết định của ông, cũng giống như của tổng thốngTrump ngày nay, đều dựa vào sự cố vấn của cơ quan tình báo Hoa Kỳ là CIA. Tổng thống Obama nhịn nhục Trung Cộng hay như tổng thống Trump sát phạt với Trung Cộng vào bây giờ cũng không ngoài lý do này. Dưới thời Obama, bộ trưởng Quốc Phòng Panetta nguyên là cựu giám đốc CIA, dưới thời của tổng thống Trump, đương kim bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo cũng là cựu giám đốc CIA. Mọi quyết định của hai nội các trên về biển Đông, không ít thì nhiều cũng ảnh huởng bởi ý kiến hoặc là của Panetta, hoặc là của Pompeo. 

Vì vậy, nếu nhìn cho sâu hơn, cho kỹ hơn, ý nghĩa chính của cuộc tuần tra Hoàng Sa lần này cho thấy đã có sự thay đổi hay chuyển đổi sang một chương mới trong đối sách của CIA về biển Đông. 

Một trong những tâm điểm của đối sách CIA về biển Đông trước khi Trump làm tổng thống là ve vãn Cộng Sản Việt Nam vào quỹ đạo quân sự chiến lược của Hoa Kỳ tại biển Đông. 

Sự kiện bộ trưởng QP Panetta đi thăm Cam Ranh cho thấy Hoa Kỳ đang ngấm ngầm lựa chọn nơi làm bãi chiến tương lai tại biển Đông. Cảng Cam Ranh nhìn ngó thẳng ra Hoàng Sa. 

Quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam Cộng Hòa mãi cho đến năm 1974 thì mới bị mất vào tay Trung Cộng. Hoa Kỳ có toàn quyền can thiệp vào vùng quần đảo này theo công pháp quốc tế. Tại quần đảo này, Trung Cộng không thể che lấp bằng chứng trận hải chiến cưỡng chiếm quần của mình. Nếu Trung Cộng thua cả về lý lẫn tình, mất luôn khả năng quân sự kiểm soát Hoàng Sa sau trận chiến trong tương lai thì đương nhiên, chủ quyền của các đảo trên quần đảo Trường Sa sẽ không thể thuộc về Trung Cộng. Lựa chọn vị thế Hoàng Sa cho một trận đánh ở Biển Đông trong tương lai là điều hợp lý mà các giới chức quân sự các nước đang lăm le toan tính, trong đó có Trung Cộng, Cộng Sản Việt Nam, Ấn, Úc, Nhật và Hoa Kỳ. 

Trung Cộng cũng hiểu ý nên hạ oanh tạc cơ chiến lược H-6K của mình ra Hoàng Sa đe dọa cảnh cáo trực tiếp lên Cộng Sản Việt Nam về thái độ trở cờ theo Mỹ. 

Panetta chính thức yêu cầu Việt Nam phải cho Hoa Kỳ sử dụng cảng Cam Ranh thường trực như là điều kiên tiên quyết để sự hợp tác quân sự giữa hai nước được sâu rộng thêm. Khi vấn đề Cam Ranh chưa được ngã ngũ, thì tổng thống Obama sẽ không dại gì gây căng thẳng thêm với Trung Cộng. Hơn nữa, vốn dĩ vào lúc đó, Trung Cộng còn đang đào cát lấp đảo nuôi mộng bá chủ, sẽ không có lợi gì cho người Mỹ nếu triệt tiêu mộng mị bành trướng biển Đông của Trung Cộng khi còn quá sớm. 

Nay thì lại khác, sức mạnh quân sự của Trung Cộng trên các đảo đã được cũng cố, thành hình. Các nước trong vùng kể cả Cộng Sản Việt Nam từ nay, hoặc là phải dựa hoàn toàn vào Hoa Kỳ để giữ chủ quyền biển đảo, hoặc là ngã hẳn vào Trung Cộng để đổi lấy an ninh chính trị. 

Cộng Sản Việt Nam cũng là chế độ chính trị duy nhất trong vùng lên tiếng ngoại giao công khai dằn mặt chỉ trích Trung Cộng trong suốt hai tháng qua khi Trung Cộng leo thang quân sự tại biển Đông. Các nước còn lại giữ im lặng. 

Không có Hoa Kỳ đứng đàng sau bật đèn xanh, cho biết trước sẽ có hành động, Cộng Sản Việt Nam chắc chắn sẽ giống như các nước khác trong vùng, sẽ im lặng trước việc Trung Cộng đáp máy bay xuống đảo Hoàng Sa thay vì chỉ trích dằn mặt Trung Cộng. Cộng Sản Việt Nam đã từng phải hủy bỏ hợp đồng khai thác khí đốt với công ty Repsol (5), mất cả trăm triệu Mỹ kim để chìu theo sức ép của Trung Cộng thì việc im lặng trước việc Trung Cộng đặt hệ thống nhiễu sóng radar, hay đặt hệ thống hỏa tiển hay đáp oanh tạc cơ xuống Hoàng Sa, đâu có gì là khó khăn. 

Không phải vô cớ mà Cộng Sản Việt Nam buộc phải đồng ý để hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ vào Đà Nẵng trong tháng Ba! Rõ ràng, số phận của cảng Cam Ranh đã được định đoạt dù chưa công bố sau chuyến đi của Nguyễn Chí Vịnh vào tháng 10 năm ngoái. 

Đối sách của CIA về biển Đông trong tám năm sắp tới, 2018-2026, sẽ như thế nào, đương nhiên sẽ khó có ai biết được tường tận, cũng như lý do vì sao có đối sách này, sẽ khó mà ai phân tích cho rõ, nhưng vụ tuần tra Hoàng Sa lần này, đã hé mở một sự thay đổi có tính tiếp nối trong đối sách của CIA về biển Đông. 

Có một điều chắc chắn là đối sách mới này của CIA sẽ làm biển Đông dậy sóng! 

*




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo