Họ không ở trong chăn - Dân Làm Báo

Họ không ở trong chăn

Thảo Dân (Danlambao) - Trong phần nhận xét (comment) dành cho độc giả dưới bài viết có tựa “Hồ Chí Minh: kẻ trộm thơ” của tác giả Trần Gia Phụng, PMH có nêu lên những lời đề cao Hồ Chí Minh của nhiều người ngoại quốc. 

Không kể những lời tán tụng chung chung; chỉ tính những điều cụ thể có thể chia các nhận xét ấy thành các nhóm dưới đây:

- Hồ Chí Minh là nhà văn, nhà thơ: Nhận xét của Tổng thống X. A-giên-đê (CH Chi-lê), tiến sĩ M. Atmet Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tiến sĩ sử học E.Cobelep. 

- Hồ Chí Minh rất khiêm tốn: Nhận xét của Tổng thống X. A-giên-đê (CH Chi-lê). 

- Hồ Chí Minh có đạo đức cao: Nhận xét của Ngài Saychum - Trưởng ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Báo Diễn đàn Canada ngày 10-9-1969. 

- Hồ Chí Minh đấu tranh cho tự do độc lập của dân tộc Việt Nam, cho tự do và hòa bình thế giới: Nhận xét của “Một GS đại học Y khoa ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ”; của Suthichai Youn- Tổng biên tập Tập đoàn Xuất bản quốc gia, Băng Cốc – Thái Lan. 

- Hồ Chí Minh trước hết là người yêu nước sau đó mới là người Cộng sản: Nhận xét của Một GS đại học Y khoa ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. 

- Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn vĩ đại, có lòng khoan dung, bao dung như sông dài biển rộng: Nhận xét của ông K.C Tiagi, Tổng Bí thư Đảng Janata dal, Ấn Độ; của Tiến sĩ Mukhtasar Syamsuddin (Khoa Triết, Đại học Gadjah Mada, Indonesia). 

- Hồ Chí Minh thức tỉnh châu Á, đưa hàng triệu quần chúng không có học thức từ chỗ quen sống yên phận, hoặc chỉ phản đối một cách mù quáng đến chỗ giác ngộ về sự nghiệp giải phóng và giành được cuộc sống thật sự của con người: Nhận xét của V. Đơ-tê-rê-ca-rốp (Bun-ga-ri). 

Người đọc có hiểu biết nghĩ gì về các nhận xét ấy? 

Trước hết, dễ thấy ngay là tất cả các nhận xét kể trên đều giống với những lời ca ngợi của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam về lãnh tụ Hồ Chí Minh của họ: ông là nhà yêu nước, là tấm gương sáng ngời về đạo đức, suốt đời hy sinh cho độc lập tự do của tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân nhưng rất khiêm tốn, là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của thế giới… 

Có vẻ như những lời ca ngợi ấy đều đúng: Hồ Chí Minh có tập thơ nổi tiếng “Ngục trung nhật ký” được dịch ra nhiều thứ tiếng; ông có phong cách bình dân, gần gũi dân chúng, thường xuất hiện trong bộ áo quần đơn sơ, không ở trong dinh thự như các lãnh đạo khác mà ở trong một nhà sàn, diện mạo đôi khi gầy gò, khắc khổ; không thấy có vợ con; ông đi nhiều kể cả nước ngoài, ở đâu cũng nói về lòng yêu nước, độc lập, tự do, chống bất công, áp bức, bóc lột; ông nói nhiều về đạo đức, xây dựng đất nước; ông lên tiếng dạy mọi tầng lớp nhân dân từ thiếu nhi đến thanh niên; từ bộ đội, cán bộ, viên chức đến giới văn nghệ sĩ, trí thức. Hình ảnh ông ung dung trên lưng ngựa ở miền núi, xắn ống quần tát nước cùng nông dân ở ruộng đồng, nắm tay vui đùa cùng thiếu nhi, ngồi bên các tướng lãnh ở mặt trận, được phổ biến rộng rãi khiến nhiều người ngưỡng mộ. Sách báo ca ngợi ông phát hành rộng rãi, phổ biến khắp nơi. 

Thời còn chiến tranh dân miền Nam ít người hiểu rõ về chủ nghĩa Cộng sản và Hồ Chí Minh; dân miền Bắc thì được giáo dục yêu “bác Hồ” từ thuở còn bé. Sau chiến thắng của đảng vànhà nước Cộng sản, Hồ Chí Minh được ca tụng, tôn sùng như vị thánh toàn mỹ, là tấm gương sáng ngời để cả dân tộc noi theo. 

Trong hoàn cảnh nhà nước độc quyền thông tin với hàng chục đài truyền thanh, truyền hình, hàng trăm tờ báo; một số lớn dân Việt tin vào lời tuyên truyền của đảng và nhà nước CSVN, cũng suy nghĩ như những nhân vật ngọai quốc kể trên. Cho tới khi có internet. Dù nhà nước toàn trị đàn áp những người nói lên sự thật, ra sức sử dụng tường lửa ngăn chặn các trang mạng phổ biến sự thật về đảng, nhà nước và các nhân vật lãnh đạo cộng sản, sự thật dần dần hé lộ. 

Sự thật về Hồ Chí Minh có đúng như lời tuyên truyền của đảng và nhà nước CSVN và lời ca ngợi của các nhân vật ngoại quốc kể trên? 

Dưới đây là sự thật: 

1) Hồ Chí Minh không xứng đáng được gọi là nhà thơ, nhà văn

Hồ Chí Minh khó là tác giả tập thơ “Nhật Ký Trong Tù”: 

“Nhật ký trong tù” là cuốn thơ nổi tiếng được đảng và nhà nước CSVN cho là của Hồ Chí Minh, đưa vào chương trình giáo dục, phổ biến rộng rãi không những trong nước mà nước ngoài. 

Học giả Lê Hữu Mục phân tích rõ ngữ âm, ngữ điệu, hoàn cảnh ra đời của tập thơ để chứng minh đa số những bài thơ trong tập thơ này không phải là của Hồ Chí Minh. Trong 113 bài thơ của tập thơ, ông cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là tác giả chừng 10 bài còn hơn 100 bài còn lại là của ông già người Tàu họ Lý, bạn tù của Hồ Chí Minh trong thời gian ở tù tại Hồng Kông. Ông Mục có đề cập đến hai hàng số ghi ở đầu tập thơ là (29.8.1932/10.9.1933). 

Cuốn DVD về Hồ Chí Minh của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ ghi nhận Hồ chí Minh bị bắt vào tù vào tháng 8.1942. Chênh lệch 10 năm cho thấy Hồ chí Minh khó có thể là tác giả tập thơ. (Trích “Nguyễn Đăng Mạnh viết về Hồ Chí Minh” của Trần Viết Đại Hưng). 

Ông Đặng Thai Mai, chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật được giao nhiệm vụ hiệu đính cuốn thơ “Nhật ký trong tù” trong thời gian 1959-1960 đã thắc mắc tại sao hình bìa cuốn thơ có ghi 29-8-1932 đến 10-9-1933 mà khi dịch ra thì phải sửa thành 29-8-1942 đến 10-9-1943, Hồ Chí Minh không trả lời và vội vàng thăng chức cho ông làm Viện trưởng Viện Văn học. 

Nếu Hồ Chí Minh làm ra những bài thơ này vào giai đoạn 1942-1943, tại sao Trần Dân Tiên (bút danh của Hồ Chí Minh) không đề cập tới những sáng tác của ông trong cuốn sách “Những Mẩu Chuyện về Đời Hoạt Động của Chủ Tịch Hồ Chí Minh” vào 1948? (một cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó ông tự viết, tự ca ngợi mình). 

Hồ Chí Minh lấy thơ của Vương Hàn đời Đường, Trung Hoa: 

Sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, đăng bản phiên âm bài thơ bằng chữ Hán của Hồ Chí Minh gởi cho trung tướng Trần Canh (sau lên đại tướng). Bài thơ nầy còn được in trong sách Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh. Nguyên văn như sau: 

Tặng Trần Canh Đồng Chí 

Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi 
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi 
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu 
Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi

(Theo đúng nguyên văn trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 tr. 101.) 

So sánh bài thơ này với bài tứ tuyệt có tựa “Bài hát Lương Châu” của Vương Hàn, đời Đường bên Trung Hoa, cách nhau cả hơn một ngàn năm như sau: 

Lương Châu Từ 

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi 
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi 
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu 
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Nhận xét: 2 bài thơ giống nhau hoàn toàn câu 2 và 3; câu 1 giống 5 từ, câu 4 giống 2 từ. 

Hồ Chí Minh lấy thơ Đỗ Mục: 

Chúng ta hãy so sánh 2 bài thơ có tựa “Thanh minh” của Hồ Chí Minh và của Đỗ Mục: 

Bài Thanh minh của Đỗ Mục

Thanh minh thời tiết vũ phân phân
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn.

Bài “Thanh minh” của HCM: 

Thanh minh thời tiết vũ phân phân
Lung lý tù nhân dục đoạn hồn.
Tá vấn tự do hà xứ hữu
Vệ binh dao chỉ biện công môn. 

Nhận xét: Câu 1 hoàn toàn giống nhau; câu 2 và 3 giống nhau 3 từ; câu 4 giống nhau 2 từ. 

Hồ Chí Minh lấy của người này một câu, của người kia một câu làm thành bài thơ của mình: 

Bài thơ “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh: 

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên. 
Yên ba thâm xứ đàm quân sự, 
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền. 

Câu đầu giống câu thơ của Lý Thương Ẩn trong bài "Tây Đình”: Kim dạ tây đình nguyệt chính viên

Câu thứ hai của HCM:tương tự câu thơ của Triệu Hỗ trong bài "Giang lâu thư hoài": Nguyệt quang như thuỷ, thuỷ như thiên

(Trích comment của “bác cháu chúng phường trộm cướp”) 

Hồ Chí Minh lấy tư tưởng người khác:

Trong cuộc học tập chính trị có hơn 3,000 giáo viên tham dự ngày 13-9-1958 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.” 

Ý tưởng của câu ấy giống ý tưởng của Quản Trọng - tể tướng nước Tề thời Xuân Thu (722-479 trước CN); ông Quản Trọng nói: “Nhất niên chi kế mạc ư thụ cốc; thập niên chi kế mạc ư thụ mộc; bách niên chi kế mạc ư thụ nhân.” (Kế một năm trồng lúa; kế mười năm trồng cây; kế trăm năm trồng người.)  (Trích “Hồ Chí Minh: Kẻ trộm thơ” của tác giả Trần Gia Phụng). 

Trong lần đến thăm liên phân đội thanh niên xung phong 312 ở Nà Tu thuộc tỉnh Bắc Cạn đêm ngày 30 tháng 3 năm 1951, Hồ Chí Minh nói "Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền / Đào núi và lấp biển / Quyết chí ắt làm nên"

Lời ấy giống bốn câu trong bài thơ ngũ ngôn "Huấn mông ấu học thi" của Uông Thù, người thời Bắc Tống ở bên Tàu: "Tạc sơn thông đại hải / Luyện thạch bổ thanh thiên / Thế thượng vô nan sự / Nhân tâm tự bất kiên"

Một nhà thơ lấy một vài chữ, vài ý của nhà thơ khác bị lên án là đạo thơ; một người mà phần lớn tác phẩm của mình đều lấy của người khác không thể gọi là nhà thơ. 

2) Hồ Chí Minh không phải là người khiêm tốn; trái lại, rất kiêu ngạo 

“Khiêm tốn” chỉ là một đức tính trong lời Hồ Chí Minh dạy thiếu niên, nhi đồng được nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phổ biến rộng rãi, thường được treo trong các trường tiểu học, nguyên văn như sau: 

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; 
Học tập tốt, lao động tốt; 
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; 
Giữ gìn vệ sinh thật tốt; 
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. 

Trong hành động HCM làm ngược lại: 

Trong tác phẩm “Những Mẫu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch”, Hồ Chí Minh đề tên Trần Dân Tiên, vẽ ra hình ảnh về chính ông như sau: 

“Nhiều nhà văn, nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình”. 

Cuốn sách ấy cũng có đoạn: 

“Ở ngoài mặt trận các chiến sĩ hô lớn, vì tổ quốc, vì Bác Hồ tiến lên! Vì Bác Hồ mà những người lao động trong nhà máy và trên đồng ruộng tăng thêm năng suất. Đối với nhi đồng tên Bác như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn… Nhân dân gọi chủ tịch là cha già của dân tộc”. “Chủ tịch trở thành “cha Hồ” của dân tộc Việt Nam”! 

Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh:

Hà Minh Đức, Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (Hà Nội, 1985), trang 132: "...Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, và của bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm 'Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch'..." 

Cựu đại tá Bùi Tín cũng tiết lộ : "Nhân dân, tờ báo của Đảng Cộng sản, nói rõ là ông Hồ trong cuộc đời đã dùng đến hơn 30 bí danh khác nhau, trong đó có bí danh Trần Dân Tiên, và khẳng định rõ rằng cuốn 'Những mẩu chuyện về đời sống của chủ tịch HCM' là do chính ông Hồ viết ra." 

Có nghĩa là Hồ Chí Minh cho rằng mình rất khiêm tốn nhưng lại đề cao chính mình! 

Hồ Chí Minh ngồi làm mẫu cho điêu khắc gia và họa sĩ thực hiện chân dung của mình: 

Báo chí sách vở Đảng ca tụng Hồ Chí Minh là người khiêm tốn, không cho ai vẽ tranh, nặn tượng, viết tiểu sử của mình. Nhưng bài dịch của tác giả Nguyễn Đình Đăng, giới thiệu hoạ sĩ người Nga Alexei Kuznetsov trong đó lại cho thấy một tấm ảnh chụp năm 1960, tại vườn dinh Chủ Tịch, "bác Hồ" đang ngồi làm người mẫu cho các hoạ sĩ và điêu khắc gia nặn tượng và vẽ hình cho mình. 

Hồ Chí Minh làm mẫu cho họa sĩ Dương Bích Liên vẽ:

Hồi kháng chiến chống Pháp, Họa sĩ Dương bích Liên được cử đến ở với ông Hồ để vẽ. Sau một thời gian, Tố Hữu đến xem tranh, cho là không đạt. (Chắc là Duơng Bích Liên thích vẽ Hồ Chí Minh trong sinh hoạt đời thường, không thể hiện được tư thế lãnh tụ chăng?). (Trích Nguyễn Đăng Mạnh nói về Hồ Chí Minh”) 

Hồ Chí Minh bộc lộ tánh kiêu ngạo: 


Cũng mày, cũng mặt, cũng kiếm, cung
Tôi, bác so ra cũng anh hùng!
Bác đuổi quân nguyên, thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc pháp, ngọn cờ hồng
Bác đưa dân tộc qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng

Bác có linh thiêng... cười một tiếng
Mừng tôi sự nghiệp sắp thành công!


* Đây là bài”LUẬN ANH HÙNG” của ông thân sinh tôi ghi trong sổ tay tập huấn năm 1958 khi cụ đi tập huấn trong ngành CA. Không biết độ chính xác đến đâu... nhưng tôi nhớ là hồi nhỏ tôi hay được nghe cụ nhà tôi ngâm nga bài thơ này! Hỏi... thì cụ nhà tôi bảo :”Thơ của Bác khi Người ghé đền Kiếp Bạc...

Khoảng trước năm 1950, trong buổi viếng thăm đền Kiếp Bạc thờ Đức Hưng Đạo Vương, Hồ Chí Minh có làm một bài thơ Đường nhan đề “Viếng Đền Kiếp Bạc”. Bài thơ như sau: 

Vốn tay hào kiệt, vốn anh hùng
Tôi Bác cùng chung nợ kiếm cung
Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng
Bác có linh thiêng cười một tiếng
Mừng tôi cách mạng sắp thành công.

(Trích Nguyệt San Bất Khuất, số 2 tháng 4 năm 1990, trang 47). 

Tuy tựa 2 bài thơ và một vài câu có đảo lộn chữ, trong cả 2 bài đều có 2 câu có ý cho rằng Đức Hưng Đạo Vương chỉ giúp đất nước thoát ách nô lệ của ngoại bang; còn Hồ Chí Minh dắt cả thế giới đến đại đồng. 

Qua 2 câu thơ kể trên chúng ta thấy 2 điều: thứ nhất, Hồ Chí Minh coi độc lập dân tộc dưới sự thành công của chủ nghĩa Cộng sản; thứ hai, mặc dù ông chưa dắt được năm châu đến đại đồng (!) công lao của ông to hơn của Đức Trần Hưng Đạo! 

Một người tự ca ngợi mình, ngồi làm mẫu cho người khác vẽ, tạc tượng mình, cho rằng mình hơn cả tiền nhân; chắc chắn không phải là người khiêm tốn. 

3) Hồ Chí Minh không hề là người có đạo đức cao

Hồ Chí Minh vu cáo bà Nguyễn Thị Năm trong Cải cách ruộng đất: 

Trong hồi ký Những kỷ niệm về Bác Hồ, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, ông Hoàng Tùng cho biết: "Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc. Họp Bộ Chính trị Bác nói: 'Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào một người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng, người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ là đánh bằng một cành hoa.' Sau cố vấn Trung Quốc là Lê Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: 'Tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải.' Và họ cứ thế làm". 

Hồ Chí Minh nói không muốn xử bà Năm, thế nhưng ông lại viết bài “Địa chủ ác ghê” đăng trên báo Nhân Dân, kết tội bà bằng những lời lẽ độc địa khó tưởng tượng xuất phát từ miệng “cha già dân tộc”, “ông tiên của các cháu nhi đồng” 

Nguyên văn bài viết như sau: 

Địa chủ ác ghê 

Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”. Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá – thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ: 

Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã: 

- Giết chết 14 nông dân. 

- Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật. 

- Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người – năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người. 

- Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân – Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang. 

- Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng. 

Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào! 

Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ: 

- Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột. 

- Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống. 

- Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra. 

- Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên. 

- Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt. 

- Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến. 

Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là: 

Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng, Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể! 

(21-7-1953) 

C.B 

Đọc lời lẽ, con số trong bài viết, khó mà tin Hồ Chí Minh lại viết nên những lời lẽ ác độc đến vậy. Có thể có người vì quá tôn sùng ông mà cho rằng CB không phải là bút danh của ông; còn nếu phải, ông đã viết sự thật về bà Nguyễn Thị Năm. 

Những bằng chứng dưới đây cho thấy CB chính là bút danh ông Hồ Chí Minh, và ông đã vu cáo bà Năm: 

Người có bút danh C.B: 

- Kể từ ngày báo Nhân dân ra đời, Bác đã có hơn 1.000 bài viết với bút danh C.B (chiếm phần lớn) và hơn 30 bút danh khác nhau như: V.K, A.G, K.C, Thu Giang, Chiến đấu, Nói thật, Việt Hồng... 

Tọa đàm "Nhà báo Hồ Chí Minh với báo Nhân dân" được báo Nhân dân tổ chức sáng nay. 

Theo Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo VN Thuận Hữu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền báo chí cách mạng VN, là người thày, người anh của nhiều thế hệ nhà báo, đồng thời cũng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này, giương cao ngọn cờ chiến đấu của báo chí trên các chặng đường cách mạng, cho đến phút cuối đời. 

Người đã sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén và có hiệu lực to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. 

Kể từ ngày báo Nhân dân ra đời, Bác đã dành nhiều thời gian, tâm trí và tình cảm viết bài cho báo. Trên báo, Bác có bút danh C.B (chiếm phần lớn) và hơn 30 bút danh khác nhau như: V.K, A.G, K.C, Thu Giang, Chiến đấu, Nói thật, Việt Hồng... Người đã có hơn 1.000 bài viết trong số khoảng 2.000 bài báo cho đến nay sưu tầm được trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người…” 

Còn theo tài liệu “Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam” của Wikipedia: 

“Trường hợp tử hình bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Hanh Long ở Hà Nội, mẹ nuôi của Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh, có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong "Tuần Lễ Vàng", gia đình bà cũng đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập. 

Trong bài viết "Cải Cách Ruộng Đất của Bác" tác giả Nguyễn Quang Duy viết: 

“Theo tin của nhà báo Bùi Tín: "Một số nông dân chất phác ngây thơ, kể rằng bà Năm rất tốt, nhân từ, hay đi chùa, làm việc thiện, có nhiều cán bộ chiến sĩ là con nuôi của bà, bà có công với kháng chiến, nên xếp là địa chủ kháng chiến". Nói cách khác bà Năm không phải là địa chủ phản động cường hào ác bá như trong bài Địa Chủ Ác Ghê đã viết.” 

Theo tác giả Xuân Ba trong bài viết “Chuyện về người phụ nữ đầu tiên bị bắn oan trong Cải cách ruộng đất”

“…Văn bản của Ban tổ chức TW do Phó trưởng Ban Lê Huy Bảo ký thay Trưởng Ban Tổ chức. Văn bản số 213/TCTW. Hà Nội ngày 4-4-1987 

Kính gửi Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Thái. Trước đây bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long bị quy thành phần “Tư sản địa chủ cường hào gian ác” bị xử tử ở Thái Nguyên. Nay con bà Năm là 2 ông Nguyễn Hanh và Nguyễn Công ở số nhà 117 Hàng Bạc hà Nội gửi thư lên các đồng chí Trường Chinh Lê Đức Thọ đề nghị sửa lại thành phần giai cấp và thực hiện đúng chính sách của Đảng Nhà nước đối với gia đình bà Nguyễn Thị Năm. 

Sau khi xem xét thư khiếu nại và các tài liệu xác nhận đồng chí Trường Chinh và Lê Đức Thọ thấy việc sửa lại quy định thành phần giai cấp cho bà Nguyễn Thị Năm là tư sản, địa chủ kháng chiến” là đúng với thực tế đúng với chính sách của Đảng và Nhà nước. 

Ban Tổ chức TW Đảng đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí có trách nhiệm thực hiện ý kiến trên của đồng chí Trường Chinh và Lê Đức Thọ. 

Rất nhanh, UBND tỉnh Bắc Thái ngày 11-6-1987 có một Quyết định mang số 123/UBQĐ do ông Chủ tịch Đặng Quốc Tiến ký. QĐ ghi rõ Bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long trước bị quy thành phần “ Tư sản, địa chủ cường hào, gian ác” nay sửa lại Thành phần giai cấp cho bà Nguyễn thị Năm là “ Tư sản, địa chủ kháng chiến.” 

...Năm 1998 ông Nguyễn Hanh và ông Nguyễn Cát hai con trai của bà Năm đã được công nhận là cán bộ hoạt đông lâu năm, cán bộ tiền khởi nghĩa. Còn người con dâu Đỗ Thị Diệp, sớm hơn năm 1980 đã được xác nhận danh hiệu cán bộ hoạt động lâu năm. 

...Ông Nguyễn Hanh cùng bà Diệp vẫn đứng đơn đề nghị các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm thực hiện cho trọn vẹn Nghị định số 28/CP của Chính phủ ban hành ngày 29-4-1995. Đó là một nghị định nhân văn như tên gọi của nó 

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng 

Mà vận dụng cụ thể vào trường hợp cụ cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm theo đề nghị của gia đình ông Hanh nhiều năm nay là nên xét thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp và truy tặng danh hiệu Liệt sĩ!” 

Hồ Chí Minh vô ơn: 

Đại tá Phạm Quế Dương nhận xét về Hồ Chí Minh: “Cụ Hồ làm nhiệm vụ đấu tranh cho dân tộc ông cũng phải nhờ nước ngoài. Ông về nước cũng phải nhờ bà con nhà giàu. Ông ở nhà thị xã, kêu gọi “Tuần lễ vàng” để lấy tiền của bà con. Đáng lẽ ông phải cảm ơn người ta mà ông lại quay lại đánh người ta. Chuyện đó đáng để lịch sử lên án”. (Đại tá QĐNDVN Phạm Quế Dương trả lời phỏng vấn của Tuần báo VietTide số 44, ngày 17-5-2002) 

Hồ Chí Minh làm lơ để Trần Quốc Hoàn thủ tiêu cả ba chị em bà Nông Thị Xuân (Bà Xuân là vợ không công khai của ông HCM):

"Trung Quốc đã công bố chuyện Hồ Chí Minh kết hôn với Tăng tuyết Minh. Rồi chuyện cô Hà(Nông?) thị Xuân người dân tộc Tày và các con (Trung va Trinh gì đó). Ông Trần Độ cho biết, vì cô Xuân cứ đòi chính thức hoá, người ta bèn giao cho Trần quốc Hoàn thủ tiêu cả ba chị em.Chuyện này nhiều người biết. Có người đã viết ra như Vũ thư Hiên trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày. Riêng tôi được biết do giáo sư Ngô thúc Lanh được ông Văn Tân kể cho nghe và truyền đạt lại, hai là do một giáo sư dạy Sử ở Đại học Sư phạm, ba là Dương thu Hương, bốn là ông Trần Độ. Nhưng gần đây có người điều tra ra vụ việc này rất tỉ mỉ, rõ ràng, và công bố cụ thể trên Internet: cô Xuân bị thủ tiêu vì hai lý do: một là cô đòi chính thức hoá, điều này phải do Đảng quyết định, mà Đảng thì không thể chấp nhận. Hai là cô bị Trần quốc Hoàn hãm hiếp nhiều lần. Hoàn tuy đe dọa cô, nhưng vẫn sợ bị cô tố cáo. Hắn sai Tạ quang Chiến đập chết, rồi ban đêm, đặt xác cô ở quãng đường Nhật Tân đi Chèm, bố trí một xe ôtô cán lên, tạo ra một vụ tai nạn giao thông giả. Còn ba chị em cô Xuân là ba chị em họ. Một cô tên Nguyệt, một cô tên Vàng. Hai cô này cũng bị thủ tiêu vì đều biết chuyện. Nguyệt mất tích, không rõ bị thủ tiêu ở đâu. Còn cô Vàng thì bị đập chết và quăng xác xuống sông Bằng Giang, Cao Bằng."  (Trích “Nguyễn Đăng Mạnh nói về Hồ Chí Minh”) 

Hồ Chí Minh khuyến khích báo chí bịa đặt: 

Dưới đây là một bài báo ông Minh gởi đăng trên tờ Cứu Quốc: 

GỬI BÁO CỨU QUỐC

Đề nghị:

- Mỗi ngày nên đăng một cái bảng vàng, kể một việc oanh liệt trong cuộc kháng chiến.

Nói vắn tắt, nhưng rõ và ít theo lối tiểu thuyết, chừng 15, 20 dòng. Mục đích cốt để nâng cao chí kháng chiến của dân, tuy dùng cách sùng bái anh hùng. Chớ nói tếu quá.

Tên ngừơi và địa điểm không nói rõ v.v…

Thí dụ:

BẢNG VÀNG

Những người dũng cảm phi thường

Anh hùng kháng chiến bảng vàng thơm danh.

Anh L.V. tiểu đội trưởng VQĐ số X, được mệnh lệnh cùng đồng chí K., đi dọ thám mặt trận địch. Tuy giờ tối đêm, hai anh phải cẩn thận bò gần 1 cây số đến gần, địch bắn ra. Anh L.V. bị thương ở gần cánh tay. Anh vẫn cố gắng bò gần nữa, liệng một quả lựu đạn chùy, năm tên địch ngã ra. Anh L.V. mới bò về.

Vết thương khá nặng, nhưng anh L.V. nhất định không chịu đi nhà thương. Anh nói rằng: Tay trái bị thương, nhưng tay phải của tôi vẫn bắn được.

Như anh L.V. thật là một chiến sĩ xứng đáng. 

(Trích Hồ Chí Minh tuyển tập văn học - Văn Hóa Nghệ Thuật cũng là Một Mặt Trận, tác giả Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Văn Học, 1999) 

Hồ Chí Minh là người trí trá: 

Ông Trần Đức Thảo nhận xét về Hồ Chí Minh: “Phải ghi nhận rằng lãnh tụ Hồ Chí Minh là một nhà chính trị ‘mưu thần chước quỉ’, chuyên hành động muôn hướng, muôn mặt, trí trá hơn cả huyền thoại Tào Tháo trong cổ sử Trung Quốc!” (Trích “ Những lời trăng trối” -trang 356 của Trần Đức Thảo) 

Hồ Chí Minh dạy nói láo: 

Ông Hoàng Hữu Quýnh - một đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam tiết lộ lời Hồ Chí Minh dạy cán bộ: “Ông Hồ Chí Minh đã từng dạy đảng viên, cán bộ rằng “cứ nói láo mãi rồi cũng có người tin là như vậy!” (Tôi Bỏ Đảng, Hoàng Hữu Quýnh, 2002, trang 251). 

Một người vu cáo người khác, vô ơn, làm ngơ trước tội ác, trí trá, khuyền khích bịa đặt, xúi giục nói láo, sao lại là người có đạo đức cao? 

4) Hồ Chí Minh không hề là người đấu tranh cho tự do độc lập của dân tộc Việt Nam, cho tự do và hòa bình thế giới 

Hồ Chí Minh là một cán bộ quốc tế Cộng sản nhiệt thành, chủ trương sử dụng bạo lực để giải phóng dân tộc (đánh đổ thực dân đế quốc) đi đôi với giải phóng giai cấp (đánh đổ chủ nghĩa tư bản); hơn nữa, ông muốn làm điều ấy trên phạm vi toàn thế giới. 

Cuộc đấu tranh của HCM và các học trò của ông với chủ trương sử dụng bạo lực để thực hiện đồng thời giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, đã đẩy đất nước Việt Nam vào 2 cuộc chiến 1945-1954 với Pháp và 1954-1975 với chính thể miền Nam, khiến hàng triệu người Việt 2 miền Nam, Bắc chết; hàng triệu người khác bị thương. Chiến thắng của HCM và các học trò của ông năm 1975 không những không mang lại hòa bình và tự do mà khiến Việt Nam lâm vào 2 cuộc chiến khác nữa với Cam Bốt và Tàu cộng để rồi cuối cùng đất nước lệ thuộc nặng nề vào Tàu cộng, người dân bị tướt đoạt mọi quyền tự do (tự do bầu cử ứng cử, tự do tư tưởng, tự do lập hội, tự do tôn giáo, tự do cư trú...). 

Về việc đóng góp cho tự do và hòa bình thế giới: Thực tế cho thấy sau thế chiến thứ 2, các cường quốc chủ trương trao trả độc lập cho các thuộc địa trong đó có Việt Nam. Lãnh tụ nhiều nước thuộc địa chủ trương đấu tranh hòa bình đều đạt kết quả: Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều giành độc lập mà không cần đến những phát biểu hùng hồn đầy nhiệt quyết của Hồ Chí Minh, không cần đến đảng Cộng sản (chưa kể một vài quốc gia còn loại bỏ Cộng sản như Singapore, Nam Dương) 

Thực tế, ông HCM đã cản trở nền độc lập của Việt Nam. Thực tế, đa số quốc gia thuộc địa giành được độc lập bằng cách tự đấu tranh ôn hòa, không cần đến ông HCM và đảng CS. 

5) Hồ Chí Minh yêu Chủ nghĩa Cộng sản hơn yêu nước

Hồ Chí Minh từng viết rằng không có tổ quốc: 

Ngày 20 tháng 12 năm 1926, trong tờ báo Thanh Niên xuất bản ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh viết "Cái danh từ Tổ quốc là do các chính trị gia đặt ra để đè đầu nhân dân-để buộc những nguời vô sản phải cầm vũ khí bảo vệ tài sản của địa chủ và quyền lợi của giai cấp tư sản. Thực ra, CHẲNG CÓ TỔ QUỐC, CŨNG CHẲNG CÓ BIÊN GIỚI." 

(Phải chăng vì vậy nhà thơ Cộng sản Tố Hữu mới có 2 câu thơ "Bên đây biên giới là nhà. Bên kia biên giới cũng là quê hương"?) 

Hồ Chí Minh phủ nhận 3 lần độc lập của Việt Nam: 

Hồ Chí Minh chọn chủ nghĩa Cộng sản khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp. Ông phát biểu rằng đó là con đường duy nhất giải phóng đất nước (nhưng thực tế đã chứng minh đó là điều sai lầm). Cứ cho rằng do yêu nước mà ông chọn chủ nghĩa Cộng sản; tuy nhiên hành động của ông sau đó đã cho thấy ông đặt chủ nghĩa Cộng sản lên trên độc lập của quốc gia dân tộc. 

Sau khi lật đổ Pháp, Nhật đã trao trả độc lập cho Việt Nam, và một nước Việt Nam độc lập thống nhất đã ra đời (chính phủ Trần Trong Kim do cựu hoàng Bảo Đại bổ nhiệm) nhưng Hồ Chí Minh đã cướp chính quyền. Sau khi trở lại Việt Nam, dưới áp lực của các cường quốc sau thế chiến thứ 2 và cuộc tranh đấu ôn hòa dai dẵng của các đảng phái quốc gia, Pháp đã 2 lần trả độc lập cho Việt Nam nhưng Hồ Chí Minh lại cũng từ chối. Sở dĩ ông từ chối vì 3 lần độc lập ấy Nhật và Pháp đều trao chính phủ cho người quốc gia.(chưa kể một lần Pháp trao cho Hồ Chí Minh nhưng không thực hiện được vì cả hai phía đều không thực tâm). 

Cuộc xung đột giữa Quốc gia-Cộng sản xảy ra từ lâu; tuy nhiên, nếu ông Hồ Chí Minh đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích của chủ nghĩa Cộng sản, ông đã công nhận nền độc lập của đất nước ngay từ lần độc lập đầu tiên với chính phủ Trần Trọng Kim, chuyện xung đột nội bộ người Việt giải quyết sau. 

Hồ Chí Minh là người Cộng sản trước rồi sau đó mới là người yêu nước ( nếu ông thực tâm yêu nước): 

Tháng 9 năm 1958 Tàu Cộng ra tuyên cáo đòi lãnh hải 12 hải lý bao gồm Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa); Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã công bố “công hàm” tôn trọng dã tâm của Trung Cộng. 

Văn bản công hàm Phạm Văn Đồng 

"Thưa Đồng chí Tổng lý, 

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. 

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”. 

Lời ngụy biện của đàng và nhà nước Cộng sản Việt am 

“Nhìn lại bối cảnh năm 1958, Việt Nam mới qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Đất nước còn nghèo, lại bị Mỹ chà đạp Hiệp định Genève 20-7-1954, dựng lên chính quyền bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm để thực hiện âm mưu xây dựng chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam. Trước đó, ngày 26/5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến sát vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự ra tay bảo hộ chính quyền Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. 

Ngày 12/9/1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra phương án tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự việc sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự can dự của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến với Trung Quốc. 

Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng trên eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường việc nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ. 

Ngoài bối cảnh "phức tạp và cấp bách” đối với Trung Quốc như đã nêu trên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), "Công hàm 1958" của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Trung Quốc lúc đó đang "vừa là đồng chí vừa là anh em”. Thực chất chính phủ Hà Nội lúc đó nêu quan điểm ủng hộ tuyên bố lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc là muốn cho Hạm đội 7 của Mỹ tôn trọng vùng biển như tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mà không gây hấn trên vùng biển vịnh Bắc bộ, nhằm tránh sự xung đột, tranh chấp phức tạp để VN yên tâm bảo vệ nền hòa bình mới được lập lại trên miền Bắc và xây dựng cuộc sống mới.” (Trích "Thực chất bức thư năm 1958 của TTg Phạm Văn Đồng" của Bùi Văn Bồng 6/2012). 

Hoàng Sa và Trường Sa là hai đảo thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa - là quốc gia ở nửa phía Nam vỉ tuyến 17 khi Việt Nam bị chia đôi bởi Hiệp định Geneve. Việc để cho thủ tướng Phạm Văn Đồng ký công hàm giao Hoàng Sa, Trường Sa cho Tàu cộng Quốc cho thấy Hồ Chí Minh đặt quyền lợi của Tàu cộng lên trên quyền lợi của nước Việt Nam. Nếu ông là người yêu nước trước rồi mới là người CS, ông không thể khinh suất đến mức giao cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc “giữ giùm” đất đai của tổ quốc mà không để cho Việt Nam Cộng Hòa - dù gì cũng cùng màu da tiếng nói tiếp tục gìn giữ. 

Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 đã khuyến khích Tàu cộng đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 sau cuộc hải chiến ác liệt với hải quân Việt Nam Cộng Hòa khiến 2 bên đều thiệt hại. 

Trận hải chiến diễn ra ngày 19 tháng 1 năm 1974, lực lượng 2 bên gồm: 

Việt Nam Cộng Hòa: 3 khu trục hạm, 1 hộ tống hạm, 1 đại đội hải kích, 1 nhóm biệt kích quân, 1 trung đội địa phương quân. 

Tàu cộng: 2 tàu quét lôi, 2 tàu chống ngầm lớp Krondstadt, 2 tàu chở quân cùng 4 tiểu đoàn thủy quân lục chiến. 

Kết quả trận chiến: 

Phía Việt Nam Cộng Hòa: 1 hộ tống hạm chìm, 3 khu trục hạm hư hại, 74 thủy thủ chết, 16 bị thương, 48 bị bắt làm tù binh.

Phía Tàu cộng: 4 tàu bị hư hại, 18 thủy thủ chết, 67 bị thương. 

Trong lúc ấy, nhà nước Cộng sản miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) đã bác bỏ đề nghị lên án Tàu cộng của Việt Nam Cộng Hòa. 

Công hàm PVĐ nhìn nhận chủ quyền của TQ đối với 2 quần đảo của VN và thái độ từ chối lên án Tàu cộng chứng minh Hồ Chí Minh không hề yêu nước, đừng nói chi ông là người yêu nước trước khi là người Cộng sản. 

Sau khi chiến tranh chấm dứt, Tàu cộng đã không những không giao lại Hoàng Sa cho Việt Nam mà đánh chiếm cả Trường Sa vào tháng 3 năm 1988 từ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thống nhất. 

Trong khi Tàu cộng có 3 tàu chiến trang bị pháo 100mm và 37mm, Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải với súng cá nhân AK47 và đáng quan tâm nhất, nhận được lệnh của Lê Đức Anh là không được nổ súng. Hậu quả ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Tàu cộng dễ dàng đánh chìm tàu vận tải của Việt Nam, thảm sát 64 người lính công binh Việt Nam, chiếm đảo Gạc Ma. 

Về sau Tàu cộng phong tỏa biển Đông, bắn giết ngư dân Việt Nam. 

Không chống trả khi quân xâm lược Tàu cộng chiếm Trường Sa, phải chăng các nhà lãnh đạo của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã “chấp hành nghiêm chỉnh” Công hàm Phạm Văn Đồng và “học tập và làm theo lời dạy” của Hồ Chí Minh? 

Hồ Chí Minh chỉ muốn gặp lãnh tụ Cộng sản: 

Hồ Chí Minh - trong di chúc của mình, chỉ muốn gặp “cụ Các Mác, cụ Lê Nin”- là 2 lãnh tụ của chủ nghĩa Cộng sản, chứ không phải là một vị anh hùng nào của dân tộc Việt Nam: 

Trong bản di chúc lập năm 75 tuổi (1965), có câu: “...Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. 

Bản di chúc lập năm 78 tuổi (1968) có câu: “Vì vậy tôi viết sẵn và để lại mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. 

Bản di chúc lập năm 79 tuổi (1969) có câu: “...Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”. 

Nếu HCM là người yêu nước sau đó mới là người CS, trong di chúc, ông đã bày tỏ ý nguyện được gặp tổ tiên-Lê Lợi, Lý Thường Kiệt chứ không phải “cụ Các Mác, cụ Lê Nin”. 

Gạt bỏ đến 3 cơ hội giành độc lập, khinh xuất đến mức giao biển đảo của tổ quốc cho kẻ thù “giử gìum”, khi chết chỉ muốn gặp lãnh tụ khai sáng chủ nghĩa Cộng sản, HCM đã yêu CNCS hơn yêu nước, nếu không muốn nói là không hề yêu nước. 

6) Hồ Chí Minh không phải là “một nhà nhân văn vĩ đại”, không có lòng khoan dung, bao dung “như sông dài biển rộng” 

Nếu Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn vĩ đại, ông đã không nghe lời Liên Xô tiến hành cải cách ruộng đất, giết oan hàng ngàn người Việt. 

Nếu Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn vĩ đại, ông đã không vu cáo bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) những tội ác tày đình, để cho phát súng đầu tiên của cuộc cải cách ruộng đất bắn vào người phụ nữ đáng thương ấy. 

Nếu Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn vĩ đại, ông đã không dùng vũ khí của kẻ thù dân tộc (Trung Quốc) để bắn giết đồng bào miền Nam ruột thịt. 

Hồ Chí Minh cư xử bội bạc với vợ chính thức:

“Khi ông (HCM) từ giã người vợ Tàu (Tăng Tuyết Minh) vào thập niên 1930 rồi về Việt Nam làm cách mạng thành công, công thành danh toại, ông chưa bao giờ tìm cách liên lạc lại với người vợ bất hạnh này.? Ông có nghĩ đến sự đau khổ buồn tủi của người vợ này không?” (Trích “Đôi dòng giới thiệu” của Trần Viết Đại Hưng về cuốn hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh) 

Hồ Chí Minh diễn trò nhân nghĩa với cái chết của ông Phạm Quỳnh:

Cũng trong “Đôi dòng giới thiệu” kể trên, Trần Viết Đại Hưng còn nhận xét về Hồ Chí Minh: “Ông (HCM) xin lỗi con của Phạm Quỳnh về cái chết của Phạm Quỳnh do Việt Minh ra tay thủ tiêu. Ông phân bua là cấp dưới Việt Minh làm sai, nhưng nên nhớ Phạm Quỳnh có chức vụ là thượng thư triều Nguyễn. Không dễ gì giết một nhân vật cao cấp như vậy mà không có lệnh từ trung ương của tổ chức Việt Minh, đứng đầu là Hồ chí Minh. Chuyện ông xin lỗi này nọ sau khi Phạm Quỳnh bị tổ chức Việt Minh giết năm 1945 cho thấy đây có thể là một trò nhân nghĩa giả”. 

Hồ Chí Minh chủ trương tiêu diệt tất cả những ai không theo mình: 

Hồ Chí Minh muốn sử dụng thanh kiếm hoàng gia Bảo Đại để chặt đầu kẻ phản bội. Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ thông tin và tuyên truyền, báo cáo trước khán thính giả về buổi lễ thoái vị của Bảo Đại ở Huế ba ngày trước đó, và rồi trao thanh kiếm hoàng gia và ấn cho Hồ Chí Minh. Là một người có khả năng ăn nói thiên bẩm, Trần Huy Liệu dường như đã làm cho đám đông cười ồ lên và vỗ tay khi mô tả sự cáo chung của chế độ quân chủ. Hòa vào bối cảnh đó, ông Hồ tuyên bố rằng thanh kiếm, trước đây được dùng để đàn áp dân chúng, giờ đây sẽ được dùng để “chặt đầu kẻ phản bội”. (Trích Đằng sau tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, David G. Marr, “Hồ Chí Minh’s Independence Declaration”, Essays into Vietnamese Pasts, K. W. Taylor & John K. Whitmore chủ biên (New York: Cornell University Southeast Asia Program, 1995), trang 221-231.Biên dịch: Duy Đoàn). 

Hồ Chí Minh có trên trong danh sách “13 nhà độc tài đẫm máu nhất thế kỷ 20”, “Những quái vật lớn nhất lịch sử”, “Chế độ giết người nhiều nhất”: 

Tờ Polska Times tức Thời báo Ba Lan hôm 5/3 vừa đưa ra một bản xếp hạng 13 nhà độc tài đẫm máu nhất thế kỷ 20, trong đó có Hồ Chí Minh. Theo đó, Hồ Chí Minh qua 24 năm cầm quyền của mình đã gây ra cái chết của 1,7 triệu người Việt qua cuộc chiến tranh đẫm máu. 

Thống kê “History’s greastest monsters”, trong đó Hồ Chí Minh nằm trong danh sách chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 1.000.000 người. 

Tờ Mail Online (Daily Mail) trong bài viết “From Stalin to Hitler, the most murderous regimes in the world” của Updated: 16:58 GMT, 7 October 2014, trong đó có hình ông Hồ Chí Minh và số nạn nhân 200.000 người miền Nam Việt Nam bất đồng chính kiến. 

HO CHI MINH 
North Vietnam (1945-69) 
Regime Communist 
Victims 200,000 (political opponents, South Vietnamese) 

Cư xử bội bạc với vợ, giả nhân giả nghĩa, chủ trương tiêu diệt người không theo mình, muốn chặt đầu “kẻ phản bội”, bị liệt kê vào danh sách 13 nhà độc tài đẩm máu của thế kỷ 20, ông HCM dứt khoát không phải là “một nhà nhân văn vĩ đại”, không hề “có lòng khoan dung, bao dung như sông dài biển rộng” 

7) Hồ Chí Minh không phải là người thức tỉnh châu Á, đưa hàng triệu quần chúng không có học thức từ chỗ quen sống yên phận, hoặc chỉ phản đối một cách mù quáng đến chỗ giác ngộ về sự nghiệp giải phóng và giành được cuộc sống thật sự của con người: 

Không phải nhờ HCM Châu Á mới thức tỉnh. 

Châu Á gồm rất nhiều quốc gia trong đó có các nước lớn là Tàu, Ấn Độ, Liên Xô (nửa Âu nửa Á). LX là nước đầu tiên trên thế giới đi theo CNCS và dạy bảo HCM cách xây dựng CNXH (như phải tiến hành CCRĐ); nước VNDCCH do HCM lãnh đạo rập khuôn theo đường lối TQ chứ không phải ngược lại. 

Ấn Độ có đường lối đấu tranh “Bất bạo động” nổi tiếng thế giới với người anh hùng dân tộc Ganhdi. 

Châu Á có nước theo Hồi Giáo, không liên quan gì đến CS (như Thổ Nhĩ Kỳ). 

Các nước nhỏ và là thuộc địa dưới sự cai trị của thực dân Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Nhật Bản... đa số đều có đường lối đấu tranh giành độc lập bằng biện pháp hợp tác, thương lượng ôn hòa, phi CS; đặc biệt Singapore và Nam Dương còn tiêu diệt CS. 

Người dân các nước ấy không hề “quen sống yên phận, hoặc chỉ phản đối một cách mù quáng” mà ngược lại, chọn đường lối đấu tranh khôn ngoan, không tốn xương máu và cuối cùng đã giành được độc lập. 

Con đường của HCM chọn cũng không hề “giành được cuộc sống thật sự của con người”: HCM chết năm 1969 khi cuộc chiến tranh VN còn ác liệt. Các “học trò” kế tục sự nghiệp của ông đã đưa ước mơ của ông đến đích: chiến thắng chính thể miền Nam, thống nhất đất nước; nhưng dân Việt phải sống trong ngàn năm nô lệ tăm tối (như lời TT Reagan phát biểu) hoặc “thà chết đi còn hơn” như lời ca sĩ phản chiến nổi tiếng người Mỹ Joan Baez trong thư ngỏ gởi nhà cầm quyền CHXHCNVN. 

“... Chúng tôi đã nghe những câu chuyện khủng khiếp từ dân chúng Việt Nam - từ các công nhân đến các nông dân, những nữ tu sĩ Công giáo và những tăng sĩ Phật giáo, từ những người vượt biển, những nghệ sĩ và những chuyên gia và những người đã từng sát cánh chiến đấu cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Các nhà giam đang tràn ngập hàng ngàn và hàng ngàn người bị bắt bớ.

Nhiều người bị thủ tiêu và không bao giờ còn thấy xác.

Nhiều người bị chở đến những trung tâm cải tạo, cho ăn một khẩu phần chết đói bằng cơm nguội, bị bắt ngồi xổm với hai cổ tay trói vào hai cổ chân, bị ngạt thở trong những thùng sắt conex.

Nhiều người bị sử dụng như những công cụ rà mìn, dọn những bãi mìn chưa nổ bằng hai tay và hai chân của họ...

Đối với nhiều người, cuộc sống là địa ngục và họ chỉ cầu nguyện để được chết đi...” (Trích "Phong Trào Phản Chiến Mỹ Chống Chiến Tranh Việt Nam. Bài 8 : Nữ danh ca Joan Baez và Những người đã thức tỉnh, không còn là bạn của CSVN tại Mỹ" - Trương Tấn Trung - TinParis.net) 

Hồ Chí Minh không hề được UNESCO vinh danh là anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa:

UNESCO có biểu quyết vinh danh HCM; tuy nhiên nghị quyết ấy không hề được thực hiện do có phong trào chống lại mạnh mẽ. 

“Tôi đến tận UNESCO để tìm và tôi đã gặp bà Elisabeth là người phụ trách Thư viện của UNESCO lớn lắm và bà nắm tất cả hồ sơ chính thức của UNESCO, và bà ấy cũng biết ngay và trả lời tôi trong khoảng 40 phút về nội dung của vấn đề này. Bà xác định rõ lúc đầu có nghị quyết thậtcủa UNESCO nhưng mà cái nghị quyết đó thông qua cái đề nghị viết sẵn của đoàn Việt Nam. Thế nhưng trước ngày kỷ niệm một năm thì cả một phong trào chống đối rất là mạnh mẽ, do đó mà UNESCO chủ trương là không đứng ra tổ chức cái đó nữa và để cho Việt Nam muốn tổ chức như thế nào thì tùy nhưng mà không được lấy danh nghĩa UNESCO”. (Cựu Đại tá Bùi Tín trả lời phỏng vấn của RFA online ngày 19-5-2008) 

Sự thật cho thấy tất cả lời ca ngợi Hồ Chí Minh đều không đúng. Vậy tại sao những nhân vật nói trên, là lãnh tụ chính trị, trí thức, lại ngộ nhận về ông? 

Xin để độc giả tìm câu trả lời cho riêng mình. Riêng người viết nghĩ rằng vì họ thiếu thông tin về lịch sử Việt Nam, họ tin vào lời tuyên truyền dối trá của Cộng sản quốc tế và các tổ chức tuyên truyền đối ngoại của CSVN như: Ủy ban Đoàn kết Á Phi của miền Nam Việt Nam - chủ tịch Nguyễn Ngọc Thương, Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của miền Nam Việt Nam - chủ tịch Phùng Văn Cung, Ủy ban nhân dân miền Nam Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ - chủ tịch Hồ Thu, Ủy ban hòa bình thế giới Nam Việt Nam: đứng đầu Ung Ngọc Kỳ, Ủy ban đoàn kết với nhân dân Mỹ Latinh: chủ tịch Thích Thiện Hảo, tổng thư ký: Phạm Văn Quang, Lê Văn Huấn. 

Những nhân vật ngoại quốc ấy đã bị Hồ Chí Minh, đảng CSVN, giới truyền thông”phản chiến” Tây phương lừa. 

Họ không ở trong chăn nên không biết chăn có rận. 

Cuối cùng chúng ta hãy nghe vài người ở trong chăn (sống trong chế độ VNDCCH và CHXHCNVN) nói về ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản của ông ta: 

Cụu đại tá Bùi Tín: “Càng về sau, ông Hồ càng trở thành một nhân vật thực hiện sứ mạng do quốc tế cộng sản giao cho, tức là gây dựng và phát triển phong trào cộng sản ở Việt Nam, Đông Dương, và mở rộng chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Con đường ấy, theo tôi bây giờ, đó là con đường sai lầm”. (Trích bài phỏng vấn của PV Trà Mi có tựa “Cựu đại tá Bùi Tín nói về ông Hồ Chí Minh”). 

Cựu Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lê Nin Hoàng Minh Chính: “Ở Việt Nam hiện nay phát triển đi ngược chiều với dân chủ hóa, thậm chí lại là để củng cố vai trò toàn trị của đảng cộng sản và chính quyền nhà nước, để tiếp tục lừa gạt, đàn áp nhân dân, nhất là đối với giới dân chủ và các tôn giáo độc lập”. (Trích “Nguyên văn bài diễn văn của Ông Hoàng Minh Chính đọc tại Đại Học Harvard”, ngày 28-9-2005) 

Nhà văn Dương Thu Hương: "Nhà cầm quyền Hà Nội hoàn toàn có ý thức về hành vi bán nước của họ, bởi con tính của họ là trở thành một thứ “Thái thú Tô Định hiện đại”, được hưởng đủ phần xôi thịt của Bắc triều." (Trích “Lột trần chế độ Cộng sản”) 

Nhà văn Phạm Đình Trọng: "Chọn con đường tham gia vào tiến trình dân chủ đa nguyên, mang lại dân chủ thực sự cho xã hội Việt Nam là hồng phúc cho dân tộc Việt Nam và cũng là hồng phúc cho chính Đảng Cộng sản Việt Nam. Để làm được điều đó, những người cộng sản Việt Nam phải có đủ tầm trí tuệ và lòng dũng cảm nhận ra khiếm khuyết, lỗi lầm của chủ nghĩa cộng sản đã đưa đến những thảm họa khủng khiếp cho loài người và cho dân tộc Việt Nam". (Trích “Phỏng vấn Phạm Đình Trọng – Bi kịch Việt Nam” của Phạm Thị Hoài) 

Nhạc sĩ Tô Hải: "Tôi thấy xã hội miền Nam rất tự do, tôi thấy lối sống tự do của anh em cầm bút trong Nam mà thèm quá. Các ông nhà văn miền Nam lúc nào cũng đàng hoàng, hoàn toàn tự do sáng tác không cần phải phục vụ ai; dân chúng sống thoải mái, buôn bán tự do, hàng hóa đầy đường; dân chúng nông thôn tha hồ chim trên trời, cá dưới nước, chẳng bao giờ phải lo lắng như dân miền Bắc. 

Tôi vui khi thấy miền Nam như thế nhưng lo vì sợ đảng và nhà nước lại làm cải cách ruộng đất, lại tiến hành đấu tố, lại làm các thứ khác… thì khổ cho dân miền Nam. Nhưng may là những gì miền Bắc từng chịu đựng thì miền Nam chỉ gánh chịu một nửa thôi. Tôi nói một nửa vì cũng có cải tạo công thương nghiệp, cũng bắt dân đi kinh tế mới, nhưng không bị cảnh chết người, vợ chồng con cái anh em đấu tố nhau như ngoài Bắc. Cho nên có một số người miền Nam cứ ghét chung người miền Bắc thì tôi cho đó là một sự sai lầm, vì ngoài Bắc chịu ách Cộng Sản kinh khiếp hơn dân miền Nam nhiều. Dân Bắc khổ, khổ cả tinh thần lẫn vật chất, khổ không còn bút mực nào tả xiết." (Trích “Phỏng vấn nhạc sĩ Tô Hải, tác giả “Hồi ký của một thằng hèn”, Ðinh Quang Anh Thái thực hiện).

Trung tướng Trần Độ: "Đầu năm 1999, bị khai trừ khỏi đảng sau 59 năm theo đảng trên mọi chặng đường và trong mọi hoạt động và từng đựơc ban thửơng những huân chương cao quý nhất. Trong bức thư viết vào tháng 7 năm đó, ông Trần Độ tuyên bố: “Tôi là đảng viên bị khai trừ. Tôi bị khai trừ là phải. Nếu không khai trừ tôi thì có lúc tôi phải xin ra khỏi cái đảng này. Tôi không thế chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều, bảo thủ, khó cho đất nước phát triển. Tôi cũng không thể chấp nhận phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị chuyên chế, phản dân chủ." (Trích bài viết “Nhìn lại những quan điểm của tướng Trần Độ, 4 năm sau ngày ông qua đời” của Nguyễn An, phóng viên đài RFA) 

Giáo sư Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng chính phủ, chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam:  “Thế bây giờ CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác. Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng ta sẽ đi là cái CNXH gì đây? 

Có nhiều người bảo rằng, thôi thì ta cứ đành lấy khẩu hiệu ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh’, đó là CNXH. Tôi xin lỗi ông, đấy không phải CNXH! 

Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tôi hỏi anh, anh đã bằng thằng Thụy Điển và thằng Na Uy chưa? Nó không có xã hội dân chủ, cũng công bằng mà công bằng hơn ông, mà văn minh thì tất nhiên là hơn ông rồi. 

Thế thì cái CNXH mà anh bảo rằng là lấy cái khẩu hiệu ‘dân giàu, nước mạnh’ mấy cái câu đó mà thay thế cho CNXH, đấy là CNXH của tớ đấy. Tôi nghĩ không đúng. Ông bịp thiên hạ với cái chữ CNXH của ông!” (Trích bài viết “Đảng dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi chệch hướng?” của Ngọc Trân, thông tín viên RFA) 

Nhà thơ Phan Huy: 

“Sinh ra lớn lên sau bức màn sắt
Tôi chẳng biết gì ngoài bác, đảng "kính yêu"
Xã hội sơ khai, tẩy não, một chiều
Con người nói năng như là chim vẹt.
Mở miệng ra là: "Nhờ ơn bác đảng
Chế độ ta ưu việt nhất hành tinh
Đuốc soi đường chủ nghĩa Mac Lenin
Tiến nhanh, tiến mạnh lên thiên đường vô sản.
Hai mươi mốt năm trên đường cách mạng
Xã hội thụt lùi người kéo thay trâu
Cuộc sống xuống thang tính bằng tem phiếu
Nhân phẩm con người chẳng khác bèo dâu.” 

(Trích bài viết “Để Biết Đâu Mới Là Thiên Đường” của nhà thơ Phan Huy). 

11.05.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo