Đặc khu bán nước hại dân - Dân Làm Báo

Đặc khu bán nước hại dân

Phạm Trần (Danlambao) - Làn sóng chống Dự luật Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc của hàng chục ngàn người ở nhiều nơi Việt Nam trong hai ngày 10 và 11 tháng 06 năm 2018 đã lôi ra ánh sáng âm mưu của đảng Cộng sản Việt Nam muốn cong lưng bắc cầu cho Trung Cộng leo xuống Đông Nam Á và ra Biển Đông để thực hiện chiến lược "Một vành đai, Một con đường" (hay "Nhất đới, Nhất độ").

Nối giáo cho giặc

Trước hết hãy nói về âm mưu của Dự án Vân Đồn (Tỉnh Quảng Ninh), đã bị Tác giả Hoàng Dũng phát giác và phổ biến trên Internet và báo điện tử Bauxite Việt Nam từ ngày 20/06/2018, chứng minh đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã cam tâm làm nô lệ cho Tầu Bắc Kinh.

Chuyện này bị lộ tại Cuộc hội thảo ngày 18 tháng 01 năm 2018 tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) của Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu và Học viện Chính sách và Phát triển (tên tiếng Anh: Academy of Policy and Development) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Hoàng Dũng, một tài liệu được trình bày tại Workshop 4: Đặc khu Kinh tế - Hành chính Vân Đồn – Thành phố bền vững và các cơ hội đầu tư (Van Don – Special Administrative and Economic Zone: Sustainable City and Investement Opportunities), đã công khai xác nhận điều từ lâu bị đảng CSVN che đậy, đó là: "vị trí chiến lược" của Đặc khu Kinh tế- Hành chính Vân Đồn là "hành lang nối Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc, một nút quan trọng trong đề án Một vành đai, một con đường của Trung Quốc". Strategic location: corridor linkage between Vietnam & ASEAN to China, an important node on the project One Belt, one road of
China)

Như thế mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cố tình lu loa chối biến với báo chí tại hành lang Quốc hội ngày 06/06/2018 rằng: "Trong dự thảo Luật không có một chữ nào về Trung Quốc… Chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc… Mọi người đang hình dung tiêu cực. Mọi người đang đẩy thành vấn đề sợ Trung Quốc, nhưng ta bình đẳng không phân biệt, không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền, ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe."

Đúng là không có chữ nào gọi là “Trung Quốc” trong dự luật. Nhưng còn cái việc Dự luật cho phép người Tầu được “miễn thị thực” nhập cảnh vào Đặc khu Vân Đồn thì có yếu tố “Trung Quốc” có hay không?

Hãy đọc Điều 54 viết: "Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định; trường hợp có nhu cầu đến các địa điểm khác của tỉnh Quảng Ninh để du lịch thì làm thủ tục thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này."

Xếp của ông Dũng là Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng tát nước theo mưa khi phân bua Dự luật Đặc khu với cử tri Hà Nội ngày 17/06/2018: "Trong đó có điểm là thời gian cho thuê đất 99 năm, nhưng có phải là bàn giao cho nước A nước B nào đó, cho người ta vào đây để mà tự do đâu. Pháp luật hiện hành quy định là 70 năm, đặc khu ban đầu dự tính là không quá 99 năm nhưng còn bao nhiêu quy trình, khi Thủ tướng phê duyệt thì mới được làm.

Bây giờ lại cứ kích chuyện này lên, nói là cho Trung Quốc thuê đất 99 năm thì mất nước, kích động để biểu tình. Rõ ràng là sự thật đã bị xuyên tạc. Cố kích động để chống đối, phá hoại…bản chất sâu xa là các đối tượng đã xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của nhân dân để âm mưu việc xấu, trong đó có bàn tay của những phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài… Phải tỉnh táo lên án, phê phán, đập tan âm mưu phá hoại."

Nói như hai ông Trọng và Dũng thì ai đã cho phép nói công khai tại cuộc hội thảo ngày 18 tháng 01 năm 2018 tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) rằng Vân Đồn là "một nút quan trọng trong đề án Một vành đai, một con đường của Trung Quốc"? Nếu những người viết câu này không nằm trong đảng và đã được bật đèn xanh thì có cho ăn vàng cũng không ai dám hé môi. 

Hay đây lại là sản phẩm của loài “ong trong tay áo” bay ra, hay “nằm vùng” mà ông Trọng không biết, hoặc ông biết mà cứ "tự nhiên như người Hà Nội" lờ đi rồi đổ vạ cho “thế lực thù địch” đã bịa đặt chống đảng, chống nhân dân và làm phương hại đến quan hệ Việt-Trung "vừa là đồng chí, vừa là anh em"?

Vị trí Vân Đồn

Cũng cần nhắc lại Vân Đồn (Tỉnh Quảng Ninh) là cửa ngõ ra Vịnh Bắc Bộ, là chặng dừng chân đầu tiên của tầu bè Trung Hoa đi xuống Việt Nam, nhưng cũng là tuyến phòng ngự ở vùng biển Đông Bắc của Việt Nam từ thời các Vua chúa Việt. Hơn nữa Vân Đồn chỉ cách đảo Hải Nam, căn cứ Tầu ngầm của Trung Hoa, chừng 200 hải lý (mỗi hải lý dài 1,852 mét).

Từ Vân Đồn, nơi có sân bay mới hoàn thành dài nhất Việt Nam (theo Sohanews, 13/06/2018) sẽ nối kết với các thành phố ven biển Đông Á của Trung Cộng, trong đó có Thượng Hải và đảo Hải Nam. Máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Vân Đồn cũng sẽ dễ dàng và mau chóng tới các nước trong khối ASEAN (Hiện hội các nước Đông Nam Á) trong vùng Biển Đông gồm Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Nam Dương, Brunei và Phi Luật Tân.

Ngoài ra, Nhật Bản, Nam-Bắc Hàn và Nga cũng nằm trong tầm với của sân bay Vân Đồn.

Ngoài hàng không, Vân Đồn cũng có dự án sẽ xây dựng hải cảng cấp Quốc tế để các tầu quân sự, thương mại và du lịch tới lui. Huyện đảo Vân Đồn còn có vịnh Hạ Long, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Với những lợi điểm kinh tế, giao thông, du lịch và chiến lược quốc phòng quan trọng này, hèn chi mà Trung Cộng không tìm mọi mánh lới để lùa Việt Nam chui vào cái bẫy Con dường Tơ Lụa trên đất liền và trên biển, hay Một vành đai, Một Con đường, có tên Trung Hoa là “Nhất đới, Nhất độ” của họ.

Ông Trọng - hành lang và vành đai 

Ngoài những điều đã biết về Vân Đồn nằm trong mắt xích của Trung Cộng, một Tài liệu khác, cuốn sách "Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới" do Nhà xuất bản Khoa học xã hội; Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) xuất bản năm 2012 còn lộ ra chủ trương của đảng CSVN bắc cầu cho Trung Cộng mau thỏa mãn giấc mơ bành trướng xuống Việt Nam.

Nội dung cuốn sách, do GS.TS. Đỗ Tiến Sâm và GS. Kurihara Hirohide (đồng chủ biên), được Nguyễn Thu Hà giới thiệu là kỷ yếu Hội thảo khoa học "Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới", diễn ra ngày 18 tháng 01 năm 2018 tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội), do Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa các nước Á – Phi (Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản) đồng tổ chức.

Tài liệu đi kèm bài giới thiệu sách đã viết: "Hợp tác phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc bao gồm (1)“hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng”, (2)“hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng”, và (3)“vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ” đã được lãnh đạo cao cấp hai nước thỏa thuận xây dựng."

Điều quan trọng là Quốc hội, mang tiếng là đại diện của dân mà không được Bộ Chính trị cho thảo luận chủ trương hợp tác kinh tế quan trọng này. Giống hệt như Dự án Bauxite Tây nguyên đang thua lỗ nghiêm trọng và Formosa Hà Tĩnh đã gây ra thảm trạng môi trường biển miền Trung năm 2016 cũng không hề được trình ra Quốc hội thảo luận.

Vậy mà, thương hại và nhục nhã thay, cái Quốc hội đảng cử dân bầu này lại không dám ho hoe thì có còn xứng đáng là đại diện của dân nữa không?

Tài liệu phổ biến rộng trên Internet, có nhiều hơi hám Trung Quốc, viết tiếp: "Đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm Trung Quốc (12-15/01/2017) theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi tiếp tục giữ vị trí này trong nhiệm kỳ mới, cũng là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc ngay trong những ngày đầu năm mới. Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng đối với việc đưa sự hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực chính trị và kinh tế đi vào chiều sâu, giúp thúc đẩy sự hợp tác kết nối giữa “Một hành lang, một con đường” và “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, tăng cường cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam."

Đáng chú ý là trong dịp này, theo bài viết, thì ông Trọng còn nói hệt như giọng lưỡi của Tập Cận Bình, lãnh tụ Trung Cộng: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết Việt Nam kiên trì phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” để thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Trung Việt, đây là sự lựa chọn chiến lược, chính sách ngoại giao lâu dài và ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam."

Bấy lâu nay, cứ tưởng chuyện 16 vàng-4 tốt chỉ là ý đồ đầu môi chót lưỡi gian dối phát ra từ miệng lãnh đạo Tầu, nào ngờ ông Trọng, Tổng Bí thư đảng cũng hồ hởi và phấn khởi hân hoan thì còn gì là thể diện quốc gia nữa?

Bài viết nói thêm rằng: "Kể từ khi tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai nối liền biên giới Trung – Việt thông xe đầu tháng 9/2014, Việt Nam đã bắt đầu tăng tốc độ xây dựng kết nối mạng lưới đường bộ và đường sắt giữa hai nước. Cho đến nay tuyến đường cao tốc tỉnh Bắc Giang tới tỉnh Lạng Sơn tiếp giáp với Quảng Tây (Trung Quốc) đã chính thức khởi công. Việt Nam vẫn đang nghiên cứu tính khả thi của dự án đường sắt cao tốc kết nối Hà Nội – Lào cai – Hải Phòng và đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái."

Như vậy xem ra chuyện tưởng như đùa “hai nước là một, một nước là hai” giữa Việt Nam và Trung Cộng đã thành hình qua chủ trương “Một vành đai, Một con đường” (Trung Cộng) và “Hai hành lang, một vành đai” (Việt Nam). 

Nói ra khó nuốt vào

Căn cứ vào những chuyện giấu diếm đã bị bại lộ thì đây là những bằng chứng cụ thể:

1. Trong Thông cáo chung nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10 đến 12 tháng 11 năm 2017 và tham dự Hội nghị APEC của Chủ tịch nhà nước, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình ở Đà Nẵng, phía Việt Nam cam kết: "Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai sáng kiến "Vành đai và Con đường" nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, liên kết kinh tế giữa các nước và kết nối khu vực, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới; sẵn sàng cùng Trung Quốc thực hiện tốt văn kiện hợp tác về kết nối "hai hành lang, một vành đai" và "Vành đai và Con đường" đã ký kết, sớm xác định các lĩnh vực ưu tiên, phương hướng trọng điểm và dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với lợi ích, khả năng và điều kiện của mỗi nước, thúc đẩy kết nối về chính sách, hạ tầng, thương mại, vốn và con người, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước."

2. Trong chuyến thăm Trung Hoa từ ngày 12 – 15/1/2017 của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên tuyên bố: "Khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”; luôn nhìn nhận và phát triển quan hệ song phương từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài; luôn nắm chắc phương hướng lớn của tình hữu nghị Việt – Trung."

(Đoạn này xác nhận tài liệu đã phát tán rộng rãi lời tuyên bố “16 vàng-4 tốt” của ông Trọng trên Internet.)

Hai bên còn đồng ý: "Tăng cường hơn nữa hợp tác thực chất về kinh tế thương mại. Làm tốt quy hoạch chiến lược tổng thể trong hợp tác song phương. Tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, bao gồm kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến"Một vành đai, một con đường”. Tăng cường trao đổi về hợp tác năng lực sản xuất giữa hai nước, triển khai thực hiện có hiệu quả “Bản ghi nhớ về danh mục các dự án hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công thương Việt Nam với Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc”. 

Và: "Tích cực bàn bạc thống nhất để sớm ký kết “Phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên Thực hiện tốt dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; khẩn trương thúc đẩy hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, thực hiện hiệu quả quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng."

Đây là các tuyến đường sắt phần lớn do Trung Hoa tài trợ và thực hiện hầu giúp xuất nhập khẩu hang hóa cho Trung Hoa qua cảng Hải Phòng.

3. Trong chuyến thăm Việt Nam từ 5 đến 6/11 (2015) , Tập Cận Bình phát biểu tại Quốc hội Việt Nam: "Trung Quốc đánh giá rất cao sự kết nối, phát triển chiến lược giữa hai quốc gia, đồng ý tăng cường hợp tác đầu tư phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, cung ứng năng lượng trong phạm vi bộ khung “một con đường, một vành đai”, “hai hành lang, một vùng kinh tế” nhằm tạo động lực thúc đẩy mới cho quá trình hợp tác đối tác quan hệ toàn diện Trung Quốc Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới."

4. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã thăm cấp Nhà nước nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 6 năm 2013.

Trong tuyên bố chung có đoạn viết: "Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế…; thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước cùng phát triển."

Sau cùng cũng nên đọc một đoạn trong Thông cáo chung, nhân chuyến thăm Trung Cộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 10 đến 15/09/2016.

Sau các cuộc thảo luận với Thủ tướng Trung Hoa Lý Khắc Cường thì hai bên đồng ý: "Thúc đẩy hợp tác đầu tư và kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước. Phát huy vai trò Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng, tích cực nghiên cứu và thúc đẩy các dự án hợp tác kết nối trong khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” và “một vành đai, một con đường”; khẩn trương lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; ủng hộ doanh nghiệp hai bên đẩy nhanh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong các dự án hợp tác liên quan giữa hai bên; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các dự án phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam."

Như vậy thì sao mà nhân dân không căm phẫn, trí thức không bất bình và nhiều lão thành cách mạng, cựu đảng viên có tâm huyết không căm giận những kẻ đang lăm le rước voi về dày mồ? 

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giỏi thì trả lời đi. -/-

(06/018)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo