Lòng Dân - Dân Làm Báo

Lòng Dân

Trần Việt Hoàng (Danlambao) - Từ khi loài người đã đủ văn minh để sống chung chạ với nhau dưới sự lãnh đạo của một hay nhiều người trong các bộ lạc hay quốc gia thì đã có nhiều cuộc cách mạng long trời lỡ đất xảy ra để thay đổi những chế độ thối nát và lập nên những chế độ mới phù hợp hơn với sở nguyện của đa số nhân dân. Qua những bài học lịch sử đó, chúng ta có thể khẳng định rằng yếu tố chính và quan trọng nhất của một cuộc cách mạng thành công phải là sự thấu hiểu ước muốn của toàn dân. 

Đúng vậy! Người ta thường nói: “Dân là nước và nhà nước là thuyền. Khi bão tố nổi lên thì nước lật thuyền là điều không sao tránh khỏi”. Khi lòng dân đã quyết thì nhà nước cho dù có hùng mạnh và tàn bạo đến đâu cũng khó mà chống trả và thay đổi vận mệnh của mình. Câu hỏi được đặc ra là: “Khi nào thì biết là lòng dân đã quyết?”. 

Trong các nước dân chủ, các cuộc trưng cầu dân ý xảy ra khá thường xuyên dưới những hình thức khác nhau để đo lường phản ứng của người dân trong các vấn đề trọng đại của xã hội. Đó là một trong những cách đo lường lòng dân một cách hiệu quả và văn minh nhất. Câu hỏi được đặc ra là: “Tại sao các nước độc tài toàn trị không có những cuộc trưng cầu dân ý để lấy ý kiến toàn dân?” 

Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi trên, nhưng có lẽ lý do hợp lý nhất là vì nhà nước độc tài toàn trị không phải do dân thực sự bầu lên. Vì không do dân bầu, nên ngay từ đầu họ đã không coi trọng ý kiến của người dân. Một lý do khác có thể vì họ đã biết trước rằng ý định của họ không phù hợp với lòng dân cho nên không dám đưa ra trưng cầu dân ý. 

Một câu hỏi khác được đặc ra: “Vậy thì làm sao biết được lòng dân khi không có trưng cầu dân ý?” 

Không có trưng cầu dân ý thì khó biết được chính xác một cách khoa học ý muốn của người dân. Tuy nhiên ngày nay với những phương tiện truyền thông, internet và các mạng xã hội, ý muốn của người dân có thể được đưa ra và truyền bá một cách rộng rãi và nhanh chóng. Lấy ví dụ của những cuộc xuống đường biểu tình một cách rầm rộ và đông đảo của đồng bào trong nước ở khắp ba miền trong những ngày gần đây để phản đối dự luật đặc khu và an ninh mạng mà chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh và âm thanh một cách dễ dàng ở nhiều trang mạng, Facebook, YouTube, thì rõ ràng ý kiến của nhiều người dân là không chấp nhận những dự luật đó. 

Nếu có ai đặt nghi vấn là số người biểu tình chưa thể đại diện cho toàn dân thì họ cũng không nên quên rằng có rất nhiều người đồng tình với những người biểu tình nhưng chưa tham gia vì nhiều lý do khác nhau mà lý do gần gủi nhất là sự sợ hãi với những công cụ đàn áp thô bạo mà nhà nước nầy đã, đang và sẽ làm với những người dân bất đồng chính kiến của họ. Vì vậy chúng ta có thể nói một cách khách quan rằng con số hàng ngàn hàng vạn người xuống đường biểu tình như vậy đã đại diện cho tiếng nói của toàn dân. 

Từ nhiều năm qua, lòng bất tin và bất mãn của người dân đối với đảng và nhà nước CSVN ngày càng lên cao và được thể hiện một cách khá rõ ràng từ những tuyên bố, kiến nghị, thư ngõ, văn thơ, ca khúc, phim ảnh của nhiều bậc thân hào, nhân sĩ, của đại diện các tôn giáo, các nhà đấu tranh cho dân chủ, của những phong trào truyền bá nhân quyền, của các anh chị công nhân, các bác nông dân, các bậc trí thức và các em học sinh, sinh viên. Lòng dân ngày càng được xoay về một hướng khi mà trăm họ đang có cái lo chung là lo mất nước, và mơ cái mơ chung là một Việt Nam dân chủ, độc lập và phú cường. Không phải chỉ ở quốc nội mà ngay cả ở hải ngoại, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nơi đồng bào tụ tập biểu tình, thắp nến cầu nguyện cho Việt Nam, đồng hành cùng đồng bào quốc nội. Không phải ngẫu nhiên mà hàng ngàn, hàng vạn người rủ nhau đi nghe nhạc Việt Khang và sắp hàng chụp hình lưu niệm với anh. Họ đến với anh với lòng đồng cảm vì trong tim họ cũng đang thổn thức “Việt Nam Tôi Đâu?” 

Đúng vậy! “Việt Nam Tôi Đâu?” không phải chỉ là một câu hỏi. Nó là một sự thổn thức, một nổi lo âu cho sự tồn vong của đất nước mà cha ông ta đã dày công gây dựng và đổ bao xương máu để giữ gìn. Nó là lòng dân đang hướng về tổ quốc dù ở nơi đâu. 

Có thể trên ngôi vị cai trị với những quyền lợi cá nhân che mờ đôi mắt, những người lãnh đạo đất nước nầy đã quên mất sự quan trọng của lòng dân, nhưng lòng dân chưa bao giờ mất đi sức mạnh vạn thắng của nó. 

Hãy tĩnh đi những ai còn đang mơ giấc mộng quan quyền mà đan tâm bán đi giang sơn tổ quốc. Lòng dân đang sôi sục và sẽ không để ai bán rẽ giang sơn. Hãy tĩnh đi. Hãy tĩnh đi. 

18.06.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo