Yêu là ghét - Dân Làm Báo

Yêu là ghét

Hồ Chí Phèo ( Danlambao) - Quan Ta yêu nhưng dân ghét quan cấm, cấm tuyệt đối dân không được quyền ghét người quan yêu. Quan dùng các điều luật rừng trong “luật công an” để bóp cổ, đánh đập dã man người dân nào dám ghét người yêu, nước yêu của quan. Để ngăn cản người dân tụ họp, biểu tình, diễn đạt ý kiến của mình trong ngày 2/9 sắp tới, công an đã đánh đậ̣p dằn mặt nhiều người, bỏ các tờ rơi vào từng nhà cảnh cáo “Quan không cho phép dân được quyền ghét ”. Không loại trừ mọi biện pháp thô bạo nhất, trấn áp người dân. Không cho dân có tiếng nói bày tỏ tình cảm ghét cay ghét đắng của mình với quốc gia không từ bỏ thủ đoạn gian manh nào để thống trị đất nước mình, Tổng Lò có bao giờ biết nghĩ lại: "Sự trấn áp bằng bạo lực sẽ biến tình cảm ghét ấy thành sự căm thù của người dân". Có phải trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt, chính sự căm thù của người dân đã bao lần tạo nên sức mạnh đánh đuổi kẻ thù truyền kiếp phương Bắc ra khỏi đất nước VN?

*

Yêu và ghét là tình cảm phong phú rất tự nhiên của con người. Sau khi cất tiếng chào đời, trí não phát triển, chỉ sau thời gian ngắn đứa trẻ đã nhận biết tình yêu thương của bố mẹ, biết sợ người lạ. Càng lớn lên trẻ biết phân biệt rõ hơn, biết yêu người đã thương yêu chúng và biết ghét kẻ ác. 

Đến tuổi trưởng thành, yêu và ghét trở nên vô cùng phức tạp vì lẽ “ta là con người, không phải là máy”. Một cô gái chờ người yêu, giận dỗi vì anh ta đến trễ. Mặc cho anh chàng năn nỉ đưa ra mọi lý lẽ xin lỗi, nàng vẫn giận hờn: "Bắt người ta chờ cả tiếng đồng hồ. Ghét quá chừng à...". "Ghét" nhưng nàng vẫn ngồi sau xe cho chàng chở vì nàng có dịp “trả thù”, đưa tay cấu chàng cho “bõ ghét”. Bị cấu cho bõ ghét, chàng vẫn vui như tết: "Chờ đó… đến chỗ vắng... ngừng lại, mình sẽ cấu lại cho bỏ ghhéét...". Yêu và ghét nhập nhằng như thế đã làm đề tài cho bao nhiêu văn nghệ sĩ. Không dám tranh tài với khối chuyên gia nghiên cứu “Trái tim thổn thức”, “Trái tim lầm lỡ”,…, xin được di tản qua lãnh vực khác ít người phân tích hơn, xin bàn về "Yêu và Ghét" giữa các quốc gia, giữa nước này với nước kia. 

Dĩ nhiên, quốc gia tạo dựng do nhiều người thường có cùng nguồn gốc, lịch sử, văn hoá... nên đương nhiên tình cảm của người dân đối với một quốc gia nào khác cũng là đặc điểm nổi bật, rất đặc trưng, ảnh hưởng lớn đến chính trị, quân sự, văn hoá… Rất độc đáo, "yêu và ghét" thay đổi khác nhau tùy theo hai loại quốc gia. Chỉ tuỳ hai loại quốc gia trên thế giới! 

Đầu tiên, loại quốc gia “bình thường”, người dân đóng vai trò chủ chốt trong biểu lộ tình cảm. Họ có thể ghét một nước nào khác, không ưa một dân tộc khác... Thí dụ dân xứ Hồi giáo ghét, không ưa người Do Thái. Do khác biệt tôn giáo, chủng tộc, tranh dành tài nguyên, đất đai, quyền lợi kinh tế... các nước có thể ghét nhau mà hậu quả nặng nề là có thể đưa đến chiến tranh. Chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai... là thí dụ. Đương nhiên hai quốc gia thân thiện lại làm sao có thể đánh nhau vỡ đầu? Trên bình diện quốc gia “bình thường”, ta thấy không có hai quốc gia nào “yêu nhau”. Hai quốc gia chỉ thân nhau như bè bạn, là đồng minh, cũng chẳng thèm coi nhau là “anh em” nữa. Hai quốc gia bình thường có thể chia xẻ chút ít khi nước kia gặp thiên tai, khó khăn kinh tế... Một nước nghèo muốn một nước giàu khác “yêu mình”để cho tiền, cho bạc giúp mình giàu lên ngang với nó, chỉ là một “tình yêu trong mơ”, ”tình hoang tưởng”. 

Loại quốc gia thứ hai, ta gọi là “không bình thường” chỉ chiếm thiểu số trên quả địa cầu. Ở quốc gia loại này có hai giai cấp với "yêu và ghét" khác nhau rõ rệt: giai cấp đảng viên (quan) và giai cấp dân thường (dân). Tình cảm "Yêu và Ghét" giữa quan và dân ngược nhau, quan yêu thì dân ghét, nếu quan ghét dân lại yêu. Các quan ở các quốc gia "không bình thường" yêu lẫn nhau và rất ghét các nước bình thường vì các nước này không giống như mình. Trên các tờ báo ta tìm lại các hàng tít lớn “Đ/c Stalin đã ôm hôn thắm thiết Mao Chủ Tịch”, "Mao Chủ Tịch ôm hôn thắm thiết Hồ Chủ Tịch", "Hồ Chủ Tịch ôm hôn thắm thiết Đ/C Fidel",... Báo chí các quốc gia “không bình thường” diễn tả không đúng lắm vì “ôm hôn thắm thiết” chỉ nói đến yêu một chiều. Chính xác phải nói rõ như "Đ/C TBT Lê Duẫn và Đ/C TBT Brezhnev ôm hôn nhau chùn chụt", nhưng ta vẫn dùng "ôm nhau thắm thiết" diễn tả tình yêu rất đặc biệt này. Sau khi các quan Chủ tịch hay TBT các nước “không bình thường” "ôm nhau thắm thiết", họ thường dẫn nhau vào phòng họp kín, kéo bức màn sắt che kín, không ai hay báo chí nhìn thấy gì cả. Từ họp kín bước ra, các quan rất hồ hởi, vuốt ve lẫn nhau bằng các lời ca ngợi, trìu mến… 

Sau khi khối Đông Âu, Liên xô sụp đổ, các nước “không bình thường” chỉ còn lại lèo tèo vài nước, trong đó có Tàu, Việt nam, Bắc Triều Tiên. Văn hoá đặc trưng biểu lộ tình yêu “ôm hôn thắm thiết” ít còn được báo chí nói đến. Có lẽ các quan “không bình thường” được soi sáng, văn minh hơn nên thấy biểu lộ như thế kệch cỡm, thiếu vệ sinh quá... Tuy nhiên ba nước “không bình thường” vẫn yêu nhau, vẫn có quan hệ "Đồng Sản Luyến Ái", "Đồng Chí Luyến Ái" (xin đừng nhầm với đồng tính luyến ái). Các quan VN vẫn yêu các quan Tàu và các quan Tàu vẫn yêu quan Ta. Đến đây có người không đồng ý “Yêu gì mà năm 1979 xua quân đánh VN, giết ngàn ngàn người để dạy VN một bài học”. Sai! “Yêu cho roi, cho vọt” hay “yêu nhau lắm, cắn nhau đau”. Và các quan “không bình thường” của hai nước Ta và Tàu có chết đâu? Các quan vẫn sống nhăn và vẫn yêu nhau. Chỉ có đám dân quân cấp dưới ghét nhau, giết nhau thôi! 

Người dân Việt Nam không ưa, không thích, ghét người Tàu cộng sản. Nước Tàu đã xâm chiếm, đô hộ Việt Nam khắc nghiệt cả ngàn năm. Việt Nam chỉ yên ổn khi nước Tàu bất ổn nội bộ. Một kinh nghiệm xương máu với Tàu không nước nào trên thế giới có được. Sau khi mở cửa đón nhận tư bản nước ngoài, Tàu CS đã trở thành cường quốc về kinh tế và đưa cặp mắt tham lam nhìn sang các nước láng giềng yếu thế hơn. Đương nhiên VN lại bị xâm lấn biển đảo, đất đai. Có quên đi 1000 năm bị đô hộ bởi giặc Tàu, lẽ nào không nhớ trận chiến 1979 Cao Bằng, Lạng Sơn. Sao không nhớ trận chiến Gác Ma, lính Tàu bắn xối xả vào toán công binh VN trên đảo, không trang bị vũ khí một cách không thương tiếc… Nhưng một điều lạ, dù dân VN có ghét cay ghét đắng, muốn nhổ toẹt nước bọt vào bộ mặt vênh váo của du khách Tàu CS ở VN, quan Ta vẫn yêu quan Tàu. 

Quan Ta yêu nhưng yêu cũng lạ lắm, không bình thường. Hỏi xem quan Ta yêu gì? Quan Ta trả lời rất giống nhau: "Quan Ta yêu Đảng nhất, Quan Ta yêu Bác Hồ nhất. Còn yêu cha mẹ hay vợ con là để sau". Thực tế khi quan Ta gần Đảng, quan ngáp tới, ngáp lui; nhưng khi nhìn có phong bì̀ quan đột nhiên trở nên hăng hái, tim đập rộn ràng. Quan Ta yêu Bác nhưng bảo quan vào lăng nằm cạnh Bác cho ấm cúng, nhưng quan giẫy nẩy lên, chết thôi chứ chỉ muốn chạy về nhà ôm vợ. 

Ta thử xem quan to nhất nước là quan Tổng Lò, quan Lò yêu gì? Dễ quá, đúng qui trình quan Lò yêu Mác Lê nhất, thứ đến quan yêu bác Mao, quan yêu Bác Hồ. Nhiều người đến đây hẳn phải cảm động rơi lệ: "Quan Tổng Lò chung tình quá, yêu toàn những người đã chết!". Không! Quan chỉ biểu diễn chơi chơi cho nhân dân thấy, để có tiếng "Tiết Hạnh Khả Phong"! Quan nhuyễn về “duy vật “ lắm, nên đã “tái giá” từ lâu rồi bà con làng nước ơi! Giời ạ! Quan Lò Ta chỉ yêu say đắm đại đế họ Tập thôi! 

Thế Đại Đế Tập yêu ai? Hơi khó đấy! Quyền cao chức trọng như Đại Đế, yêu ai không được? Đại Đế đang chú tâm đến “con đường tơ lụa”, nên bao nhiêu thứ mơn mởn cứ bè bè ra để Đại Đế tha hồ chọn. Nhưng là người Hán, văn hóa đặc thù “Khổng Mạnh”, Đại đế phải tính đến chuyện “môn đăng hậu đối” nên phải ưu tiên chọn người yêu ở các nước “không bình thường”. Dĩ nhiên Quan Lò và Quan Ủn đã lọt vào "mắt đỏ" của Đại Đế. Giữa hai ứng viên chung kết cuối cùng này, ai sẽ được Đại Đế ưu ái hơn? Cực kỳ khó! Cả hai tuy không được "mười phân vẹn mười" nhưng lại có ưu, khuyết đặc biệt riêng. Về nhan sắc, Quan Ủn có phần vượt trội: trẻ, khoẻ, cao to, mode hiện đại… Còn Quan Lò ta vừa già, vừa lùn, vừa hủ lậu, quê mùa… May mắn về tính nết, Quan Ủn lại hay nổi cáu, rất bạo lực… Điều gì làm Quan không hài lòng, Quan chặt bỏ, quăng vào nòng đại bác bắn cho tan ra như xác pháo. Ngược lại, Quan Lò ta tính tình rất thuỳ mị, dịu dàng "Đại đế chàng có đặt đâu em xin nằm tè bè ra đó" (Ở nhà…, trong nước, đương nhiên không được như vậy!). Ta chưa biết Đại Đế quyết định thế nào? 

Chúng ta đã bàn đến tình yêu “không bình thường”. Xem qua hậu quả như thế nào? 

* Về ngoại giao quốc tế, nhiều người đã tỏ vẻ phấn khởi khi Mỹ và Bắc Triều Tiên bắt tay giải quyết vấn đề hạt nhân. Nhưng đến hiện tại, vẫn không có một tiến triển nào? Phải chăng người ta đã quên không chịu phân tích đến “yêu và ghét” ở các nước không bình thường như Tàu và Bắc Triều Tiên? 

* Trong nước, một công trình trọng điểm do “nước yêu “ của Quan Lò (“nước ghét” của người dân VN) đầu tư là tuyến đường sắt Hà Lội-Cát Linh (Hà Lội vì dân Hà Thành vẫn sẽ còn lội nước khi mưa lớn, đê vỡ). Do tình cảm “yêu và ghét “ đương nhiên có những ý kiến trái chiều nhau giữa Quan Ta và người dân Hà Lội: 

- Dân ghét: "công trình đội vốn, thời gian thi công trễ không đúng kế hoạch (do tham nhũng? ), kỹ thuật lạc hậu...". Quan yêu: “công trình lớn gặp đối thủ Tàu anh của mình nên các nước khác bỏ chạy cả, đâu còn ai? Tàu yêu mình mới cho mình vay, giúp đỡ đầu tư phải yêu quí họ chứ! Nếu có tham nhũng thì cũng do họ yêu, họ phải mang tiền vào nước mình cho tham nhũng. Họ dư biết mình “chống tham nhũng”, tiền ấy lại đi lòng vòng vào túi mình chứ túi ai?". 

- Dân ghét: "Bảng hiệu, vé... bị nhà thầu ngang ngược in chữ Tàu là chính, cứ như Hà Lội đã trở thành tỉnh của Tàu?”. Quan Yêu: "Ấy... ấy. Đi du lịch Tàu phải tốn tiền mua vé máy bay, khách sạn... Đi tuyến đường sắt HL-CL, chỉ cần mua vé xe, tự nhiên kèm thêm chuyến đi du lịch Tàu, học cả tiếng Tàu rồi còn gì?”. 

- Dân ghét: "Chưa gì đã thấy ốc vít đường ray lung lay muốn văng ra, dân ngồi trên xe sợ hãi, hồi hộp như xe sắp sửa bị khủng bố!". Quan yêu: 'Người ta phải bỏ tiền vào khu vui chơi để ngồi trên “roller coaster” mua cảm giác hồi hộp. Người Hà Lội chỉ cần mua vé tàu là có ngay cảm giác hấp dẫn như thế còn ao ước gì?". 

- Dân ghét: "Thế giới nước nào cũng cảnh báo về bẫy nợ nước Tàu giăng ra, điển hình gần nước mình nhất: cảng biển ở Sri Lanka và việc Thủ tướng Mahathir của Mã lai đã loại bỏ hai công trình đầu tư do chính phủ tham nhũng trước ký kết". Quan yêu: "Đấy là các nước bình thường mới có bẫy nợ. Mình anh em môi hở răng lạnh chỉ có "bẫy tình". Có gì êm ấm, vui thích bằng bẫy tình?". 

Quan Ta yêu nhưng dân ghét quan cấm, cấm tuyệt đối dân không được quyền ghét người quan yêu. Quan dùng các điều luật rừng trong “luật công an” để bóp cổ, đánh đập dã man người dân nào dám ghét người yêu, nước yêu của quan. Để ngăn cản người dân tụ họp, biểu tình, diễn đạt ý kiến của mình trong ngày 2/9 sắp tới, công an đã đánh đậ̣p dằn mặt nhiều người, bỏ các tờ rơi vào từng nhà cảnh cáo “Quan không cho phép dân được quyền ghét ”. 

Không loại trừ mọi biện pháp thô bạo nhất, trấn áp người dân. Không cho dân có tiếng nói bày tỏ tình cảm ghét cay ghét đắng của mình với quốc gia không từ bỏ thủ đoạn gian manh nào để thống trị đất nước mình, Tổng Lò có bao giờ biết nghĩ lại: "Sự trấn áp bằng bạo lực sẽ biến tình cảm ghét ấy thành sự căm thù của người dân". Có phải trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt, chính sự căm thù của người dân đã bao lần tạo nên sức mạnh đánh đuổi kẻ thù truyền kiếp phương Bắc ra khỏi đất nước VN? 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo