Hồ Chí Minh / Hồ Tập Chương - "cha già" Việt hay Tàu? - Dân Làm Báo

Hồ Chí Minh / Hồ Tập Chương - "cha già" Việt hay Tàu?

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Nếu "bác" Hồ Chí Minh của đảng CS vĩ đại như thế nào thì nghi vấn "cha già dân tộc" họ Hồ là một gián điệp cộng sản Tàu lại là một quả bom tấn "vĩ đại" gấp ngàn lần. Cả một lịch sử đảng, truyền thống đảng, huyền thoại đảng và nhất là chiêu bài dân tộc của đảng CSVN sẽ bị nổ tan tành và phá sản hoàn toàn nếu kẻ được đảng bưng lên thành cha già của dân tộc Việt được chứng minh là một người Tàu. Do đó, giải mã bài toán Hồ Chí Minh / Hồ Tập Chương - Tàu hay Việt một cách nghiêm chỉnh, khách quan cần được xem như là một nỗ lực đấu tranh quan trọng.

Lãnh tụ thần thánh - Sức mạnh vô hình của chế độ

Ưu tiên và nỗ lực hàng đầu của những chế độ độc tài là thần thánh hoá lãnh tụ. Mục tiêu chính của công tác không có điểm kết này là xây dựng, duy trì sức mạnh của guồng máy cai trị qua việc gieo trồng niềm tin yêu và kính trọng của đại đa số quần chúng vào một lãnh tụ và đồng hoá lãnh tụ thần thánh với hệ thống chính trị. Tổ chức Canvas, hậu thân của nhóm lãnh đạo phong trào Otpor, gọi đây là cột trụ quyền lực vô hình nhưng kiên cố nhất của chế độ. 

Bạn có thể thấy được cột trụ quyền lực này khắp nơi. Không phải chỉ ở những cơ quan, những đại hội của chế độ, nơi mà hình tượng Hồ Chí Minh được dùng làm căn cước của đảng, mà còn ở mọi ngõ ngách trong đời sống của người dân. Hình ảnh mạnh mẽ nhất của nó được thấy trong những sinh hoạt thể thao với những thanh niên, thiếu nữ Việt Nam cuồng nhiệt, hãnh diện giương cao hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bỏ qua những khinh miệt, chê bai, kết án để nhìn sự việc một cách khách quan: chế độ đã thành công khi không những biến Hồ Chí Minh thành biểu tượng của đảng mà còn biến Hồ Chí Minh thành linh hồn của quốc gia, dân tộc trong lòng một bộ phận tuổi trẻ Việt Nam. 

Đó cũng là nhận xét của Dân Làm Báo trong những ngày đầu thành lập; và đánh sụp "thần tượng" Hồ Chí Minh là một trong những chương trình hành động trong kế hoạch lâu dài của Dân Làm Báo. 

Mục tiêu "đánh sụp thần tượng" 

Mục tiêu này đi đôi với đối tượng nhắm đến. Đối tượng của công tác "đánh sụp thần tượng Hồ Chí Minh" không phải là những người đã thấy rõ bản chất, tội ác của Hồ. Sẽ vô ích và mất thì giờ để gửi những phê phán về Hồ Chí Minh đến với những người đã quá tỏ tường về Hồ Chí Minh. Đối tượng là những bạn trẻ, người dân vì bị bưng bít thông tin, vì bị tuyên truyền, tẩy não qua nhiều năm tháng và đang thần tượng Hồ Chí Minh. 

Do đó, Dân Làm Báo xem đây là một công tác lâu dài và chia ra nhiều giai đoạn. Trong những năm đầu, BBT đã cố gắng để có những bài viết; hay góp ý cho một số tác giả bỏ bớt những cảm xúc cá nhân trong bài viết phê phán Hồ Chí Minh. Đối với những "đối tượng" nhắm đến - đang "thần tượng" Hồ Chí Minh - mọi chửi bới, cộc cằn đều có thể phản tác dụng. Khó có thể "nuốt nỗi" những lời chửi bới về một người mà họ đang tôn thờ. Một thí dụ cho phương hướng của những năm đầu của các thành viên trong Ban Biên Tập: "khoan" viết, "khoan" gọi Hồ Chí Minh là tên già dâm tặc - hãy đưa ra những dữ kiện một cách trung thực, khách quan, lạnh lùng để làm thế nào mà chính người đọc phải tự kết luận: tên này quá... dâm! 

Những năm sau, theo thời gian với nhận thức của đối tượng nhắm đến, Danlambao bắt đầu sử dụng thêm những phương thức, nội dung châm biếm, tố giác thẳng thừng để dẫn đến sự khinh miệt, ghê tởm Hồ Chí Minh trong lòng của những người đã từng tôn sùng Hồ Chí Minh nhưng bây giờ đã nhận ra chân tướng của lãnh tụ.

Chia sẻ cùng bạn đọc: một số bạn đồng hành của Danlambao ngày hôm nay - trong đó có thành viên nằm trong BBT, thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã từng là những người say mê Hồ Chí Minh, đã từng phàn nàn và "khuyên" DLB là làm gì thì làm nhưng không nên đụng đến "bác Hồ". Ngày hôm nay, họ đang hăng say góp phần vào tiến trình "đánh sập thần tượng Hồ Chí Minh": 

HCM là một lãnh tụ vĩ đại =>
HCM là một người bình thường => 
HCM là một người có vợ và nhiều người tình => 
HCM là một người đạo đức giả và là tên lừa đảo => 
HCM là thủ phạm của nhiều tội ác => 
HCM là nguồn gốc của mọi tội ác => 
Hồ Chí Minh là một Việt gian bán nước => 
HCM có thể là một gián điệp người Tàu. 

Hồ Chí Minh = Hồ Tập Chương? Đó là công án sau cùng của tiến trình đó. 

Công án Việt cộng Hồ Chí Minh là Tàu cộng Hồ Tập Chương 

Cho đến nay, những dữ kiện về Hồ Chí Minh như thiếu tá Hồ Quang của Bát Lộ Quân ở Diên An, những người biết rõ Nguyễn Tất Thành bị tiêu diệt, Nguyễn Ái Quốc bị bệnh lao trong thời điểm chưa có thuốc đặc trị căn bệnh hiểm nghèo này, Nguyễn Ái Quốc đã qua đời trong nhà tù Hong Kong, chiều cao của Nguyễn Ái Quốc so với chiều dài của Hồ Chí Minh, khả năng viết báo của Nguyễn Ái Quốc và tầm viết lách của Hồ Chí Minh, cách cầm bút, văn phong, phát âm trong cuộc phỏng vấn của truyền hình Nhật, vụ việc thăm lại thân nhân, muốn nghe một bài hát Tàu trước khi chết... tương đối đủ để những người muốn tin Hồ Chí Minh là một tên gián điệp Tàu củng cố thêm niềm tin của mình. 

Tuy nhiên, nó cũng chưa hẵn đã thuyết phục hoàn toàn đối với nhiều người khác, nhất là những người đang "cuồng Hồ" và những bạn đã từng thần tượng Hồ Chí Minh. 

Với tiêu chí đặt niềm tin vào tinh thần tôn trọng sự thật và mục tiêu đi tìm sự thật, các thành viên của Dân Làm Báo không tìm cách để "sàn lọc" hay "gò" dữ kiện, suy luận thành một "sự-thật-theo-ý-muốn-của-mình". Do đó, mọi phân tích để chứng minh Hồ Chí Minh là Tàu hay ngược lại đều cần thiết. Cần thiết để chúng ta có thêm dữ kiện đối chiếu, để nhìn sự việc khách quan. Cần thiết hơn nữa là để từ đó mỗi người chúng ta đặt lại vấn đề cho những gì tưởng là đã kết luận chắc chắn; mở ra những câu hỏi mới và có thêm cơ hội để phân tích những lý luận, diễn giải của nhau trong tinh thần tương kính lẫn nhau và tôn trọng sự thật. 

Xin được lấy thí dụ về 2 bài viết về "công án" Hồ Chí Minh / Hồ Tập Chương vừa mới đăng tải trên Dân Làm Báo. Đó là bài dịch "Báo l’Humanité: Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù tại Hồng Kông năm 1932!" của Trần Thị Hải Ý và bài "Cũng nên nói thêm một lần nữa: Năm 1932, Hồ Chí Minh chưa chết đâu!" của Nguyễn Thị Cỏ May. 

2 bài viết, 2 kết luận khác nhau. Một bài là dịch nguyên văn - từ Báo L’Humanité - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Pháp lúc đó - không có ý kiến, bình luận riêng của người dịch. Một bài dựa vào một số thông tin từ kho tài liệu của Văn khố Quốc gia Hải ngoại của Pháp, 2 "nhân chứng" Vũ Thư Hiên và Bùi Tín và một sử gia là Céline Marangé. 

Cả hai bài viết này đều cần thiết cho tiến trình đi tìm sự thật. 

Bài dịch từ L’Humanité cho chúng ta một kết luận chắc chắn: đây không phải là một "âm mưu" của thế lực thù địch tư bản, đế quốc, thực dân nào muốn bôi nhọ Hồ Chí Minh. Chính phía cộng sản Pháp đã xác định 2 dữ kiện: Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh lao tại trạm xá của nhà tù Hồng Kông; và Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, nghiêng mình trước di hài của lãnh tụ cộng sản Nguyễn Ái Quốc. 

Trong bài "Cũng nên nói thêm một lần nữa: Năm 1932, Hồ Chí Minh chưa chết đâu!" tác giả Nguyễn Thị Cỏ May đưa ra kết luận và giải thích đơn giản, ngắn gọn: "Dĩ nhiên tin trên L’Humanité là không đúng sự thật. Vào lúc đó, tin tức thường khó kiểm soát sự chính xác." 

Kết luận này giúp một số người có sự hoài nghi (cũng cần thiết) rằng: biết đâu tin tức đúng là khó kiểm soát và L’Humanité đăng lầm, Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Pháp nghiêng mình lộn? Nó cũng giúp cho chúng ta thấy được tâm lý thường tình rất con người là: cách gạn lọc, chọn lựa để nhìn sự việc theo ý muốn hay niềm tin cá nhân. Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Cỏ May giúp cho chúng ta nhìn lại những "thói quen" của mình khi đi tìm sự thật. Chúng ta - theo cái đèn pin soi đường chỉ lối trong tâm khảm hoặc những ảnh hưởng chính trị - thường "chọn" cho mình những sàn lọc để minh chứng cho "sự-thật-của-riêng-mình". 

Nếu chúng ta có thái độ tích cực thì mỗi bài viết sẽ giúp chúng ta có thêm những câu hỏi, những khai mở trên con đường đi tìm sự thật, hay ít ra là những gì có thể đến gần với sự thật nhất. Cũng với bài viết "Cũng nên nói thêm một lần nữa: Năm 1932, Hồ Chí Minh chưa chết đâu!", tác giả Nguyễn Thị Cỏ May giúp cho chúng ta có thêm những câu hỏi: 

- Nếu "dĩ nhiên tin trên L’Humanité là không đúng sự thật." (vì lúc đó, tin tức thường khó kiểm soát sự chính xác) để cho rằng HCM không chết vào năm 1932, thì liệu có dĩ nhiên rằng một số thông tin trong Văn khố Quốc gia Hải ngoại của Pháp và Sở Bảo vệ Đoàn quân Viễn chinh Pháp ở Đông Dương - được dùng để chứng minh HCM còn sống - có thật sự chính xác trong cùng một bối cảnh "khó kiểm soát sự chính xác"? 

- Tài liệu 9000 trang do ông Olivia Pelletier, Quản thủ Văn khố, chuyên về Đông Dương, san định, đúc kết lại từ những những thông tin của cơ quan Tình báo, Phòng Nhì, Cảnh sát Pháp ở Đông Dương và ở Pháp từ 1919-1955 cho thấy "Hồ Chí Minh vẫn còn sống, sau cái tin ông chết trong tù Hồng Kông năm 1932. Nhưng hoàn toàn không có tin tức gì về Hồ Chí Minh từ tháng 5/1930 tới 1934." 

Những luận cứ này giúp cho chúng ta có thêm câu hỏi: Vậy là từ năm 1932 sau khi Nguyễn Ái Quốc chết trong tù theo nguồn tin của L’Humanité cho đến 1934, thời gian đủ để chuẩn bị đào tạo một "Hồ Chí Minh" khác? Lấy gì để chứng minh nhân vật mà "1934 tới 1937, ông sống ở Mạc Tư Khoa. Năm 1938, ông trở lại Tàu. Tháng 2/1941, ông trở lại Bắc Việt, sau khi Pháp thất trận" cũng là Nguyễn Ái Quốc trong nhà tù Hong Kong? 

- "Ngày 16/5/1932, Lâm Đức Thụ, người làm việc cho Mật thám Pháp, gởi báo cáo cho Pháp nói ông vẫn nhận được tin tức về Nguyễn Tất Thành qua văn phòng của luật sư Loseby, người lãnh nhiệm vụ bênh vực Nguyễn Tất Thành." 

Bài viết công bố về cái chết của Nguyễn Ái Quốc được Báo L’Humanité (Nhân đạo) năm thứ 29, số 12292, phát hành vào thứ ba 09/08/1932. Do đó, chúng ta lại có thêm câu hỏi: Nếu Lâm Đức Thụ có nhận được tin tức của Nguyễn Tất Thành thì cũng có thể nhận được 1, 2 tháng trước khi Nguyễn Tất Thành chết trong tù? 

- Chuyện "Ông Vũ Thư Hiên đôi lúc ngủ chung giường với Hồ Chí Minh..." để thấy "ông Hiên phải là người biết cụ thể Hồ Chí Minh" giúp cho chúng ta có thêm câu hỏi: Ông Vũ Thư Hiên có thể nghĩ rằng người nằm cùng giường với ông không là một người Tàu, nhưng làm thế nào ông biết được chắc chắc đó là Nguyễn Tất Thành aka Nguyễn Ái Quốc của những năm trước 1932? 

- Trích dẫn tuyên bố của ông Vũ Thư Hiên "Nếu ông Hồ là người Tàu thật thì tất tần tật những ai từng gặp ông, từng làm việc với ông (có cả nghìn, cả vạn người đấy), tạm kể từ thời Quốc dân Đại hội Tân Trào 1945 cho tới khi ông qua đời năm 1969, hoá ra đều mù dở - khốn nạn, ông là Hồ Tập Chương đấy, là người Tàu đấy, người Khách gia đấy, thế mà không một ai phát hiện." lại mở ra 2 câu hỏi khác: (1) Vậy có thể có xác suất Hồ Chí Minh không là một người Tàu chính gốc mà là một người Việt; nhưng làm sao ông Vũ Thư Hiên chắc chắn 100% rằng Hồ Chí Minh nằm ngủ bên cạnh là Nguyễn Tất Thành - người mà ông chưa từng gặp - trong nhà tù Hong Kong 1932? (2) Dưới chế độ độc tài toàn trị và dưới bàn tay sắt máu của Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn, kẻ giết chết người tình Nông Thị Xuân của Hồ Chí Minh, liệu ai - nếu phát hiện hay nghi ngờ Hồ Chí Minh "có vẻ" là Tàu - có dám hé miệng? Để từ đó, chúng ta cần có sự đo lường, lượng giá về những thông tin đến từ "nhân chứng" - Những thông tin nhân chứng không nhất thiết đồng nghĩa với chứng minh.

- Giai thoại kể lại của ông Bùi Tín - "Ông Hồ tới thăm lại lò rèn bên bờ sông nơi lúc nhỏ, ông thường ra đây chơi và câu cá. Trong đám dân làng ra chào mừng Chủ tịch nước, có một cụ già bước tới, chỉ vành tai bị mất một miếng nhỏ của Hồ Chí Minh và nói “Hồi nhỏ hắn câu cá, giựt cần câu, lưỡi câu móc vào đây xước mất một miếng, nay vẫn còn thẹo...” bật ra một câu hỏi khác: Thật sự rằng, liệu có một ông già dân đen nào "tự nhiên và chủ động" dám vượt qua vòng bảo vệ, bước tới chỉ vành tai của lãnh tụ, của chủ tịch, ngang nhiên oang oang nói cho mọi người - trong đó có ông Bùi Tín nghe - và lỗ mãng gọi "cha già dân tộc" là "hắn", nhằm chứng minh lãnh tụ Hồ Chí Minh là thằng nhỏ câu cá bị xước mất lỗ tai? Tại sao có giai thoại mang tính chứng minh này? Có gì quen thuộc trong "truyền thống" dàn dựng của đảng mà chính ông Bùi Tín cũng bị lừa và vô tình trở thành "nhân chứng" cho một màn kịch lừa đảo? 

- Theo tài liệu Pháp, Hồ Chí Minh không chết, chỉ hoàn toàn không có thông tin gì trong thời gian hơn 3 năm (1934-1937), nhưng theo "sử gia" Céline Marangé: (a) Hồ Chí Minh rời khỏi Hồng Kông vào tháng giêng năm 1933 nhờ luật sư do Komintern ủy nhiệm xin được hủy bỏ lệnh dẫn độ ông giao cho chính quyền Pháp; (b) Tháng 10/1934, HCM vào học trường Quốc tế Lê-nin; (c) từ đó sử gia xác định "Hồ chí Minh không chết trong nhà tù Hồng Kông năm 1932". Lại thêm câu hỏi: Tại sao một sử gia biết rõ HCM theo học trường Quốc tế Lê-Nin nhưng cả chính quyền thực dân, hệ thống mật thám Pháp lại không biết "đối tượng thù địch số một" này đang ở đâu? Và: chúng ta chỉ cần dựa vào một "sử gia" để làm nền tảng cho lý luận minh chứng hay phải đối chiếu với nhiều sử gia, nguồn tin khác nhau?

Càng có thêm nhiều bài viết, càng mở thêm nhiều câu hỏi, càng nhiều câu hỏi - càng giúp chúng ta đến gần sự thật. 

Hồ Chí Minh - người được cho là sáng lập ra đảng CSVN, nước VNDCCH, "cha già dân tộc" là người Việt hay người Tàu? Câu hỏi và sự thật có thể không quan trọng với một số người vì đối với họ trong tình huống nào thì HCM cũng là một tội đồ của dân tộc Việt. Nhưng đối với đảng CSVN, nếu thật sự Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương và với những phân tích, dẫn chứng - dù không có bằng chứng kiểm chứng DNA 100% - nhưng chỉ cần đủ khách quan và thuyết phục để đại đa số người Việt tin rằng "bác Hồ vĩ đại" và "cha già Dân Tộc", biểu tượng thần thánh của đảng lại là một tên Tàu; thì đó là mối nhục và thảm họa chính trị "vĩ đại" của đảng cầm quyền. Lúc đó, cột trụ quyền lực mạnh nhất đang chống đỡ guồng máy độc tài sẽ sụp đổ hoàn toàn. 

Kết: 

Xin được kết bằng một tâm tình: 

Mong các bạn đồng hành hãy xem những người dân Việt đã và đang cuồng Hồ là nạn nhân của một chế độ đểu cáng, lưu manh và ma mị. Hãy tin rằng ngày hôm nay đã có những người khinh miệt Hồ Chí Minh nhất lại là những người đã từng tôn sùng Hồ Chí Minh nhất. Hãy cùng nhau đánh sập "thần tượng" này trong lòng mọi người dân Việt Nam vì nó góp phần làm suy yếu chế độ. Từ đó, thay vì chỉ bày tỏ cảm xúc cho thoả lòng mà đôi khi lại phản tác dụng với những đối tượng và mục tiêu mà chúng ta nhắm đến, xin cùng nhau xem đây là một nỗ lực đấu tranh chung, có đối tượng, có mục tiêu, có cân nhắc và có kế hoạch. 

08.09.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo