Nguyên Thạch (Danlambao) - Biến cố đau thương của ngày 30 tháng Tư 1975, hàng triệu người Việt như đàn cá hồi, phải lìa bỏ nơi chôn nhao cắt rún, vượt biển sâu rừng thẳm cũng vì tự do và cuộc sống, đàn cá Việt phải đối mặt với bao hiểm nguy và gần một phần ba phải vứt xác nơi núi thẳm rừng hoang, phải vùi thây tận đáy biển sâu và không bao giờ trở lại.
*
Thượng Đế, Đấng đã tạo nên vũ trụ và vạn vật với sự kỳ diệu, cá hồi là một trong vô vàn sinh vật kỳ diệu ấy. Sinh ra và lớn lên ở vùng nước ngọt cho đến khi đủ sức thì di cư ra đại dương ngàn dặm để sinh sống giữa trùng khơi bao la trong dòng nước mặn với khoản thời gian từ 1 đến 4 năm rồi sau đó đàn cá lại quay về chốn cũ, nơi mà mẹ chúng đã đã vượt hàng ngàn cây số để trở lại bến xưa với mục đích duy nhất là truyền giống.
Từ đại dương mênh mông, cá hồi tự nó là những chiếc thuyền viễn xứ, tự chèo lái trước dông tố ba đào và luôn bị làm con mồi cho những loài vật khác nơi biển cả và kể cả nơi đất liền như sói hoang, chồn, gấu... trong suốt quảng đời.
Cho đến ngày phải thực hiện cái chức năng thiêng liêng là làm mẹ, đàn cá từ trùng khơi vô định lại tự mình tìm đường quay về nguồn cội, nơi được ví như mái ấm mà chúng đã được sinh ra.
Vượt biển sâu trùng thẳm để tìm lại cái nôi nhỏ bé, dòng sông cũ cho dù có đầy gian ải thác ghềnh, dù có biết bao chướng ngại vật cản trở thì đàn cá cũng phải vượt qua, dù với bao vết thương trên thân thể lở loét tím bầm trên con đường về cội thì cá cũng vẫn một ý chí, một lòng chấp nhận, miễn sao là đến được bến bờ để xây tổ ấm, cho đàn con ngày mai với bổn phận trách nhiệm và cả ý nghĩa của hai chữ hy sinh.
Chỉ là loài cá mà sự hy sinh cho thế hệ đi sau đã là vô cùng cao cả như vậy thì loài người có phương tiện, biết suy nghĩ... vậy chúng ta nên tự vấn, há chấp nhận nòi giống bị diệt vong?
Biến cố đau thương của ngày 30 tháng Tư 1975, hàng triệu người Việt như đàn cá hồi, phải lìa bỏ nơi chôn nhao cắt rún, vượt biển sâu rừng thẳm cũng vì tự do và cuộc sống, đàn cá Việt phải đối mặt với bao hiểm nguy và gần một phần ba phải vứt xác nơi núi thẳm rừng hoang, phải vùi thây tận đáy biển sâu và không bao giờ trở lại.
Tôi có đọc qua tác phẩm "Cá hồi" của tác giả Ahn Do-hyun người Đại Hàn, sách dầy chỉ 100 trang nhưng có nhiều điểm cảm động đáng ghi, trong đó có câu: "Đời người chẳng phải cũng sinh ra, rốt ráo trong cuộc tồn sinh và rốt ráo tìm cho mình một lẽ sống với bổn phận và trách nhiệm hay sao?"
Bây giờ là mùa thu, mùa cá Hồi tìm về nguồn cội với bao hy sinh thân xác thân trở nên tàn tạ cũng chỉ để lưu truyền nòi giống. Và bây giờ cũng là mùa trăng, mùa mà con cá Việt đơn côi với kỷ niệm đau lòng từ một dân tộc bị đọa đày.
Biển nhớ ngậm ngùi
Đêm ra biển nhớ ngậm ngùi
Nắm xương sâu thẳm có vui đáy mồ?
Thuyền nhấp nhô
Biển sóng xô
Xương em trinh nữ lõa lồ giá băng.
Đáy sâu, có ngắm cung hằng?
Hay chìm ngập tối
Lạc trăng oán hờn?
Từ đi miên viễn cô đơn
Hiện thăm thủy thủ
Chập chờn dáng trinh.
Đêm nay, trên chuyến hải trình
Mây khuya chợt hiện bóng hình năm xưa
Em tà áo trắng đong đưa
Theo anh ấp ủ... tình chưa vẹn đường!
Xác xưa, vùi đáy đại dương
Chưa về Âu Mỹ vẹn đường tự do.
Ru em, biển vắng điệu hò
Xác sâu biển thẳm nằm co muôn trùng
Từ xa, đàn nghẹn ngang cung
Cung khuya trổi nhịp
Cung chùng dây tơ
Hoang vu, gởi sóng niềm mơ
Men say thủy thủ vật vờ cố nhân.
Phong ba, tôi bước đường trần
Âm dương nay thoáng, cũng gần bốn mươi
Năm xưa, yêu mắt em cười
Còn trong tôi mãi... dáng người thiên thu.
Đàn cá Hồi với bổn phận đáng ca ngợi, gương hy sinh cao cả cùng sự kỳ diệu của chúng rất đáng để cho loài người khâm phục và ghi tạc.
Một chút tình cho người xưa, một phần trách nhiệm cho thế hệ hôm nay, tôi mong rằng bài viết về loài cá Hồi sẽ tạo được một vài nếp suy nghĩ cho chúng ta.
Nhân ngày Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng người mẹ Nguyễn Thị Tuyết Lan và 2 con trẻ được đoàn tụ, tôi viết nên những dòng chữ này và hy vọng rằng tất cả chúng ta cũng bỏ chút thời gian để "suy tư" về con người và nguồn cội.
Xin được làm cá hồi
- Bài thơ này mong được riêng tặng 2 con thơ của Mẹ Nấm như một sự ghi tạc Tình Mẹ với tâm nguyện khi 2 cháu Nấm và Gấu mai này lớn khôn sẽ noi gương mẹ không quên mất nguồn cội để tranh đấu cho một quê hương đầy đau thương này sớm thoát cảnh đọa đày.
" Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào...
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu..." (*)
Tiếng ai hát đượm tình mênh mông quá
Gợi lòng tôi ghi tạc kiếp cá Hồi
Mẹ xa xăm từ muôn nẻo trùng khơi
Dòng đời mẹ một đời theo con nước.
Ôi thân mẹ tang thương bơi dòng ngược
Trở lại cội nguồn nơi mẹ đã sinh ra
Từ tấm thân óng ả mượt mà
Thành lở loét bởi dặm xa về bến cũ.
Mẹ về đây đẻ ra trăm trứng nụ
Chẳng màng chi tàn rũ cả tấm thân
Gian khổ hiểm nguy ghềnh đá chẳng ngại ngần
Mong về kịp để hiến thân cho thế hệ.
Nghìn trùng đại dương xa xôi bốn bể
Nước ngàn năm theo con nước tụ nguồn
Trở lại chốn xưa mong trăm trứng tròn vuông
Cho trứng nở mẹ chẳng buồn thân xác.
Tình của mẹ ôi thiêng liêng dào dạt
Về gieo neo cho tiếng hát ngày mai
Vạn dặm xa xôi biển thẳm đường dài
Mong lưu giống cho tương lai con cháu.
Lúc mẹ lìa đời thân tím bầm vết máu
Mẹ hy sinh cho giòng máu trường tồn
Phút lìa đời mẹ chẳng được liệm chôn
Miễn được chết nơi quê cũ là tâm hồn thanh thản.
Dòng sữa ngọt, con lớn dần theo năm tháng
Vượt bến yêu di tản khắp mọi miền
Sóng dập ba đào đói khát đảo điên
Nguyện khi khôn lớn là thanh niên vững mạnh.
Mang ơn mẹ, nỗi lòng luôn canh cánh
Nhớ quê hương vai trĩu gánh sơn hà
Con sẽ không bao giờ quên nơi con đã sinh ra
Mang chí khí quê nhà con trở lại
Lối về cội dẫu vạn ngàn gian ải
Đường quê hương dù oan trái ngập tràn
Chí làm trai con tiến dọc xẻ ngang
Diệt lũ cộng xây mộng vàng tổ ấm
Tình quê hương... con khắc ghi tình đậm
Thương dân con, đâu mái ấm hiền hòa
Trong tâm con, chúng là một đám tàn bạo quỉ ma
Chúng con sẽ góp sức dựng quê nhà no ấm.
Con sẽ về dẫu đường xa vạn dặm.
*
_________________________
(*) Lòng Mẹ-Y Vân.