Cha Chân Tín - Phân tích bài diễn văn của Đỗ Mười - Dân Làm Báo

Cha Chân Tín - Phân tích bài diễn văn của Đỗ Mười

Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Theo sau việc bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ, thay đổi kinh tế Việt Nam thành kinh tế thị trường tự do bắt chước theo các nước tư bản, cộng với "diễn biến hòa bình" diễn ra trong và ngoài Việt Nam, ông Đỗ Mười đã kêu gọi các đảng viên: "Điều quan trọng nhất trước tiên là chúng ta phải kiên định trên lập trường giai cấp và đấu tranh giai cấp." 

Giai cấp nào? Đấy là vấn đề then chốt: phải chăng là giai cấp vô sản đói khát đang bị bóc lột hôm nay ở trong nước; hay là giai cấp "công nhân" không có tài sản nào xứng đáng với cái tên giai cấp của nó; hay là giai cấp của "các quan cách mạng" bóc lột công nhân đến tận xương tủy.

Giai cấp đấu tranh giai cấp để giai cấp thống trị hiện nay có thể vĩnh viễn áp đặt và duy trì độc quyền quyền lực đối với kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, y tế, vân vân. 

Để bảo đảm sự độc quyền cai trị của "giai cấp mới", nhân dân phải bị nô lệ. Con người và những quyền căn bản nhất của họ phải bị chà đạp bởi lý luận cho rằng " mỗi nước đều có những đặc điểm, truyền thống, và luật pháp riêng của mỗi nước." 

Những truyền thống hay luật pháp bất công ấy được sử dụng để áp bức con người là những truyền thống và luật pháp phải bị xóa bỏ. Nhân loại càng văn minh thì càng phải tiến hành những cuộc cách mạng phá tan những truyền thống ấy, những luật pháp ấy, những bất công ấy. Ông Đỗ Mười trích dẫn những truyền thống độc tài và những luật pháp vi hiến ấy nhằm chống lại Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký cùng với các nước văn minh khác. 

Ông Đỗ Mười nói về di sản của Đảng Cộng Sản Việt Nam gồm có "giải phóng giai cấp công nhân và vô sản, xóa bỏ áp bức, bóc lột, đàn áp, bất công, và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người." Có đúng như thế không? Những người công nhân thật sự vẫn còn nghèo đói, bị bóc lột, và đang bị áp bức thậm chí còn tàn tệ hơn so với thời thực dân. Chỉ một thiểu số, tự ban cho mình địa vị "giai cấp công nhân", mới có thể hưởng thụ của cải, địa vị, và quyền lực để sống đè đầu đè cổ dân lao động, và công nhân với đồng lương chết đói. Thiểu số này đã xóa bỏ chủ nghĩa thực dân để thay bằng tình trạng nô lệ thậm chí còn tàn khốc hơn và áp bức hơn nhiều. 

Lịch sử 73 năm dưới sự cai trị của cộng sản ở Liên Xô, 45 năm ở Đông Âu, và tình trạng cai trị hiện nay ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba, và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chứng tỏ rằng chế độ cai trị của cộng sản là áp bức, chuyên quyền, độc tài, và độc quyền. Ngày nay sự bóc lột, áp bức, và bất công còn tàn khốc hơn rất nhiều tất cả những chính quyền thực dân và phong kiến trong lịch sử. 

Thời phong kiến của chúng ta là thời của chế độ phong kiến tự phát triển. Phong kiến thời ấy không có tổ chức và không cùng một kiểu; nô lệ cũng không bị bỏ mặc để lâm vào cảnh đói khát hay bệnh tật; nô lệ cũng không bị bắt buộc phải khen ngợi những kẻ cai trị. Còn chế độ cộng sản ngày nay là chế độ phong kiến có tổ chức. Tuy không có tự do và hạnh phúc, nhưng nhân dân phải nói họ có tự do, họ có hạnh phúc, và họ sống trong xã hội dân chủ gấp triệu lần tư bản. 

Về cuộc đấu tranh tư tưởng chính trị, tôi nghĩ những đảng viên như Hà Sĩ Phu, Phan Đình Diệu, Bùi Tín, Lữ Phương đã nói thẳng rất nhiều lần về sự lỗi thời, thô thiển, và cáo chung của chủ nghĩa Marx-Lenin. 

Ông Đỗ Mười ca tụng chủ nghĩa Marx-Lenin bằng cách lặp lại những bài học cũ: Marx, Engels, và Lenin đã phân tích một cách sâu sắc những đặc trưng của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc và chỉ ra cách thức đấu tranh để "giải phóng giai cấp công nhân và vô sản, xóa bỏ áp bức, bóc lột, đàn áp, bất công, và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người." Ông Đỗ Mười đọc thuộc lòng những tài liệu mà là những bài học tẩy não cho tất cả những ai gia nhập đảng cộng sản. 

Tư tưởng chính trị là một chuyện; thực tế là chuyện ngược lại như những gì mọi người hôm nay đã nhìn thấy, bao gồm những nhà khoa học và trí thức trong đảng. Đứng trước trí thức và các nhà khoa học đã từng chỉ trích kịch liệt chủ nghĩa xã hội và những mô hình chủ nghĩa xã hội áp dụng tại Liên Xô và Việt Nam, ông Đỗ Mười giận dữ đập bàn nói: "các cán bộ trong những viện khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, các cán bộ chính trị và văn hóa các anh hãy bày tỏ thái độ và nói thẳng. Tại sao trong mấy năm qua chúng ta ở trong tình trạng dễ bảo như vậy? Chẳng bao lâu chúng ta sẽ càng dễ bảo hơn nữa..." Ông Đỗ Mười nói to: "Chúng ta không thể để cho bọn họ vừa ăn cướp và giết người và vừa la làng." Ai la làng ở đây? Tước đoạt tất cả nhân quyền và quyền công dân của nhân dân, rồi nói rằng "chính quyền ta dân chủ gấp triệu lần." Chỉ điểm đó thôi cũng đủ để cho chúng ta biết ai la làng. 

Ông Đỗ Mười nói: "Một số thành phần xấu đã nói thế kỷ hai mươi là thế kỷ mà cộng sản đã gây ra nhiều vụ giết người nhất trong lịch sử, và vì thế chủ nghĩa cộng sản phải bị chôn vùi." Chủ nghĩa cộng sản chỉ tồn tại 70 năm ở Liên Xô, 45 năm ở Đông Âu, 40 năm ở Việt Nam, tuy nhiên Stalin đã gây ra nhiều vụ thảm sát qua đó sát hại hàng triệu người chỉ vì những nạn nhân vô tội ấy có những ý kiến khác. Ngay ở Việt Nam đây thôi biết bao nhiêu người đã chết và mất ruộng đất trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất; những chiến dịch thanh trừng các nhà văn và trí thức dưới thời Nhân Văn Giai Phẩm; bao nhiêu người bị tù đày và bị hành quyết vì lên tiếng phản kháng đảng. Từ khi dân chủ ở Nga bắt đầu cho đến nay, nhân dân Nga đã vạch trần những vụ khủng bố ở Liên Xô. Hàng ngàn sĩ quan Ba Lan bị thảm sát ở rừng Katyn; cộng sản lúc đầu đổ thừa cho quân Đức vụ thảm sát này, nhưng hôm nay có bằng chứng là Liên Xô đã giết những sĩ quan Ba Lan một năm trước khi quân Đức đến. 

Ông Đỗ Mười hỏi: Ai đã gây ra Thế Chiến thứ nhất và Thế Chiến thứ hai khiến hàng triệu người chết?" Ông Đỗ Mười đã quên rằng trong giai đoạn ban đầu của cuộc Thế Chiến thứ hai Đức đã khai màn thế chiến ấy với sự liên minh của Liên Xô. Hàng triệu người chết vì bom đạn và sự tàn phá của chiến tranh, khác với những vụ cố ý thảm sát hàng triệu nạn nhân vô tội không có vũ khí mà tội của họ chỉ là bất đồng với đảng cộng sản. 

Ông Đỗ Mười buộc tội: "Những thế lực thù địch tố cáo các đảng viên chúng ta độc tài và phản dân chủ." Nhân dân nói như vậy là sai chăng? Hay chúng ta phải gọi dân chủ là độc tài, và độc tài là dân chủ? Những chế độ khác đều có những hạn chế trong một vài lĩnh vực, và chế độ dân chủ trong nhiều lĩnh vực. Ở Việt Nam có sự độc tài trong tất cả mọi lĩnh vực: không có tự do tư tưởng; không có tự do báo chí; không có tự do ngôn luận; không có tự do tôn giáo để các Giáo hội có thể có thẩm quyền về những tổ chức nội bộ của họ, có thể bổ nhiệm tu sĩ, có thể xuất bản những tài liệu tôn giáo; không có tự do đi lại; không có tự do cư trú. Sổ hộ khẩu nhân dân được coi là bản án quản thúc tại gia. Nhân dân phải xin phép mới được dọn đến chỗ mới, nhưng thường "các quan cách mạng" không cho phép. 

Để có bầu cử tự do, các ứng cử viên phải được phép ra tranh cử tự do. Ở Việt Nam cá nhân không được phép ra tranh cử. Mà cho dù có những ứng cử viên như thế thì họ cũng chỉ tồn tại cho mục đích bắt buộc, và/hay những ứng cử viên này sẽ bị loại trước khi bầu cử. Họ bị xử dụng như là những kẻ dọn đường cho các quan cách mạng đã được Đảng chọn thông qua tổ chức mang tên Mặt trận Tổ Quốc. Những điều này là sự thật thế mà chúng ta vẫn được cho là dân chủ, không độc tài, và dân chủ gấp triệu lần ư? Có nhiều người có thể nói ra những điều như thế mà không cảm thấy xấu hổ. Nhà cầm quyền này cũng coi nhân dân như là trẻ con hay tôi tớ phải tuân theo tất cả mệnh lệnh của Đảng. Khi Đảng khẳng định đen là trắng, tất cả mọi người đều phải nhất trí rằng đen là trắng. Điều này thật là đau đớn và nhục nhã vô cùng cho một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến. 

Về nhân quyền, ông Đỗ Mười nói: "Điều thứ nhất trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền là tôn trọng quyền độc lập, chủ quyền, tự quyết của những quốc gia khác." Nhưng quyền độc lập, chủ quyền, và tự quyết được sử dụng cho mục đích gì ngoại trừ mang tự do và hạnh phúc đến cho mọi người? Nếu độc lập nghĩa là khiến cho quốc gia dưới chế độ bạo tàn bị cô lập, không bị bất kỳ sự can thiệp để bảo vệ con người nào từ bên ngoài, thì loại độc lập ấy mang lại lợi ích gì cho nhân dân? Nếu quyền tự quyết do một đảng chính trị tạo ra nhằm áp đặt hệ thống cầm quyền mà vi phạm những quyền căn bản của con người, thì loại tự quyết ấy không dành cho nhân dân. Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) luôn luôn lặp đi lặp lại rằng nhân dân chọn chủ nghĩa xã hội. Nhân dân nào? Một thiểu số áp đặt chủ nghĩa xã hội, và rồi tuyên bố nhân dân đã chọn nó. ĐCSVN nên thực hiện cuộc thăm dò ý kiến tự do để thấy bao nhiêu người tán thành chủ nghĩa xã hội và mô hình xã hội chủ nghĩa hiện nay ở trong nước. Chắc chắn ĐCSVN sẽ không dám. 

Về kinh tế, ông Đỗ Mười nói: "chúng ta đã đi vào thị trường." Thị trường nào? Thị trường tự do tuân theo luật lệ, kỷ luật, và điều lệ, hay "thị trường hỗn loạn" không có điều lệ rõ ràng, mà chỉ có buôn lậu (người người buôn lậu, nhà nhà buôn lậu, cơ quan nào cũng buôn lậu, bao gồm những Ủy ban Nhân dân, chi bộ Đảng chẳng hạn như trường hợp huyện Bình Hót), và tình trạng tham nhũng tràn lan. Theo ông Đỗ Mười, kinh tế cần sự chỉ đạo và can thiệp từ Nhà nước và Đảng. Loại kinh tế ấy chỉ làm lợi cho những người trong chính quyền và những người ở những chức vụ cao, những người có ô dù che chở an toàn. Một loại Mafia đã nổi lên khắp nơi trong nước, khắp tất cả các tỉnh thành, để làm lợi cho họ và ngoại quốc bằng cách dùng tham nhũng để ký kết những hợp đồng bán đứt đất đai, nhà cửa, và xí nghiệp với giá thấp. Những người này đã từ bỏ kinh tế bao cấp thất bại để đuổi theo một cách hỗn loạn kinh tế tự do. 

Ông Đỗ Mười nói về bốn nguy cơ, một khách quan và ba chủ quan, đối với chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam: 

Nguy cơ khách quan là các thế lực thù địch muốn lật đổ chế độ. "Chúng đánh ta, ta đánh chúng lại" (Đỗ Mười nói). Đấy là hoang tưởng. Đây là thời đại mà Đảng cho là thời đại "diễn biến hòa bình". Đảng Cộng sản hiện nay rất sợ diễn biến hòa bình. Đảng có thừa kinh nghiệm đánh nhau bằng súng. ĐCSVN không sợ chiến tranh, mà sợ hòa bình: diễn biến hòa bình. 

Bất kỳ ai mang lại cho nhân dân tự do, hạnh phúc, và những điều tốt đẹp thì nhân dân sẽ theo họ. Nếu đảng cộng sản có thể mang lại cho nhân dân tự do và hạnh phúc tốt hơn người khác, thì có lý do gì đảng phải sợ "diễn biến hòa bình?" 

Về ba nguy cơ khách quan khác, ông Đỗ Mười trước tiên đề cập đến nguy cơ "chệch hướng." Chệch hướng con đường nào? Con đường của nhân dân, hay con đường của đảng? Con đường của nhân dân là con đường đến tự do, dân chủ, tôn trọng sự chính trực cá nhân, tôn trọng nhân quyền và quyền công dân. Con đường của đảng là con đường độc tài chà đạp lên tất cả nhân quyền và quyền công dân. Đảng đang "đi chệch" con đường của nhân dân thế mà ông Đỗ Mười lại gọi con đường của nhân dân là " bị chệch hướng." Có lẽ chúng ta cần định hướng hơn nữa theo con đường độc tài của đảng. Điều này quả thật là nguy cơ chệch hướng hiện có tức là đảng đã không thay đổi để định hướng với nhân dân. 

Nguyễn Trãi, nhà nho-chiến sĩ nổi tiếng, đã nói: "chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân." Đừng sợ kẻ thù sẽ lật thuyền.Ông Đỗ Mười nên tái định hướng mình để đi cùng hướng với nhân dân. 

Về tham nhũng, ông Đỗ Mười than phiền rằng tham nhũng thời nào cũng có, nước nào cũng có. Tham nhũng ở các nước dân chủ không có nhiều, bị vạch trần, và bị đưa ra tòa; kể cả thủ tướng và tổng thống. Ở nước này, tham nhũng tràn lan khắp nơi, trong tất cả mọi lĩnh vực, ở tất cả các cấp. Những viên chức tham nhũng bị kết án chỉ đến cấp bậc nào đấy thôi, trái lại "các quan cách mạng" và những viên chức cấp cao bao che cho cấp dưới của họ buôn lậu và tham nhũng thì vẫn giữ nguyên chức vị hay thậm chí còn được thăng chức. 

Nguy cơ cuối cùng là thiếu tinh thần chiến đấu, và các đảng viên cấp dưới yếu kém. Câu thành ngữ Trung Quốc là "Thượng bất chính, hạ tất loạn." Nếu cấp trên lạm dụng quyền hành và có những hành vi sai trái, thì cấp dưới cũng sẽ lạm dụng quyền hành và có những hành vi sai trái. Các cuộc điều tra ở những xí nghiệp nhà nước sẽ cho thấy đảng viên là những kẻ lạm dụng quyền hành và có những hành vi sai trái, tuy nhiên những kẻ này lại được bầu vào ủy ban chống tham nhũng! Như vậy, làm sao có thể chống tham nhũng theo cách ông Đỗ Mười kêu gọi mãnh liệt? Theo báo đảng mới đây, Đảng đánh tham nhũng, tham nhũng lại tràn lan càng tinh vi hơn. 

Nói chung, bài diễn văn của ông Đỗ Mười không có điểm nào giá trị. Cải cách, nhưng vẫn với giáo điều cũ. Thực tế thì không nhìn thấy, ngày nay mà vẫn còn trích dẫn học thuyết Marx-Lenin như trong quá khứ. Các nước cộng sản sụp đổ đã thật sự mở mắt cho các đảng viên, vì vậy chúng ta có thể cải cách theo sự định hướng của nhân dân. Trong tương lai, nếu các đảng cộng sản ở Nga và Đông Âu có ảnh hưởng đến nhân dân họ, chính vì những đảng này đã cải cách, đã đòi hỏi dân chủ, đa nguyên, tự do, và nhân quyền rất giống như bao đảng khác. 

Nếu muốn tồn tại, Đảng Cộng Sản Việt Nam cần định hướng mình theo nguyện vọng của nhân dân, cần chấp nhận dân chủ, tôn trọng sự chính trực cá nhân, tôn trọng nhân quyền và quyền công dân, và chấp nhận đa nguyên. 

*

Nguồn

Dịch từ Vietnam Journal năm 1995. 


Người dịch:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo