Thảo Dân (Danlambao) - Để tưởng nhớ nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh
“Kiếp nào có yêu nhau” là tựa một bài thơ có thể xếp vào hạng tuyệt tác của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, người vừa từ giả chúng ta lúc 2 giờ 19 phút chiều ngày 9 tháng 6 năm 2018 tại bệnh viện Huntington Valley Healthcare Center, Huntington Beach, Hoa Kỳ.
Bài thơ này đã được Phạm Duy- nhạc sĩ thiên tài của dân tộc, người đã ra đi trước đó nhiều năm (chiều ngày 27 tháng 1 năm 2013 lúc 14 giờ 45 tại bệnh viên 115 Sài Gòn), phổ nhạc và nhanh chóng trở thành một nhạc phẩm nổi tiếng.
Thi phẩm “Kiếp nào có yêu nhau”
Có nhiều thi sĩ hay nhưng không có nhiều thi sĩ sáng tạo. Trần Dạ Từ và Minh Đức Hoài Trinh là hai trong số ít ỏi ấy.
Trần Dạ Từ đã gọi người yêu một thời là “người đi qua đời tôi” (Thi phẩm “Bài thơ cũ của nàng”); còn Minh Đức Hoài Trinh đã nói lên ước vọng tái họp của đôi lứa phải chia lìa vĩnh viễn ở kiếp nầy bằng cụm từ “kiếp nào có yêu nhau” (Hơn thế nữa, cụm từ “kiếp nào có yêu nhau” không chỉ là lời hẹn ở kiếp sau)
Trước hai thi sĩ ấy, không ai có cách diễn đạt như vậy; sau họ, nếu có người nào phát biểu như vậy sẽ bị coi là bắt chước.
Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi
Cũng thốt lên từ tâm trạng hờn giận nhưng không phải là lời xua đuổi như “Thôi anh đi về đi...” của Nhạc sĩ Lam Phương (ca khúc Nghẹn ngào); “Anh đừng nhìn em nữa” hàm chứa sự tiếc nhớ đối với người yêu đang ra đi dù thiếu nữ thốt lên câu nói đã nhận biết đóa hoa tình yêu đã phai nhạt trong lòng người mình yêu.
Câu thơ thứ ba “Còn nhìn em chi nữa” khiến câu đầu thêm hay và bộc lộ nữ tính, cá tính của thiếu nữ trong thơ.
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ
Ở khổ thơ thứ hai, Minh Đức Hoài Trinh đã chuyển chủ từ “em” sang “ta”. Nữ sĩ cho thấy thiếu nữ không “đối thoại” với người yêu mà với chính mình, trong cô đơn, cô độc.
Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở
Thiếu nữ giờ cô độc, cô đơn, không biết người yêu đang ở chốn nào, đành nhờ chim nhắn gởi.
Đáng chú nhất trong khổ thơ này là câu thơ cuối; câu thơ gợi cho người đọc hình ảnh một chiếc giường trong căn phòng lạnh lẽo giữa đêm, thiếu nữ nằm co chân, mái tóc xõa tung và nước mắt nàng hoen trên gối trắng: chiếc gối êm ái ngày nào giờ trở thành chiếc gối sầu!
Đọc thơ tình, tôi chưa bao giờ đọc “Hoa xanh tận nghìn sau,Tình xanh không lo sợ”.
Người yêu nhau nồng nàn, sâu đậm dễ có ý nghĩ không thể sống nếu thiếu nhau; tỷ như chỉ có một lý do duy nhất khiến họ sống trên đời: để yêu và được yêu. Chính vì lẽ ấy dù tình yêu có gặp trắc trở hay không, họ rất lo sợ sự chia lìa. Nếu yêu nhau chỉ màng giây phút hiện tại thì không sao; nhưng nghĩ đến ngày mai họ dễ nhận ra họ không hề biết chắc ngày mai sẽ thế nào (thực ra ai biết chứ? bởi ngày mai chưa đến!) Và sự lo sợ xuất hiện: cha mẹ hai bên có chấp nhận, một người thứ ba sẽ chen vào, một bất trắc xảy ra. Hoặc sự thay lòng đổi dạ. (Mấy ai lấy thước mà đo lòng người!) Sự lo sợ khiến tình yêu mong manh. Mà sự mong manh của bất cứ thứ gì dù là vật chất hay tình cảm khiến thứ ấy trở nên quý giá hơn! Tình yêu, như thế, tựa chiếc bình pha lê trên tay, ta luôn sợ làm nó vỡ.
Thế nhưng hai câu thơ “Hoa xanh tận nghìn sau, Tình xanh không lo sợ” lại có ý là “hoa nào xanh đến tận nghìn sau, tình nào mà không lo sợ”!.
Đọc cả khổ thơ thứ tư, ta thấy rõ ý ấy:
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
Ở khổ thơ cuối, nữ sĩ viết:
Lệ nhoà trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi
Người yêu thơ có thể nghĩ gì về hai câu cuối?
Có phải rằng lúc còn bên nhau hai người đã từng uống rượu cùng nhau (sao lại không chứ?); bây giờ chia lìa, thiếu nữ quá khổ đau tìm đến quán rượu xưa, uống một mình. Hình ảnh ấy nêu lên mức độ tột cùng của sự chua xót; rất là ước lệ.
Nhưng rượu ở đây là rượu yêu. Nữ sĩ gọi tình yêu là rượu. Rượu này khi tình yêu còn nồng nàn có vị ngọt; khi tan vỡ thì vị ngọt biến thành cay, và đắng. Trong thơ, thiếu nữ đang thất tình nên nàng đã nhấp phải vị cay đắng. Và điều xót xa hơn là nàng đã uống cạn ly rượu tình cay đắng ấy một mình.
Ngoài Minh Đức Hoài Trinh, có ai gọi tình yêu là rượu yêu?
“Kiếp nào có yêu nhau” có những câu thơ hay. Mời bạn đọc lại cùng tôi những câu thơ này:
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
“Kiếp nào có yêu nhau” có những ẩn dụ lạ, đặc sắc :
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ
...Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi
Không khí thơ thấm đẫm vị chua xót: Anh đừng nhìn em nữa, Hoa xanh đã phai rồi, Còn nhìn em chi nữa, Anh đâu, anh đâu rồi...
Hình ảnh, màu sắc trong thơ đẹp và u buồn: Hoa xanh đã phai rồi, Trăng mùa thu gãy đôi, Chim nào bay về xứ, Hoa đời phai sắc tươi, Đêm gối sầu nức nở, Lệ nhoà trên gối trắng.
“Kiếp nào có yêu nhau” là bài thơ 5 chữ, vần gieo ở từ cuối câu, khổ thơ đầu trắc/bằng/trắc/bằng; 3 khổ giữa chuyển sang bằng/trắc/bằng/trắc, khổ cuối lại chuyển trắc/bằng/trắc/bằng; vì vậy nhịp điệu khoan, nhặt trở nên lạ không làm người đọc có cảm giác đều đều dễ chán.
Kiếp nào có yêu nhau của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh là bài thơ tình hay nhất mà một nhà thơ nữ từng làm, và là một trong những bài thơ tình hay nhất nói chung.
Đôi khi thi sĩ chỉ cần một tác phẩm là đủ để được lưu tên tuổi trong lòng người yêu văn nghệ; “Kiếp nào có yêu nhau” của Minh Đức Hoài Trinh - theo tôi, ở vào trường hợp ấy.
Ca từ “Kiếp nào có yêu nhau”
Phạm Duy là nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam. Ông có nhiều ca khúc phổ thơ rất hay; thí dụ Em hiền như Ma Soeur (thơ Nguyễn Tất Nhiên), Mùa thu chết (ý thơ: Apollinaire), Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên Thư), Thà như giọt mưa (thơ Nguyễn Tất Nhiên), Thuyền viễn xứ (thơ Hà Huyền Chi), Hai năm tình lận đận (thơ Nguyễn Tất Nhiên), Ngậm ngùi (thơ Huy Cận).
Khi phổ nhạc một bài thơ, nhạc sĩ thường thay đổi thêm, bớt từ cho phù hợp với giai điệu nhạc. Cũng có trường hợp nhạc sĩ giữ được nguyên văn nhưng rất ít; thí dụ “Ngậm ngùi” của thi sĩ Huy Cận do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc; “Tình quê hương” của nhà thơ Phan Lạc Tuyên do nhạc sĩ Đan Thọ phổ nhạc
Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc “Kiếp nào có yêu nhau” của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh thế nào?
Toàn bài, Phạm Duy chỉ giữ nguyên văn 3 câu thơ (“Hoa xanh đã phai rồi”, “Kiếp nào có yêu nhau”, “Anh đâu anh đâu rồi?”)
Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi nhăn (?) đã quên cười.
Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ.
Trong ca khúc nhiều câu được lập đi lập lại: Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi; Gặp người chăng, gặp người chăng; Anh đâu anh đâu rồi? Anh đâu anh đâu rồi?; Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi; Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi .
Chính vì không còn giữ khuôn khổ thơ 5 chữ và có sự lập đi lập lại kể trên, ca khúc có không khí khác với thơ: Không xót xa bằng thơ nhưng tha thiết hơn thơ.
Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi?
Trong thi phẩm chỉ có 2 lần thiếu nữ kêu lên “đừng nhìn em”; nhưng trong ca khúc có đến 5 lần nàng van nài “Đừng nhìn em nữa” (gồm 3 lần rõ, 2 lần tuy không rõ nhưng ý thì rõ).
Đặc biệt nhạc sĩ đã thêm 2 lần nàng thốt lên “đừng nhìn nhau”.
“Nhìn nhau” có nghĩa hai người đối mặt, ánh mắt chạm nhau. Khi yêu nhau, người ta nhìn nhau say mê, đắm đuối. Đôi khi chỉ nhìn nhau là đủ: “Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời” (“Tự tình dưới hoa”, thơ Đinh Hùng) Chẳng thế mà nhà văn Saint Exupery có câu “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng”.
Khi hờn dỗi, phụ nữ thường ngoảnh mặt, không thèm nhìn đối phương.
Trong thơ Minh Đức Hoài Trinh không hề có câu “đừng nhìn nhau” vì thiếu nữ đang giận, đang xót đau; nàng cho rằng tình họ tan vỡ do lỗi người yêu, nàng "không thèm" nhìn chàng , thậm chí không muốn chàng nhìn mình.
Vì thế câu "Đừng nhìn nhau nữa anh ơi" có vẻ như vô lý. Phải chăng nhạc sĩ nghĩ rằng thiếu nữ tuy hờn trách, nhưng vì nàng vẫn còn yêu nên vẫn nhìn chàng; cho thấy tình cảnh thêm trớ trêu, chua xót?
Đừng nhìn nhau nữa anh ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi
Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi
Nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa... anh ơi!
Vậy là không thấy nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào ca khúc 2 câu thơ cuối rất hay của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh “Rượu yêu nồng cay đắng, Sao cạn mình em thôi”.
Chắc vì không hợp với giai điệu; giống như trường hợp phổ nhạc bài thơ “Tự tình dưới hoa” của thi sĩ Đinh Hùng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã bỏ đi nhiều câu thơ trong đó có 2 câu rất hay “ Mùi phấn em thơm mùa hạ cũ, Nửa như hoài vọng nữa như say”
Đành vậy.
Nhưng sao nhạc sĩ Phạm Duy lại thêm câu “Nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời?”